Tại buổi talkshow diễn ra trên ứng dụng OnMic, anh Leo Phan - Giám đốc sáng tạo với hơn 20 năm kinh nghiệm cùng anh Khải Lê - thế hệ đầu của ngành quảng cáo Việt Nam đã chia sẻ về chủ đề “TVC và vai trò của Creative Director”.

 

Cùng khám phá qua thông tin thú vị dưới đây.


Cùng lắng nghe những chia sẻ thú vị từ Host Leo Phan và khách mời Khải Lê


TVC là gì?


Tất cả các hoạt động trong ngành quảng cáo đều sử dụng nhiều công cụ khác nhau như TVC, print-ads, event,... để thể hiện thông điệp truyền thông và lôi cuốn khách hàng. Trong đó, TVC (Television Commercials) là hình thức chọn ngôn ngữ điện ảnh làm lớp áo nghệ thuật để truyền tải những thông điệp này. 


Lợi thế của TVC là khả năng tận dụng sức hấp dẫn vốn có của môn nghệ thuật thứ 7 để lồng ghép tính thương mại và giải pháp của thương hiệu, từ đó thu hút sự quan tâm của khách hàng. Nhờ vậy, TVC luôn được xem là một trong những loại hình quảng cáo hiệu quả nhất.


TVC được ưa chuộng nhờ kết hợp thông điệp ý nghĩa cùng sức hút sẵn có của điện ảnh


Điều gì tạo nên một TVC hay?


Yếu tố sáng tạo chính là điều kiện tiên quyết tạo nên một TVC thành công. Để có được những màu sắc độc đáo trong TVC, đội ngũ sáng tạo phải có góc nhìn tinh tế, thấu hiểu thương hiệu, sản phẩm, khách hàng mục tiêu và cả đối thủ cạnh tranh để chọn ra những chi tiết phù hợp nhất cho TVC. Điều này đòi hỏi marketer luôn học hỏi không ngừng, có tính kiên trì và quyết tâm cao trong công việc.


Những TVC đậm chất sáng tạo từ agency Dentsu Redder được nhiều khán giả đón nhận và trở thành chiến dịch quảng cáo nổi bật năm 2020


Ngoài ra, ý tưởng sáng tạo cần phải phù hợp với ngân sách của khách hàng. Ngân sách khác nhau sẽ mang lại những sản phẩm khác nhau, giả sử như Creative Director có rất nhiều ý tưởng hay nhưng kinh phí không đủ để thuê diễn viên giỏi, vị trí đẹp, nhà làm phim xuất sắc,... thì ý tưởng đó cũng sẽ khó triển khai, gây ra nhiều khó khăn trong quá trình làm việc cho cả khách hàng và đội ngũ sáng tạo. Vì vậy, hãy nắm rõ mục đích, yêu cầu, kỳ vọng của khách hàng để ước lượng ngân sách hợp lý với ý tưởng.

Chia sẻ được đúc kết từ 20 năm kinh nghiệm trong ngành quảng cáo của anh Khải Lê


Yếu tố thứ hai không thể thiếu để tạo nên một TVC hay là sự khác biệt - thể hiện qua giải pháp và cách truyền tải thông điệp truyền thông. Một TVC không có giải pháp sẽ trở thành một thước phim vô nghĩa và đi ngược với bản chất của ngành quảng cáo. Do đó, marketer nên nắm rõ tầm quan trọng của thông điệp và giải pháp để sáng tạo một kịch bản thuyết phục.


Lời khuyên khi làm TVC


Ngày nay, một bộ phận marketer cho rằng ai cũng có thể làm TVC chỉ với một kịch bản hay. Suy nghĩ này sẽ tạo nên sự hời hợt và thiếu bao quát trong quá trình thực hiện TVC. Bởi không chỉ dừng lại ở một kịch bản, bộ phận sáng tạo còn phải cân đo đong đếm từng chút một từ âm nhạc, diễn xuất, kỹ xảo, ngân sách,... cùng cách phân bổ công việc, hợp tác với các bên liên quan. Đây là quá trình làm việc không hề đơn giản và yêu cầu chuyên môn cao.


Quá trình tạo ra TVC không hề đơn giản mà đòi hỏi chuyên môn

và nhiều kỹ năng khác nhau


Bên cạnh đó, thời gian gần đây thị trường quảng cáo xuất hiện nhiều đơn vị “phá giá” TVC. Từ mức giá thông thường khoảng 200 triệu - 10 tỷ, các đơn vị này chỉ chào bán với giá tầm 100 triệu đồng, khiến nhiều khách hàng hoài nghi về ngân sách để tạo ra một TVC. Tuy nhiên, chất lượng TVC sẽ tương ứng với số tiền được bỏ ra. Giả sử một TVC giới thiệu về hãng xe ô tô chạy đường dài, cần quay ở nhiều địa điểm khác nhau và yêu cầu kỹ năng dựng phim cao, thì chi phí thực hiện không thể ít hơn 1 tỷ đồng. Vì vậy, lời khuyên cho marketer là hãy tạo ra những điều tốt nhất, phù hợp nhất với ngân sách của khách hàng và nêu rõ quan điểm này từ những thỏa thuận đầu tiên để tránh lệch hướng, mâu thuẫn khi làm việc. Đối với những thương hiệu đang có nhu cầu làm TVC, cần chọn những agency uy tín, đảm bảo chất lượng đầu ra tương ứng với ngân sách.


TVC của Vinfast được quay ngoại cảnh, do đó yêu cầu chi phí cao hơn 


Cuối cùng, thống nhất quy trình làm việc với các bên liên quan. Đối với nội bộ agency, sự phối hợp ăn ý giữa các bộ phận là không thể thiếu. Vì muốn dự án thành công, trước tiên phải có sự lèo lái của Account, khả năng phân tích của Planner, đến ý tưởng của bộ phận sáng tạo. Tất cả các bộ phận này phải thấu hiểu mọi vấn đề của dự án để thực hiện tốt vai trò của mình và mang lại kết quả chung. Đồng thời, khi làm việc với các bên liên quan như khách hàng, nhà làm phim, diễn viên,... marketer cần thỏa thuận rõ ràng mọi điều khoản hợp đồng để hợp tác hiệu quả.


Hậu trường quay TVC quảng cáo Cozy cho thấy sự phối hợp nhịp nhàng

của toàn bộ ekip 


Một TVC hay đòi hỏi người làm nghề rất nhiều kiến thức và kỹ năng khác nhau, nhưng cốt lõi của vấn đề vẫn là tâm huyết, khả năng thấu hiểu và bao quát mọi quá trình làm việc. Từ đó, marketer sẽ kết hợp những nền tảng này với ý tưởng sáng tạo, làm ngòi nổ tạo nên TVC hấp dẫn khách hàng.


Tạm kết


Thông qua bài viết được đúc kết trên những chia sẻ của anh Khải Lê và anh Leo Phan, hy vọng rằng các marketer đã hiểu rõ khái niệm, tầm quan trọng của TVC cũng như có thêm những định hướng để tạo TVC thành công.

 

Cùng đón xem thêm nhiều buổi chia sẻ thú vị về ngành quảng cáo bằng cách bấm theo dõi các khách mời trên ứng dụng OnMic. 

 

Tải app bằng QR Code

 

 

Tải ứng dụng OnMic tại https://www.getonmic.com để nghe nhiều kiến thức thú vị đến từ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau hàng tuần.

 

Linh Hà | Advertising Vietnam