"Trì hoãn giấc ngủ" (Bedtime Procrastination) được công bố lần đầu tiên trên tạp chí khoa học Frontiers in Psychology vào năm 2014. Thuật ngữ này dùng để thể hiện sau khi trải qua một ngày dài làm việc, nhiều nhân sự có xu hướng thức khuya hơn để làm những việc mình thích.


Tuy được thỏa mãn sở thích riêng nhưng "hậu quả" là nhân sự thường có dấu hiệu mệt mỏi hơn vào ngày hôm sau. 


Tự nguyện giảm giờ ngủ để làm việc mình thích


"Trì hoãn giấc ngủ" là hiện tượng mọi người cố gắng thức khuya, ngủ muộn để làm những việc mà họ không thể làm vào ban ngày. Nói đơn giản hơn, đó chính là việc một số người chấp nhận đánh đổi thời gian ngủ để thỏa mãn những sở thích cá nhân. Sau khi xuất hiện vào năm 2014, thuật ngữ này đã được phát triển thành "trì hoãn giấc ngủ để trả thù", miêu tả những người lao động làm việc 12 tiếng một ngày sẽ có xu hướng "hy sinh" giấc ngủ để có thêm thời gian cho bản thân.


Khoảng thời gian màn đêm buông xuống là lúc nhân sự được thỏa mãn sở thích cá nhân. Chị Minh Đoàn - Copywriter tại DDB Vietnam cho biết: "Đôi khi mình sẽ thức đêm cày phim nếu phim đó thực sự hấp dẫn. Có lúc mình sẽ xem hết 5, 6 tập phim trong một đêm."


Về phía anh Phước Nguyễn - Senior Creative tại Dentsu Redder, anh chia sẻ ban đêm anh nhất định phải thực hiện hai bước ru ngủ "thần thánh" là chơi game 30 phút và xem TikTok một tiếng.


Anh Phước Nguyễn cho biết anh phải xem TikTok một tiếng và chơi game 30 phút trước khi ngủ


Thậm chí, thời gian ban đêm còn quý giá hơn đối với một Intern vừa học vừa làm. Ngô Minh - Strategic Planning Intern tại Dentsu McGarryBowen bày tỏ: "Ngoài giờ làm việc tại công ty thì mình còn phải dành thời gian đi học trên trường nữa. Do đó, mình sẽ có thói quen thức khuya một chút để làm những việc mình thích rồi mới đi ngủ. Thói quen mỗi ngày của mình cũng khác nhau, có hôm mình sẽ dành 2, 3 tiếng để xem một phim, có hôm chỉ đơn giản là nằm nghe nhạc hoặc gọi điện với bạn bè."


Không đơn thuần chỉ là thỏa mãn sở thích cá nhân, thức khuya cũng là một "biện pháp" để nhân sự cải thiện tâm trạng, tránh những vấn đề cần lo nghĩ và căng thẳng trong cuộc sống. Anh Phước Nguyễn lý giải rằng cả anh hay những người xung quanh đều lấy "thời gian chìm đắm vào sở thích riêng trước khi đi ngủ" làm động lực để hoàn thành công việc của một ngày.


Làm việc tại agency là "may mắn" của những cú đêm


Bạn Ngô Minh tiết lộ giờ đi làm thông thường của các agency rơi vào khoảng 9h hoặc 9h30. Do đó, các nhân sự có thể ngủ muộn hơn để làm những việc mình thích. 


"Thông thường, mình thức khuya một là do phim hay, hai là do làm ở agency thì giờ giấc khá thoải mái. Vì thế, nhân sự có thể thức dậy và đi làm trễ hơn một chút cũng không thành vấn đề", chị Minh Đoàn cho biết mọi hình thức giải trí theo sở thích cá nhân đều là cách giải tỏa năng lượng xấu sau một ngày dài làm việc. "Việc giải trí không quan trọng là nó diễn ra vào khoảng thời gian nào trong ngày. Nếu như nhân sự bận rộn cả ngày thì quỹ thời gian ban đêm, chúng ta nên dành thời gian làm những việc mình yêu thích", chị nói thêm.


Bên cạnh giờ giấc làm việc thoải mái, một điểm "may mắn" nữa của các "cú đêm" ngành Quảng cáo chính là khối lượng công việc khá linh hoạt. "Khi làm việc tại agency, có ngày nhân sự sẽ phải đảm nhận khối lượng công việc rất lớn, tuy nhiên cũng có ngày công việc ổn định, 'dễ thở' hơn. Vì thế, nhân sự có thể ‘tự thưởng’ cho bản thân bằng cách làm những việc mình thích. Điều này cũng giúp cân bằng giữa cuộc sống và công việc (work life balance)", bạn Ngô Minh chia sẻ.


Ngô Minh cho biết agency thường bắt đầu làm việc từ 9h hoặc 9h30


Sở thích cá nhân quan trọng, nhưng nhân sự cũng cần ưu tiên giấc ngủ


Đại học Amsterdam (Hà Lan) đã thực hiện một thí nghiệm với 71 nhân sự làm việc trong nhiều lĩnh vực. Theo đó, nhóm nghiên cứu yêu cầu họ phải ghi lại lịch trình hàng ngày của mình vào một cuốn nhật ký. Từ những thông tin, nhóm nghiên cứu sẽ xem xét khả năng hoàn thành mục tiêu và hiệu suất công việc của nhân sự. Kết quả, những người tham gia có thời gian ngủ càng ngắn thì càng ít hoàn thành mục tiêu vào ngày hôm sau hơn. Qua đây, các nhà nghiên cứu nhận ra một mối quan hệ mật thiết giữa chất lượng giấc ngủ và sự trì hoãn, đặc biệt đối với những người có khả năng làm chủ bản thân thấp.


Từ góc nhìn của bản thân, chị Minh Đoàn cho rằng nhân sự nên ưu tiên giấc ngủ thay vì sở thích cá nhân: "Không nhất thiết phải làm những hoạt động theo sở thích cá nhân mới là xả stress. Nhân sự có thể lựa chọn ưu tiên giấc ngủ vì ngủ cũng là một hình thức giải tỏa căng thẳng tốt."


"Nhân sự nên ưu tiên giấc ngủ thay vì sở thích cá nhân", chị Minh Đoàn nói


Bạn Ngô Minh bày tỏ việc có sở thích cá nhân sẽ giúp nhân sự có cuộc sống cân bằng. Tuy nhiên, nhân sự nên tính toán giờ đi ngủ sao cho hôm đó vẫn có thể ngủ đủ giấc. Điều này sẽ giúp nhân sự không phải chịu sự mệt mỏi hay làm giảm hiệu suất công việc vào ngày hôm sau. "Hoặc nhân sự có thể áp dụng nguyên tắc bù trừ để cân bằng giữa sở thích và giấc ngủ. Ví dụ như hôm trước nhân sự phải dành 100% thời gian và công sức đầu tư cho công việc thì khi khối lượng công việc đã ổn định hơn, nhân sự có thể dành thêm thời gian để thỏa mãn sở thích cá nhân", bạn Ngô Minh nói.


Ngoài ra, chị Minh Đoàn cho biết nhân sự có thể kết hợp sở thích cá nhân với công việc vào ban ngày. "Tính chất môi trường agency khá linh hoạt nên mình hay 'work from cafe' (làm việc tại quán cafe) để vừa làm việc, vừa thỏa mãn sở thích đi khám phá những quán cafe đẹp của bản thân", chị cho biết.


Content: Kim Ngọc

Design: Huy Mai