Năm 2008, khi Google ra mắt cửa hàng ứng dụng đầu tiên mang tên Android Market, tất cả chỉ có 50 ứng dụng để người dùng lựa chọn. Eric Chu, giám đốc mảng Android tại thời điểm đó đã miêu tả Android Market là một thị trường tiềm năng, một không gian mở - nơi mà các nhà phát triển ứng dụng có thể tự do sáng tạo nội dung.
Lúc ấy, việc ra mắt một ứng dụng trên smartphone rất đơn giản, chỉ cần đăng ký với tư cách một người phát triển ứng dụng, tải ứng dụng lên nền tảng và viết một mô tả về ứng dụng. Có thể nói, đây được xem như thời kỳ vàng trong việc ra mắt các ứng dụng, vì trong những năm đầu tiên, chỉ cần một vài thao tác tối ưu ứng dụng và chiến dịch quảng cáo đơn giản cũng đủ thu hút một lượng lớn người dùng.
Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi. Trong quý 1 năm 2021, có tới 3,84 triệu ứng dụng Android để người dùng khám phá. Trong khi đó với người dùng iPhone, Apple App Store có khoảng 2.22 triệu ứng dụng. Trong hệ sinh thái ứng dụng đa dạng như hiện nay, các phương pháp marketing trước đây dần trở nên kém hiệu quả. Nếu không có cách tiếp cận tối ưu, các ứng dụng mới sẽ không gây được tiếng vang trong thị trường đầy cạnh tranh này. Theo dữ liệu từ App Annie, trong năm 2020, có khoảng 71,000 ứng dụng liên quan đến sức khoẻ và thể dục được ra mắt trên Apple App Store và Google Play Store. Cùng với đó, số liệu từ Statista cho thấy rằng 70% trong số đó không đạt được mốc 1000 lượt tải về.
Trong năm 2020, có khoảng 71,000 ứng dụng liên quan đến sức khoẻ và thể dục được ra mắt trên Apple App Store và Google Play Store
Trong bối cảnh đầy cạnh tranh này, các nhà phát triển cần phải thay đổi các chiến lược để đảm bảo ứng dụng có thể tiếp cận được lượng lớn người dùng. Trong khi đó, các nhà sản xuất thiết bị và nhà cung cấp dịch vụ di động có tác động sâu sắc đến việc tìm kiếm các ứng dụng của người dùng, bởi họ có thể giúp ứng dụng trở nên nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh trong một cửa hàng. Chính vì vậy, tăng cường tối ưu hoá các ứng dụng đã cài sẵn trước đó là một yếu tố chính giúp cải thiện số lượng người dùng.
Các ứng dụng được cài sẵn không còn quá xa lạ với người dùng, nhưng càng ngày càng có nhiều loại ứng dụng được cài sẵn trên các dòng điện thoại thông minh. Có thể nói, sự “bành trướng” này đã phản ánh rõ ràng quá trình phát triển của các nền tảng khám phá ứng dụng mà tại đó, chúng có thể quản lý và cải thiện mối quan hệ giữa nhà phát triển và nhà sản xuất thiết bị. Những mối quan hệ hợp tác này đã mở đường cho các nhà phát triển ứng dụng nhỏ hơn có thể gia nhập vào đường đua bằng cách làm việc chung với nhà phát triển mới khác dưới sự bảo trợ của một nền tảng giao dịch trực tiếp với OEM. Qua đó, cá nhân hoá cách tiếp cận những ứng dụng cài trước thay vì sử dụng chung một phương pháp cho hàng triệu người dùng. Các nhà sản xuất xem người dùng là những cá nhân độc lập và họ nhận ra rằng cái người dùng muốn chính là những ứng dụng không làm tiêu tốn quá nhiều dung lượng của mình.
