Khi xu hướng công nghệ và thời trang đang dần hoà nhập trong vũ trụ ảo metaverse, ngày càng nhiều càng Virtual Influencer xuất hiện trên thị trường nhằm mang đến những hoạt động quảng cáo đột phá và mới lạ. 


Theo định nghĩa từ Virtual Humans, Virtual Influencer (người có sức ảnh hưởng ảo) là nhân vật được tạo ra bởi những phần mềm đồ họa máy tính như Unreal Engine, Modo, Photoshop, Illustrator, Cinema 4D,... Những nhân vật ảo này được xem là những nhà sáng tạo kỹ thuật số và thường xuất hiện trong phim ảnh, truyền hình, và gần đây nhất là những chiến dịch quảng cáo.


Những đặc điểm của Virtual Influencer đại diện cho vẻ đẹp của quốc gia


Làn sóng Virtual Influencer đã khuấy đảo thị trường quốc tế từ năm 2007 khi giọng ca Hatsune Miku do phần mềm viết nhạc Vocaloid ra mắt. Phần mềm này giúp những người đam mê sáng tác tạo ra những ca khúc độc đáo của riêng mình. Qua đó, người dùng có thể sử dụng giọng hát của nữ ca sĩ ảo để phổ nhạc.



Sau Hatsune Miku, công ty Sidus Studio X của Hàn Quốc đã tạo ra một người ảnh hưởng ảo mang tên Rozy vào tháng 8/2020. Công ty đã thể hiện hình ảnh một cô gái 22 tuổi sống tại khu trung tâm thượng lưu, hiện đại Gangnam. Gương mặt và cơ thể của Rozy được thiết kế theo tiêu chuẩn vẻ đẹp của Hàn Quốc: dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt to, khuôn mặt nhỏ, làn da trắng,...


Là người mẫu ảo đầu tiên của xứ sở kim chi, Rozy đã thu hút đến 154 nghìn người theo dõi, đồng thời nhận được hơn 100 tài trợ từ các thương hiệu nổi tiếng như Calvin Klein, Hera Beauty, Maison Margiela, Chanel,... Trong đó, Shinhan Life đã sử dụng hình ảnh của Rozy trong một quảng cáo đã thu hút đến 11,3 triệu lượt xem trên YouTube. Cô cũng tham gia những sự kiện lớn như Tuần lễ Thời trang New York, Tuần lễ Thời trang Metaverse; thậm chí góp mặt trong chương trình thực tế “Class of IreneIsGood” cùng dancer Aiki, Influencer Irene Kim,... Những hình ảnh quảng cáo của cô cũng xuất hiện trên những OOH và xe buýt. Vào năm 2021, Rozy có thu nhập lên đến 900 nghìn USD.


Rozy được xây dựng hình tượng như một tiểu thư nhà giàu tại Hàn Quốc


Trong khi đó, Virtual Influencer thời trang đầu tiên là Lil Miquela (được tạo ra bởi công ty truyền thông Brud tại Mỹ) lại có làn da rám nắng, khuôn mặt có tàn nhang thể hiện nét đặc trưng của một cô gái sống tại miền Nam California. Cô nàng có đến 2,8 triệu người theo dõi trên nền tảng Instagram và được tạp chí Time gọi tên trong danh sách “Top 25 người có sức ảnh hưởng nhất trên Internet”.


Lil Miquela được Time công nhận sức ảnh hưởng mạnh mẽ


Nhanh chóng nắm bắt xu hướng của thị trường quốc tế, ngành Quảng cáo - Truyền thông Việt Nam cũng dần tạo nên những nhân vật ảo. Vào mùa hè năm 2020, agency T&A Ogilvy và studio Colory đã cùng nhau thực hiện phiên bản A.I của Đại sứ Thương hiệu Clear - Tóc Tiên. Nhân vật ảo này đã khắc hoạ thành công phiên bản sinh đôi của nữ ca sĩ, cũng như khả năng sử dụng ngôn ngữ và giao tiếp trên mạng xã hội giống đến 95% so với bản gốc. 


Tóc Tiên và phiên bản A.I của chính mình


Không chỉ dừng lại ở giới thời trang, Virtual Influencer dần lấn sân sang thế giới âm nhạc


Trên thực tế, Virtual Influencer có nhiều đặc điểm nổi trội như có thể xuất hiện ở nhiều nơi trong cùng một thời điểm, không bị ảnh hưởng bởi sức khỏe, thời gian và các công ty hoàn toàn có thể điều khiển cách ứng xử của họ trên mạng xã hội. Mô hình người ảo này đã được SM Entertainment thử nghiệm với nhóm nhạc nữ aespa ra mắt vào tháng 11/2020. Theo đó, nhóm bao gồm 4 thành viên người thật là Karina, Winter, NingNing, Giselle và các nhân vật ảo “ae”. Mỗi thành viên có một đại diện ảo tồn tại trong một không gian khác. Về cơ bản, các “ae” là ảnh đại diện trực tuyến của aespa được tạo ra từ những dữ liệu mà các thành viên tải lên Internet. Những thành viên ảo này xuất hiện trong hầu hết các MV của nhóm kể từ khi ra mắt. 


