Với một lực lượng người hâm mộ hùng hậu đứng sau, những influencers (người có sức ảnh hưởng) đóng một vai trò không nhỏ ở vị trí trung gian giữa các thương hiệu và khách hàng. Không chỉ đơn thuần là thu hút sự chú ý từ phía khách hàng, các influencers còn có thể giúp cho thương hiệu thu thập những phản hồi hiệu quả thông qua sự tương tác của họ với khách hàng. Nhưng liệu các thương hiệu đã tận dụng hết những lợi ích mà một influencer có thể mang lại?


Dưới đây là những suy nghĩ của ông Michael Patent, người đồng sáng lập công ty giải trí và Marketing Culture Group.



“Những influencers mang lại nhiều giá trị hơn các thương hiệu từng nghĩ”, Michael Patent cho biết: “Những influencers là những người đã xây dựng được sự nổi tiếng và tạo ra sức ảnh hưởng đến khán giả bằng chính lối suy nghĩ và khả năng kết nối của riêng họ mà không thông qua bất kì một công ty nào. Nhờ vậy, chúng ta cảm thấy được tính chân thật trong việc giao tiếp và nhận phản hồi của họ từ khách hàng.” Patent cho rằng các thương hiệu không nên chỉ sử dụng influencer với mục đích tiếp cận và giao tiếp khách hàng mà còn có thể cộng tác cùng với nhau trên phương diện sáng tạo hoặc như một đối tác kinh doanh.


Trong vài năm gần đây, việc người nổi tiếng ở lĩnh vực thể thao và giải trí kết hợp với các thương hiệu trên vai trò người đồng sáng lập, cộng tác viên hoặc cố vấn sáng tạo đã trở thành xu hướng. Và những gì mà chúng tôi đã nhìn thấy trong vòng 1 đến 2 năm trở lại đây, thời điểm mà thương mại xã hội ngày càng phát triển, chính là các influencers đang bắt đầu lên tiếng rằng họ có rất nhiều thứ có thể làm với các thương hiệu, họ mong muốn phát triển thương hiệu và mở rộng kinh doanh theo một cách riêng. Khi một influencer xây dựng thương hiệu của riêng mình, họ có thể nhắm rõ mục tiêu của mình, đặc biệt là đối với những người nổi tiếng trong các lĩnh vực mỹ phẩm, may mặc hoặc các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Patent thấy rằng các thương hiệu đạt được những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực này đều là những thương hiệu đã nhận ra rằng influencer không đơn thuần là một món hàng, họ còn có thể là một đối tác sáng tạo và phát triển thật sự. Một ví dụ cho trường hợp này chính là câu chuyện ca sĩ Rihanna và tập đoàn thời trang Louis Vuitton đã cùng nhau kết hợp tạo nên thương hiệu thời trang Fenty làm mưa làm gió trong năm qua.



Một câu chuyện thành công khác ở Châu Á, chính là Mr Bags, một influencer người Trung Quốc hàng đầu về túi xách. Bắt đầu công việc là một reviewer túi xách, anh dần nhận được sự tin tưởng từ người xem, sau đó anh hợp tác với các thương hiệu để phát hành các sản phẩm có phiên bản giới hạn qua việc sử dụng thương hiệu cá nhân của mình.



Hiện tại, chàng trai 28 tuổi này sở hữu một đội ngũ nhân viên lớn và có thể tự gọi mình là đối tác sáng tạo của các thương hiệu nổi tiếng như Givenchy, Longchamp và Tod's. Có thể nói, kết hợp với Tod's chính là lần kết hợp thương hiệu lớn nhất của Mr Bags. Trong lần kết hợp này, anh đã thiết kế ra hai chiếc túi được mô phỏng theo những con kỳ lân và những chú chó. Hai chiếc túi này đã trở thành những phụ kiện “nhất định phải có” tại Trung Quốc vào đầu năm 2018 và 2019.


Hai mẫu túi của Mr Bags kết hợp với Tod's


Theo Patent, Mr Bags quả là một đối tác thực sự tuyệt vời. Anh ấy là người có thể tạo ra doanh thu nửa triệu đô la trong vòng vài phút. Anh ấy sẽ tham gia vào việc xác định cơ hội thị trường và giúp một công ty quốc tế hiểu được những giá trị văn hóa tại thị trường Trung Quốc. Quan trọng hơn, anh ấy sẽ tham gia vào việc tiếp thị và bình luận về sản phẩm đó. Bạn có thể nhận thấy được sự sáng tạo và sức ảnh hưởng của ai đó ngay từ quá trình lên ý tưởng, quá trình sáng tạo cho đến quá trình phân phối. Các sản phẩm này sau đó sẽ được phân phối thông qua một nền tảng thương mại điện tử mà anh ta sở hữu và vận hành. Đồng thời, sự hợp tác giữa influencers và thương hiệu cũng giúp thúc đẩy sự nhận thức của khách hàng nhờ vào sự đầu tư nội dung liên tục liên quan đến sản phẩm. Một người tiêu dùng khi mua sản phẩm không chỉ vì tin tưởng vào thương hiệu, mà còn là vì họ cảm thấy mình được tương tác nhiều hơn với sản phẩm. Họ mua vì những câu chuyện đằng sau sản phẩm, cách sản phẩm được tạo ra, ý nghĩa của nó và những gì mà nó đại diện. Nếu như bình thường chúng ta thấy mối quan hệ trong thương mại chỉ là giao dịch một chiều mua - bán thì giờ đây nó xoay quanh đến những nội dung, câu chuyện, phản hồi từ cộng đồng thông qua các cuộc trò chuyện với influencer. Một khi những yếu tố này được kết hợp lại, chúng sẽ tạo nên sức hút cho sản phẩm. Hơn nữa, khi mà chúng ta bước vào kỷ nguyên siêu cá nhân hóa, mọi người ai cũng muốn một thứ gì đó đặc biệt và độc đáo.


Một chứng minh đã cho thấy rằng các mặt hàng xa xỉ khó mua được hoặc các sản phẩm có phiên bản giới hạn tạo ra sự thu hút đối với người tiêu dùng bởi tính độc quyền và khao khát được sở hữu nó. Đó là lý do tại sao các thương hiệu thường cho ra các sản phẩm có phiên bản hạn chế với sự cộng tác của các influencers. Hình thức độc quyền và đồng sáng tạo nãy cũng có liên quan đến hiện tượng Tik Tok, một nền tảng mạng xã hội video âm nhạc. Nền tảng này đã bùng nổ trong năm vừa qua với nhiều lí do, và một trong số đó chính là sự thúc đẩy yêu cầu người dùng phải có tính sáng tạo và phát triển phong cách xoay quanh nội dung của họ mà các nền tảng khác hiện nay vẫn chưa có. Một thương hiệu tốt nhất không chỉ tạo ra các nội dung sáng tạo, mà họ còn tạo cơ hội cho người dùng tham gia sáng tạo nội dung cho họ. Và từ đó biến người tiêu dùng thành một người có sức ảnh hưởng.



Cuối cùng, bên cạnh ngành bán lẻ, esport cũng là một trong những lĩnh vực tiềm năng mà các thương hiệu muốn được hợp tác với các influencers trong lĩnh vực này.

Nhật Ánh / Advertising Vietnam

Theo Campaignasia