Kết hợp Blockchain trong Marketing đang là xu hướng tiềm năng giúp thương hiệu gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Mặc dù vậy, không phải ai cũng hiểu rõ công nghệ này và ứng dụng của nó trong lĩnh vực tiếp thị. Hãy cùng tìm hiểu Blockchain Marketing qua bài viết dưới đây.


Blockchain là gì?


Blockchain là một kho lưu trữ thông tin. Những thông tin này được lưu trong các khối (Block), các khối này liên kết với nhau và mật mã và được ghi rõ thời điểm bắt đầu lưu trữ. Khối nào được lưu trước thì đứng trước, khối nào lưu sau thì đứng sau tạo thành một chuỗi các khối (chain) dài vô cực. Đặc biệt, mọi thông tin trong khối không thể bị thay đổi bằng bất cứ hình thức nào và bất cứ ai có quyền truy cập đề có thể xem được thông tin trong khối.



Hiểu đơn giản, Blockchain giống như Google Drive, có khả năng chia sẻ quyền truy cập cho bất cứ ai, nhưng không ai có thể thay đổi/bổ sung hoặc xóa thông tin trong khối sau khi đã lưu trữ (kể cả chủ sở hữu). Điểm khác biệt ở đây là Blockchain hoàn toàn bảo mật, không thể bị hack và không có bên nào nắm quyền kiểm soát mạng lưới Blockchain.


Khởi nguồn của Blockchain


Nhắc đến Blockchain, phần lớn chúng ta nghĩ tới Bitcoin - đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới ra đời năm 2008. Tuy nhiên, Bitcoin chỉ là một trong những ứng dụng phổ biến nhất của Blockchain.


Thực chất, ý tưởng về Blockchain đã xuất hiện từ năm 1991, khi hai nhà khoa học Mỹ Stuart Haber và W. Scott Stornetta giới thiệu một giải pháp công nghệ mới. Giải pháp này sử dụng thuật toán để đánh dấu thời gian cho các văn bản online một cách chính xác và không thể bị chỉnh sửa.


Một năm sau, hệ thống này được nâng cấp về mặt thiết kế. Hình ảnh về khối lập phương ra đời, trong đó các khối này chính là nơi lưu trữ văn bản online lúc trước đã được đánh dấu thời gian soạn thảo. Mặc dù đã cải tiến hiệu quả hơn, nhưng công nghệ này không có nhiều tính ứng dụng. Vì vậy ý tưởng về Blockchain rơi vào quên lãng.



Mãi tới năm 2008, Satoshi Nakamoto (một cá nhân hoặc tổ chức chưa xác định) đã thay đổi và chỉnh sửa một số thuật toán của Blockchain phiên bản cũ để tạo ra đồng tiền điện tử Bitcoin đầu tiên. 5 năm sau, Vitalik Buterin - một lập trình viên trẻ tuổi người Canada ra mắt đồng tiền điện tử thứ hai của thế giới Ethereum hoạt động nhanh hơn, hiệu quả hơn và phi tập trung (ai cũng có quyền tham gia/truy cập và chia sẻ). Lúc này, công nghệ Blockchain mới chính thức bùng nổ và được biết tới rộng rãi toàn cầu.


Từ đó tới nay, công nghệ này liên tục được cải tiến và phát triển về mặt kỹ thuật, mang đến hàng loạt lợi ích và được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau như truyền thông tiếp thị, giao dịch tài chính, công khai dữ liệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm,... của nhiều thương hiệu. Vậy cụ thể, lợi ích của Blockchain đối với lĩnh vực truyền thông tiếp thị ra sao?


Lợi ích của Blockchain đối với truyền thông và tiếp thị


1. Nhắm chọn chính xác tệp khách hàng mục tiêu


Một trong những lợi ích hàng đầu của công nghệ Blockchain là tính minh bạch. Mọi thông tin dữ liệu của người truy cập và sử dụng công nghệ Blockchain đều được ghi lại trong các khối, không thể bị chỉnh sửa/bổ sung/xóa bỏ. Điều này giúp các Marketer (nhà tiếp thị) dễ dàng thu thập dữ liệu hành vi của đối tượng mục tiêu, từ đó dễ dàng phán đoán Insights (sự thật ngầm hiểu) của khách hàng tiềm năng để điều chỉnh kế hoạch tiếp thị phù hợp.



