Vì sao giới quảng cáo phải chịu trách nhiệm cho việc biến đổi khi hậu?

Trong lễ khai mạc Cannes Lions diễn ra vào tối ngày 20/06, Gustav Martner, người từng thắng giải Cannes Lions trước đó và hiện là Giám đốc Sáng tạo tại Greenpeace Nordic đã bất ngờ làm gián đoạn buổi lễ khi lên sân khấu phản đối quảng cáo nhiên liệu hóa thạch. Martner đã giương biểu ngữ có nội dung: “Không có giải thưởng nào trên một hành tinh chết. Tôi phản đối quảng cáo hóa thạch!”.


Ông chia sẻ: "Tôi biết quảng cáo có thể điều khiển sự chú ý của dư luận, làm người ta chú ý đến vấn đề này và sao lãng những vấn đề khác. Có một sự thật là các công ty quảng cáo từ lâu đã trốn tránh trách nhiệm của mình đối với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Giờ đã đến lúc giới quảng cáo chúng ta phải cắt đứt quan hệ với ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. Nếu Cannes Lions tuyên bố mình chính là 'Ngôi nhà của sự sáng tạo', thì tôi ở đây để phản đối rằng sẽ không có sự sáng tạo nào trên một hành tinh nếu nó đã chết.”.


“Không có giải thưởng nào trên một hành tinh chết”


Vào năm 1991, một nhóm tập hợp những công ty than được gọi là "Informed Citizens for the Environment" đã đăng tải những quảng cáo với thông điệp "Ai nói với bạn là Trái Đất đang nóng lên?", "Ngày tận thế đã bị hủy bỏ rồi". Họ cho rằng những thông tin về việc biến đổi khí hậu là "không tồn tại".


Hai quảng cáo từ "Informed Citizens for the Environment" cho thấy việc biến đổi khí hậu là “không tồn tại”


Thế nhưng trên thực tế, nhiên liệu hóa thạch là các loại nhiên liệu chứa hàm lượng cacbon và hydrocacbon cao, bao gồm than đá, dầu khí, khí ga tự nhiên, đá phiến dầu, nhựa đường, cát dầu và dầu nặng. Chúng được tạo thành bởi quá trình phân hủy kỵ khí của các sinh vật chết bị chôn vùi cách đây hơn 300 triệu năm, cụ thể là thực vật phù du và động vật phù du lắng đọng xuống đáy biển (hồ) với số lượng lớn. 


Việc đốt nhiên liệu hóa thạch tạo ra khoảng 21,3 tỷ tấn cacbon dioxit (CO2) hàng năm. CO2 là một trong những khí gây hiệu ứng nhà kính, làm tăng lực phóng xạ và góp phần gia tăng sự nóng lên toàn cầu. Đồng thời đốt nhiên liệu hóa thạch cũng tạo ra các axit như sulfuric, cacbonic và nitric,… Các chất này có nhiều khả năng tạo thành mưa axit và ảnh hưởng đến các vùng tự nhiên, hủy hoại môi trường.


Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Research vào ngày 09/02/2021, ô nhiễm do nhiên liệu hóa thạch gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên thế giới, cho thấy tác động của việc đốt than, dầu và khí đốt tự nhiên đến sức khỏe con người có thể cao hơn nhiều so với dự đoán trước đây.



The Guardian đã phối hợp với InfluenceMap phân tích các quảng cáo hiển thị trên công cụ tìm kiếm Google. Khi họ tìm kiếm 78 cụm từ khóa liên quan đến khí hậu, 1/5 kết quả hiển thị là những quảng cáo trả phí từ các công ty nhiên liệu hóa thạch. Các công ty đó trả tiền để quảng cáo của họ xuất hiện trên công cụ tìm kiếm. ExxonMobil, Shell, Aramco, McKinsey và Goldman Sachs - những tập đoàn/công ty dầu mỏ và khí đốt là những cái tên nằm trong số 20 công ty chi tiêu nhiều nhất cho quảng cáo.


