Xu hướng copywriting 4.0: Muốn thu hút khách hàng thì phải “làm thơ”?

Trong thời gian vừa qua, một câu nói bông đùa được truyền tai nhau trên mạng xã hội “Làm thơ thì phải có vần…” đi cùng với những lời đối đáp tinh nghịch đã thể hiện niềm đam mê “xuất khẩu thành thơ" của cộng đồng mạng, cũng như sự yêu thích đặc biệt đối với những nội dung có vần điệu nhịp nhàng như thơ.


Bắt nhịp với xu hướng này, nhiều nhãn hiệu đã áp dụng thành công vẻ đẹp và tính chất gợi cảm, truyền cảm của thơ kết hợp với sự sáng tạo và trực quan của quảng cáo để rút ngắn quá trình tiếp cận khách hàng. Có thể kể đến những ứng cử viên sáng giá như BAEMIN, Grab, Biti’s, Aji-ngon hay SamSung đã tích cực tận dụng vẻ đẹp ngôn từ, các hình thức chơi chữ và kết nối cảm xúc để truyền tải thông điệp của thương hiệu đến đối tượng khán giả.


Vậy việc truyền tải thông điệp quảng cáo bằng thơ hiện nay có gì khác so với trước đây và được áp dụng ra sao trong thời đại 4.0? Và có thực sự rằng làm copywriting thì nhất thiết phải “tập làm thơ” thì mới thu hút được khán giả?


Ở thập kỷ trước: thơ quảng cáo là những lát cắt cảm xúc dung dị và tinh tế 


Không phải đến bây giờ, thơ quảng cáo mới được phát hiện và áp dụng. Từng có một giai đoạn vào thập niên 70, thói quen đọc báo đã trở nên phổ biến trong nếp sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Việt Nam, mở lối cho những nội dung và hình thức thơ quảng cáo khá đơn giản trên các trang báo. Với những khổ thơ ngắn như lát cắt cảm xúc đơn thuần, thơ quảng cáo ở thập kỷ trước mang phong cách truyền thống, song vẫn làm nổi bật được tinh thần và giá trị của sản phẩm.


“Trời có những bình minh êm mát

Phấn hồng phơn phớt dưới chân mây

Như có em đôi má hây hây

Làm phai nhạt cả màu tươi buổi sáng”. 


Những lời thơ quảng cáo được viết theo thể sáu - tám quen thuộc, người đọc tự hỏi bí quyết nào mà thiên nhiên chịu thua màu da tươi sáng của em. Và lời giải đáp có ngay ở câu cuối bài thơ: Bí quyết của cô em: Crème Ombrelle, Lotion Clarte/Lait Pétales de rose (Phụ nữ Diễn đàn, năm 1958).


Ngoài sản phẩm dưỡng da kể trên, một sản phẩm dưỡng tóc khác cũng đã xuất hiện trong một bài thơ quảng cáo ấn tượng:


“Em tôi là đóa hoa khôi

Tóc đen da trắng đẹp thôi nhất vùng

Bỗng dưng tóc ngã màu hung

Khô vàng cháy ngọn, rối tung tơi bời

Còn chi là đóa hoa khôi?

Người yêu vắng bóng bạn thời tránh xa

Em ơi, muốn cho nhan sắc mặn mà

Tóc huyền đen mượt dùng mà Biocrème.”


(Phụ nữ Diễn đàn, năm 1959)


Có thể dễ dàng nhận thấy tiềm năng của chất liệu thơ trong các hình thức sáng tạo được khai thác từ rất lâu. Bởi lẽ, trong căn tính người Việt, nhịp điệu của thơ gần như có sẵn trong hầu hết các lĩnh vực sáng tạo liên quan đến câu chữ. Chỉ là có những thứ lộ rõ giúp chúng ta dễ nhận ra như ca từ trong một bài hát, một đoạn văn miêu tả nhưng cũng có những thứ giấu đi rất kín kẽ như một câu tagline, một đoạn thoại bộc lộ nội tâm nhân vật trong một bộ phim, một khuôn hình điện ảnh. 


