1. Cần lưu ý trước khi đọc một số quan điểm người viết: 

- Năng lực sáng tạo: Phạm vi đề cập trong bài bao gồm công việc sáng tạo phục vụ mục tiêu kinh doanh, xây dựng thương hiệu, đề cập đến sự kết hợp thú vị giữa kỹ năng tưởng tượng bay bổng sáng tạo và mindmapping tổng hợp logic.  

- Năng lực truyền thông: Đề cập đến truyền thông - giao tiếp giữa người với người nói chung (trong công việc và quảng cáo), tập trung vào vấn đề nan giải nhất là phương tiện truyền tải thông điệp có dễ tiếp nhận chưa? làm như thế nào để đơn giản hơn nữa? 

- Năng lực viết lách: Viết giới thiệu, viết quảng cáo, viết tường thuật, viết báo chí, … tất cả mọi thế loại viết lách đều cần những kỹ năng “cầm bút” thực tế như: Làm sao để viết nhanh những suy nghĩ trong đầu ra trang giấy, màn hình laptop? Hay làm sao để hiệu chỉnh bài viết tốt nhất, đơn giản mạch lạc nhất để người đọc có thể tiếp thu nhanh gọn. 


2. Bộ đôi Sáng tạo không giới hạn:   

Giới thiệu: Làm sao khai thác nguồn ý tưởng vô tận? câu hỏi hàng nghìn người nghĩ đến mỗi ngày, thật ra đáp án không khó, đã có quá nhiều công cụ cho từng ngành nghề truy xuất dữ liệu để giúp đưa ra giải pháp, ý tưởng. Tuy nhiên để thực sự nghĩ ra được những thứ bản thân hài lòng, phải đến từ tâm trí của chính bạn. Việc luyện tập nó ra sao, trong mỗi trường hợp cần sáng tạo sẽ triển khai bước 1, 2 như thế nào là đáp án rõ ràng nhất. 

Ứng dụng: Như mọi người vẫn biết, xây dựng ý tưởng là công đoạn người suy nghĩ bước vào thế giới tưởng tượng, gắn kết những trải nghiệm, hình tượng, ký ức rời rạc ra thành phẩm sáng tạo, tuy nhiên không phải ai cũng có sẵn kỹ năng này, một số người sẽ có thế giới tưởng tượng phong phú và trực quan, dễ “truy cập” hơn những người còn lại. Việc xây dựng lộ trình để thực hành suy nghĩ ý tưởng từ bây giờ sẽ giúp bạn có được thói quen thực hiện công đoạn sáng tạo kể trên dần mượt mà hơn đến khi thực sự sở hữu được kỹ năng tư duy hấp dẫn này.  

Bước 1: Xây dựng sơ đồ tư duy (mindmap) theo hình thức đơn giản nhất: Sơ đồ cây, cho tất cả những vấn đề công việc cần tổng hợp thông tin và đưa ra giải pháp từ dữ liệu thô (Ví dụ: Đưa ra phương án xử lý khủng hoảng truyền thông). 

Bước 2: Sau đó thu thập càng nhiều tài nguyên rải rác từ ký ức, trên internet đưa vào trong từng nhánh của sơ đồ cây đã thiết kế, bắt đầu tổng hợp tài nguyên để đưa vào giai đoạn tưởng tượng, gắn kết các thông tin rời rạc này thành những ý tưởng khả thi.  

Công cụ miễn phí: 

- Xây dựng mindmap: Diagrams.net 

- Mở rộng trí tưởng tượng: Kho tàng chiến dịch mẫu (case study) trang chuyên ngành.  


3. Bộ đôi Truyền thông tối giản:   

Giới thiệu: Truyền thông tối giản có phải là ưu tiên trong thời đại hiện nay? Câu hỏi này chưa có lời giải rõ ràng, nhưng thực tế mỗi nhân sự văn phòng hiện đang gặp cảnh ngộp thông tin hằng ngày, đặc biệt giai đoạn giãn cách càng làm tăng thêm áp lực thông tin. Nên để tối ưu cơ hội đạt được mục đích, mục tiêu giao tiếp từ người với người đến truyền thông kỹ thuật số, mỗi cá nhân cần sở hữu những bộ kỹ năng tư duy cách để lựa chọn thông điệp, xây dựng phương tiện (hình ảnh, video) và tổ chức thông tin (ý tưởng, trình bày) hợp lý để giảm tải cho bản thân và những người xung quanh, hoặc cho chính khách hàng thân yêu mình đang phục vụ hàng ngày. Hãy tập trung, đơn giản, trực quan nhất!  

Ứng dụng: Hai kỹ thuật truyền thông tối giản được thực hiện theo lộ trình hai bước trước sau, đơn giản để ứng dụng cho mọi đối tượng văn phòng, kinh tế. Phù hợp với nhiều mục đích giao tiếp. Việc cần làm là bắt đầu tận dụng những công cụ được giới thiệu cuối mục, thực hành những thành phẩm đầu tay, ứng dụng được vào công việc sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong tương lai. 

Bước 1: Tận dụng kỹ thuật trực quan hóa số liệu (Data visualization), đơn giản là sử dụng tính năng “biểu đồ” (chart) trong công cụ excel, google sheet quen thuộc. Người thực hành có thể bắt đầu từ việc tập thói quen “đổ chart” (xây dựng biểu đồ) cho tất cả những tập dữ liệu và tìm ra những thông tin đúc kết chất lượng nhất, viết ra thành câu chữ để tăng giá trị cho báo cáo, kế hoạch. Xa hơn nữa, nếu đang cần quản lý một lượng lớn dữ liệu như doanh thu, chỉ số hiệu quả marketing, KPI nhân sự thời gian thực … kỹ năng trực quan hóa dữ liệu sẽ càng cần thiết. 