Các công ty nhiên liệu hóa thạch chi rất nhiều tiền cho quảng cáo


Trong một cuộc khảo sát năm 2020 của The Guardian, hơn một nửa số người dùng cho biết họ không thể phân biệt sự khác biệt giữa quảng cáo có trả phí và kết quả thông thường của Google. Jake Carbone, nhà phân tích dữ liệu cấp cao tại InfluenceMap cho biết: "Google đang cho phép các công ty nhiên liệu hóa thạch trả tiền để 'thao túng' kết quả tìm kiếm. Ngành dầu khí đã không còn cạnh tranh với khoa học về vấn đề biến đổi khí hậu. Thay vào đó, họ tìm cách tác động đến suy nghĩ của người dùng và những cuộc thảo luận công khai."


Bên cạnh đó, công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey đã xuất hiện trên 8/10 lượt tìm kiếm với từ khóa "chuyển đổi năng lượng". Quảng cáo của công ty này nêu rõ: “McKinsey làm việc với các khách hàng vì sự đổi mới và tăng trưởng nhằm nâng cao tính bền vững”. Tuy nhiên, theo tờ New York Times, McKinsey đã tư vấn cho 43/100 công ty gây ô nhiễm nhất thế giới trong những năm gần đây.


Johnny White, một luật sư của tổ chức bảo vệ môi trường ClientEarth cho biết: "Các công ty nhiên liệu hóa thạch chi hàng triệu USD mỗi năm cho các chiến dịch quảng cáo. Những thông tin của quảng cáo được thể hiện vô cùng khéo léo nên rất khó phân loại thực tế, khiến công chúng dễ bị nhầm lẫn."



Ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch chịu trách nhiệm phần lớn cho sự ô nhiễm môi trường vì 70% lượng khí thải nhà kính - nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu - được tạo ra bởi ngành công nghiệp này và các sản phẩm của nó. Vào tháng 10/2021, các công ty nhiên liệu hóa thạch lớn như ExxonMobil, Shell Oil, Chevron, American Petroleum Institute,... đã đứng trước Quốc hội để giải quyết vấn đề lan truyền thông tin sai lệch về biến đổi khí hậu có chủ ý. Mặc dù đã tuyên thệ rằng sẽ không nói dối nhưng tất cả Giám đốc Điều hành của những công ty này đều khẳng định họ không lan truyền bất kỳ thông tin sai trái nào.


Trên thực tế, hơn 99,9% các bài báo khoa học được kiểm duyệt đã kết luận biến đổi khí hậu là do con người gây ra, chủ yếu thông qua việc đốt các nhiên liệu hóa thạch như dầu, khí đốt và than đá. Tuy nhiên, các công ty đã làm ngơ, xem thường tác động của việc này trong nhiều thập kỷ. Năm 2015, một loạt tài liệu nội bộ được gọi là "The Climate Deception Dossiers" do Union of Concerned Scientists phát hành đã tiết lộ, các công ty nhiên liệu hóa thạch biết rằng sản phẩm của họ khiến trái đất ngày càng nóng lên nhưng đã dùng quảng cáo để đánh lừa công chúng.


Từ năm 2008 đến năm 2017, các công ty dầu mỏ đã chi 1,4 tỷ đô la cho quảng cáo, 2/3 trong số đó dùng để lan truyền các thông tin về greenwashing. Đây là chiến thuật marketing tạo nên lớp vỏ bọc "thân thiện với môi trường" cho các sản phẩm, dịch vụ hoặc chính sách của công ty. Ví dụ như một công ty sẽ đưa ra tuyên bố rằng họ sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió,... để sản xuất. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chứng minh chỉ có 1,3% tổng ngân sách năm 2018 của các công ty dầu mỏ được chi cho các nguồn năng lượng tái tạo.


Climate Investigations Center công bố các công ty dầu mỏ chi 1,4 tỷ USD cho quảng cáo


Họ chi nhiều tiền để thực hiện quảng cáo Greenwashing vì họ biết rằng người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ Millennial và gen Z rất quan tâm đến các vấn đề môi trường. Họ muốn số tiền mình chi cho thương hiệu được sử dụng cho mục đích tốt đẹp, như hỗ trợ các cộng đồng khó khăn, hay trong trường hợp ủng hộ các chiến dịch Greenwashing là góp phần bảo vệ hành tinh. Do đó, các công ty nhiên liệu hóa thạch không thể làm ngơ một miếng bánh ngon như thế.



