Có lẽ đâu đó bạn đã từng xem qua vô số các bộ phim hay sách báo với mô-típ nhân vật chính là những người mới, yếu thế, thiếu kỹ năng, gặp khó khăn trong cuộc sống,... nhưng nhờ sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm họ đã vượt lên hoàn cảnh hay giành chiến thắng trước những “kẻ phản diện”,... Tuyến nhân vật chính này chắc chắn sẽ giành được sự cảm thông, đồng cảm và ủng hộ của người xem. Và “Underdog” chính là thuật ngữ để mô tả kiểu người, kiểu nhân vật có tính cách như vậy. 


“Underdog Brand” cũng mang ý nghĩa tương tự. Cụ thể, thuật ngữ này để chỉ những doanh nghiệp nhỏ, mới gia nhập thị trường, tài nguyên hạn chế, không có sức ảnh hưởng và thường bị các doanh nghiệp lớn đánh giá thấp. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này lại thường nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ nhiều hơn từ công chúng. 


Thật vậy, rất nhiều thương hiệu lớn đã khởi đầu một cách “chật vật” với khó khăn về tài chính hay cộng sự quay lưng hoặc thậm chí là phá sản. Nhưng cuối cùng họ đã thành công bằng cách tạo ra kết nối về mặt cảm xúc, khơi gợi sự đồng cảm từ công chúng. 


Bất kỳ thương hiệu nào cũng có một câu chuyện, một mục tiêu, một tầm nhìn, một định hướng riêng và cách họ truyền đạt chúng với người tiêu dùng của mình sẽ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công. Phương thức truyền đạt càng độc đáo, sáng tạo thì càng khiến doanh nghiệp trở nên khác biệt và nổi bật so với các “ông lớn” trên thị trường cũng như dễ dàng cộng hưởng với khách hàng. 


Để hiểu rõ hơn, dưới đây, Ori Agency sẽ cùng bạn điểm lại 10 “Underdog Brand” điển hình cũng như phân tích chiến lược đánh bại đối thủ và “trở mình” thành những ông lớn dẫn đầu các ngành hàng trên toàn cầu.


1. Apple


Hẳn bạn sẽ giật mình khi thấy “ông lớn” công nghệ Apple xuất hiện đầu tiên trong danh sách này. Đúng vậy, bạn không đọc nhầm đâu!


Trước khi trở thành thương hiệu công nghệ dẫn đầu toàn cầu thì Apple cũng có xuất phát điểm là một công ty nhỏ và cũng gặp vô số khó khăn khi tiến vào thị trường. Cụ thể, Steve Jobs đã bắt đầu hiện thực suy nghĩ và tham vọng của ông ngay trong chiếc ga-ra chật chội vào năm 1976.



Microsoft là công ty điện tử và máy tính lớn nhất vào thời điểm đó. Để có thể cạnh tranh và vượt qua “kẻ khổng lồ” ngành công nghệ lúc bấy giờ, Steve Jobs đã nỗ lực rất nhiều để sáng tạo ra các sản phẩm công nghệ mới và độc đáo. Kết quả là khi Apple giới thiệu iPod, nó đã thực sự thay đổi cách mọi người nghe nhạc. Phát minh này thậm chí còn đánh bại Walkmans - loại máy nghe nhạc thịnh hành lúc bấy giờ. Theo sau đó là sự ra đời của iPhone và iPad đã khiến cả thế giới phải chú ý. 


Steve Jobs hiểu rằng người tiêu dùng liên tục tìm kiếm sản phẩm mới mẻ, theo kịp xu hướng. Vì vậy cựu CEO của Apple đã tạo ra cho khách hàng của mình chính xác những gì họ muốn. Cùng với đó, bằng cách tiếp cận hiện đại cũng như phong cách thiết kế thanh lịch, sang trọng, Apple càng thu hút sự chú ý của khách hàng và giữ chân họ ở lại với thương hiệu lâu hơn.


