Xu hướng bình thường hoá "nhảy việc" của nhân sự trẻ: Giới agency nói gì?

Những năm gần đây, gen Z đã bắt đầu tham gia lực lượng lao động. Trong đó, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn gia nhập ngành Quảng cáo với mong muốn tìm kiếm một môi trường năng động và hấp dẫn. Thế nhưng theo khảo sát nguồn nhân lực của Anphabe và LinkedIn, Quảng cáo là một trong những ngành có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất với 51%. 


Vậy vì sao một môi trường làm việc năng động như Quảng cáo vẫn có tỷ lệ nhân sự nghỉ việc cao đến thế? Hãy cùng các đại diện đến từ VMLY&R Vietnam, Dentsu MB, Dentsu McGarryBowenMango Digital phân tích về chủ đề này.



Hấp dẫn nhân sự, nhưng không đủ giữ chân


Nhiều nhân sự trẻ nhận định rằng, ngành Quảng cáo là một ngành nghề sáng tạo và đầy năng động. Do đó, môi trường làm việc trong ngành cũng sẽ mang đến những năng lượng tích cực như thế. Anh Quang Anh - Creative Group Head tại VMLY&R Group Vietnam lý giải: "Các bạn trẻ bị thu hút vào ngành này có thể là vì nó có tốc độ làm việc nhanh, nội dung công việc đa dạng với nhiều nhãn hàng khác nhau nên luôn đem lại sự mới mẻ và thách thức cho người trẻ. Thêm nữa, mình nghĩ môi trường agency nếu nhìn từ góc độ nào đó thì khá thoải mái. Bạn không cần phải mặc đồng phục, không có quá nhiều quy định về dresscode (quy tắc về trang phục), đầu tóc, phong cách,... nên các nhân sự trẻ sẽ không cảm thấy bị gò bó."


Từ góc nhìn của bản thân, chị Hương Phan - Former Account Executive tại Dentsu Redder cho rằng, agency là môi trường lý tưởng để làm việc vì nhân sự không bị ràng buộc về trang phục đi làm, bạn có thể mặc bất cứ món đồ gì bạn thích. "Các bạn không phải chấm công vào lúc 8h sáng, không phải ở công ty cả ngày vì sẽ được đi lại rất nhiều (pitching, shooting,...). Ngoài ra, môi trường agency cũng giúp nhân sự làm việc với nhiều bạn bè cùng lứa tuổi", chị Hương Phan nhận xét.


Chị Ngọc Ny - Account Supervisor tại Mango Digital chia sẻ: "Đầu tiên, lý do các bạn trẻ chọn theo làm việc trong môi trường agency dễ nhận thấy chính là vì môi trường trẻ trung, năng động, sáng tạo và thoải mái. Thứ hai, các bạn mới vào nghề sẽ được trải nghiệm, tiếp xúc với nhiều điều mới lạ khi làm việc với nhiều khách hàng và dự án khác nhau. Các khách hàng sẽ giúp nhân sự không cảm thấy nhàm chán hay bó buộc mình trong một khuôn khổ nhất định và có thể học hỏi được nhiều thứ, phát triển bản thân ở nhiều khía cạnh. Cuối cùng, đó là agency giúp các bạn xác định được ngành hàng mình yêu thích. Những bạn muốn theo nghề Marketing nhưng chưa có định hướng cụ thể về các ngành hàng và vị trí trong công ty sẽ chọn bắt đầu làm việc ở agency. Sau thời gian được tiếp xúc với nhiều dự án khác nhau và quan sát các vị trí cả trong client lẫn agency, các bạn sẽ dễ dàng tìm hiểu xem mình phù hợp với ngành hàng/vị trí nào."



