Không chỉ còn gói gọn trong sân khấu trực tiếp, các buổi hòa nhạc giờ đây đã bước lên màn ảnh rộng, mang đến trải nghiệm mới lạ cho khán giả toàn cầu. Khi các rạp chiếu phim ngày càng đa dạng hóa nội dung để thu hút khán giả, thể loại này đang trở thành một mảnh ghép quan trọng, đặc biệt tại Việt Nam – nơi nhu cầu thưởng thức âm nhạc ngày càng cao.
Trước thềm bộ phim tài liệu Anh Trai Say Hi: Kẻ Phản Diện Tạo Nên Người Hùng chuẩn bị khởi chiếu, fanpage chính thức của Anh Trai Say Hi đã công bố đây là bộ phim concert có số lượng vé đặt trước cao nhất lịch sử tại thị trường Việt Nam với hơn 45.000 vé đặt trước. Bộ phim tài liệu dài 120 phút sẽ mang đến những thước phim chân thực về hậu trường của chương trình âm nhạc đình đám Anh Trai Say Hi, cũng như khắc họa hành trình đầy cảm xúc của các nghệ sĩ trên sân khấu lẫn phía sau cánh gà.
Sức nóng của bộ phim còn được khuấy động mạnh mẽ bởi cộng đồng người hâm mộ. Không chấp nhận để thần tượng “lép vế”, FC của các Anh Trai đã nhanh chóng khởi động hàng loạt chiến dịch tiếp ứng quy mô lớn. Từ việc dựng backdrop hoành tráng tại các cụm rạp lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, tổ chức sự kiện check-in rầm rộ tại 5 rạp CGV miền Tây, đến phát quà tặng và hỗ trợ vé cho fan ở xa,...
FC của Dương Domic hoàn thành xong booth check-in tại CGV 3 miền
FC Isaac chuẩn bị nhiều quà tặng, từ card bo góc, hand banner đến kẹo và vớ,...
Có thể thấy, những bộ phim tài liệu âm nhạc kết hợp trình diễn sân khấu không còn là sản phẩm ngách dành riêng cho fandom, mà đang dần trở thành một xu hướng đáng chú ý, mở ra cơ hội mới cho thị trường điện ảnh Việt Nam.
Sự nở rộ của phim concert chiếu rạp
Trong năm 2024, bộ phim concert “Born Pink in Cinemas” của nhóm nhạc BLACKPINK đã trở thành sự kiện đặc biệt thu hút hàng trăm khán giả yêu nhạc K-pop hội tụ tại rạp. Bộ phim concert kéo dài hơn 90 phút đã trở thành một buổi họp fan offline hay một mini-concert thực thụ dành cho những người chưa tham dự BORN PINK Tour.
Bộ phim đã khéo léo lồng ghép hình ảnh từ các sân khấu đỉnh cao trên khắp thế giới nhằm tái hiện năng lượng sôi động và mãn nhãn như khi xem trực tiếp. Đặc biệt, hình ảnh concert tại Hà Nội cũng xuất hiện trong một số phân cảnh đã khiến fan Việt càng thêm tự hào và phấn khích.
Không ngoài dự đoán, Born Pink in Cinemas đã nhanh chóng chứng tỏ sức hút khi thu về hơn 1,5 tỷ đồng chỉ sau ngày đầu công chiếu, với gần 10.000 vé được bán ra trên 370 suất chiếu, theo Box Office Vietnam. Đến hết ngày 10/8, tổng doanh thu của bộ phim đã vượt mốc 5 tỷ đồng.
Không chỉ BLACKPINK, ngày càng nhiều nghệ sĩ quốc tế lựa chọn phát hành phim concert như một cách tiếp cận khán giả toàn cầu. Những tên tuổi đình đám như Taylor Swift, Beyoncé, BTS, IU… đã thành công biến mô hình này thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển thương hiệu cá nhân. Các nghệ sĩ Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, với phim concert Tri Âm The Movie: Người Giữ Thời Gian của Mỹ Tâm (2023) hay Sky Tour: The Movie của Sơn Tùng M-TP (2020), mở ra một hướng đi mới cho nền công nghiệp âm nhạc và điện ảnh trong nước.
Hiện nay, phim concert được các nghệ sĩ tận dụng như một phương tiện để tiếp cận khán giả toàn cầu ở mọi địa điểm. Thay vì chỉ gói gọn trong không gian của một sân vận động, các tour diễn giờ đây có thể mở rộng phạm vi tiếp cận đến hàng triệu khán giả trên toàn thế giới thông qua màn ảnh rộng.
Những rào cản từ việc giá vé xem trực tiếp tăng cao, bất cập về di chuyển, lịch trình hay khó khăn trong cạnh tranh mua vé… đã khiến người hâm mộ không có cơ hội được đến trực tiếp concert của thần tượng mình yêu mến. Điều này khiến phim concert chiếu rạp trở thành một lựa chọn ngày càng hấp dẫn đối với khán giả, đồng thời trở thành “cuộc đua” cho nhiều nghệ sĩ có lượng fan đông đảo.
