Dân văn phòng, những người làm việc trong môi trường văn phòng tưởng chừng như thoải mái, ít vất vả. Thế nhưng, đằng sau hình ảnh ấy là những áp lực vô hình, những thách thức về sức khỏe mà không phải ai cũng nhận ra. Gần đây, trào lưu khoe khoang về cuộc sống bận rộn của dân văn phòng trên mạng xã hội như chỉ có vỏn vẹn 2-3 tiếng/ngày để ngủ hay tắm lúc 2h sáng càng làm nổi bật lên vấn đề này. Thay vì chỉ tập trung vào công việc và việc tiết kiệm, người trẻ cần có một cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống, bao gồm cả việc chăm sóc sức khỏe và phát triển bản thân.
Những người làm việc “điên cuồng” để rồi lấy tiền chữa bệnh
Là một người trẻ thuộc thế hệ Gen Z, K.A (1998) xem mình là một “người nghiện công việc” và luôn đặt mục tiêu thu nhập cao lên hàng đầu. Vì vậy, bên cạnh công việc chính trong lĩnh vực marketing cho một công ty mỹ phẩm, K.A còn đảm nhận thêm công việc truyền thông cho một doanh nghiệp khác.
"Làm ở công ty cả ngày rồi về nhà tiếp tục ôm laptop, hầu như tôi không có thời gian rảnh. Đi chơi cũng hiếm vì lúc nào cũng cảm thấy mệt, chỉ muốn ngủ", K.A chia sẻ. Khối lượng công việc lớn, áp lực liên tục, cộng với thói quen thức khuya và bỏ bữa, khiến K.A luôn trong trạng thái kiệt sức.
Không chỉ vậy, K.A còn nổi tiếng là người chi tiêu rất tiết kiệm, chỉ bỏ tiền cho những thứ thực sự cần thiết. Đồ dùng của K.A thường phải đến khi hỏng hẳn hoặc quá cũ mới thay. Nhờ tính cách này, K.A đã tích lũy được một khoản tiền tiết kiệm đáng kể so với tuổi của mình. Dù bạn bè xung quanh thường thắc mắc sao lại sống chật vật như vậy khi thu nhập khá tốt, K.A vẫn cảm thấy hài lòng với lựa chọn của mình.
K.A chia sẻ rằng mình thấy hạnh phúc mỗi khi nghe tiếng “ting ting” báo hiệu số dư tài khoản tăng lên. Dù vậy, K.A thừa nhận mình không am hiểu về tài chính hay đầu tư, nên toàn bộ số tiền chỉ đơn giản được giữ trong tài khoản tiết kiệm, không sinh lời. Rồi đến một ngày, khoản tiền đó lại phải dùng đến, nhưng không theo cách mong muốn. Năm ngoái, sau một loạt triệu chứng sức khỏe đáng lo ngại không còn lướt qua được như trước, K.A quyết định đến bệnh viện kiểm tra và nhận ra mình mắc phải nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Ban đầu, K.A chỉ gặp vấn đề mất ngủ và đau dạ dày mãn tính. Uống thuốc mãi không thuyên giảm, cô lại mắc thêm viêm mi mắt, viêm phế quản, và đau nhức xương khớp. Chưa hết, K.A còn được bác sĩ cảnh báo nguy cơ đột quỵ do thói quen tắm khuya và để điều hòa quá lạnh. Cách đây nửa năm, K.A lại phát hiện dạ dày nhiễm vi khuẩn HP. Tình trạng sức khỏe buộc cô phải giảm tải công việc, điều chỉnh lại thói quen ăn uống và ngủ nghỉ đúng giờ. “Ăn uống dè sẻn, chi tiêu cũng hạn chế, giờ phải mang tiền đến bác sĩ mà bệnh mãi không khỏi”, K.A ngậm ngùi chia sẻ.
Ba năm trước, khi chỉ mới 25 tuổi, T.N (Senior Developer) đã mắc chứng đau dạ dày mãn tính do thường xuyên bỏ qua bữa sáng, ăn tối muộn và liên tục làm việc đến quên cả giờ ăn. Khi nhập viện kiểm tra, vị bác sĩ khám cho T.N chỉ biết lắc đầu ngao ngán: “Tôi thật không hiểu giới trẻ bây giờ nghĩ gì nữa. Mới hai mươi mấy tuổi mà đã bị đau dạ dày rồi. Làm ra tiền rồi lại dùng tiền đó để đi khám bệnh, uống thuốc. Chẳng phải các anh chị đang tự đẩy mình vào cái vòng luẩn quẩn vô lý sao?”.