Tuy nhiên, dù môi trường agency mang đến nhiều giá trị nhưng vẫn không đủ "sức hút" để giữ chân nhân sự. Chị Ngọc Ny lý giải: "Đối với những bạn chọn agency vì môi trường tự do, năng động, trendy và không gò bó về giờ giấc thì điều này cũng dẫn đến nhiều hệ lụy. Không áp lực về giờ giấc nhưng sẽ có nhiều deadline. Môi trường năng động, trendy thì vui đấy nhưng áp lực khi phải tạo nên xu hướng, sáng tạo trong đề bài của khách hàng trong một khoảng thời gian nhất định không hề dễ dàng. Do đó, sự khác nhau giữa tưởng tượng và thực tế khi gia nhập agency sẽ khiến các bạn dễ bị nản. Tiếp đó, những bạn muốn học hỏi và tiếp xúc với nhiều điều mới lạ sẽ lựa chọn dừng lại vì phải thay đổi dự án mới liên tục, hoặc bạn sẽ nhảy việc vì chính công ty không đem lại nhiều thách thức và kinh nghiệm như bạn mong đợi. Cũng có trường hợp những bạn mới vào nghề sau một thời gian làm việc và quan sát, nếu không phù hợp thì các bạn sẽ luân chuyển sang agency khác ngành hoặc sang phía client."



"Nhảy việc" là chuyện bình thường đối với gen Z?



Agency quảng cáo thường được "ca ngợi" là ngành nghề mở mang sáng tạo, mỗi ngày nhân sự đều nhận brief mới và được "đổi món" liên tục. Vậy liệu tình huống "chán việc" có xảy ra trong agency? Chị Hương Phan chia sẻ: "Chắc chắn là có rồi. 'Chán' hay đúng hơn là oải nhất khi phải làm việc với các khách hàng khó tính. Deadline thì luôn treo trên đầu, feedback thì luôn dồn dập, có khi chúng còn đến vào lúc nửa đêm. Cuối tuần thay vì thảnh thơi đi cafe như bao người khác, mình sẽ phải 'available' để giải quyết hết những feedback của khách hàng, đôi khi phải đi xử lý những khủng hoảng (crisis) không mong muốn. Mặc dù mỗi lần như thế mình sẽ giỏi hơn một chút nhưng bù lại, mình không có quá nhiều thời gian nghỉ ngơi, luôn phải căng não 24/7 khiến mình dễ 'chán việc' nhất. Mình sẽ tự đặt câu hỏi rằng vì sao mình phải làm công việc này, tại sao phải hy sinh cho quá nhiều me-time cho công việc như thế."


Chị cũng bày tỏ: "Bản thân mình là thế hệ chuyển giao giữa gen Y và gen Z, mình cũng từng nhảy việc khá nhiều nên mình có suy nghĩ khá thoáng về chuyện này. Đối với các thế hệ trước đây, suy nghĩ của họ là tìm một chỗ nào đó để 'ổn định'. Họ làm việc với tâm thế sẽ gắn bó với môi trường đó cả đời vì ngại xê dịch, ngại thay đổi. Còn đối với gen Z hiện giờ, họ không chỉ đơn thuần tìm một môi trường ổn định mà còn đi tìm kiếm những cơ hội mới, tự tin theo đuổi đam mê và hoài bão của mình đến cùng. Do đó, họ không ngại nhảy việc để phát triển hơn."



Nhiều ý kiến cho rằng "1 - 2 năm" là số năm làm việc trung bình của một nhân viên tại agency. Anh Quang Anh chia sẻ rằng: "Ngành này thay đổi hằng ngày. Vì thế, những giá trị thu hút nhân sự gia nhập agency có thể đã biến mất hoặc phai mờ theo thời gian. Ví dụ như bạn gia nhập agency vì thích làm cho client nào đó nhưng 1, 2 năm sau, pitch thua, agency mất dự án đó thì nhân sự sẽ phải chuyển sang làm những dự án khác. Người ta có câu 'Đến vì cái gì thì đi vì cái đó', nếu họ không thích làm những công việc khác thì tiếp tục gắn bó với agency là bất khả thi."


