Vào lễ trao giải Oscar vừa qua, “Everything Everywhere All At Once” đã gây xôn xao khi mang về hơn 349 giải và 692 đề cử - đánh dấu bộ phim điện ảnh giành được nhiều giải thưởng nhất lịch sử. Với một bộ phim “đại thắng” như thế, ít ai biết được rằng “Everything Everywhere All At Once” chỉ có kinh phí sản xuất là 25 triệu USD và đội ngũ kỹ xảo chỉ gồm 5 nhân sự.


Đứng sau bộ phim lừng lẫy này không phải là những hãng phim danh tiếng, cũng không phải là một cái tên quen thuộc với đại chúng như Sony, Warner Bros hay Walt Disney. Thế nhưng với sự đặc biệt, thậm chí là dị biệt trong từng ý tưởng, studio A24 đã thường xuyên góp mặt tại đấu trường Oscar với những tựa phim nổi tiếng, từ đó trở thành “nỗi ám ảnh” của những đối thủ cạnh tranh. Đâu là những yếu tố làm nên sự độc đáo của hãng phim A24? Cùng Advertising Vietnam phân tích qua bài viết sau!


Lối làm phim khác biệt tạo nên thành công


Vào năm 2012, ông Daniel Katz, David Fenkel và John Hodges lần lượt rời bỏ công việc của họ tại Guggenheim Partners, Oscilloscope và Big Beach để thành lập một công ty điện ảnh độc lập mới nhằm xác định lại cách sản xuất và tiếp thị phim. Ông Katz chia sẻ: “Tôi luôn có ước mơ thành lập một công ty. Thật sự mà nói, tôi rất sợ phải làm gì đó một mình. Trong lúc cùng nhóm bạn lái xe đến Rome, khoảnh khắc đó đã khiến tôi nhận ra rằng tôi phải làm điều này.” Lúc này, ông và những người bạn đang lái xe trên đường cao tốc ở Ý mang tên Autostrada A24 - A24. Đó là khởi nguồn của cái tên khuynh đảo giới điện ảnh sau này.


Ông Daniel Katz đã cùng những người bạn của mình thành lập công ty có trụ sở tại New York với cam kết tập trung vào “các bộ phim và nhà làm phim”, chứ không phải bản thân họ. Điều này có nghĩa là họ sẽ trao cho những nhà sáng tạo như đạo diễn và biên kịch quyền kiểm soát công việc. Vào thời điểm đó, Hollywood được điều hành bởi các kế toán - đồng nghĩa với việc mọi thứ đều dựa trên lợi nhuận và những con số. Việc A24 Studio quyết định để các nhà sáng tạo tự do phát triển ý tưởng của mình đã tạo nên sự khác biệt trong giới điện ảnh và chinh phục các nhà làm phim. Theo đó, hãng sản xuất này đã để các nhà sáng tạo kể những câu chuyện riêng biệt, giàu cảm xúc từ góc nhìn của bản thân họ, đồng thời hỗ trợ họ thể hiện chúng trên màn ảnh. 


Một số bộ phim nổi bật của A24 Studio


Ban đầu, A24 chưa tự sản xuất phim. Những bộ phim “Ex Machina” và “The Witch” được công ty mua lại và phân phối đến các nền tảng. “Moonlight" là bộ phim đầu tiên mà A24 tự bỏ vốn sản xuất, đánh dấu sự chuyển mình từ một nhà phân phối độc lập sang studio nghệ thuật. Đạo diễn Barry Jenkins, người đứng sau bộ phim “Moonlight” chia sẻ rằng A24 thật sự “điên rồ” khi lựa chọn một câu chuyện về cậu bé da đen đồng tính có mẹ nghiện ma tuý là bộ phim chính thức đầu tiên của họ. Hơn nữa, bộ phim chỉ có ngân sách 15.000 USD vào thời điểm đó. 


Trong quá trình thực hiện bộ phim, ông Jenkins muốn thể hiện nhiều yếu tố: vừa muốn đảm bảo khán giả hiểu được ngôn ngữ và sự đa dạng trong bối cảnh, tuy nhiên ông lại sợ các nhà sản xuất cảm thấy như vậy là quá nhiều. Trên thực tế, các hãng phim lớn đều có sự kiểm soát nghiêm ngặt với từng dự án. Lucasfilm - công ty con của Disney đã từng sa thải Phil Lord và Christopher Miller vì sự khác biệt trong sáng tạo trong bộ phim “Solo: A Star Wars Story”. Thế nhưng A24 lại dành cho các nhà làm phim một sự tự chủ nhất định và điều đó đã giúp nhiều bộ phim của hãng trở nên nổi tiếng. Vượt qua đối thủ nặng ký “La La Land”, bộ phim “Moonlight" với cốt truyện đầy cảm xúc đã đem về cho A24 bốn tượng vàng Oscar, đồng thời trở thành cột mốc thế kỷ của dòng phim LGBTQ+.