“Lời của bác sĩ như một cú tát vào niềm tự hào về sự đam mê công việc của tôi”, T.N nhớ lại.
Ngay cả bây giờ, dù đã chú ý cải thiện chế độ ăn uống, T.N vẫn phải đối mặt với những đợt đau dạ dày tái phát, thậm chí còn có nguy cơ biến chứng thành bệnh lý nghiêm trọng hơn. Khi nhìn quanh bạn bè, đồng nghiệp cùng làm văn phòng, dường như ai cũng đang gánh một loại bệnh nào đó, nhẹ thì đau lưng, mỏi cổ, thừa cân, đau cổ tay, giảm thị lực; nặng hơn thì đau dạ dày, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ… Dường như cơ thể của dân văn phòng luôn ẩn chứa những mầm bệnh, chỉ chờ đến lúc sức khỏe suy yếu là bùng phát, như một sự cảnh báo về lối sống hiện tại.
Mới đây, trong giới sản xuất lại lan truyền một tin buồn về sự ra đi đột ngột của một người bạn làm nghề dựng phim. Bạn ra đi khi còn quá trẻ, và lý do khiến bạn mất là vì làm việc quá cật lực, tận tụy, điều này thật sự đau lòng. Với những anh chị em trong ngành, ai cũng hiểu rằng mỗi khi bắt đầu một dự án mới, đó là lúc sức lao động của mình bị thử thách đến tận cùng. Mỗi vị trí trong đoàn quay đều phải đối mặt với những ngày dài làm việc liên tục, có khi là vài tuần, với bữa ăn vội vã và giấc ngủ ngắn ngủi ngay tại hiện trường, điều này đã trở thành chuyện bình thường đối với mọi người.
Mỗi khi hoàn thành một dự án như vậy, nhìn các thành viên trong đoàn, ai cũng gầy đi thấy rõ. Đối với anh em trong đội ngũ hậu kỳ, dù đã đóng máy, áp lực vẫn không hề giảm bớt vì phải gấp rút hoàn thành đúng hạn giao cho khách hàng. Trong những tình huống như thế, hầu hết mọi người đều không có thời gian ngủ, hoặc không dám ngủ, thay vào đó là nốc liên tục bò húc, cà phê, thuốc lá… rồi tiếp tục làm việc. Đến cả việc ăn uống cũng trở nên khó khăn, vì cơ thể lúc đó đã quá mệt mỏi, không còn đủ sức để tiếp nhận thêm.
Làm việc hết mình để đạt được mục tiêu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, khi công việc chiếm quá nhiều thời gian và năng lượng, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống bị phá vỡ. Nhiều người đã phải đánh đổi sức khỏe và hạnh phúc cá nhân để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của công việc.
Người khôn ngoan thật sự biết cách “đi làm”
Sau loạt bài viral trên ứng dụng Threads về việc chỉ ngủ 3 tiếng mỗi ngày và tắm lúc 2 giờ sáng, K.M (1999, Leader Content) nhận ra rằng tư duy "Tôi quá bận đến mức chỉ có 3 tiếng/ngày để ngủ" không phải là điều để “flex”. K.M chia sẻ rằng không nên lấy việc đánh đổi sức khỏe vì công việc làm niềm tự hào. Cô kể về những người bạn của mình, có người mới 25 tuổi đã phải đeo nẹp lưng vì thoát vị đĩa đệm, có người vừa bước qua tuổi 22 đã phải tập vật lý trị liệu vì "hội chứng ống cổ tay". K.M hy vọng những ai đang đi làm nhớ dành thời gian chăm sóc bản thân, quan tâm đến gia đình và các mối quan hệ trước khi mọi thứ quá muộn.
Có thể thấy, chăm sóc sức khỏe luôn là yếu tố quan trọng nhất đối với mỗi cá nhân. Trên thực tế, để duy trì sức khỏe tốt, mỗi người đều cần xây dựng một lịch trình sinh hoạt và làm việc hợp lý. H.C (2002), một người dùng trên mạng xã hội, đã chia sẻ câu chuyện của mình. Sau khi tốt nghiệp, H.C thường xuyên thức khuya đến tận sáng, rồi ngủ đến trưa hôm sau mới dậy. Dần dần, H.C nhận thấy cơ thể mình có những dấu hiệu bất ổn, như chóng mặt, chán ăn và mất ngủ liên tục.