Bước 2: Với nội dung chính muốn truyền tải là đúc kết từ dữ liệu đã được trực quan trong Bước 1, bạn sẽ cần thêm kỹ năng đưa những thông tin đó tối giản và thu hút đến người xem, người nghe, người đọc. Nghe như kỹ năng thiết yếu của một người viết quảng cáo, hay designer (người thiết kế), nhưng thật sự kỹ năng này đã len lỏi trở thành “ưu thế” cho bất cứ ai cần giao tiếp thường xuyên hằng ngày. Do đó vẫn có những trường hợp người không chuyên nhưng khai thác được thói quen, trí tưởng tượng và năng lực cá nhân vẫn tạo ra những thành phẩm tốt hơn dân chuyên truyền thông nhưng ít thực hành.   

Công cụ miễn phí: 

- Trực quan hóa số liệu: Google Data Studio 

- Trực quan hóa ý tưởng: Canva 


4. Bộ đôi Cây viết thần tốc:   

Giới thiệu: Kỹ thuật viết lách luôn là “nỗi đau” không chỉ cho người “khó ở” với chữ nghĩa, bản thân những “cây viết” quen tay vẫn luôn đau đáu tìm ra những kỹ thuật tối ưu hơn, phù hợp với bản thân và giúp mở rộng tay nghề. Do đó những kỹ thuật đang có xu hướng trong thời đại thông tin số như vũ bão trên hàng trăm nền tảng app điện thoại mỗi ngày vẫn tập trung vào yếu tố tốc độ ra bài mà vẫn giữ được chất lượng ổn định. Vậy từ đâu có thể tích lũy được những vốn kỹ năng thực tế nhất, ứng dụng ngay cho dân văn phòng. 

Ứng dụng: Để bắt đầu hành trình trở thành Cây viết thần tốc của riêng mình, cần làm rõ khái niệm Free-writing và Editing trong viết lách nói chung. Free-writing là một khái niệm theo “nghĩa đen” là viết tự do, người thực hành sẽ viết tất cả những gì họ nghĩ ra lên giấy, màn hình máy tính trong thời gian ngắn, đảm bảo tốc độ & nồng độ chữ nghĩa trong mỗi lần sử dụng. Editing ngược lại, là một công đoạn cực kỳ tốn “chất xám” với công đoạn chính lặp đi lặp lại là tra từ trên xuống, lần từ dưới lên nội dung trước khi đăng tải. 

Bước 1: Người viết cần làm trống suy nghĩ, tâm trí và tìm tư thế ngồi, không gian thoải mái nhất trước khi thực hành free-writing. Cần xác định rõ ràng 3W1H: Who, What, Why và How cho bài viết sắp tới. Đọc lướt và tổng hợp từ khóa từ kho tài nguyên có sẵn hoặc trên internet, đảm bảo luôn nắm chắc và tự nhẩm lại những từ khóa vừa thu thập trong lúc viết. Sau đó tiến hành đặt tay viết ra những câu chữ đầu tiên trong trạng thái “trống rỗng”

Bước 2: Với bài viết đã hoàn thiện sau khi Free-writing, cái quan trọng để Editing hiệu quả là đừng ngần ngại đọc lại bài của chính mình, viết “không não” không thể nào hay trong lần đầu tiên. Tiếp theo cần có danh sách những yếu tố sẽ kiểm tra rõ ràng để tiện tra cứu và điều chỉnh ngay (ví dụ: phổ biến nhất là tuân theo nguyên tắc viết bài của báo chí). Cuối cùng cần biết cắt gọt cho bài viết “thon gọn”, linh hoạt nhất, vẫn đảm bảo đạt được mục đích, mục tiêu truyền thông cuối cùng nhưng đạt được phiên bản tối giản, tối ưu.   

Công cụ miễn phí: 

- Sở hữu kỹ năng “Free-writing” tốc độ cho riêng mình: Tham gia những nhóm viết lách trên mạng xã hội và đăng ký tài khoản trên chính website chuyên ngành, tập tổng hợp những thông tin rời rạc trong đầu thành câu chữ trên màn hình laptop, thực hành kỹ thuật free-writting ít nhất mỗi tuần một bài có thể giúp bạn dần cải thiện được tốc độ sản xuất nội dung “chính chủ”, phục vụ rất nhiều mục tiêu cá nhân trong mùa dịch. 

- Sở hữu kỹ năng “Editing” nội dung chuẩn chỉnh: sách Thuật viết lách từ A đến Z và một số ấn phẩm uy tín khác trong mảng viết lách, có thể tham khảo kho sách Marketing - Quảng cáo trên các trang online. 


Qua 3 bộ kỹ năng hoàn toàn đối lập nhau nhưng lại hỗ trợ rất ăn ý để đạt được kết quả cuối cùng cho mỗi cá nhân muốn tập luyện, mình muốn chia sẻ thêm góc nhìn về việc xác định rõ năng lực bản thân từ “bản chất”: 

“Với thời đại kỹ thuật số phát triển như vũ bão hiện nay, việc đi theo một kiểu năng lực “bền vững” không còn là lựa chọn khôn ngoan duy nhất, do đó không cần ngồi lẳng lặng một chỗ suy ngẫm mông lung, hãy bắt tay vào thực hành ngay những kỹ năng phù hợp với mục tiêu cá nhân bạn đang hướng đến, ngay từ hôm nay!”