Bên cạnh đó, A24 Studio cũng từng thực hiện dự án chuyển thể cuốn sách “The Sympathizer” của tác giả gốc Việt Nguyễn Thanh Việt. Bộ phim đã khiến nhiều người thích thú khi quy tụ dàn diễn viên Việt là Hoa Xuande, Fred Nguyen Khan, Toan Le, Vy Le và Alan Trong. Ngoài ra, “The Sympathizer” còn được đạo diễn bởi Park Chan Wook - người từng đạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes. 


Vào đầu năm 2023, A24 Studio đã một lần nữa ghi dấu ấn trong làng điện ảnh thế giới khi “Everything Everywhere All At Once” trở thành bộ phim điện ảnh giành được nhiều giải thưởng nhất lịch sử với 349 giải và 692 đề cử. Đây là bộ phim giả tưởng kể về hành trình kỳ lạ, trải qua nhiều vũ trụ khác để thấu hiểu, yêu thương lẫn nhau của một gia đình Á Đông điển hình tại Mỹ. Everything Everywhere All at Once là bộ phim được đề cử nhiều nhất tại đêm trao giải Oscar lần thứ 95 với 11 đề cử. Tương tự, A24 cũng là một trong những hãng phim giành được nhiều đề cử ở đa dạng hạng mục.


Sau chiến thắng áp đảo tại Oscar năm nay với Everything Everywhere All At Once, hãng phim A24 tiếp tục với một series chiếu độc quyền trên Netflix mang tên “Beef” (tựa Việt: Bất hòa). Bộ phim kể về mối bất hoà giữa chủ doanh nghiệp nhỏ Danny Cho (Steven Yeun) với một người phụ nữ mang tên Amy Lau (Ali Wong). Điều đáng chú ý là trong tập 8, diễn viên Hồng Đào đã xuất hiện với vai diễn Hanh Trinh Lau, mẹ của Amy. Trong phim, nữ diễn viên đã nấu một mâm cơm có món canh chua đặc trưng của Việt Nam cho chồng và con.  


Diễn viên Hồng Đào trong bộ phim “Beef”


Được sản xuất bởi một studio nổi tiếng với phong cách làm phim dị biệt, có thể nói, Beef là một bộ phim hội tụ “tất tần tật” những thể loại từ hài kịch, hành động,... cho đến phản ánh xã hội. Phản chiếu góc nhìn của hai nhà làm phim Hikaru và Jake Schreier, cả 10 tập phim đã đưa người xem đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Mặc dù chỉ mới được phát hành vào ngày 06/04 gần đây, “Beef” đã đạt được điểm số 99% trên Rotten Tomatoes và điểm số của khán giả là 94%. Người xem đã dành nhiều lời khen ngợi cho bộ phim như “Một trong những bộ phim hay nhất mà tôi đã xem trong thời gian qua. Các màn trình diễn thật tuyệt vời”, “Một bộ phim thật tuyệt vời. Tôi rất cần phần 2”,... 


Chiến lược phát hành phim trên mọi nền tảng 


Không chỉ các ý tưởng của A24 có vẻ điên rồ mà mô hình kinh doanh của họ cũng hoàn toàn khác biệt với những hãng phim khác. Trong khi số đông đều theo đuổi các thỏa thuận độc quyền, A24 chinh phục giới điện ảnh bằng cách gia nhập vào kỷ nguyên phát trực tuyến. Họ phát hành phim trên Netflix, Apple TV+, Amazon và Showtime.  



Vào năm 2013, A24 đã hợp tác với Amazon Studios và cho phép nền tảng này phân phối độc quyền VOD (video on demand - video theo yêu cầu) cho các bộ phim. Sau đó, Amazon đã công bố gia hạn thỏa thuận này với A24 vào năm 2017. Theo đó, người dùng của Amazon có thể truy cập toàn bộ thư viện nội dung của A24.


