Theo Trung tâm Luật Báo chí Sinh Viên (SPLC) có trụ sở tại Washington, Mỹ, một tổ chức sinh viên gần đây đã nhận được thư yêu cầu nộp 5.000 USD tiền vi phạm bản quyền sau khi sử dụng hình ảnh miễn phí từ trang web Creative Commons (CC). 


Nhóm sinh viên đã sử dụng hình ảnh ống tiêm y tế trong một bài viết có chủ đề về Covid-19. Sau khi tải ảnh stock miễn phí từ một website Creative Commons, họ đã ghi nguồn chi tiết cho nhiếp ảnh gia. Nhưng có một điều luật trong giấy phép yêu cầu rằng: người dùng sử dụng hình ảnh phải dẫn đường link đến một trang đích cụ thể trên website của tác giả, đồng thời ghi những điều khoản về giấy phép trong dữ liệu của ảnh. Trung tâm Luật Báo chí Sinh Viên kết luận: “Điều này đồng nghĩa với việc, nhóm sinh viên đã không tuân thủ chặt chẽ các điều khoản cấp phép và phải bồi thường cho nhiếp ảnh gia này khoản tiền lên đến 5.000 USD”.


Creative Commons là một tổ chức phi chính phủ giúp hàng triệu người dùng tiếp cận kho hình ảnh miễn phí từ các tác giả trên khắp thế giới


Các website Creative Commons như Wikimedia, Flickr, Pixabay,... là những kho hình ảnh khổng lồ mà người dùng có thể sử dụng miễn phí trong điều kiện họ tuân thủ giấy phép Creative Commons - loại giấy phép bản quyền công khai, bao gồm các điều khoản mà tổ chức Creative Commons đã đồng thuận với nhiếp ảnh gia để cấp phép sử dụng ảnh miễn phí cho người dùng. Các điều khoản trong giấy phép thông thường chỉ yêu cầu người dùng trích dẫn cụ thể tên của nhiếp ảnh gia, không thay đổi đáng kể hình ảnh gốc hoặc không sử dụng cho các hoạt động thương mại. Tuy nhiên, Trung tâm Luật Báo chí Sinh Viên (SPLC) cảnh báo người dùng không nên chủ quan mà phải dành thời gian để đọc kỹ và tuân thủ các yêu cầu về giấy phép nhằm tránh vi phạm bản quyền.


“Một số nhiếp ảnh gia và công ty chủ quản đang cố tình lợi dụng để đưa vào các điều khoản cấp phép rất cụ thể hoặc phức tạp mà họ tin chắc rằng người dùng sẽ không tuân thủ. Đó là một cái bẫy. Mà một khi người dùng rơi vào cái bẫy này, thư đòi tiền bản quyền sẽ sớm xuất hiện” - Trung tâm Luật Báo chí Sinh Viên cho biết. 


Theo Student Press Law Center

Lý Tú Nhã | Advertising Vietnam