Kể từ năm 1984, đoạn quảng cáo ra mắt chiếc máy tính Macintosh đầu tiên, Apple đã luôn không ngừng tìm kiếm tương lai và mơ lớn. Và đến tận bây giờ, Apple cũng chưa bao giờ bỏ quên tham vọng ấy.



Năm 2010, Apple đã vượt doanh số của Microsoft lần đầu tiên sau 10 năm. Điều này không có gì kinh ngạc bởi Apple biết rằng mọi người luôn khao khát sở hữu, trải nghiệm những công nghệ mới để làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng và thú vị hơn. 


2. Ben & Jerry's


Năm 1978, cũng trong khoảng thời gian Steve Jobs đang loay hoay với các thiết bị điện tử trong ga-ra của mình thì có hai người bạn khác đã trả tiền cho một khóa học làm kem tương ứng 5 đô-la. Sau đó, hai người bạn kể trên là Ben và Jerry đã đầu tư một khoản 12.000 đô-la để mở cửa hàng kem đầu tiên của họ tại một trạm xăng ở Burlington, Vermont.


Khi Ben và Jerry bắt đầu bán kem của họ trong các nhà hàng và siêu thị địa phương, Haagen-Dazs - một thương hiệu kem khác đã bắt đầu chú ý và “gửi thấy” nguy cơ mất thị phần. Sau đó, Haagen-Dazs đã cố gắng cản trở việc kinh doanh của Ben và Jerry về quyền phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, với thành phần, hương vị của sữa và kem tươi địa phương, lớp sô-cô-la dày cùng trái cây tươi, bất kỳ nỗ lực ngăn chặn Ben & Jerry's của Haagen-Dazs là vô ích.


Không ngừng đổi mới và sáng tạo, sự kết hợp nhiều hương vị kem độc đáo chính là yếu tố then chốt làm nên tên tuổi cho thương hiệu kem “quốc dân” và nhận lại sự yêu mến từ công chúng.


New Ben and Jerry's flavors just topped all other ice creams - Good Morning  America


Trong vòng chưa đầy mười năm, thương hiệu kem Ben & Jerry đã thu về mức doanh thu 32 triệu đô-la. Năm 1980, Ben và Jerry đã rất vinh dự khi được cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan lúc bấy giờ xướng tên trong danh sách những nhân vật tiêu biểu của năm trong lĩnh vực kinh doanh nhỏ. Năm 1999, 326 triệu đô-la là doanh thu mà hãng này đã đạt được. 


Bắt đầu từ khóa học vỏn vẹn 5 đô-la, rồi trải qua một con đường đi lên không phải lúc nào cũng suôn sẻ và láng mịn như những sản phẩm kem thượng hạng mà họ tạo ra. Và đó là cách một thương hiệu kem cao cấp được ưa chuộng trên toàn nước Mỹ ra đời.


3. Sam Adams Beer


Trước khi gia nhập hàng ngũ của những “kẻ dẫn đầu” ngành bia cùng với Labatt hay Budweiser, Sam Adams Beer cũng khởi đầu một cách khiêm tốn. Năm 1984, Charles James Koch đã quyết định từ bỏ công việc với mức lương mơ ước lên đến cả trăm nghìn đô-la để theo đuổi đam mê. Hành trình khởi nghiệp của tỷ phú người Mỹ này bắt đầu từ chính trong căn bếp truyền thống của gia đình ông với công thức ủ bia thủ công lâu đời. Và quy trình sản xuất này đã tạo nên một hương vị bia tươi đặc biệt. Chính điều này đã tạo ra sự thay đổi lớn trong thị trường lúc bấy giờ cũng như mở đầu phong trào nấu bia thủ công tại Mỹ. 


