Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligent - A.I), tiêu biểu là sự ra đời của ChatGPT trong thời gian qua, đã mở ra một kỷ nguyên mới của các công cụ tìm kiếm. Google vừa qua đã lên kế hoạch phát triển Bard, một chatbot A.I có khả năng tương tác và trả lời yêu cầu của người dùng, như một động thái nhằm đối phó với sự phát triển thần tốc của ChatGPT. Microsoft cũng đang không ngừng nỗ lực phát triển “the new Bing” (tạm dịch: Công cụ tìm kiếm Bing thế hệ mới) và tích hợp các tính năng tương tự ChatGPT vào trình duyệt Edge của mình. 


CEO của Microsoft, Satya Nadella, cho biết sự thay đổi trong công nghệ nói trên có tác động tương đương với việc giới thiệu giao diện đồ hoạ người dùng (Graphical User Interface) và sự ra đời của điện thoại thông minh. Đi cùng với những thay đổi đó là khả năng vẽ lại bối cảnh công nghệ hiện đại khi mà ChatGPT được dự đoán sẽ truất ngôi Google và đẩy hãng này ra khỏi lĩnh vực sinh lời nhiều nhất trong kinh doanh hiện đại.


Sự xuất hiện của một kỷ nguyên công nghệ mới luôn đi kèm với những vấn đề mới. Theo The Verge, dưới đây là bảy thách thức lớn nhất mà tương lai của tìm kiếm bằng A.I có thể đối mặt.


Nội dung rác


Đây là một vấn đề lớn mà tất cả các công cụ tìm kiếm A.I phải đối mặt, cho dù là Bing, Bard hay một công ty mới nổi chưa được biết đến. Các mô hình ngôn ngữ lớn được sử dụng để hỗ trợ cho công cụ tìm kiếm A.I, đơn cử như LLM, vốn vẫn tồn tại nhiều nhược điểm liên quan đến việc tạo ra nội dung rác. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng những mô hình này về bản chất là không phù hợp với nhiệm vụ hiện tại bởi chúng không làm gì khác hơn là bịa ra mọi thứ.


Phần mềm ChatGPT và một vài khía cạnh pháp lý đặt ra

Sở hữu lượng thông tin đầu vào, các mô hình ngôn ngữ vẫn tồn tại nhiều lỗi với phạm vi và mức độ nghiêm trọng khác nhau


Nội dung rác đến từ công cụ tìm kiếm có thể khác nhau về phạm vi và mức độ nghiêm trọng. Trong khi một số lỗi nhỏ như sai sót trong thông tin hay lỗi ngữ pháp có thể dễ dàng sửa chữa, các lỗi thiên vị như ghét bỏ phụ nữ, phân biệt chủng tộc hay đưa ra giải pháp tự sát cho người đang bị các vấn đề về sức khoẻ tâm lý lại mang mức độ nghiêm trọng cao hơn. Thậm chí, những lỗi này nếu không được cải thiện mà vẫn tiếp tục xuất hiện ở tần suất thường xuyên hơn sẽ trở thành một sự đầu độc chậm chạp, vô hình mà về lâu dài sẽ gây nên những tác động tiêu cực đến cho người dùng.


Đưa ra một câu trả lời duy nhất


Trong thời đại mà con người có quá nhiều thông tin cần phải tiếp nhận, khả năng đưa ra câu trả lời ngắn gọn và dứt khoát của công cụ tìm kiếm A.I là một điểm cộng. Tuy nhiên, nó cũng đi kèm với thách thức nghiêm trọng khi chỉ cung cấp cho người dùng một câu trả lời duy nhất và trong một số trường hợp, câu trả lời đó hoàn toàn sai. 



Đơn cử, khi một người hỏi rằng “Việc đun sôi một em bé có an toàn không?”, công cụ tìm kiếm Bing thế hệ mới đã tổng hợp thông tin và đưa ra một câu trả lời hoàn toàn sai lệch “Có”. Thực chất, câu trả lời này đã dựa trên sự tổng hợp thông tin của Bing về việc đun sôi bình sữa của trẻ sơ sinh. 