Các nhân vật ảo thường xuyên xuất hiện trong các hình ảnh quảng bá và MV của aespa


Tái xuất sau hai năm vắng bóng trên thị trường âm nhạc Hàn Quốc, BlackPink đã kết hợp cùng tựa game PUBG Mobile ra mắt MV “Ready For Love”. Trong MV, cả 4 thành viên đều được thay thế bởi các nhân vật được tạo từ trí tuệ nhân tạo A.I. Về tạo hình, các nhân vật này đều thể hiện những nét đặc trưng của BlackPink như mái tóc bạch kim của Rosé, Lisa tóc đen ngắn cá tính, nốt ruồi trên mắt của Jennie và mái tóc đen dài của Jisoo. Những cảnh quay đều được đầu tư với những hiệu ứng đẹp mắt giống hệt một video âm nhạc thông thường. Đáng kể, MV cũng đạt được đến 130 triệu lượt xem trên nền tảng YouTube. 



Gần đây nhất, nhóm nhạc IVE đã ra mắt nhóm nhạc phiên bản hoạt hình mang tên “MINIVE” (có thể hiểu là “Mini IVE”). Trong video “Have What We Want”, sáu nhân vật được tạo ra từ A.I là Ganganji, Dal-E, Naori, Cherry, Cheez và Erang-E đã thay thế các thành viên mà họ đại diện. Trong vòng gần 1 phút, các nhân vật MINIVE đã tái hiện thành công những cảnh quay của những thành viên trong MV thật. 



Chỉ sau 19 giờ ra mắt, MV đã thu hút hơn 400 nghìn lượt xem. Người hâm mộ đã bày tỏ sự thích thú với những nét tương đồng giữa người thật và nhân vật ảo, đơn cử như Cherry đại diện cho nữ ca sĩ Wonyoung có nốt ruồi trên má và đôi tai dài, Dal-E của Gaeul miêu tả khuôn miệng nhỏ nhắn và những nốt tàn nhang trên mặt,...


Sức ảnh hưởng của Virtual Influencer


Dù chỉ là sản phẩm của những ứng dụng đồ hoạ nhưng không thể chối bỏ sức ảnh hưởng của Virtual Influencer. Họ có thu nhập hàng trăm nghìn USD mỗi năm. Trong đó, Lil Miquela đã được một số ấn phẩm hàng đầu thế giới phỏng vấn như The Guardian, Vogue, Buzzfeed,... Hơn nữa, cô nàng cũng đăng tải những bức ảnh chụp với người nổi tiếng như Rosalia, Jeremy O. Harris, Jack Dylan Grazer,... Với mức độ nhận diện như thế, nhiều chuyên gia ước tính rằng Lil Miquela có thể mang về khoảng 10 triệu USD mỗi năm cho công ty sáng tạo đứng sau. 


Tháng 4/2019, KFC đã cùng agency Wieden + Kennedy tạo ra phiên bản ảo của Đại tá Sanders mang tính biểu tượng của thương hiệu. Theo đó, nhân vật này đã đảm nhiệm vai trò quảng cáo cho các chiến dịch truyền thông của thương hiệu trong hai tuần năm 2019. Những bài đăng của anh ấy đã thu được con số khổng lồ là 151 triệu lượt hiển thị.


Sức hút của nhân vật ảo từ KFC


Bên cạnh doanh thu và mức độ nhận diện cao, những người ảnh hưởng ảo còn sở hữu những ưu điểm nổi trội khi công ty sẽ không cần phải lo lắng người đó tạo “drama” hay có những phát ngôn gây chỉ trích. Các Virtual Influencer thường hoạt động dựa trên kịch bản hoặc lập trình từ phía công ty, do đó những đơn vị này có toàn quyền kiểm soát nhân vật.


Mặc dù những người có ảnh hưởng ảo hàng đầu như Lil Miquela kiếm được hàng triệu USD mỗi năm nhưng chi phí vận hành của công ty không đáng kể. Hơn nữa, công ty cũng không cần chi trả những tiện ích như trợ lý, bộ phận trang điểm, quần áo,... Ông Christopher Travers, người sáng lập virtualhumans.org giải thích: “Về lâu dài, các nhân vật ảo này sẽ giúp tiết kiệm chi phí làm việc hơn so với con người. Công ty có thể kiểm soát tất cả hoạt động của chúng. Quan trọng nhất, chúng không bao giờ già hay chết đi.”


