Nửa đầu 2022, thông tấn thế giới lần lượt đưa tin: “Các hộ gia đình bỏ ăn trưa vì lạm phát" (CNBC), “Giá đồ ăn và nhiên liệu tăng cao kỷ lục tại Mỹ" (BBC), “Lạm phát khiến người tiêu dùng không dám mạnh tay mua… tã và dầu gội" (Bloomberg). Nếu có một kết luận rút ra từ những tít báo này, chắc có lẽ là ngành hàng FMCG đang phải rón rén trước lạm phát. 


Trong báo cáo xuất bản tuần này, Nielsen kết luận thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi kể từ khi xuất hiện lạm phát. Lượng hàng hoá lẫn số tiền chi tiêu đều bị cắt giảm, nhất là đối với mặt hàng đóng gói và đồ gia dụng. Một báo cáo khác từ công ty nghiên cứu thị trường The NPD Group cho thấy: Cứ 10 người tiêu dùng thì đã có 8 người bỏ lại hàng hoá lên kệ sau khi xem xét. “Trong 3 đến 6 tháng tới, người tiêu dùng sẽ cân đo đong đếm giữa mong muốn cá nhân và sự eo hẹp của ví tiền", Marshal Cohen, Trưởng cố vấn ngành hàng bán lẻ tại NPD nói. 


Cứ 10 người tiêu dùng thì đã có 8 người bỏ lại hàng hoá lên kệ sau khi xem xét.


Khi doanh thu có dấu hiệu sụt giảm, IPA (Hiệp hội Quảng cáo) dự đoán sẽ có đợt cắt giảm chi tiêu cho các hoạt động tiếp thị diễn ra trong thời gian tới. Trên thực tế, khảo sát của IPA đang chứng minh dự đoán này là đúng sự thật, khi các nhà tiếp thị FMCG duy trì chi tiêu trong quý này, nhưng lại cắt giảm ngân sách cho các quý còn lại và của cả năm sau. 


Liệu đây có phải là thực tế chi tiêu của các thương hiệu ngành hàng mua sắm tiêu dùng? Dưới đây là chia sẻ đến từ lãnh đạo của P&G, Coca-Cola, Unilever và Diageo. 


P&G


Giám đốc điều hành của P&G Jon Moeller cho biết danh sách những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt trong những năm tới là “dài vô tận". Theo chia sẻ của ông, trong 3 tháng 4, 5, 6, P&G đã tăng giá các mặt hàng lên khoảng 8% và giảm lượng sản phẩm chênh lệch 1%. Doanh thu bán hàng tổng kết của 3 tháng này là 19,52 tỷ đô la, tăng 3% so với 2 tháng đầu năm. 


Những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt trong những năm tới là “dài vô tận".


P&G cho biết con số doanh thu ở trên một phần là nhờ vào quảng cáo. “Hơn 50% chi tiêu tiếp thị của P&G là cho các kênh kỹ thuật số. Chúng tôi cố gắng nhắm mục tiêu tốt hơn để tăng hiệu quả bán hàng”, Jon Moeller nói. The Drum cho biết rằng trong giai đoạn biến động này, P&G lại nhận ra tăng chi tiêu cho quảng cáo thì đem lại nhiều lợi ích hơn là giảm chi tiêu. “Chúng tôi muốn vượt qua lạm phát bằng sự đổi mới trong tiếp thị, chứ không phải bằng cách tiết kiệm", Jon Moeller chia sẻ.  


Coca-Cola


Doanh thu của Coca-Cola trong quý hai đã tăng 12% so với một năm trước, tương đương 11,3 tỷ đô la. Trước con số khả quan, Giám đốc điều hành James Quincey cho biết ông vẫn chưa nhận thấy dấu hiệu cắt giảm chi tiêu của người dùng. Ông lý giải rằng có lẽ khách hàng sẽ muốn tiết kiệm ở các mặt hàng có giá trị lớn hơn, sau đó mới bắt đầu áp dụng chính sách “thắt eo buộc bụng" đối với các mặt hàng thực phẩm giải khát như Coca-Cola. 


Coca-Cola muốn tập trung nâng cao tiêu chuẩn và mở rộng phạm vi khách hàng kể cả trong giai đoạn lạm phát. 


Mặc cho dự đoán của IPA về cắt giảm chi tiêu, Coca-Cola lại bất ngờ hợp tác với agency WPP để lên chiến lược tiếp thị (phạm vi toàn cầu), đồng thời tăng mức chi tiêu cho các hoạt động quảng cáo trong thời gian tới. “Họ muốn tập trung nâng cao tiêu chuẩn và mở rộng phạm vi khách hàng kể cả trong giai đoạn lạm phát", The Drum viết. 


Unilever


Tình hình doanh thu lại có vẻ không mấy khả quan đối với tập đoàn Unilever. Giá sản phẩm niêm yết đã tăng 11% trong quý thứ hai, đi kèm với đó là doanh số bán hàng giảm 2,1% do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu hoặc chuyển sang dùng mặt hàng của các thương hiệu khác. 


Giám đốc điều hành Alan Jope mô tả Unilever đang trải qua thời kỳ “chưa từng có” trong lịch sử. Công ty phải xoay sở để chống chọi với lạm phát, chịu áp lực chuỗi cung ứng vì tình hình chính trị thế giới biến động, lợi nhuận thì tăng giảm thất thường buộc Unilever phải thắt chặt bảng giá. 


Giám đốc điều hành Alan Jope mô tả Unilever đang trải qua thời kỳ “chưa từng có” trong lịch sử. 


Thế nhưng, trái ngược với dự đoán của IPA, càng sụt giảm doanh thu thì Unilever lại càng tăng chi tiêu quảng cáo để giữ chân người dùng. Trong nửa đầu 2022, gã khổng lồ FMCG đã “rót” thêm vào quảng cáo 200 triệu euro, nâng tổng đầu tư vào thương hiệu và tiếp thị lên 3,7 tỷ euro tính tới thời điểm này. Thậm chí, thương hiệu còn lên hẳn một kế hoạch đầu tư dài hơi cho hoạt động quảng bá từ đây cho tới cuối năm.


Diageo


Theo thông báo của Diageo, doanh thu của hãng đã tăng 21,4% trong 3 tháng 4,5,6 nhờ lợi nhuận thu được từ mặt hàng rượu whisky, tequila và bia. The Drum cho biết Diageo cũng đã tăng khoản đầu tư tiếp thị lên 24,7%, đưa tổng chi tiêu quảng cáo của hãng lên 2,72 tỷ bảng trong năm (so với 2,16 tỷ bảng vào năm 2021).


Diageo nhân dịp này muốn đầu tư mạnh tay cho quảng cáo để chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường. 


Trước “khả năng cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng,” Giám đốc điều hành Ivan Menezes đã quyết tâm “nhân dịp này đưa Diageo trở thành cái tên chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường FMCG". “Việc đầu tư mạnh tay và nhất quán vào quảng cáo cho phép chúng tôi củng cố hình ảnh thương hiệu, tự tin hơn trong việc tăng giá và tăng số lượng sản phẩm có mặt trên thị trường", Ivan Menezes nói. 


Nguồn The Drum 

Hằng Trần/Advertising Vietnam