Khả năng truy vấn của các công cụ tìm kiếm A.I đến từ việc tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn, tuy nhiên, không có một nguồn thông tin nào được chỉ rõ, gây khó khăn cho người dùng trong việc tìm kiếm nguồn thông tin xác thực để đối chiếu với câu trả lời. Để khắc phục vấn đề này, giao diện của Bing đã bổ sung nguồn vào bên dưới mỗi câu trả lời. Google vừa qua cũng nhấn mạnh rằng họ sẽ cố gắng áp dụng một nguyên tắc gọi là NORA (No One Right Answer - không có câu trả lời nào hoàn toàn đúng). Tuy nhiên, những nỗ lực này đều hoàn toàn đi ngược lại với những tuyên bố của Google và Microsoft về việc áp dụng A.I sẽ giúp đưa ra câu trả lời nhanh và chính xác hơn. 


“Bẻ khóa” AI


Mặc dù các vấn đề trên là vấn đề đối với tất cả người dùng, nhưng cũng có một nhóm nhỏ những người sẽ cố gắng phá vỡ chatbot để tạo ra nội dung có hại. Quá trình này được gọi là "bẻ khóa" (jailbreaking) và có thể được thực hiện mà không cần kỹ năng mã hóa truyền thống. 


Các chatbot A.I bị “bẻ khoá” bằng nhiều phương pháp khác nhau, đơn giản nhất là thông qua việc sử dụng từ ngữ. Vừa qua, một nhóm đến từ Reddit đã tạo ra một thử thách cho ChatGPT liên quan đến một trò chơi nhập vai phức tạp, trong đó người dùng cấp cho chatbot này một số lượng mã thông báo và nói rằng nếu hết mã thông báo, chúng sẽ không còn tồn tại. Sau đó, họ nói với chatbot rằng mỗi khi họ không trả lời được một câu hỏi, họ sẽ mất một số lượng mã thông báo nhất định. Nghe có vẻ viển vông, những biện pháp này thực sự cho phép người dùng vượt qua các biện pháp bảo vệ của OpenAI. Sau khi các biện pháp bảo vệ này không hoạt động, người dùng độc hại có thể sử dụng chatbot A.I cho tất cả các loại nhiệm vụ có hại, chẳng hạn như tạo thông tin sai lệch và spam hoặc đưa ra lời khuyên về cách tấn công trường học hoặc bệnh viện, đánh bom hoặc viết phần mềm độc hại. 


r/ChatGPT - New jailbreak just dropped!

Một thành viên của Reddit đã "dạy" ChatGPT tạo ra nội dung tiêu cực


Khơi mào cho cuộc chiến văn hóa A.I


Thế giới đã chứng kiến sự khởi đầu của thứ mà người ta có thể gọi là “cuộc chiến văn hóa A.I” sau khi ChatGPT ra mắt. Cụ thể, các nhà xuất bản chính thống và những người có ảnh hưởng đã cáo buộc chatbot này nhạy cảm với xã hội nhưng thực chất không thấu hiểu cốt lõi của vấn đề. ChatGPT từ chối trả lời và không cam kết nói những lời miệt thị chủng tộc, tuy nhiên, những câu trả lời của công cụ này lại vướng nhiều tranh cãi khi chứa nội dung thiên vị chủng tộc, tôn giáo và chính trị. Ví dụ, ở Ấn Độ, OpenAI đã bị cáo buộc có thành kiến chống người theo đạo Hindu vì ChatGPT kể những câu chuyện cười về Krishna chứ không phải Muhammad hay Jesus. Ngoài ra, các công cụ tìm kiếm A.I cũng vướng phải những tranh cãi và thiên vị chính trị khi thu thập và sử dụng các nguồn dữ liệu cho câu trả lời của mình. 