Trong câu chuyện nhảy việc, một lý do tiêu biểu của các nhân sự là cảm thấy mình đã học đủ tại agency và có định hướng mới. Liệu đây là sự thật hay chỉ là một lầm tưởng của nhân sự? Chị Hương Phan lý giải: "Điều này cũng còn tùy vào khối lượng và phạm vi công việc (scope of work) của nhân sự. Ví dụ như trong suốt 1 - 2 năm mà nhân sự chỉ liên tục làm các công việc tương tự nhau, cùng một khách hàng đó mà không có sự thay đổi thì mình sẽ bị 'quen tay', tư duy theo lối mòn và không phát triển lên được. Còn nếu phạm vi công việc thay đổi liên tục, nhân sự được trải nghiệm nhiều khách hàng và bài toán khác nhau thì việc 'học đủ' là một kết luận hơi vội. Ngành Truyền thông thì luôn luôn thay đổi mà."


Chị Hương Linh - Strategic Planner tại Dentsu McGarryBowen lại cho rằng tình huống "nhảy việc" là vì nhân sự agency vốn có tuổi đời và tuổi tâm hồn tương đối trẻ, do đó tâm lý muốn bay nhảy và trải nghiệm là điều dễ hiểu. Ngoài ra, chị cũng chia sẻ: "Mình nghĩ các bạn gen Z may mắn khi phần đông không chịu nhiều áp lực về chuyện 'cơm áo gạo tiền' như thế hệ trước vì mặt bằng chung kinh tế đã đi lên. Ngoài ra, với cơ chế thị trường cởi mở và sự phát triển của công nghệ, cơ hội việc làm và kinh doanh ngày càng nhiều, dễ tiếp cận hơn. Do đó, tâm lý các bạn gen Z sẽ thoải mái hơn khi không nhất thiết phải hoàn toàn 'ổn định' ở một công ty trong thời gian dài. Nếu không làm trong công ty, bạn cũng hoàn toàn có thể trở thành một Freelancer hoặc tự mình kinh doanh."



"Việc phần đông gen Z bình thường trước việc nhảy việc, thậm chí có tâm lý muốn nhảy việc để thăng tiến thật nhanh thường xuất phát từ áp lực chung của toàn thế hệ gen Z trước áp lực của xã hội. Xã hội đã đặt cho những nhân sự trẻ áp lực phải luôn giỏi giang, năng động, sáng tạo hơn những thế hệ trước vì các bạn được giáo dục đủ đầy hơn. Đối với các thế hệ trước, tất cả mọi thứ trong ngành đều mới cho nên không ai đánh giá hay kỳ vọng quá nhiều, các anh chị sẽ có thể tập trung phát triển bản thân một cách chắc chắn và ổn định. Còn thế hệ gen Z lại bị áp lực về sự thành công của thế hệ trước và các bạn cùng trang lứa (peer pressure), khiến các bạn phải gồng mình lên để cố gắng chạy nhanh, hoặc dễ bị thất vọng và chán nản về chính mình", chị Ngọc Ny bày tỏ.


Và chính vì tình huống nhảy việc quá thường xuyên mà một số lãnh đạo tại agency đã... "quen" với việc này. Chị Hương Linh cho rằng các cấp lãnh đạo nhận thức được bối cảnh chung đã thay đổi, do đó tâm lý và hành vi của thế hệ mới cũng thay đổi theo. Họ đã làm quen với cơ chế này để chuẩn bị tinh thần và phương án cho các trường hợp nhân sự nhảy việc.


Ngược lại, chị Ngọc Ny lại cho rằng, việc giữ chân và tạo điều kiện phát triển cho nhân sự luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cấp lãnh đạo. "Con người là yếu tố cốt lõi trong sự phát triển của agency cho nên vấn đề giữ chân nhân sự được các lãnh đạo đặc biệt quan tâm. Vì thế, nhảy việc là chuyện bình thường nhưng không agency nào muốn bình thường hóa chuyện nhảy việc cả", chị chia sẻ.