Cụ thể, năm 1984, các loại bia sản xuất theo mô hình thủ công, nhỏ lẻ mà được phân phối hầu như không tồn tại. Tuy nhiên, Samuel Adams nhanh chóng “đánh chiếm” thị trường chủ yếu thông qua tiếp thị truyền miệng nhờ vào chất lượng và hương vị tuyệt vời mà sản phẩm của họ mang lại. Thực tế chứng minh doanh số bán hàng của hãng bia này liên tục tăng trưởng.



Nhưng để gặt hái được thành công trên, Samuel Adams chỉ luôn tuân thủ chiến lược xây dựng thương hiệu vô cùng đơn giản: Luôn tập trung vào nhiệm vụ chính của mình là sản xuất ra loại bia chất lượng tốt nhất cho khách hàng và điều này tuyệt đối không thể bị lung lay. Chính vì vậy, hãng bia Boston thường xuyên thử nghiệm với những thành phần “chẳng ai ngờ tới”, chẳng hạn như bột mận hay cây hồi và rồi cho ra mắt các loại bia theo mùa. 


Sự đổi mới cũng giúp đưa ra những quy trình mới. Gần 25 năm trước, Boston trở thành hãng bia đầu tiên áp dụng phương thức ủ bia trong các thùng gỗ sồi từ Đông Âu vốn ban đầu chỉ được các nhà sản xuất ở Ý dùng để ủ rượu mạnh. Hiện nay cách làm này đã trở nên thông dụng nhưng lúc đầu từng bị nhiều người cho là “điên rồ”.


Có thể thấy, chính niềm đam mê bia của thương hiệu là những gì khiến khách hàng quay trở lại. Samuel Adams không bao giờ ngừng thu hút sự chú ý của những người yêu thích bia. 


4. Burt's Bees


Burt's Bees là một thương hiệu sản phẩm chăm sóc cá nhân đến từ Mỹ chuyên cung cấp cho thị trường quốc tế. Tương tự với nhiều thương hiệu lớn kể trên, trước khi đạt được thành công, Burt's Bees cũng bắt đầu từ những bước nhỏ nhất. 


Burt Shavitz - cha đẻ của hãng mỹ phẩm thiên nhiên này - sở hữu một bầy ong tại Maine. Và năm năm 1984, Roxanne Quimby - một nghệ sĩ địa phương - bắt đầu biến sáp ong không được sử dụng của Burt thành nến. Kết quả, chỉ trong vòng một năm, mô hình sản xuất nến đã thu về 20.000 đô-la. Không lâu sau đó, Roxanne đã phát hiện ra một công thức sản xuất son dưỡng từ sáp mật ong trên tạp chí dành cho nông dân vào thế kỷ 19. 



Năm 1991, sản phẩm son dưỡng với thành phần tự nhiên từ sáp ong của Burt đã ở trên kệ đã xuất hiện trên các kệ hàng. Sản phẩm này đã tạo nên bước ngoặt lớn và là khởi đầu cho sự ra đời của hàng loạt các sản phẩm làm đẹp có nguồn gốc tự nhiên. Và năm 1999, Burt's Bees đã chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.



Tuy nhiên, năm 2007, thương hiệu này mới thực sự nổi bật khi tuyên bố triết lý kinh doanh "The Greater Good”. Cụ thể, triết lý trên bao hàm ý nghĩa sau: “Các sản phẩm làm đẹp tốt cho bạn, tốt cho chúng tôi và tốt cho tất cả”. Từ “tất cả” ở đây còn mang một tầm nhìn sâu xa hơn: Sản phẩm của Burt's Bees thân thiện với Trái Đất. Họ đã vạch ra và cam kết sẽ tuân thủ các chiến lược kinh doanh “xanh”, lành mạnh với hành tinh trong mọi hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, để thể hiện mục tiêu trên, Burt's Bees đã thiết kế bao bì với các hình ảnh minh họa bắt mắt cũng như sử dụng bảng màu ấm để làm nổi bật thành phần nguyên liệu và tạo cảm giác an toàn cho khách hàng. 