Hiện nay, hầu hết các thương hiệu thu thập dữ liệu về đối tượng mục tiêu thông qua Cookies, sau đó triển khai các chiến dịch Remarketing (tiếp thị lại). Tuy nhiên, hàng loạt vụ xâm phạm quyền riêng tư, dữ liệu cá nhân từ khách hàng xuất hiện trong những năm trở lại đây khiến Google đưa ra phương án hủy bỏ tính năng Cookies. Điều này chắc chắn sẽ gây ra nhiều bất lợi trong quá trình thấu hiểu Insights khách hàng mục tiêu của các thương hiệu. Mặc dù vậy, ứng dụng Blockchain có thể trở thành giải pháp công nghệ tiếp thị giải quyết bài toán này hiệu quả trong thời gian tới.


2. Chống gian lận trong quảng cáo - câu chuyện “tiền trao, cháo múc”


Thông thường, các Marketer khi triển khai tiếp thị trực tuyến phải trả phí cho các nền tảng thứ 3 như Facebook, Google, TikTok,... Các đơn vị này sẽ giúp thương hiệu phân phối thông điệp tiếp thị tới khách hàng/đối tượng phù hợp nhắm chọn. Mặc dù “tiền trao, cháo múc” nhưng không ai chắc chắn một đồng bỏ qua thu lại giá trị tương xứng. Bởi các nền tảng này “độc quyền” kiểm soát dữ liệu từ người tiêu dùng vì vậy họ hoàn toàn có thể làm giả số liệu và tự do kiếm lời nhiều hơn từ các thương hiệu. Tuy nhiên, với tính phi tập trung của Blockchain, không đơn vị nào có quyền kiểm soát dữ liệu. Thông tin về tần suất hiển thị, vị trí phân phối, lượng tương tác, CPC, CPM,... không thể bị chỉnh sửa. Điều này sẽ công bằng hơn với các thương hiệu trong tương lai.


3. Gia tăng trải nghiệm khách hàng, lấy lòng tin làm “bệ đỡ”


Nguồn gốc hàng hóa ảnh hưởng lớn tới trải nghiệm mua sắm của khách hàng. Nhất là trong bối cảnh thương mại điện tử lên ngôi và vấn nạn hàng giả, hàng nhái hàng loạt khiến người tiêu dùng phòng thủ hơn khi ra quyết định mua hàng. Ứng dụng Blockchain có thể giải quyết vấn đề này. Khách hàng tiềm năng của thương hiệu dễ dàng truy xuất thông tin về thông tin sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất, đã từng phân phối tới đâu, vận chuyển như thế nào,... một cách thuận tiện và rõ ràng, từ đó giúp họ giải quyết tâm lý phòng thủ, nghi hoặc về sản phẩm trong quá trình mua sắm.


Không chỉ có lợi cho khách hàng, việc công khai những thông tin trên còn giúp các đơn vị có liên quan trong chuỗi cung ứng và sản xuất nắm bắt tình trạng sản phẩm nhanh chóng và chính xác. Điều này giúp rút ngắn thời gian và giảm thiểu rủi ro không đáng có trong việc đưa sản phẩm tới tay khách hàng. Qua đó, trải nghiệm mua sắm của họ ngày càng được hoàn thiện, trơn tru và hiệu quả hơn.


Ứng dụng Blockchain vào Marketing như thế nào?


1. Chương trình khách hàng trung thành (Loyalty Program)


Rõ ràng, bán hàng cho khách hàng cũ dễ hơn nhiều so với việc tìm kiếm khách hàng mới. Vì vậy, chương trình khách hàng trung thành ra đời để giải quyết bài toán tối đa hóa doanh thu của thương hiệu trên tệp khách hàng cũ. Đổi điểm tích lũy là cách phổ biến để kích thích nhóm khách hàng này chi trả nhiều hơn. Mặc dù vậy, không phải chương trình đổi điểm nào cũng được tiến hành nhanh chóng và hấp dẫn.


Thông thường, khách hàng chi trả cho sản phẩm của thương hiệu, họ sẽ nhận được một số điểm tích lũy tương ứng. Quá trình này trông thì giống tự động, nhưng việc phê duyệt điểm tích lũy vẫn phải thông qua người phụ trách chương trình khách hàng trung thành và bộ phận kế toán của thương hiệu. Quá trình này sẽ mất một khoảng thời gian tùy theo quy trình làm việc và giải quyết giấy tờ của các bên. Lý do vì số điểm này là chi phí thương hiệu bỏ ra để giữ chân khách hàng trung thành, mà đã là chi phí thì phải được kiểm soát cẩn thận. Để cải thiện điều này, ứng dụng Blockchain giúp thương hiệu tự động hóa quy trình trả điểm dựa trên các hợp đồng thông minh (Smart Contract), loại bỏ công đoạn phê duyệt giấy tờ, thủ tục rườm rà, tốn thời gian trong quá trình xử lý điểm tích lũy tới tay khách hàng.