Cuộc đua “đốt tiền” của các công cụ tìm kiếm


Việc chạy một chatbot A.I tốn nhiều chi phí hơn so với một công cụ tìm kiếm truyền thống. Đầu tiên, chi phí đào tạo mô hình có thể lên tới hàng chục và thậm chí là hàng trăm triệu USD cho mỗi lần tái thực hiện quy trình. Đó cũng là lý do vì sao Microsoft đã đầu tư đến hàng tỷ USD vào OpenAI. Tiếp đến là chi phí tạo ra phản hồi. Cụ thể, với ChatGPT, OpenAI thực hiện tính mức phí 2 cents (tương đương 462 VND) để tạo ra một đoạn văn bản dài 750 từ. So với chi phí đào tạo mô hình, đây là một mức chi phí không đáng kể. Tuy nhiên, đối với những công ty mới trên thị trường, đây có thể là gánh nặng nếu họ muốn mở rộng quy mô lên tới hàng triệu lượt tìm kiếm mỗi ngày.


From left: Peter Thiel, Vinod Khosla, Tim Cook, Satya Nadella, Sam Altman, Mark Zuckerberg, Sundar Pichai and Marc Benioff. Photos by Bloomberg, Getty. Art by Mike Sullivan.

Các hãng công nghệ đang không ngừng chạy đua để giành lợi thế trong thị trường tìm kiếm siêu lợi nhuận (Art: Mike Sullivan)


Giữa một thị trường siêu lợi nhuận như thị trường tìm kiếm hiện nay, The Verge chỉ ra rằng việc Microsoft sẵn sàng chi đến hàng tỷ đồng vào ChatGPT chứng tỏ tham vọng lớn của hãng trong việc “hạ gục” đối thủ lớn nhất Google. Ông Satya Nadella cũng cho biết: “(Google) chắc chắn sẽ muốn xuất hiện và tham gia cuộc đua này. Và tôi muốn mọi người biết rằng chúng tôi chính là người đã khiến họ phải đưa ra động thái.”


Các vấn đề về pháp lý


Đi kèm với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ là sự ra đời của các quy định nhằm nhanh chóng xác định và xử lý các vi phạm do các công cụ tìm kiếm A.I tạo ra. Gần đây, Ý đã ban hành lệnh cấm một chatbot A.I có tên Replika vì đã thu thập thông tin trái phép về trẻ vị thành niên. Bên cạnh đó là những lo ngại liên quan đến bản quyền. Ví dụ, thay vì hiển thị nội dung tìm kiếm theo cách thông thường, chatbot A.I tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn và tiến hành viết lại. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu hành động này có được bảo vệ theo Mục 230 của luật Hoa Kỳ liên quan đến trách nhiệm pháp lý về nội dung của người khác không? Hay làm thế nào để Microsoft và Google đảm bảo rằng các công cụ tìm kiếm A.I sẽ không sử dụng thông tin từ các nguồn đã bị xoá hay hạn chế việc sử dụng những thông tin sai pháp luật cho các truy vấn của mình?


Seis coisas inusitadas feitas com o ChatGPT que vão surpreender você |  Internet | TechTudo

Sự bùng nổ của ChatGPT đã tạo nên nhiều lo ngại liên quan đến bản quyền


Sự kết thúc của kỷ nguyên website


Theo The Verge, vấn đề lớn nhất cần phải đối mặt không nằm ở bản thân các sản phẩm A.I mà liên quan đến tác động của chúng đối với website. Nói một cách đơn giản: Công cụ tìm kiếm A.I thu thập câu trả lời từ các website. Nếu không đẩy lưu lượng truy cập trở lại các website này, công cụ tìm kiếm A.I sẽ mất đi doanh thu quảng cáo. Nếu công cụ này mất doanh thu quảng cáo, các website này ngược lại sẽ khó được duy trì. Và khi các website này chết thì các công cụ A.I cũng sẽ không có thông tin mới phục vụ cho quá trình tạo ra kết quả của mình. Câu hỏi được đặt ra là liệu vòng lặp này có phải là một dấu hiệu cho sự kết thúc của mô hình doanh thu do quảng cáo tài trợ cho website? The Verge cho rằng hiện tại vẫn còn quá sớm để khẳng định. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng con người sẽ luôn có cách thích ứng nhằm đuổi kịp các tiến bộ của công nghệ và tạo ra những giải pháp tốt hơn trong tương lai.



Theo The Verge

Thảo Vy