Rõ ràng, chiến lược của Burt's Bees tạo ra điểm khác biệt rõ rệt so với các đối thủ trong ngành lúc bấy giờ. 


5. CLIF Bar


Clif Bar là thương hiệu chuyên sản xuất và cung cấp thực phẩm và đồ uống hữu cơ giúp bổ sung năng lượng cho vận động viên. Theo thống kê từ năm 2016, doanh thu hàng năm của hãng thực phẩm này đã đạt khoảng 500 triệu đô-la.


Để xây dựng được “đế chế” vững mạnh cho đến tận ngày hôm nay, Gary Erickson cũng bắt đầu từ những thứ nhỏ bé nhất. Năm 1990, trong một lần thực hiện chuyến hành trình 175 dặm bằng xe đạp, Gary Erickson nhân ra rằng các thanh thực phẩm bổ sung năng lượng mà ông ấy mang theo không hề ngon và rất khó tiêu. Vốn là một thợ làm bánh và cũng là cựu hướng dẫn viên leo núi, Gary Erickson đã “thai nghén” ý tưởng tạo ra một sản phẩm bổ sung năng lượng tốt hơn.  


Sau khi đã thử qua một vài sản phẩm của những thương hiệu khác nhau, năm 1992, ngay trong căn bếp của gia đình, Erickson đã sáng tạo ra công thức tạo nên thanh thực phẩm bổ sung năng lượng CLIF Bar. Thay vì phân phối hết sản phẩm đến những công ty lớn, Erickson đã duy trì doanh nghiệp của mình theo mô hình tư nhân vào năm 2001. Và đó là một quyết định kinh doanh sáng suốt của CLIF Bar. Bởi với thành phần nguyên liệu hữu cơ và bảng danh sách dinh dưỡng lành mạnh, các CLIF Bar dễ dàng trở thành thực phẩm bổ sung năng lượng được các vận động viên hay bất cứ ai muốn có một bữa ăn nhẹ, tốt cho sức khỏe đặc biệt yêu thích.



Ngoài ra, CLIF Bar cũng nhận ra rằng có một bộ phận khách hàng sẽ dị ứng với một số thành phần có trong các mặt hàng thực phẩm. Chính vì thế, trong quá trình sản xuất và phân phối, hãng này đã luôn ghi nhớ vấn đề trên để bảo vệ sức khỏe cho khách hàng của mình. Thật vậy, khách hàng có thể dễ dàng kiểm tra các thành phần có trong các sản phẩm khiến họ bị dị ứng ngay trên chính website của hãng. Thậm chí, sau đó website của CLIF Bar sẽ hiển thị một danh sách các sản phẩm không gây dị ứng cho khách hàng. Ví dụ nếu bạn bị dị ứng với sữa thì website sẽ gợi ý cho bạn sử dụng sản phẩm Kit với nguyên liệu hoàn hữu cơ.


Bên cạnh đó, CLIF Bar còn nhận ra rằng ngày càng có nhiều người quan tâm đến các giá trị bền vững, thân thiện với môi trường. Vì vậy Clif Bar cam kết với khách hàng sẽ luôn sử dụng các thành phần, nguyên liệu hữu cơ tốt cho sức khỏe và an toàn và an toàn với Trái Đất.


Tương tự như Burt's Bees, triết lý kinh doanh của CLIF Bar cũng vô cùng đơn giản. Cụ thể, Erickson đã phát triển mô hình kinh doanh bền vững "Five Aspirations" (tạm dịch: Năm Khát Vọng”) đề cập đến 5 yếu tố: Kinh doanh, Thương hiệu, Con người, Cộng đồng và Hành tinh. Và triết lý kinh doanh này hoàn toàn được thể hiện rõ ràng trong các chiến lược và hoạt động của CLIF Bar như đã phân tích ở trên.