Ngày nay: Thơ được lan toả trong thời đại số và biến tấu muôn hình vạn trạng


Ngày nay, những trải nghiệm kỹ thuật số lên ngôi nhưng vẫn không thể làm phai mờ đi những giá trị tinh thần của con người, mà còn cung cấp thêm những kênh truyền thông hiệu quả như mạng xã hội, giúp lan tỏa thông điệp của bài thơ quảng cáo đến người dùng mạnh mẽ hơn.


Chính vì vậy, các thương hiệu vẫn tiếp tục lựa chọn hình thức quảng cáo sản phẩm bằng nội dung kết hợp thơ để “chiều chuộng” tinh thần của người tiêu dùng, đồng thời nâng tầm thương hiệu lên một bậc cao mới về cảm xúc trong thời đại số. Với cách tiếp cận gián tiếp này, khán giả sẽ không bị bội thực bởi một “bầu trời” tin tức quảng cáo dày đặc ngày nay, và quan trọng là vẫn đảm bảo thông điệp của thương hiệu được khắc ghi trong tâm trí của họ. 


Bài thơ dưới đây được Nguyễn Phong Việt sáng tác cho Aji-ngon, nhắc nhớ ký ức về những bữa cơm ngày Tết, từ đó kêu gọi mọi người tham gia thử thách “Làm thơ Tết nhân đôi” của nhãn hàng



Nhà thơ Nguyễn Phong Việt cũng chia sẻ thêm về một số nền tảng phổ biến thường được sử dụng để lan tỏa sản phẩm thơ quảng cáo như: Đăng trên trang của nhà thơ/KOL để tận dụng thương hiệu cá nhân của họ; Sử dụng trên các kênh truyền thông của chiến dịch quảng cáo của thương hiệu; Tận dụng chất liệu cho các dự định trong tương lai. Nhờ sự cộng hưởng này, sản phẩm thơ quảng cáo sẽ dễ dàng lan tỏa giá trị của thương hiệu đến người tiêu dùng.


Ngoài ra, một điểm đặc biệt có thể dễ dàng nhận thấy trong các tác phẩm thơ quảng cáo của Nguyễn Phong Việt là tuyệt nhiên không xuất hiện tên nhãn hàng trong bài, vì theo anh điều này có thể tước đi cảm xúc đang liền mạch của độc giả. Thay vào đó, tác giả lựa chọn cách gắn link, hashtag hoặc tạo P/S ở cuối bài thơ để dẫn dắt người đọc thực hiện hành động mà nhãn hàng kỳ vọng.


Điều này cũng có thể thấy qua bài thơ quảng cáo đậm chất tự hào sinh ra từ Việt Nam của Biti’s Hunter ra mắt BST Biti’s Hunter Street VIETNAM ARISING, nhưng theo lối viết ngắn gọn hơn: 





Sự “thay da đổi thịt” của hình thức thơ quảng cáo trong copywriting hiện đại 


Trên thị trường hiện nay, các ấn phẩm thơ quảng cáo đang trở nên ít phổ biến, thay vào đó là các hình thức nội dung đồng âm, vần điệu giống thơ được lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội. Bạn có từng thắc mắc rằng: Liệu đó có phải là thơ hay hình thức nào khác?



Bộ ảnh thơ chế sáng tạo và gợi ý những cách tạo dáng "chuẩn thần thái" cho các thành viên của Knorr.


Các hình thức chơi chữ, vần điệu, khá phổ biến trong lĩnh vực copywriting ngày nay.


Bởi lẽ, để tìm ra một nhà thơ viết quảng cáo đã khó, mà vẫn đảm bảo sức hút thì lại càng khó hơn gấp bội. Chính vì vậy các hình thức này được “biến tấu” thành thể loại văn vần, giúp cho các “creator” không có chuyên môn về sáng tác vẫn triển khai được ý tưởng, tận dụng tính nhịp điệu dễ nhớ và truyền cảm của thơ để cài cắm vào thông điệp quảng cáo.