"Thay vì đi nhanh, hãy đi chắc"


Một trong những bài toán khó khăn nhất của agency chính là làm thế nào để duy trì nguồn nhân lực cố định. Không có công ty nào mong muốn sau khi đầu tư nhiều thời gian và chi phí để đào tạo một đội ngũ nhân sự chất lượng xong lại nhận được lá đơn xin nghỉ việc từ họ.


Từ góc nhìn của bản thân, chị Ngọc Ny bày tỏ: "Cá nhân mình thấy, nhảy việc không xấu nếu nó xuất phát từ nhu cầu, mục tiêu và định hướng của bạn. Bạn biết mình muốn gì, cần điều gì và muốn phát triển ra sao đó là điều tốt, tuy nhiên việc nhảy việc xuất phát từ tâm lý peer pressure, vì bạn bè nhảy việc và muốn lên được vị trí cao hơn ngang bằng với bạn bè thì cá nhân mình thấy không tốt. Quan điểm của mình là, thay vì đi nhanh, mình nên đi chắc. Mỗi người sẽ có một múi giờ khác nhau, một điểm mạnh khác nhau. 


Thay vì nhìn vào người khác, tập trung vào bản thân mình sẽ giúp bạn đi chắc từng bước hơn. Điều này sẽ giúp các bạn cân bằng được cuộc sống và công việc, giúp bạn đi được đường dài hơn. Mà ngành nào cũng vậy, đường dài mới là quan trọng. Nhảy việc khi bản thân chưa thực sự sẵn sàng nó như đeo một chiếc giày rộng, áp lực vừa phải khiến bạn phát triển nhưng áp lực quá lớn so với năng lực sẽ khiến bạn từ bỏ. Cho nên tập trung vào bản thân mình mới là điều quan trọng nhất!"


Ngoài ra, một môi trường làm việc thoải mái cũng sẽ góp phần giúp agency giữ chân nhân sự. "Bản thân agency là môi trường rất áp lực rồi nên mình nghĩ điều quan trọng là không khí làm việc cần tích cực, thân thiện để nhân sự cảm thấy được thoải mái, từ đó giải tỏa tâm lý tốt hơn. Bên cạnh đó, giá trị và văn hóa mà công ty theo đuổi cũng là một yếu tố để nhân sự mong muốn gắn bó lâu dài. Cuối cùng, agency nên quan tâm đến định hướng phát triển của từng cá nhân để có thể tối ưu lộ trình nghề nghiệp của nhân sự", chị Hương Linh chia sẻ.



"Thực ra yếu tố để giữ chân nhân sự rất đa dạng, mỗi người lại cần những yếu tố khác nhau. Ngay cả với bản thân một người, tùy thuộc vào từng giai đoạn trong sự nghiệp thì yếu tố giữ chân họ ở lại công ty cũng thay đổi. Ví dụ như khi mới vào ngành, văn hóa công ty hay đơn giản là một người sếp tốt cũng đủ khiến họ ở lại. Nhưng khi lên đến cấp bậc Senior, yếu tố 'níu kéo' họ lại là mức lương, khả năng thăng tiến,... Ngoài ra, ngành Quảng cáo là một ngành có áp lực cao, tốc độ nhanh cũng như khối lượng xử lý công việc trong một ngày rất nhiều nên tình trạng làm việc ngoài giờ (OT) xảy ra như 'cơm bữa'. Vậy nên, mình nghĩ agency nên có những đãi ngộ để tưởng thưởng cho nhân sự, như là sắp xếp ngày nghỉ bù để nhân sự có thể lấy lại sức lực và tinh thần sau thời gian làm việc cật lực", anh Quang Anh nhận định.


Các bạn có thể xem các bài viết cùng series tại đây

Xu hướng bình thường hoá "nhảy việc" của nhân sự trẻ: Giới agency nói gì?

Kim Ngọc

Kim Ngọc

Content Writer | Advertising Vietnam

30 Thg 09 2022

Lưu

Cùng chuyên mục