6. Netflix


Netflix cũng có một câu chuyện thành công đáng kinh ngạc. Từ một dịch vụ cho thuê băng đĩa nhỏ bé, cố bán mình cho Blockbuster để rồi “trở mình” thành đế chế phim trực tuyến thống trị toàn cầu.


Năm 1997, Reed Hastings - cha đẻ của Netflix, sau khi nhận được thông báo thanh toán khoản phí quá hạn thuê DVD từ Blockbuster. Ngay sau đó, Hastings đã cùng với Marc Randolph ấp ủ ý tưởng thành lập công ty cho thuê DVD qua thư tín. Và đó là cách Netflix ra đời. 


Ngay khi mới ra mắt Netflix đã gây chú ý ngay lập tức. Nhưng 3 năm sau đó, Hastings cố gắng bán “đứa con” của mình cho Blockbuster với giá 50 triệu đô-la và bị từ chối. Thương vụ mua bán thất bại này đã mở ra thành công cho Netflix sau này. 


Ban đầu, Netflix cung cấp dịch vụ thuê mượn video cho khách hàng qua thư tín. Chiến lược này giúp công ty giành được một phần thị trường. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là sự bùng nổ của “cơn sốt Internet” đã ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh của hãng. Nhận ra được xu hướng thị trường sắp tới sẽ dịch chuyển sang Internet, Hastings đã quyết định chuyển hướng chiến lược hoạt động kinh doanh. Netflix từ một doanh nghiệp cho thuê DVD đã chuyển mình thành dịch vụ truyền hình trực tuyến Internet, sản xuất cả phim và show truyền hình. Chính tầm nhìn trước thời đại đã giúp Netflix thành công như ngày hôm nay. Và điều này đã được chứng minh bằng sự sụp đổ của gã khổng lồ một thời Blockbuster vào năm 2010. Cụ thể, trong khi Netflix chuyển mình, thay đổi, thích nghi với thời đại thì Blockbuster vẫn bảo thủ bám trụ vào dịch vụ cho thuê DVD, video trò chơi và hưởng lợi nhuận từ việc thu phí thuê quá hạn.



Tóm lại, bằng cách cung cấp các giải pháp sản phẩm/dịch vụ thay thế, dễ tiếp cận với mức giá cả phải chăng so với mặt bằng chung, Netflix đã thành công “soán ngôi” doanh nghiệp dẫn đầu thị trường một thời. Không những vậy, nó còn cho thấy những kẻ được coi thua kém, yếu thế cũng có thể giành chiến thắng ngoạn mục như thế nào.


7. Chipotle


Trước khi trở thành chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh nổi tiếng thế giới, Chipotle ra mắt thị trường vốn là một cửa hàng kem Dolly Madison nhỏ bé tại thành phố Denver thuộc tiểu bang Colorado, Mỹ vào năm 1993 bởi Steve Ells. Đến năm 1997, Chipotle đã mở thêm 14 nhà cửa hàng nhưng tất cả chúng đều nằm trong địa phận bang Colorado. Một năm sau đó, McDonald’s mua một số cổ phần của Chipotle và đưa chuỗi nhà hàng này ra tiến ra thị trường nước ngoài. Gần 8 năm hoạt động dưới trướng của McDonald’s, Chipotle đã tăng trưởng với tốc độ chóng mặt.



Tuy nhiên, càng làm việc, càng hiểu về ngành công nghiệp đồ ăn nhanh, nhà sáng lập Chipotle - Steve Ells càng cảm thấy chán ghét và quyết định sẽ thay đổi lại nó. Sau khi bất đồng về quan điểm kinh doanh, Chipotle đã tách ra khỏi McDonald’s. Quyết định này tưởng chừng sẽ khiến hoạt động kinh doanh bị chậm lại nhưng thay vào đó Chipotle vẫn tiếp tục phát triển. Thậm chí, việc ngừng hợp tác với ông lớn ngành công nghiệp đồ ăn nhanh còn giúp Chipotle chủ động, tự do nắm quyền kiểm soát và linh hoạt hơn trong việc triển khai các chiến lược kinh doanh. 