Theo nhà văn Hiền Trang, một trong những lý do khiến nhiều người bớt chọn thơ đơn thuần, bởi thơ có điểm yếu là để nghe vần vè, đôi khi ý tứ trở nên hơi sượng, đi ngược với xu thế hiện nay khi người tiêu thụ thích những câu chuyện chân thật và chạm thẳng vào trái tim. “Thơ thường bị coi là một thể loại sáng tạo phi logic. Rất dễ để tâng bốc một điều gì đó vượt ra khỏi giá trị thực của nó, đặc biệt là trong đời sống hiện đại của thời kỳ công nghiệp hóa luôn đề cao logic và tư duy rành mạch”, cô cho biết. 


Bằng cách này, những nội dung quảng cáo tận dụng thơ tồn tại như một dòng chảy ngầm. Chỉ khác ở chỗ, trong khi các nhà văn, nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia cùng hoạt động trong giới nghệ thuật hầu như đều có thể trực tiếp tham gia vào khâu sáng tạo, trở thành mắt xích trong lĩnh vực quảng cáo, thì nhà thơ lại tách biệt và khó hòa nhập hơn.


Muốn thu hút khán giả thì copywriter phải “học làm thơ”? 


Nhà báo - nhà thơ Nam Thi (tác giả cuốn Cô Độc Nên Thơ - nhà xuất bản Tao Đàn) cho biết, vần là tính nhạc của ngôn ngữ, chính vì thế nó có khả năng gieo vào đầu người đọc/nghe và lưu lại rất tốt. Giá trị này đã phát huy năng lực mạnh mẽ trong ca dao, tục ngữ dân gian khi truyền miệng là phương thức truyền thông hàng đầu. 


Nam Thi cũng khẳng định, không có cái gọi là “học làm thơ, thẳng thắn mà nói thì không thể”. Do đó cũng không nên đánh đồng mãi vần vè là thơ. Một content creator hay copywriter có thể đọc nhiều sách và nghe nhiều nhạc để làm giàu vốn từ vựng, sử dụng chúng một cách linh hoạt để gieo vần có kỹ thuật thì được. 


“Ví dụ như chiến dịch quảng bá Biti’s Hunter Hà Nội có thơ của tôi, hay gần đây nhất là thơ tôi cũng được nhà mốt Chanel sử dụng, đấy là khi họ sản xuất những sản phẩm truyền thông mang tính nghệ thuật cao ở cả hình ảnh lẫn nội dung. Họ muốn định vị thương hiệu bằng câu chuyện nghệ thuật, họ đánh vào tập khách hàng thích điều đó, thì thơ của tôi hay hình ảnh, âm thanh của các nghệ sĩ khác được sống đúng vai trò và thể hiện trọn vẹn giá trị của mình”, anh chia sẻ. 


Tạm kết 


Nhà tâm lý học Daniel Kahneman từng chia sẻ trong cuốn sách “Tư duy nhanh và chậm” của mình rằng: “Để thông điệp của bạn đơn giản, hãy cố gắng làm cho nó trở nên dễ nhớ hay có thể triển khai ý tưởng dưới dạng các vần thơ, người đọc sẽ cảm thấy tin tưởng hơn”. Nhờ khai thác đúng mục đích và không gian, đồng thời lựa chọn những kênh truyền thông với tốc độ lan tỏa thông điệp nhanh chóng, các thương hiệu sẽ dễ dàng tạo ra sự kết nối và đồng cảm với đối tượng khách hàng với hình thức “thơ quảng cáo” biến tấu này. 


*Bài viết có tham khảo Thơ quảng cáo - Cách P.R độc đáo ở thế kỷ trước

*Chia sẻ của Chuyên gia truyền thông - Nhà thơ Nguyễn Phong Việt, Nhà văn Hiền Trang, Nhà báo - Nhà thơ Nam Thi

Ngọc Anh / Advertising Vietnam


Xu hướng copywriting 4.0: Muốn thu hút khách hàng thì phải “làm thơ”?

Ngọc Anh

Ngọc Anh

Senior Content | Advertising Vietnam

15 Thg 06 2021

Lưu

Cùng chuyên mục