“Nghề Producer giống như một tảng băng chìm, cần rất nhiều thời gian để khám phá và thấu hiểu” - Theo Anh Xuân Phạm - Thế hệ Producer đầu tiên của ngành quảng cáo Việt Nam.


Tại buổi talkshow diễn ra trên ứng dụng OnMic, anh Leo Phan - Giám đốc sáng tạo với hơn 20 năm kinh nghiệm cùng anh Xuân Phạm - Executive Producer có 27 năm trong nghề đã chia sẻ về chủ đề “Creative Director cần gì? Producer cần gì? Để nấu ý tưởng thành TVC?”.


Cùng Advertising Vietnam khám phá qua những thông tin hữu ích dưới đây.


Cùng lắng nghe chia sẻ thú vị từ Host Leo Phan và khách mời Xuân Phạm


Quy trình làm việc giữa agency và production house


Khi nhắc đến những bộ phận quan trọng trong ngành quảng cáo, ta không thể bỏ qua vai trò của production house (nhà sản xuất). Hiểu đơn giản, họ là người đưa giải pháp để biến kịch bản thành một TVC. Production house có thể làm việc với đại diện agency như Creative Director, Account và agency Producer hoặc làm việc trực tiếp với khách hàng. Tuy nhiên, với các dự án lớn, ta chủ yếu bắt gặp cái bắt tay giữa agency và production house. 


Thông thường, khi kịch bản đã được khách hàng duyệt, đại diện agency sẽ tìm production house phù hợp để hiện thực hóa TVC. Executive Producer sẽ là người làm việc chính với agency trong giai đoạn đầu tiên.


Sau khi nhận kịch bản, production house sẽ báo giá cho agency. Nếu khách hàng đã niêm yết một mức giá cụ thể, Executive Producer cần tìm ra giải pháp để đáp ứng nhu cầu từ khách hàng cũng như deadline và kinh phí. Giải pháp đó phải tính mọi chi tiết cần có để hoàn thiện kịch bản như thuê đạo diễn, quay phim, diễn viên nào, địa điểm hậu kỳ,... Đây là công việc đòi hỏi chuyên môn cao nhằm đánh giá thấu đáo các vấn đề của agency đưa ra.


Executive Producer phải tính toán tất cả mọi chi tiết trong giải pháp thực hiện TVC


Tiếp theo, agency và production house sẽ có những buổi thảo luận hoặc đấu thầu giải pháp nếu có nhiều nhà sản xuất muốn thực hiện dự án. Cuối cùng, hai bên sẽ ký kết hợp đồng và bắt đầu công việc theo thỏa thuận.


Có thể thấy, quy trình làm việc giữa agency và production house dễ dàng để hình dung. Tuy nhiên, quy trình này yêu cầu các bên tham gia tập trung cao độ cũng như vận dụng mọi kiến thức và kỹ năng của mình. Từ đó, nhà sản xuất có cơ hội mang lại TVC tốt nhất và thu hút người xem.


Phân biệt agency Producer và production house Producer


Không chỉ ở production house mới có Producer. Tại agency, vị trí Producer vô cùng quan trọng vì là người nắm khâu sản xuất và hiểu ý tưởng, mong muốn của nội bộ agency. Bên cạnh đó, với góc nhìn của một nhà sản xuất, họ sẽ biết cách xây dựng một kịch bản rõ ràng, sàng lọc những thông tin thừa,... Quan trọng nhất là kiến thức của Producer về giá cả, các loại máy quay, quá trình hậu kỳ,... để hiểu và nhận xét báo giá từ phía production house.


Sàng lọc và hoàn thiện storyboard cũng là một trong những nhiệm vụ của agency Producer, giúp production house hiểu rõ ý tưởng hơn

Nguồn: Storyboard quảng cáo Share A Coke của Coca-Cola


Hiện nay, nhiều agency dường như bỏ qua vai trò của Producer. Thay vào đó, Creative và Account phụ trách luôn phần việc của họ. Điều này khiến cho quy trình làm việc kém hiệu quả, gây mất thời gian hoặc hiểu lầm giữa production house và agency vì không đúng với chuyên môn của người đại diện. Theo khách mời, để quá trình làm việc diễn ra suôn sẻ hơn, hãy tuyển dụng Producer có kinh nghiệm cho agency. 


Làm sao để tạo phim đẹp khi kinh phí thấp?


Đây là một trong những câu hỏi hóc búa nhất trong ngành quảng cáo. Về phía khách hàng, ai cũng muốn có những TVC hay, chất lượng với mức giá thấp. Tuy nhiên, agency và nhà sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn với mong muốn này. Vậy khi gặp yêu cầu trên, Producer phải làm sao?