Chipotle cam kết với khách hàng sẽ sử dụng thực phẩm, nguyên liệu sạch, chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe với mức giá chỉ nhỉnh hơn một chút so với đối thủ. Các món ăn được phục vụ ở Chipotle luôn tươi ngon, tạo cho khách hàng một cảm giác sành ăn. Nó thực sự là “thức ăn nhanh và an toàn” thay vì “thức ăn nhanh”. Chính điều này đã giúp họ phát triển thành chuỗi cửa hàng bình dân (fast-casual) cạnh tranh ở giữa hai phân khúc đồ ăn nhanh (fast-food) và nhà hàng truyền thống (full-service). Với chiến lược này, Chipotle ngày càng được lòng khách hàng. Trong khi đó, trước bối cảnh nhu cầu, sự quan tâm và khẩu vị người tiêu dùng thay đổi, McDonald’s trở thành mục tiêu bị chỉ trích bởi đồ ăn của họ là nguyên nhân dẫn tới tình trạng béo phì của người Mỹ.



Ngoài ra, thay vì chủ yếu phục vụ nhóm đối tượng gia đình và thanh thiếu niên giống như McDonald hay Burger King, phân khúc khách hàng mà Chipotle hướng tại lại là người lớn ở độ tuổi từ 18 đến 49.


Tóm lại với chiến lược “ngược gió”, hoàn toàn tách biệt với các đối thủ cùng ngành, dù bắt đầu muộn hơn trong ngành công nghiệp thức ăn nhanh đầy cạnh tranh nhưng Chipotle đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và thậm chí còn “qua mặt” nhiều gã khổng lồ dẫn đầu ngành. 


8. The Body Shop


Khởi đầu khiêm tốn với vỏn vẹn một cửa hàng nhỏ, cũ kỹ ở bờ biển Brighton, ít ai nghĩ The Body Shop hiện là thương hiệu mỹ phẩm được yêu thích và có mặt trên khắp nơi. 



Năm 1975, khi Anita Roddick quyết mở cửa hàng The Body Shop đầu tiên, bà không kỳ vọng mình sẽ trở nên giàu có. Thay vào đó, bà chỉ mong rằng cửa hàng sẽ đem lại nguồn thu nhập nhỏ để hỗ trợ bản thân và con gái trong khoảng thời gian khó khăn. Kế hoạch ban đầu rất đơn giản, đó là tạo ra một dòng mỹ phẩm có nguồn gốc từ các thành phần tự nhiên từ công thức và kiến thức học được trong những lần du lịch. 


Cùng với đó, thay vì đổ tiền đầu tư vào những thứ hào nhoáng, phù phiếm để sản phẩm trở nên đắt đỏ, sang trọng, Anita Roddick thu hút sự quan tâm của khách hàng bằng các vấn đề môi trường. The Body Shop tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, ủng hộ các chương trình của tổ chức quốc tế, bảo vệ rừng nhiệt đới, cấm thử nghiệm động vật,... Nhờ vậy, thương hiệu này đã tạo niềm tin cho những khách hàng trung thành. Đồng thời, những nỗ lực này còn thuyết phục khách hàng mua hàng để cùng chung tay đóng góp những giá trị tích cực cho xã hội.



Trong quá trình vận hành, để tiết kiệm tối đa chi phí cũng như thể hiện sự quan tâm đến môi trường, Anita đã đề ra triết lý kinh doanh mới lạ: tái sử dụng. Cụ thể, bà ấy đã giảm giá cho những khách hàng mang theo vỏ, hộp sản phẩm cũ đến mua. Khách hàng được phép tùy chọn loại dầu thơm để thêm vào các sản phẩm mỹ phẩm của mình. Điều này sẽ rẻ hơn so với việc thêm nước hoa đắt tiền vào mỗi chai dầu gội hay kem dưỡng.


