Rất nhiều marketer khi đưa ra chiến lược digital marketing cho năm tới đều có cùng ý tưởng như xem lại những gì đã làm từ năm trước, sáng tạo marketing thông qua các kênh khác nhau, tìm cách tăng chuyển đổi, v.v. Tuy nhiên, họ đều có chung xu hướng bỏ qua một trong những thành phần quan trọng (và cũng dễ bị bỏ quên) nhất của digital marketing – đó là trải nghiệm người dùng (UX). Dưới đây chúng tôi sẽ đưa ra các lý do tại sao bạn cần quan tâm đến UX.

(nguồn hình ảnh: Internet)


TẠI SAO TRẢI NGHIỆM NGƯỜI DÙNG LẠI QUAN TRỌNG


Nếu bạn suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này, bạn sẽ nhận ra rằng, trải nghiệm người dùng là một trong những yếu tố quan trọng nhất để tăng tỉ lệ chuyển đổi, tăng lượt chia sẻ cũng như các hành vi tương tác tích cực khác của người dùng. Người dùng đưa ra quyết định về thương hiệu dựa trên những thứ ảnh hưởng đến họ ngay lập tức, như tốc độ tải trang, hình ảnh có load kịp hay không, số lượng và loại quảng cáo họ gặp phải, khả năng dễ dàng truy cập và chuyển hướng, v.v.


Trước cả khi tiếp cận tới bất kỳ nội dung hoặc sản phẩm nào của một thương hiệu trên website, người dùng đã gặp phải các yếu tố về vấn đề thiết kế trang web và trải nghiệm người dùng như trên. Điều này có nghĩa là trải nghiệm người dùng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc quyết định xem người dùng sẽ ở lại trên website của bạn bao lâu.


Một nghiên cứu thực tế đã chỉ ra điều tương tự:

  • 39% người dùng sẽ ngừng tương tác với trang web nếu hình ảnh không tải được hoặc tải quá lâu. (theo Adobe)
  • 38% người dùng sẽ ngừng tương tác với một trang web nếu nội dung/bố cục không hấp dẫn. (theo Adobe)
  • Sau khi truy cập vào website của một công ty thông qua một trang web giới thiệu, 50% khách truy cập sẽ sử dụng trình tự điều hướng. (theo KoMarketing)
  • 44% khách truy cập trang web sẽ rời khỏi website của công ty nếu trên website không có thông tin liên hệ hoặc số điện thoại. (theo KoMarketing)


Nếu bạn xem xét kỹ hơn thống kê này, bạn sẽ nhận ra một thông điệp vô cùng rõ ràng: Trải nghiệm người dùng và thiết kế website tạo ấn tượng ngay lập tức cho người dùng cũng như quyết định sự quan tâm và tương tác của người dùng với thương hiệu trong tương lai.


TẠI SAO UX THƯỜNG BỊ BỎ QUA?


Đó là do tâm lý digital marketing thì cần chú tâm đến sản xuất nhiều hơn. Nhiều chiến dịch hơn, nhiều nội dung hơn, tương tác nhiều hơn, nhiều chuyển đổi hơn – phần lớn tập trung vào việc tăng sự hiện diện của thương hiệu nhiều hơn, trong khi đó UX trông có vẻ như nằm “bên lề” của thương hiệu. Đó là vì UX làm việc với những gì đã có, là trang web, ứng dụng hay bất kỳ loại hiện diện trực tuyến nào khác.


So với sản xuất nội dung hoặc tạo chiến dịch quảng bá, UX có thể sẽ hơi xa lạ với những người mới làm quen với digital marketing. Nhiều thương hiệu thường nghĩ rằng việc xây dựng website ban đầu đã giải quyết được vấn đề trải nghiệm người dùng rồi, hoặc trải nghiệm người dùng và việc thiết kế website hoàn toàn phụ thuộc vào nhà phát triển trang web. Vì những lý do này, UX thường có xu hướng bị các thương hiệu quên mất và bỏ qua, thay vào đó họ tập trung nhiều hơn vào những thứ mang lại kết quả tức thì và dễ dàng nhìn thấy hơn (như quảng cáo Google, SEO, content marketing, v.v.).


BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ


(nguồn hình ảnh: Internet)


Điều tốt nhất bạn có thể làm là kiểm tra UX website của bạn để có được insight quan trọng về đối tượng mục tiêu, trải nghiệm thương hiệu và cả điểm yếu của bạn. Trái ngược với quan điểm mà nhiều người tin vào, rằng kiểm tra UX phải do đơn vị bên ngoài thực hiện, bạn có rất nhiều cách để tự mình thực hiện và nghiệm thu kết quả mà không tốn quá nhiều tiền. Dưới đây là một vài nguồn mà bạn có thể sử dụng.


1. HubSpot: 


Ngay cả khi bạn không định xem xét việc thiết kế lại website, việc thử nghiệm vẫn mang lại cho bạn một số lợi ích nhất định. Bằng cách kiểm tra thiết kế website hiện tại, bạn có thể tìm ra được khu vực nào trên trang web đang gây cản trở cho quá trình chuyển đổi của bạn và đâu là điểm đối thủ cạnh tranh của bạn đang làm tốt hơn. HubSpot có một hướng dẫn về 7 bài kiểm tra khác nhau mà bạn có thể làm để xem lại UX của mình và khám phá những gì cần thay đổi.


2. Moz: 


Nếu tất cả những khái niệm về UX là điều hoàn toàn mới mẻ đối với bạn, thì những hướng dẫn chi tiết giúp phân biệt giữa SEO và UX của Moz Academy sẽ là một cẩm nang chỉ hướng tuyệt vời dành cho bạn. Nó sẽ hướng dẫn bạn những nguyên tắc cơ bản và tốt nhất. Sau đó bạn có thể tìm hiểu thêm về chủ đề này và tìm hiểu cách làm bài kiểm tra website của riêng bạn thông qua nhiều tài nguyên của Moz về thiết kế và UX.


3. Creative Insights: 


Creative Insights có một loạt serie hai phần dành cho những người mới bắt đầu và có hiệu quả cao trong việc kiểm tra UX và thiết kế website. Phần thứ nhất và Phần thứ hai đều có thể được tìm thấy trên kênh phương tiện truyền thông của họ và cả hai đều cung cấp các phương pháp tiếp cận cũng như cách thực hành theo từng bước chi tiết để đánh giá UX của bạn.


LƯU Ý DÀNH CHO BẠN


Một trải nghiệm người dùng tốt sẽ góp phần tạo ra một chiến lược digital marketing thành công và tạo sự tương tác trực tuyến thân thiện với người dùng. Tất cả mọi biện pháp tối ưu hóa hay lưu lượng truy cập trên thế giới đều sẽ không làm bất kỳ một trang web nào tốt lên nếu nó không thể tạo ra chuyển đổi. Đó là lí do khiến cho một trải nghiệm người dùng tích cực trở nên cực kỳ giá trị. Hãy lưu ý đến trải nghiệm người dùng và đưa nó vào danh sách ưu tiên trong các chiến lược digital marketing trong năm tới của bạn.


Phan Đông Giang tổng hợp

#phandonggiang

Nguồn: SAGA

Nguồn bài viết: https://lammarketing.edu.vn/trai-nghiem-nguoi-dung-yeu-to-thuong-bi-bo-qua-trong-digital-marketing/