Facebook, Instagram hay TikTok luôn nằm trong top những ứng dụng được tải về và sử dụng nhiều nhất thế giới: Số liệu mới nhất cho thấy Facebook có 2,9 tỷ lượt người dùng toàn cầu mỗi tháng và Instagram là 2 tỷ, trong khi đó nền tảng video phát triển nhanh nhất toàn cầu TikTok là trên 1 tỷ.


Điều ấn tượng hơn cả là khoảng thời gian mỗi người dành cho các ứng dụng trên hằng ngày. Trung bình, người dùng Internet bỏ ra hai tiếng rưỡi mỗi ngày cho các ứng dụng mạng xã hội, tương đương 75 giờ một tháng. 


Trung bình người dùng Internet bỏ ra hai tiếng rưỡi mỗi ngày cho các ứng dụng mạng xã hội


Với đà tăng trưởng không ngừng của ứng dụng mạng xã hội, việc tích hợp các tính năng mua hàng online lên nền tảng mạng xã hội là xu hướng không thể bỏ qua cho các tên tuổi lớn ngành công nghệ trong thời điểm hiện tại. Chính vì thế, khái niệm “social shopping” (tạm dịch: mua sắm qua mạng xã hội) ra đời, có thể hiểu đơn giản là người dùng có thể mua hàng và giao dịch trực tiếp trên mạng xã hội mà họ đang dùng, ví dụ như Facebook, Instagram hay TikTok.


Mua sắm qua mạng xã hội đang trên đà tăng trưởng trong nhiều năm qua. Các chuyên gia dự đoán thị trường thương mại mạng xã hội sẽ có giá trị 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025, với nguồn khách hàng chủ yếu là Millennial (sinh năm 1981 – 1996) hay Gen Z (sinh năm 1997 – 2012) khi cả 2 nhóm này sẽ chiếm 62% thị phần. Hơn nữa, tác động của mua sắm qua mạng xã hội được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh hơn ít nhất ba lần so với những phương thức bán hàng truyền thống.


Facebook Shops cho phép người dùng mua hàng ngay trên nền tảng mạng xã hội


Facebook đã làm khuấy đảo thị trường thương mại điện tử vào tháng 5/2020 khi CEO Mark Zuckerberg công bố tính năng Facebook Shops. Được ra mắt trong đợt dịch COVID-19, nền tảng thương mại điện tử miễn phí này cho phép các doanh nghiệp đăng tải sản phẩm lên nền tảng Facebook, Instagram (profile và stories) và cho phép bán hàng thông qua tin nhắn trên WhatsApp/Messenger. Ngoài ra, Facebook còn ra mắt tính năng cho mua hàng trực tiếp trên livestream. Theo số liệu từ Statista, Facebook được định giá 35 tỷ USD vào năm 2021, tăng 35% so với năm trước đó.


Tuy thành công trên thị trường quốc tế, Facebook vẫn phải đuổi theo đối thủ trong cuộc đua dài tại thị trường châu Á, nơi mua sắm qua mạng xã hội đã trở nên quen thuộc từ lâu. Số liệu cho thấy vào năm 2019, doanh số từ mua sắm qua mạng xã hội tại Trung Quốc lên đến 186 tỷ USD - gấp 10 lần so với thị trường Mỹ. Tại nơi đây, thị trường mua sắm trên mạng xã hội đang được dẫn đầu bởi các tên tuổi lớn về công nghệ như WeChat, Alibaba hay Pinduoduo.


Cho phép mua bán hàng qua livestream là một tính năng quen thuộc của các ứng dụng mạng xã hội tại Trung Quốc


Mới đây nền tảng video TikTok đã ra mắt tính năng mua sắm có tên TikTok Shop đến một số quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đây là động thái mới nhất của TikTok nhằm hòa vào xu hướng Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí). Khác với các sàn thương mại điện tử khác, khách hàng có thể tiếp cận sản phẩm thông qua livestream, các video, hoặc qua gian hàng của các kênh TikTok.


Theo nghiên cứu gần đây của Flamingo, 61% người dùng yêu thích các thương hiệu hơn khi họ tham gia hoặc sáng tạo video theo các xu hướng trên TikTok, 4/10 người dùng đã chi tiền ngay lập tức cho những sản phẩm họ khám phá được trên TikTok, với tốc độ đưa ra quyết định nhanh hơn 1,5 lần so với các nền tảng mua sắm khác.


Người dùng có thể mua hàng qua livestream hoặc gian hàng của các kênh TikTok


Các chuyên gia cho biết mua sắm qua mạng xã hội sẽ thống trị thị trường thương mại trong tương lai. Có thể thấy, khi những đứa trẻ Generation Alpha (sinh năm 2010 - 2024) đang trong độ tuổi thiếu niên và chúng đã được lớn lên trong bối cảnh “Metaverse” phát triển không ngừng, đồng thời việc mua hàng qua mạng xã hội đã trở nên cực kỳ quen thuộc với mọi người. Chính vì thế trong tương lai, Gen Alpha sẽ là đối tượng khách hàng chủ yếu của thương mại điện tử, với đặc điểm chung của đối tượng là am hiểu về công nghệ và cởi mở với những điều mới lạ. Theo dự đoán, Gen Alpha sẽ chiếm 25% dân số thế giới vào năm 2030, và họ sẽ phá vỡ mô hình bán lẻ truyền thống. Quan trọng hơn, trải nghiệm mua sắm online của mọi người sẽ càng được tăng cao khi các công nghệ mới đang ra mắt và hoàn thiện từng ngày, ví dụ như sóng 5G. 


Như vậy, xu hướng mua sắm qua mạng xã hội sẽ là cơ hội lớn cho ứng dụng mạng xã hội và giải trí. Bây giờ là lúc để các thương hiệu dần dịch chuyển mảng bán lẻ qua các nền tảng khác nhằm không bỏ lỡ lượng khách hàng tiềm năng cực lớn từ mạng xã hội. Đồng thời, các nhà sáng tạo nội dung cũng sẽ được tiếp cận với nhiều khán giả hơn, tăng lượng truy cập vào trang cá nhân, cũng như khám phá những phương thức mới để cải thiện nguồn thu nhập. 


Tân Phan