Kể từ khi bắt đầu đi làm, H.C đã xây dựng cho mình một thói quen sinh hoạt khoa học và đều đặn. Mỗi sáng, H.C thức dậy lúc khoảng 6 giờ để đọc sách và viết lách, sau đó rời nhà đi làm lúc 8 giờ. Sau giờ làm, H.C thường đi dạo và thưởng thức hoàng hôn. Về đến nhà, H.C ăn uống, học tập, và đi ngủ đúng giờ vào lúc 10 giờ tối. Lối sống lành mạnh này đã giúp H.C cảm thấy khỏe khoắn hơn mỗi ngày. Khi đứng cạnh những người bạn cùng độ tuổi, H.C luôn nổi bật với làn da khỏe mạnh và tươi trẻ.
Trong nhiều trường hợp, sự lo lắng của người trưởng thành thường gắn liền với vấn đề tiền bạc. Thay vì lo sợ vì thiếu thốn, mỗi người có thể "chữa lành" nỗi lo đó bằng cách tập trung vào công việc. Thay vì dành thời gian lo âu và than vãn, hãy sử dụng thời gian đó để làm những việc mang lại giá trị. Khi thu nhập tăng lên, nhiều mối lo sẽ tự nhiên tan biến.
N.A (1991, Art Director) lớn lên trong một gia đình không quá giàu có, vì vậy từ sớm, N.A đã phải lo lắng về vấn đề tài chính. Mãi cho đến khi đi làm và có thu nhập ổn định, N.A mới bắt đầu cảm thấy bớt lo lắng. Khi số tiền trong tài khoản dần tăng lên, N.A cảm thấy thoải mái hơn và tinh thần cũng nhẹ nhõm hơn. Tính cách của N.A cũng dần trở nên vui vẻ, và mỗi hành động đều toát lên sự tự tin.
Không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc cá nhân, nhiều công ty còn khéo léo biến văn phòng thành một không gian để mọi người cùng nhau rèn luyện thể chất và nâng cao tinh thần. H.L (2001, HR Executive) cảm thấy rất may mắn khi công ty của mình có phong trào thể dục thể thao sôi nổi. Những đồng nghiệp gắn bó với H.L qua các dự án và công việc chuyên môn cũng chính là những người bạn đồng hành tích cực trên những chặng đường chạy hay trên sân cầu lông. Điều này mang lại cho H.L không chỉ niềm vui và những kỷ niệm đáng nhớ, mà còn là động lực để tiếp tục phấn đấu.
T.Đ (1996, Nhân viên Kế toán) hiện đang là đội trưởng đội bóng của công ty. Đội bóng có khoảng 15 - 20 thành viên chủ chốt, chưa kể một số anh em tham gia khi có thời gian. Họ không chỉ luyện tập nội bộ mà còn xây dựng một "mạng lưới" giao hữu với các công ty khác, tham gia các giải thể thao ngành nghề và địa phương. Với tinh thần hăng hái giao lưu, học hỏi và kỷ luật tập luyện tốt, đội bóng duy trì phong độ ổn định. Các thành viên không đặt nặng vào thành tích dù đã có nhiều kinh nghiệm thi đấu, mà luôn coi trọng tinh thần giao lưu, kết nối và học hỏi lẫn nhau.
Trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau giai đoạn dịch COVID-19 căng thẳng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của nhiều người ngày càng trở nên quan trọng. Bên cạnh việc chú trọng vào hiệu suất và kết quả công việc, nhiều doanh nghiệp cũng đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến đời sống của người lao động.
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tạo điều kiện về thời gian, ngân sách và cơ sở vật chất để nhân viên tham gia các hoạt động thể thao và rèn luyện sức khỏe. Các mô hình câu lạc bộ khiêu vũ, bóng bàn, bóng đá, văn nghệ... ngày càng trở nên phổ biến và được tổ chức rộng rãi tại các cơ quan, đơn vị. Khi tất cả mọi người đều khỏe mạnh và hạnh phúc hơn, họ sẽ có thể đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển chung, mang lại sự khởi sắc rõ rệt cho doanh nghiệp.
Như Quỳnh
Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.