Đến năm 2018, Netflix đã bổ sung hơn 20 bộ phim tư A24 Studio vào nền tảng. Ngoài ra, Netflix cũng có cơ hội được phân phối các bộ phim của A24 sau khi các bộ phim này ra rạp được 2 đến 3 năm. Những bộ phim làm nên tên tuổi của studio như Moonlight, Ex machina, Lady Bird, 20th Century Women, Under the Skin,... hiện đang được chiếu trên Netflix. Tuy nhiên, một số bộ phim chỉ dành cho người xem ở Mỹ. Mới đây, việc phát hành “Beef” trên nền tảng Netflix cũng có thể được xem là một chiến lược thông minh, giúp A24 Studio tiếp cận đến nhóm khán giả đại chúng và mở rộng quy mô, danh tiếng thương hiệu. Thế nhưng A24 Studio không phải là đơn vị duy nhất được hưởng lợi từ việc phát hành “Beef” trên nền tảng streaming phổ biến nhất hiện nay. Gần đây, Netflix đã nhận được khá nhiều chỉ trích về việc huỷ các chương trình trước khi chúng kết thúc, hoặc đôi khi huỷ dự án trước khi chúng được phát hành. Vì thế, việc hợp tác với A24 đã phần nào khôi phục danh tiếng cho nền tảng. 


Các chiến dịch Marketing “không giống ai”


Bí quyết cạnh tranh của A24 Studio trên thị trường nằm ở sự sáng tạo. Công ty đã dành nhiều thời gian đầu tư cho các chiến lược marketing nhằm đưa tên tuổi bộ phim đến đông đảo người dùng. Vào tháng 3/2013, A24 đã phát hành bộ phim “Spring Breakers” và thu về hơn 30 triệu USD. Chỉ với ngân sách 5 triệu USD, đương nhiên bộ phim không nổi tiếng vì công ty chi nhiều tiền cho quảng cáo truyền hình hay những khu vực công cộng như đường cao tốc. Thay vào đó, A24 đã táo bạo quảng cáo bộ phim trên các nền tảng mạng xã hội.


Vào đầu năm 2013, studio này đã tải lên trang Facebook của mình hình ảnh ngôi sao James Franco tết tóc thành bím và ngồi cạnh dàn diễn viên còn lại của bộ phim theo cách gợi nhớ đến “The Last Supper” (Bữa tối cuối cùng) của Leonardo da Vinci. Bức ảnh đã nhận được 600.000 lượt thích và bộ phim đã kiếm được 174 triệu lượt hiển thị trong những tuần trước khi phát hành, gần một nửa trong số đó là lượt xem tự nhiên. Cách quảng bá trên mạng xã hội dường như là điều hiển nhiên hiện nay, thế nhưng vào thời điểm đó, A24 là một trong những cái tên tiên phong.



Swiss Army Man là bộ phim hài kịch theo chủ nghĩa siêu thực của Mỹ được ra mắt vào năm 2016. Tại cuộc họp báo ra mắt bộ phim, các phóng viên đã nhận được một chiếc khăn tắm in hình xác chết của Daniel Radcliffe - nam diễn viên từng đảm nhận vai Harry Potter. Hình ảnh chiếc khăn đã được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, từ đó góp phần quảng bá cho bộ phim.


 

Hay như trong quá trình quảng bá bộ phim Ex Machina, A24 đã tạo một tài khoản Tinder giả cho cô nàng robot. Tài khoản này đã “tán tỉnh” đàn ông trong khu vực, sau đó dẫn họ đến một đường link dẫn đến tài khoản Instagram. Ngỡ như sẽ nhìn thấy hình ảnh thật của cô nàng này, thế nhưng điều duy nhất họ nhìn thấy chỉ là trailer của bộ phim.


Bên cạnh việc ủng hộ phim, người hâm mộ còn đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm liên quan đến nội dung phim do studio A24 bày bán. Thế nhưng các merchandise của A24 không đơn thuần chỉ in một cảnh phim lên áo. Đội ngũ đã đầu tư kỹ lưỡng để tạo ra sự kết nối giữa tình tiết phim và người xem. Đơn cử như với bộ phim “Everything Everywhere All At Once mới đây”, studio đã ra mắt loạt sản phẩm độc đáo như huy hiệu in hình nhân vật Evelyn và con mắt thứ ba, bao tay ngón tay xúc xích, hay thú vị hơn là chiếc áo thun in chữ A24 được xếp từ những con mắt.   





Có thể thấy, A24 đã tạo nên sự gần gũi đối với khán giả trẻ qua cách quảng bá trên mạng xã hội cũng như ra mắt các sản phẩm merchandise. Hơn nữa, hãng phim cũng giữ mối quan hệ tôn trọng và tin tưởng đối với các nhà làm phim, giúp họ có cơ hội biến ý tưởng “điên rồ” của bản thân thành những thước phim ấn tượng.


Kim Ngọc