Câu trả lời xuất phát từ khả năng “giải toán” của Executive Producer. Khi làm việc với agency, trước tiên, nhà sản xuất phải hiểu storyboard (bảng vẽ câu chuyện), đồng thời thể hiện trình độ cùng thái độ chân thành để có thể khai thác thêm những thông tin từ agency như chi tiết các cảnh trong kịch bản, khi nào agency muốn nói chính về chức năng sản phẩm (functional benefit) và khi nào muốn tập trung vào cảm xúc (emotional benefit), còn có ai tham gia đấu thầu không,...


Executive Producer có trách nhiệm phân tích "bài toán" mà khách hàng đặt ra để đảm bảo quy trình làm TVC hiệu quả


Sau khi đã có thêm các thông tin cần thiết, Executive Producer sẽ bắt đầu phân tích kỹ lưỡng và đưa ra giải pháp phù hợp với kinh phí, thời hạn. Với ngân sách hạn hẹp, nhà sản xuất có thể định hướng agency sang một cách làm ít tốn kém hơn. Ví dụ như thay vì mất nhiều chi phí dựng 3D, ta có thể chuyển thành kỹ thuật 2D giả 3D nhưng hình ảnh vẫn đẹp và mượt mà như 3D. Lúc này, Executive Producer cần khẳng định về khả năng của đội ngũ hậu kỳ và trình bày showreel (đoạn phim ngắn của production house) cho agency. Một giải pháp tương xứng với giá tiền, thỏa mãn cả thời gian và chất lượng chắc chắn sẽ thuyết phục được agency.


Sử dụng showreel là một cách tốt để thuyết phục khách hàng

Nguồn: PanaMotion VFX Studio Vietnam


Để làm được như vậy, Executive Producer phải là người đã từng trải trong nghề, có gu thẩm mỹ và những kiến thức chuyên sâu về sản xuất. Ngành quảng cáo là sáng tạo giải pháp tổng hợp cho khách hàng. Producer biết càng nhiều sẽ càng thuận lợi trong công việc. Do đó, Producer nên học hỏi không ngừng và tham gia khóa học nâng cao kỹ năng.


Lời khuyên cho Producer


Đôi khi, nếu không thể thuyết phục khách hàng bằng giải pháp thay thế hoặc đổi kinh phí, nhiều production house chọn cách cắt giảm nhân sự tham gia sản xuất hoặc chọn những người có mức thù lao thấp hơn. 


Với bài toán cắt giảm nhân sự, một số agency thường chọn bỏ vị trí First Assistant Director - 1st AD (Trợ lý đạo diễn thứ nhất). Theo ý kiến khách mời, đây là quyết định không nên có bởi 1st AD là người hiểu ý đồ của đạo diễn nhất, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho diễn viên từ việc đọc kịch bản đến khích lệ tinh thần. Không chỉ là cầu nối giữa đạo diễn và diễn viên, họ còn là trung gian của khách hàng và đạo diễn. Tóm lại, trong quá trình làm việc, mỗi người có một nhiệm vụ riêng nên hãy cân nhắc thật kỹ nếu có ý định thu nhỏ ekip sản xuất.


Nếu production house muốn thuê nhân sự với mức giá thấp, họ phải chấp nhận về chất lượng của sản phẩm. 


Chất lượng của TVC phụ thuộc lớn vào ekip sản xuất

Nguồn: Echo production


Mỗi lựa chọn của production house đều ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả cuối cùng. Vì vậy, nhà sản xuất phải xem xét kỹ lưỡng mọi khía cạnh, đánh giá khả năng hoàn thành dự án theo những yêu cầu của khách hàng và agency. Trong trường hợp đã tìm mọi giải pháp tối ưu nhưng vẫn không thể đáp ứng, Executive Producer nên trình bày cụ thể với agency trước khi ký hợp đồng để tránh các mâu thuẫn hoặc khó khăn trong quá trình làm việc.


Tạm kết


Qua bài viết được đúc kết từ những chia sẻ của anh Leo Phan và anh Xuân Phạm, mong rằng Producer nói riêng và marketer nói chung đã có thêm những thông tin hữu ích và cảm nhận được ngọn lửa đam mê mà các khách mời muốn gửi gắm.


Cùng đón xem thêm nhiều buổi chia sẻ thú vị về ngành quảng cáo bằng cách bấm theo dõi các khách mời trên ứng dụng OnMic. 


Tải app bằng QR Code

 

 

Tải ứng dụng OnMic tại https://www.getonmic.com để nghe nhiều kiến thức thú vị đến từ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau hàng tuần.

 

Linh Hà | Advertising Vietnam