Việc mua bán online trên mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến và dần trở thành một trong những hình thức kinh doanh chính thống đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc hình thành và phát triển những phương pháp bán hàng chuyên nghiệp qua Mạng xã hội là một phần tất yếu.


Bạn có thể đã quen thuộc với hình thức xây dựng và đầu tư “nuôi dưỡng” một fanpage để bán hàng. Vậy liệu đây có phải là phương pháp kinh doanh online duy nhất không? Chắc chắn là không, mặc dù phổ biến nhưng fanpage không phải “độc nhất”. Bên cạnh fanpage, xây dựng profile cá nhân trên Mạng xã hội để bán hàng cũng là một phương thức kinh doanh online độc đáo, “tưởng lạ mà quen”.


Câu hỏi đặt ra ở đây là, xây dựng profile trên các nền tảng Mạng xã hội như Zalo hay Facebook có thật sự hiệu quả và có nên hay không? Trước khi cùng Brandsketer đi vào “mổ xẻ” tường tận phương pháp này. Hãy cùng tìm hiểu sơ lược về xây dựng profile cá nhân trên Zalo hay Facebook.

 

Xây dựng profile trên Mạng xã hội nói chung và Zalo hay Facebook nói riêng, là gì vậy?


Tương tự với cơ chế sử dụng người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng để củng cố chất lượng cũng như là nâng cao uy tín sản phẩm/ thương hiệu trong mắt người tiêu dùng. Việc xây dựng một tài khoản cá nhân (profile) đảm bảo sao cho đủ “sáng”, đủ “quyến rũ” hoặc đủ kinh nghiệm về một ngành/ nghề nào đó trong mắt Cộng đồng mạng hoàn toàn có thể giúp bạn bán hàng mà không đến fanpage hay chi tiền Quảng cáo.


Xây dựng profile bán hàng trên mạng xã hội hoạt động dựa trên nguyên lí “hiệu ứng đám đông”. Chính vì vậy bạn cần phải “gầy dựng” được lòng tin với càng nhiều người càng tốt. Bằng cách nào?



Dưới đây là các bước xây dựng profile bán hàng trên Zalo, Facebook như “dân” chuyên nghiệp.


- Kết bạn với khách hàng tiềm năng

Trước hết hãy xác định rõ khách hàng mục tiêu và tìm kiếm để kết bạn với họ bằng cách tham gia vào các hội nhóm, diễn đàn cùng chủ đề.


Ví dụ, bạn bán mỹ phẩm online, hãy tham gia vào các group chia sẻ kinh nghiệm Make-up, hội nhóm yêu làm đẹp,.. Bạn kinh doanh quần áo, đồ dùng trẻ em, hãy tham gia vào các nhóm Mẹ bỉm sữa, hội chia sẻ kinh nghiệm nuôi con,v.v... Đừng quên, profile của bạn cần có ít nhất 1000 bạn để có thể bán hàng hiệu quả.

 

- Khẳng định bản thân

Hãy chắc chắn rằng bạn thể hiện, khẳng định được mình là ai trong mắt các cộng đồng này. Việc này cực kì quan trọng bởi nó ảnh hưởng và quyết định phần lớn uy tín sản phẩm, thương hiệu của bạn. Để thực hiện được điều này, chú ý tận dụng hầu hết các điểm mạnh có lợi, liên quan đến sản phẩm.


Ví dụ: Mặt hàng của bạn là các sản phẩm “xách tay” thì sẽ rất tuyệt nếu cộng đồng mạng biết đến bạn như là một người thường xuyên xuất ngoại, bạn định cư hoặc có thân nhân đang cư trú ở nước ngoài. Tương tự, nếu bạn kinh doanh các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe hoặc thể thao thì hình ảnh một người ưa thích vận động, một vận động viên hay gymer,... chắc chắn sẽ tạo được “hiệu ứng” mua hàng tốt hơn. 


Xem thử: Sau 3 năm làm nghề Viết thuê, tôi học được điều gì?


- Đầu tư nội dung


Đầu tư nội dung sáng tạo và hình ảnh chất lượng là điều vô cùng cần thiết khi kinh doanh online kể cả dưới hình thức nào, fanpage hay profile cá nhân đi chăng nữa.


Hãy đảm bảo bạn đăng bài thường xuyên (2-3 lần/ ngày), đa dạng thể loại, có tính lan tỏa cao, tích cực, đăng vào những khung giờ vàng và giữ tương tác với cộng đồng của bạn.


Các nội dung đăng tải có thể là: Bài viết, hình ảnh, video, livestream, feedback, đường link website/ blog cá nhân, tài liệu quý, sách vở, hướng dẫn, minigame, đấu giá xuôi, đấu giá ngược, mua bán hội nhóm,...


Lưu ý, ngôn từ, lời ăn tiếng nói, phong cách làm việc cũng là một khía cạnh quan trọng cần chau chuốt để “chinh phục” niềm tin từ khách hàng.


Trên đây là những điều tối thiểu cần làm để có được một profile bán hàng “tiêu chuẩn” trên Mạng xã hội. Có thể thấy, việc xây dựng profile cá nhân để bán hàng ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống riêng tư của bạn. Vậy liệu có nên hay không?


Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng nhìn qua những lợi ích mà profile bán hàng cá nhân mang lại:

- Nguồn khách hàng thật, nhu cầu thật, tương tác thật.

- Tiết kiệm chi phí (không mất chi phí quảng cáo), tỷ lệ chốt đơn hàng cao, có khả năng bán được nhiều đơn hàng, đơn hàng đều.

- Phát triển xu hướng “người quen”, khách quen mua hàng thay vì khách hàng vãng lai đến từ quảng cáo.

- Quảng cáo như không quảng cáo, ứng dụng mạnh mẽ nguyên lý Marketing truyền miệng, quảng cáo bằng chính khách hàng quen thuộc đã trải nghiệm sản phẩm mang tới độ tin cậy cao.

 

Nhìn chung, bất kì một hình thức bán hàng nào cũng có những mặt lợi, hại song tồn và đòi hỏi bạn phải đủ kiên nhẫn, chăm chỉ để gặt hái được những thành quả tốt đẹp. Riêng phương thức xây dựng profile bán hàng trên mạng xã hội còn đòi hỏi bạn có một chút can đảm, sẳn sàng chia sẻ nhiều khía cạnh cuộc sống cá nhân của mình đến cộng đồng mạng.


Đến đây, hẳn bạn cũng đã có câu trả lời cho câu hỏi có nên hay không xây dựng profile cá nhân bán hàng trên Zalo hay Facebook rồi. Nếu còn khúc mắc, đừng ngần ngại trao đổi với Brandsketer để có được những lời khuyên chân thành nhất!


Ngọc Vi - Từ Brandsketer Việt Nam