Vào tháng 1/2020, tờ The Guardian đã tuyên bố lệnh cấm đối với việc kiếm tiền từ các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch. Qua đó, họ sẽ không chấp nhận quảng cáo từ các công ty dầu khí. Bà Anna Bateson, Giám đốc Điều hành ông Hamish Nicklin, Giám đốc Doanh thu của The Guardian đã chia sẻ trong một buổi họp: "Đã có rất nhiều người nỗ lực ngăn chặn các hành động gây ô nhiễm môi trường và khí hậu trên toàn thế giới suốt mấy thập kỷ qua."


Thủ đô Amsterdam của Hà Lan được xem là thành phố đầu tiên trên thế giới cấm quảng cáo về các sản phẩm liên quan đến nhiên liệu hóa thạch. Thông báo này được đưa ra vào tháng 5/2021. Các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch như ô tô và các chuyến bay sẽ không còn được quảng cáo ở các ga tàu điện ngầm Amsterdam hoặc trung tâm thành phố. Các bảng quảng cáo nhiên liệu hóa thạch ở Amsterdam đã bị xóa trắng vào thời điểm thông báo được đưa ra. 



Vào tháng 3/2021, Google Maps đã công bố tính năng đề xuất những tuyến đường giúp người dùng tiết kiệm nhiên liệu. Theo thông báo chính thức của Google, tính năng này sẽ tự động đề xuất các tuyến đường có lượng khí thải carbon thấp nhất. Bản cập nhật cũng sẽ thông báo cho các tài xế nếu họ di chuyển trong khu vực có quy định hạn chế đối với các phương tiện gây ô nhiễm.


GrabGojek là hai dịch vụ gọi xe công nghệ gia nhập cuộc đua giảm khí thải. Gojek đã cam kết sẽ thay thế toàn bộ đội xe của mình bằng xe điện, hướng mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2030. Bên cạnh đó, Grab đã hợp tác với Hyundai để thử nghiệm xe điện nhằm thay thế phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch ở Singapore và Indonesia vào tháng 1/2021. Bộ trưởng Bộ Giao thông Singapore Ong Ye Kung cho biết xe điện giúp giảm 50% lượng carbon “ngay cả khi điện được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch”. 


Các dịch vụ gọi xe công nghệ hướng mục tiêu đến việc sử dụng xe điện


Hơn 290 agency và 900 nhà tư vấn quảng cáo, truyền thông và sáng tạo trên toàn cầu ký cam kết Clean Creatives (tạm dịch: Cam kết Sáng tạo Xanh). Đây là một làn sóng toàn cầu tập hợp các agency hàng đầu cũng như các thương hiệu nhằm gióng lên hồi chuông ngăn chặn những dự án liên quan đến quảng bá nhiên liệu hóa thạch trong ngành Quảng cáo và PR. Các agency và nhà tư vấn chấp nhận không tham gia vào các dự án, hợp đồng PR hay hỗ trợ chiến dịch quảng cáo cho các công ty nhiên liệu hóa thạch, hiệp hội thương mại hoặc các nhóm mặt trận liên quan đến ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.


Cam kết này được đặt ra với niềm tin rằng ngành PR và Quảng cáo có thể cùng góp sức trong việc đẩy lùi sức ép toàn cầu mà các công ty nhiên liệu hoá thạch đã và đang gây ra. Ngoài ra, việc này cũng giúp những chuyên gia trong ngành lựa chọn những dự án với các doanh nghiệp, các nhãn hàng một cách có trách nhiệm vì một hành tinh xanh hơn.


Hiện nay, con người không thể ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch vì nhiều công nghệ, năng lượng thay thế vẫn chưa được hoàn thiện. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021, Chuyên gia Ioualalen của Oil Change International tin rằng mặc dù triển vọng về nền kinh tế phi carbon vẫn còn xa, nhưng chính những khoản đầu tư vào hệ thống năng lượng đang được thực hiện sẽ góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu.



Vì sao giới quảng cáo phải chịu trách nhiệm cho việc biến đổi khi hậu?

Kim Ngọc

Kim Ngọc

Content Creator | Advertising Vietnam

04 Thg 07 2022

Lưu

Cùng chuyên mục