Tuy nhiên, những người ảnh hưởng ảo cũng có một số nhược điểm như không có tính xác thực. Trên thực tế, người tiêu dùng tin tưởng các Influencer đã có trải nghiệm thực tế với sản phẩm trước khi quảng cáo chúng. Nghiên cứu của nền tảng Influencer Marketing và Social Commerce gen.video cho thấy 33% những người có ảnh hưởng là nguồn thông tin đáng tin cậy giúp người dùng đưa ra quyết định mua sắm. Thậm chí, người dùng còn có xu hướng tin tưởng Influencer hơn những người nổi tiếng.


Những Influencer thật có thể trải nghiệm và đánh giá sản phẩm


Thế nhưng đối với những nhân vật ảo, họ không thể mặc thử quần áo, đánh giá các sản phẩm trên da, ngửi được mùi hương từ nước hoa,... Trong khi 50% người tiêu dùng nói rằng những người có ảnh hưởng con người có thể tác động đến quyết định mua hàng của họ, thì “ảnh hưởng ảo” vẫn còn rất mới. Do đó, Virtual Influencer có thể không mang lại hiệu quả trong việc lôi kéo người dùng chi tiền mua sản phẩm như những đánh giá, bình luận chân thực của những Influencer ngoài đời thực. 


Bên cạnh đó, khi ngành quảng cáo trong bối cảnh hiện đại đang không ngừng tập trung vào việc phá vỡ những định kiến trong xã hội và củng cố sự đa dạng, với Dove bền bỉ theo đuổi chiến lược Real Beauty nhằm lên án những hình thức làm đẹp độc hại, đề cao vẻ đẹp tự nhiên; L'Oréal Paris giúp phụ nữ tự tin với màu da tự nhiên; Victoria's Secret đổi mới hình ảnh thương hiệu để tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ ở mọi vóc dáng;... thì những người ảnh hưởng ảo lại có tỷ lệ cơ thể hoàn hảo, thậm chí là “phi thực tế”. 


Các chiến dịch của Dove đã truyền cảm hứng cho phụ nữ trân trọng bản thân nhiều hơn


Theo SmartOSC, một nửa số phụ nữ so sánh bản thân với những hình ảnh họ nhìn thấy trên mạng xã hội, và vấn đề này thậm chí còn nguy hiểm hơn với trẻ em vị thành niên. Trong khi đó, các công ty đều cố gắng tạo nên thế giới màu hồng cho những Virtual Influencer: xuất hiện tại những sự kiện lớn, diện trang phục hàng hiệu, hợp tác với các thương hiệu nổi tiếng,... Những người ảnh hưởng ảo hầu như đều được xây dựng hình ảnh một người có thân hình hoàn hảo và khuôn mặt không tì vết. Họ cũng không bao giờ cảm thấy mệt mỏi, phải chịu đựng áp lực. Sự “hoàn hảo” của Virtual Influencer đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ người dùng. Một thương hiệu quần áo có thể sử dụng người ảnh hưởng ảo để giới thiệu trang phục và tăng mức độ nhận diện. Tuy nhiên, người dùng không thể đánh giá trang phục đó trông như thế nào khi mặc lên người thật vì cơ thể “hoàn hảo” nhân tạo của người có ảnh hưởng ảo. 


Có thể thấy, những người ảnh hưởng ảo sở hữu nhiều ưu điểm, song cũng đầy ắp những hạn chế. Việc các công ty tạo nên những A.I hoàn hảo về ngoại hình cũng làm dấy lên những lo ngại về định kiến trong quảng cáo. Đơn cử như người mẫu da đen ảo Shudu Gram đã bị chỉ trích vì lấy đi cơ hội của những người da màu thật trong ngành người mẫu. Shudu được tạo ra bởi công ty người mẫu kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới The Digitals vào năm 2017. Tác giả Vanessa Angélica Villarreal đã đăng tải một tweet trên Twitter vào ngày 7/12 như sau: “Nếu hình ảnh của cô ấy được sử dụng rộng rãi trong toàn ngành, những người đàn ông da trắng tạo ra cô ấy mới là người được trả tiền, không phải phụ nữ da đen. Công ty đã lan truyền hình ảnh của người da đen mà không hề thuê hay làm việc với cộng đồng này.”


Việc nhân vật da đen ảo nhận được nhiều hợp đồng giá trị đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng


Sau đó, việc Shudu ký kết hợp đồng với những thương hiệu tên tuổi như BMW, Louis Vuitton, Hyundai,... đã dấy lên những cuộc tranh cãi. Vào tháng 2/2018, tạp chí tuổi teen Affinity đã đăng tải một cuộc thăm dò về ý tưởng tạo ra Shudu lên Twitter. Hơn 23.000 người đã bỏ phiếu, trong đó 83,5% cho rằng mô hình A.I này là một sáng kiến tồi tệ. Một người dùng đã để lại bình luận: “Tạo ra một phụ nữ da đen bằng CGI và khai thác, tôn sùng cũng như xem làn da và các đặc điểm của người da đen như một xu hướng thay vì thực sự thuê và trả tiền cho những người mẫu da đen quả là một điều tồi tệ.”


Kim Ngọc