Kết hợp giữa việc tiếp thị, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng và các hoạt động xã hội, đó là quy tắc kinh doanh của doanh nghiệp mỹ phẩm toàn cầu trị giá 16 tỷ đô la này và biến Anita Roddick trở thành một trong những phụ nữ giàu nhất nước Anh.


Thế nhưng cuộc đời của Roddick đã rẽ sang một trang mới kể từ đó.


9. Home Depot


Home Depot là tập đoàn bán lẻ của Mỹ chuyên cung cấp những sản phẩm sản phẩm “tân trang” nhà cửa và nội thất tự làm. Tuy nhiên, trước khi trở thành thương hiệu số một ngành nội thất, Home Depot cũng đã từng là một “kẻ yếu”.


Năm 1978, sau khi bị sa thải, Bernie Marcus và Arthur Blank đã gặp gỡ bắt đầu gặp gỡ thường xuyên và cùng nhau vạch kế hoạch kinh doanh cho ý tưởng bán lẻ thành công nhất mọi thời đại mà sau này được biết đến là Home Depot. 


Với ý tưởng xây dựng mô hình cửa hàng một điểm đến (One-stop shop) cho những khách hàng muốn tự mình thiết kế, sửa chữa hay tạo ra những thứ nội thất mới mẻ ngôi nhà của mình (DIYer). Cụ thể, Không giống các doanh nghiệp bán vật dụng sửa chữa nhà cửa lúc bấy giờ, Bernie Marcus và Arthur Blank quyết định xây dựng các cửa hàng kiểu nhà kho khổng lồ rộng gần 7.000 m2 với hàng hóa chất dồn lên tận nóc. Nó lớn tới mức mà cửa hàng lớn nhất của Handy Dan - đối thủ mạnh nhất của Home Depot bấy giờ - cũng chưa rộng bằng một nửa kích thước kể trên.



Về chiến lược kinh doanh, Home Depot sẽ nhập hàng trực tiếp từ các nhà sản xuất, loại bỏ khâu trung gian và bố trí các nhân viên được đào tạo kỹ lưỡng ngồi ở quầy bán hàng để có thể hỗ trợ kịp thời cho khách hàng khi họ có bất cứ nhu cầu nâng cấp hay sửa chữa nhà cửa nào. Mục tiêu mà thương hiệu này hướng đến là xây dựng chuỗi cửa hàng sửa chữa nhà cửa đầu tiên trên toàn quốc với đáp ứng các tiêu chí như giá rẻ, lựa chọn đa dạng và dịch vụ khách hàng chu đáo. 


Năm 1979, tại thành phố Atlanta, bang Georgia, hai cửa hàng Home Depot đầu tiên được mở. Mô hình kinh doanh độc đáo với sức chứa đến 25.000 mã hàng hóa khác nhau, thương hiệu nội thất thành này nhanh chóng đè bẹp các đối thủ cạnh tranh. Bởi khi tìm đến đây, khách hàng có thể tìm thấy mọi thứ họ cần. Thật vậy, chỉ trong hai thập kỷ tiếp theo, Home Depot đã trở thành hiện tượng ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ với doanh thu hàng năm đạt 46 tỷ đô-la. Và rồi cho đến tận bây giờ, nó đã “bành trướng”, trở thành “đại gia” lớn nhất ngành nội thất trên thế giới.



Thành công của Home Depot còn nằm ở dịch vụ khách hàng. Ngay từ đầu, các cộng tác viên của The Home Depot đã có thể cung cấp những dịch vụ khách hàng tốt nhất trong ngành bán lẻ. Họ hướng dẫn tận tình cho khách hàng các quy trình như lát gạch, thay van tiếp nước của bồn cầu hoặc thao tác với một dụng cụ sửa điện. Các cộng tác viên làm việc tại cửa hàng không chỉ trải qua các khóa đào tạo nghiêm ngặt về kiến thức sản phẩm mà họ còn mở những lớp dạy nghề để khách hàng có thể học cách tự thực hiện. Có thể nói, The Home Depot đã cách mạng hóa ngành công nghiệp sửa chữa nhà cửa bằng cách cung cấp bí quyết cùng công cụ cho người tiêu dùng, đồng thời giúp họ tiết kiệm tiền bạc.