Bên cạnh đó, sự hấp dẫn của chương trình khách hàng trung thành nằm ở sự đa dạng các hạng mục khách hàng có thể quy đổi. Hạng mục quy đổi càng nhiều thì động lực tích điểm của họ càng cao. Tuy nhiên, để đa dạng, các thương hiệu phải tìm cách “bắt tay” với nhiều đối tác cung cấp sản phẩm/dịch vụ như vậy. Rõ ràng, điều này là không dễ. Thay vì thế, các thương hiệu có thể ứng dụng công nghệ Blockchain tạo ra một đồng token riêng để khách hàng tích lũy. Sau đó, khách hàng có thể chủ động sử dụng đồng token này, tham gia vào mạng lưới blockchain và chi trả cho các sản phẩm/dịch vụ của đơn vị mà họ thích.


2. Tiếp thị người ảnh hưởng (Influencer Marketing)


90% người tiêu dùng được hỏi tin tưởng vào đánh giá của Influencer/KOC hoặc các mối quan hệ thân quen về sản phẩm/dịch vụ hơn là quảng cáo từ các thương hiệu (báo cáo Repota 2022 của Adsota). Do đó, Influencer Marketing đang được xem là công cụ tiếp thị quan trọng giúp các thương hiệu truyền tải thông điệp hiệu quả tới người tiêu dùng.


Mặc dù hợp tác và triển khai các chiến dịch Influencer Marketing không khó, nhưng việc kiểm soát các chỉ số hiệu suất như ROI, tỷ lệ tiếp cận hay tương tác thì khá khó khăn. Nguyên nhân không xuất phát từ quy trình hay công cụ đo lường, mà đến từ sự thiếu minh bạch trong việc cung cấp dữ liệu hiệu suất từ Influencer hoặc các đơn vị quản lý Influencer. Người theo dõi ảo, chiêu trò “mông má” lượt tương tác, hay cam kết các chỉ số đầu ra theo mong muốn của khách hàng,... tất cả giống một lời nói dối trắng trợn và khoản đầu tư tiếp thị của thương hiệu bị bòn rút mà không bị phát hiện.


Tuy nhiên, mọi vấn đề về sự minh bạch này sẽ được giải quyết khi có sự can thiệp của Blockchain. Với ưu điểm của Smart Contract (hợp đồng thông minh) - một thuật toán của Blockchain cho phép các cá thể chuyển giao dữ liệu giữa các khối khi đạt được một hay nhiều thỏa thuận chung được các bên đồng ý từ trước, việc thanh toán chi phí tiếp thị sẽ được thực hiện khi Influencer hay các đơn vị quản lý Influencer thực hiện các hành động cụ thể hoặc mang lại kết quả theo yêu cầu/mong muốn từ các thương hiệu. Hiểu đơn giản, Blockchain có thể dùng để xác minh hiệu suất thật sự của chiến dịch và tính hợp pháp của Influencer sẽ hợp tác với thương hiệu.


3. Quảng cáo trực tuyến (Digital Advertising)


Rõ ràng, chúng ta đang sống trong nền kinh tế của sự chú ý. Nếu một thương hiệu không khiến khách hàng chú ý, thương hiệu đó sẽ chẳng bán được hàng cho ai. Vì vậy, số tiền các thương hiệu hiện nay đổ vào quảng cáo nói chung và trực tuyến nói riêng tới nay đã lên tới hàng trăm tỷ đô và được dự đoán sẽ cán mốc 333,25 tỷ USD vào cuối năm nay. Cho dù như vậy, chưa chắc số tiền này đã giúp quảng cáo của thương hiệu xuất hiện trước mắt nhóm đối tượng thực sự quan tâm.


Lúc này, ứng dụng Blockchain sẽ giúp thương hiệu tối ưu khoản đầu tư của mình bằng cách hiển thị quảng cáo tới tệp khách hàng chính xác. Ví dụ như Brave - một ứng dụng được tạo ra với công nghệ Blockchain cho phép người dùng chặn quảng cáo họ không muốn xem, đã định vị bản thân là “cánh tay phải đắc lực” bảo vệ người dùng khỏi những quảng cáo gây phiền toái. Nhưng đồng thời, Brave cũng giúp các thương hiệu hiểu rõ loại quảng cáo nào được người dùng chấp nhận, từ đó tối ưu sự chú ý của người dùng vào những quảng cáo tiếp theo. Các ứng dụng khác như Kind Ads, Impetus One,... cũng hoạt động như vậy.


Có thể thấy, với ưu điểm vượt trội, Blockchain sẽ là công nghệ quan trọng giúp thương hiệu bứt phá tiếp thị trong tương lai gần. Mặc dù vậy, để ứng dụng công nghệ này trong các hoạt động Marketing đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao đi kèm với một khoản ngân sách kha khá. Do đó, các thương hiệu nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi có kế hoạch triển khai.