Trong những năm vừa qua, tin giả không còn là một điều quá xa lạ ở Việt Nam khi hàng loạt doanh nghiệp đã phải đối mặt với vấn nạn này. Một thương hiệu đồ uống phổ biến đã phải chịu thiệt hại về danh tiếng không hề nhỏ khi một người dùng Facebook đăng tin về tình trạng suy thận anh gặp phải sau thời gian đều đặn uống 3 chai nước giải khát nhãn hiệu này mỗi ngày vào năm 2018. Bài post nhận được hơn 60.000 lượt chia sẻ và tập đoàn đồ uống đã lập tức liên hệ với Facebook để gỡ bỏ thông tin sai sự thật trên, nhưng phải mất 7 ngày thì khiếu nại này mới được đáp ứng. Trong năm 2020, một trang web giả danh một tập đoàn viễn thông nội địa nổi tiếng cũng được tạo ra nhằm dụ dỗ những người có hoàn cảnh khó khăn, khiến họ cung cấp thông tin cá nhân nếu muốn nhận tiền trợ cấp. 


Để giúp các thương hiệu chống lại các mối đe dọa uy tín do tin giả gây ra, Vero, agency chuyên cung cấp giải pháp về PR và digital marketing tại khu vực ASEAN, vừa qua đã ra mắt sổ tay chiến lược PR nhằm xác định những cạm bẫy về danh tiếng của các cuộc tấn công tin giả và thông tin sai lệch, đồng thời đề xuất các biện pháp phòng ngừa mà doanh nghiệp có thể thực hiện để bảo vệ chính họ.


Cuốn sổ tay chiến lược đánh giá các loại tác nhân xấu thường đứng sau các cuộc tấn công sai lệch thông tin - những kẻ lừa đảo, kẻ thao túng thị trường và đối thủ cạnh tranh phi đạo đức - và đưa ra phân tích chi tiết về bốn phạm vi rủi ro chính của doanh nghiệp mà các cuộc tấn công thông tin sai lệch thường đánh vào. Phạm vi đầu tiên bao gồm các hoạt động liên quan đến thương hiệu, chẳng hạn như giới thiệu sản phẩm và đại sứ thương hiệu. Phạm vi thứ hai liên quan tới các hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như việc sáp nhập và mua lại. Phạm vi thứ ba là các hoạt động liên quan đến con người, ví dụ như việc bổ nhiệm lãnh đạo điều hành. Cuối cùng là những vấn đề liên quan đến ngành hàng như thành phần, tiêu chuẩn sản xuất. Chi tiết cuốn sổ tay chiến lược hiện đã có thể download trên website của Vero.



Giám đốc điều hành Brian Griffin của Vero cho biết: “Chúng ta đang sống trong thời đại của thông tin sai lệch, và trong nhiều tình huống, những kẻ xấu thường chiếm thế thượng phong. “Việc ngăn chặn hoàn toàn tất cả những cuộc tấn công thông tin sai lệch là bất khả thi, vì vậy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và thương hiệu nên có cách tiếp cận chủ động để kiểm soát mối đe dọa này thông qua việc giám sát cẩn thận các cuộc trò chuyện trực tuyến và tương tác thường xuyên với các bên liên quan nhằm xây dựng lòng tin phòng trường hợp xảy ra những cuộc tấn công về thông tin như vậy. 


Ngoài việc nêu bật các mối đe dọa, sổ tay chiến lược này cũng đưa ra một số đề xuất để chuẩn bị và giảm thiểu tác động của một cuộc tấn công thông tin sai lệch như: thành lập đội ngũ xử lý khủng hoảng sẵn sàng, giám sát đều đặn các phạm vi doanh nghiệp dễ bị rủi ro tấn công, lập danh sách những từ khóa chính để theo dõi nội dung bàn luận trên mạng xã hội, xây dựng lòng tin bằng những chiến lược truyền thông nhất quán và minh bạch, quản lý các kênh truyền thông mà thương hiệu sở hữu, và sẵn sàng liên hệ, làm việc với các nền tảng mạng xã hội để vô hiệu hóa những bên phát tán tin giả.


Giám đốc Truyền thông của Vero, Bà Pattanee Jeeriphab cũng chia sẻ: “Các thương hiệu nên thiết lập các kênh truyền thông thuộc sở hữu (owned media channels) và sử dụng chúng để truyền thông một cách rõ ràng và nhất quán. Những kênh này sẽ giúp họ xây dựng lòng tin trong công chúng, đảm bảo khách hàng sẽ lắng nghe khi họ buộc phải tự bảo vệ mình trước những tin đồn và những câu chuyện sai sự thật. Khi được truyền đạt một cách hiệu quả từ nguồn tin đáng tin cậy, sự thật thuần túy sẽ có sức mạnh để xóa tan sự giả dối và cải thiện niềm tin - đặc biệt là trong thời đại mà sự thật quá khó để kiểm chứng.”


Tải Sổ tay chiến lược về xử lý tin giả và thông tin sai lệch tại đây.

***

 

Về Vero

Vero là công ty truyền thông tích hợp, chuyên cung cấp giải pháp về PR và digital marketing với tầm nhìn chính nhằm tư vấn các thương hiệu tại thị trường Đông Nam Á. Đội ngũ Vero bao gồm 130 nhân sự trong khu vực, tại các văn phòng ở Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.