10. Blue Apron


Blue Apron là một công ty cung cấp thực phẩm được thành lập bởi tình yêu, niềm đam mê ẩm thực và nấu ăn của ba chàng trai người Mỹ là Matt Salzberg, IIIA Papas và Matthew Wadiak vào tháng 7 năm 2012.



Blue Apron là sự kết hợp giữa ý tưởng giao thực phẩm, học cách nấu ăn và chế biến các bữa ăn tại nhà theo công thức hoàn toàn mới.


Cụ thể, hằng tuần, khách hàng của Blue Apron sẽ nhận những chiếc hộp chứa nguyên liệu và công thức nấu ăn gợi ý từ công ty. Và để thực hiện thành công ý tưởng trên, thương hiệu này đã phối hợp với các nông địa phương để tạo ra những menu hấp dẫn với nguồn nguyên liệu tự nhiên dồi dào và theo mùa. Bởi thực tế, “mùa nào thức ấy” luôn là tôn chỉ hàng đầu cho một chế độ ăn uống lành mạnh, thơm ngon và giàu dinh dưỡng.


Đặc biệt, các công thức tính toán chính xác lượng khẩu phần cũng như tỷ lệ nguyên liệu hợp lý sẽ được người dùng lựa chọn đặt hàng online. Và trong vòng 24 giờ, những gói hàng tươi mới kèm với bản công thức chế biến sẽ được chuyển tới tận tay người tiêu dùng. Khách hàng sau đó chỉ việc lấy nguyên liệu và làm theo các hướng dẫn chi tiết để có được một bữa tối ngon lành.



Với hình thức kinh doanh này, Blue Apron luôn tự hào về việc giảm thiểu thời gian chuẩn bị, tiết kiệm tiền bạc cũng như biến công việc nấu ăn trở nên thú vị, dễ dàng hơn cho khách hàng. Thật vậy, nhiều người đến siêu thị để mua đồ chuẩn bị cho bữa ăn tại gia, nhiều khả năng họ sẽ lãng phí một số thực phẩm bạn do chưa dùng đến và để chúng quá hạn. 


Ngoài ra, khẩu phần cho hai người có giá 9,99 đô-la/người, trong khi khẩu phần gia đình từ 2-4 người có giá chỉ 8,74 USD/người. Chính chiến lược giá này cũng giúp thương hiệu đạt được lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp tượng tự như Plated và Family Chef.


Đặt hàng mang đi hoặc nhận pizza sẽ luôn là một lựa chọn nhưng Blue Apron nhắm đến mục tiêu cung cấp các bữa ăn dinh dưỡng, khỏe mạnh, dễ dàng nấu tại nhà. Chính vì vậy, có thể Blue Apron đã bắt đầu như một kẻ yếu, nhưng sau cùng thương hiệu đang đi ra khỏi nhà ổ chuột và vào hàng triệu nhà bếp.


Trên đây là 10 câu chuyện truyền cảm hứng và cũng là những bài học khởi nghiệp, vận hành doanh nghiệp thành công từ các thương hiệu nổi tiếng. Có thể thấy, mặc dù, đã trở thành những các tập đoàn trị giá hàng triệu đô la nhưng họ vẫn trung thành với sự mục tiêu và định hướng bạn đầu. Và đó là chiến lược giúp thương hiệu của họ từ xuất phát điểm là “kẻ yếu” trở thành những “gã khổng lồ” nổi bật nhất, dẫn đầu trong thị trường cạnh tranh khốc liệt.


Nguồn biên tập: Ori Marketing Agency