Cả ba đối tượng bao gồm người dùng, nhà phát triển và nhà sản xuất đều nhận được lợi ích từ những ứng dụng được cài sẵn. Đối với người dùng, họ sẽ nhận được những đề xuất được cá nhân hoá tuỳ theo ngữ cảnh mà không phải tốn nhiều thời gian để lướt trên cửa hàng ứng dụng. Bên cạnh đó, người dùng sẽ tin tưởng vào các phần mềm được cài sẵn hơn bởi họ cho rằng chúng đã được các nhà sản xuất tuyển lựa, kiểm duyệt đầy đủ cũng như ít lo ngại hơn về việc đánh cắp dữ liệu cá nhân. Việc hướng đến nhu cầu của người dùng sẽ đảm bảo sự trung thành lớn hơn và mang lại nhiều lợi ích cho nhà sản xuất và nhà phát triển ứng dụng. Đối với các nhà sản xuất thiết bị, họ có thể củng cố thương hiệu bằng cách nâng cao sự hài lòng của người dùng qua những ứng dụng bổ ích.
Người dùng thường nâng cấp thiết bị của họ lên những mẫu mới nhất để chắc chắn rằng những ứng dụng mà họ đã tải về trước đó vẫn sẽ hoạt động tốt trên thiết bị mới. Ngoài ra, người dùng smartphone thường có xu hướng trung thành với một thương hiệu để tránh phải cài lại các ứng dụng và dịch vụ đã quen thuộc. Đối với các nhà phát triển, đây là một cơ hội vô cùng lớn bởi người dùng sẽ bỏ qua vô vàn quảng cáo từ các ứng dụng khác. Các nhà phát triển cũng đảm bảo được rằng ứng dụng của họ sẽ là thứ đầu tiên mà người dùng nhìn thấy và sử dụng. Đối với các nhà cung cấp dịch vụ, đây lại là cơ hội để duy trì sự tương tác với người sử dụng điện thoại, gợi ý những nội dung phù hợp, cung cấp ưu đãi và nâng cấp đặc biệt cho người dùng.
Các nhà phát triển cần đảm bảo được rằng ứng dụng của họ sẽ là thứ đầu tiên mà người dùng nhìn thấy và sử dụng
Có thể thấy công nghệ smartphone đã phát triển vượt bậc trong 15 năm qua, mở đường cho những trải nghiệm cá nhân hóa thiết bị của người dùng. Người dùng mong muốn thiết bị di động như một phần trong cuộc sống của mình, hiểu được họ muốn sử dụng ứng dụng và dịch vụ nào và nhiệm vụ của thiết bị di động là phải tìm ra và đáp ứng đúng nhu cầu đó. Để đạt được điều này, nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ là những công cụ luôn đi đôi với hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài ra, các đề xuất trên thiết bị do nền tảng thứ ba hỗ trợ đã thay đổi phần nào hành vi người dùng tương tác với thiết bị của họ. Sự đột phá trong công nghệ AI có ý nghĩa rất lớn nhằm tối ưu đề xuất những sản phẩm phù hợp với từng cá nhân. Những ví dụ rõ ràng nhất có thể kể đến như ứng dụng giao đồ ăn hiển thị cho người dừng những nhà hàng có thể mua mang về, những sàn thương mại điện tử cung cấp mã ưu đãi, giảm giá khác nhau cho từng đối tượng với vị trí địa lý và hành vi mua sắm cụ thể. Các đề xuất có thể được điều chỉnh theo loại thiết bị, vị trí, hành vi của người dùng và thời gian chính xác trong ngày khi mà mức độ tương tác tăng cao.
Không thể phủ nhận vai trò của các nhà cung cấp dịch vụ trong việc phát triển loại hình quảng cáo ứng dụng nói trên. Trên thực tế, việc sở hữu một chiếc điện thoại 5G hay các thiết bị sở hữu công nghệ VR và AR chỉ mới đi được nửa hành trình khám phá thiết bị bởi nếu không có sự kết nối các dịch vụ mạng, những tiện ích trên đều trở nên vô nghĩa. May mắn thay, sự đầu tư viễn thông đang ngày càng được chú trọng, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi như Mỹ La Tinh và châu Phi. Trong tương lai, các nhà phát triển ứng dụng sẽ có cơ hội tham gia vào nhiều thị trường hơn, song song đó, các nhà sản xuất cũng có thể tăng doanh số bán hàng.
Nền kinh tế ứng dụng trong thời gian tới dường như không có dấu hiệu ngừng lại. Doanh số smartphone được kỳ vọng sẽ tăng cao hơn cùng với những sự đổi mới mang lại cho người dùng trải nghiệm điện thoại tốt hơn, mang tính cá nhân nhiều hơn và gây ấn tượng đáng nhớ đến người sử dụng.
Theo Appnext