Nhìn vào thành công của dòng phim này, có thể thấy rõ tiềm năng thương mại đầy hứa hẹn. The Eras Tour Movie của Taylor Swift đã thu về hơn 260 triệu USD, trong khi Renaissance: A Film By Beyoncé cũng đạt doanh thu 40 triệu USD trên toàn cầu, theo Box Office Mojo, đưa cả hai bộ phim vào danh sách những phim concert ăn khách nhất lịch sử.
Với thị trường K-pop, sự phát triển của dòng phim concert cũng không kém phần sôi động. BTS đã nhiều lần tạo nên cơn sốt phòng vé với Burn the Stage: The Movie (2018), Love Yourself in Seoul (2019) và Yet to Come in Cinemas (2022). IU cũng ghi dấu ấn mạnh mẽ với IU Concert: The Golden Hour (2023), thu hút hơn 70.000 khán giả ra rạp tại Hàn Quốc, theo Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc. Trong khi đó, Suga: Agust D Tour D-Day the Movie của Suga (BTS) đã mang về doanh thu 10,16 triệu USD, một con số ấn tượng đối với một nghệ sĩ solo.
Xu hướng mới đầy tiềm năng cho rạp chiếu Việt
Những bộ phim hòa nhạc thu hút khán giả bằng cách tái hiện mọi chi tiết – từ góc quay, chất lượng âm thanh đến biểu cảm và cử chỉ của nghệ sĩ – trên màn ảnh rộng với độ chân thực đáng kinh ngạc. Những chi tiết nhỏ hoàn toàn có thể bị bỏ lỡ trong một buổi hòa nhạc trực tiếp nay được đem lên màn ảnh rộng ở cự ly gần, trọng tâm và sắc nét. Nhờ đó, phim concert mang đến một cách tiếp cận mới, tạo ra một không gian thưởng thức âm nhạc khác biệt nhưng không kém phần phấn khích.
Một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thể loại này là tính cộng đồng và tương tác. Không giống như các nền tảng phát trực tuyến, nơi người xem thường trải nghiệm nội dung một cách riêng lẻ, phim concert tại rạp mang đến không khí sôi động khi hàng trăm người hâm mộ cùng nhau hò reo, hát theo và thậm chí nhảy múa. Mô hình này đã được chứng minh qua thành công của The Eras Tour của Taylor Swift, tạo nên hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội.
Không dừng lại ở việc phát lại một đêm diễn, nhiều phim concert còn kết hợp hình ảnh hậu trường, những khoảnh khắc ngẫu hứng của nghệ sĩ trên sân khấu, chia sẻ cá nhân hoặc câu chuyện về các ca khúc. Điều này giúp bộ phim tạo nên một hành trình khám phá tâm tư, cảm xúc của nghệ sĩ. Những bộ phim như Yet to Come in Cinemas của BTS hay The Golden Hour của IU đều thành công trong việc tạo ra kết nối sâu sắc giữa nghệ sĩ và người hâm mộ thông qua lối kể chuyện đầy cảm xúc.
Một điểm hấp dẫn khác của phim concert là khả năng tiếp cận đa dạng đối tượng khán giả. Không phải ai cũng có cơ hội tham dự concert trực tiếp do hạn chế về địa lý hoặc tài chính. Trong khi giá vé concert tại Singapore của The Eras Tour dao động từ 108 SGD (khoảng 2,7 triệu VND) đến 348 SGD (khoảng 8,7 triệu VND), hay vé Born Pink tại Hà Nội có mức giá từ 1,2 đến 9,8 triệu VND, thì một suất chiếu phim concert tại rạp Việt chỉ có giá khoảng 150.000 – 200.000 đồng. Điều này giúp nhiều nhóm khán giả, từ học sinh, sinh viên đến những người cao tuổi hay người khuyết tật, có thể tiếp cận và tận hưởng trải nghiệm âm nhạc một cách dễ dàng hơn.
Nhìn rộng hơn, sự phát triển của phim concert cũng mở ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp rạp chiếu phim. Các rạp không còn chỉ là nơi công chiếu phim điện ảnh mà đang dần trở thành không gian giải trí đa dạng hơn. Minh chứng là CJ CGV Việt Nam đã ra mắt thương hiệu ICECON với bốn danh mục chính: “Stage” (Trình diễn), “Play” (Trực tuyến), “Channel” (Chuyển hóa) và “Library” (Bách khoa). Trong đó, danh mục “Stage” được đầu tư mạnh mẽ để mang đến những trải nghiệm phim concert chất lượng cao từ các nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam.
Có thể thấy, phim concert đang dần trở thành một mô hình kinh doanh hấp dẫn, không chỉ mang lại giá trị giải trí cho người hâm mộ mà còn mở ra một hướng phát triển mới cho cả nghệ sĩ lẫn ngành công nghiệp rạp chiếu phim. Khi nhu cầu trải nghiệm âm nhạc ngày càng đa dạng, phim concert sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của mình như một cầu nối sáng tạo giữa âm nhạc và điện ảnh, mang lại những giá trị lâu dài cho cả thị trường Việt Nam và thế giới.
Diệu Anh
Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.