Đã bao giờ bạn rơi vào trạng thái chỉ có “một nửa idea”? Đã bao giờ bạn mắc kẹt trong chính sự sáng tạo giữa chừng của mình và không thể phát triển ý tưởng trong nhiều ngày liên tiếp?


Ngay cả với những nhà phát minh vĩ đại trong lịch sử, quá trình hình thành ý tưởng cũng dài và nhiều trắc trở như vậy. Điển hình là Tim Berners-Lee, người phát minh ra hệ thống World Wide Web, đã phải làm việc hơn 10 năm để hoàn thiện ý tưởng của mình. 


Vậy ý tưởng từ đâu đến? Cùng xem qua cẩm nang hình thành và phát triển ý tưởng nhé! 


1. Liên văn bản (Intertextuality)


Thuật ngữ “liên văn bản” trở nên phổ biến nhờ chủ nghĩa hậu cấu trúc vào những năm 1960. Liên văn bản chỉ ra sự liên hệ mật thiết giữa những tác phẩm tương tự hoặc có liên quan đến nhau, giúp người đọc dễ tiếp nhận khi đón nhận một văn bản mới. Ví dụ, khi xem hoạt hình “Vua Sư Tử” của Disney, người xem dễ dàng đồng cảm với cốt truyện, bởi lẽ trước đó William Shakespeare đã sử dụng những tình tiết tương tự trong vở kịch “Hamlet”.


Dù hai chàng hoàng tử mang hình hài khác nhau, những chi tiết tương đồng về sự phản bội và lòng hận thù khiến người xem "Vua Sư Tử" (1994) phải nghĩ về chàng Hamlet dưới ngòi bút Shakespeare (1601).


Nói cách khác, việc những tác phẩm nghệ thuật có “liên quan” đến nhau là hết sức bình thường. Những triết gia hậu cấu trúc cực đoan còn cho rằng, đến ngày nay, con người không thể phát minh điều gì mới hoàn toàn. Mọi thứ đều được phát triển từ những ý tưởng sẵn có trước đó.


Những dạng thức phổ biến của “liên văn bản” bao gồm: parody (bắt chước để gây cười), pastiche (bắt chước để ngợi ca), ám chỉ, trích dẫn, vay mượn, dịch thuật, đạo văn. Tất nhiên, đạo văn là một hành động đáng lên án và không được chấp nhận dưới bất kỳ hình thức nào.


Bộ phim "Vampires Suck" (2010) là bản parody nhại lại series "Chạng Vạng" (2008) nổi tiếng, với các nhân vật lẫn tình tiết gần như trùng lặp. Bản parody nhận được đánh giá khá tiêu cực từ cộng đồng mê phim.


Một bức tranh pastiche, học theo phong cách phối màu và đi nét của hoạ sĩ Van Gogh. Những tác phẩm pastiche không gây cười như parody, mà dùng để tưởng nhớ hoặc bày tỏ sự tôn trọng với tác phẩm gốc.


Hiểu về tính “liên văn bản” sẽ giúp ta sáng tạo với phong thái tự tin hơn. “Nghệ thuật vay mượn” (Art of Steal) cũng dần phát triển cùng với cuộc đua công nghệ. Chúng ta dễ dàng tham khảo được ý tưởng của nhiều người khác nhau trên thế giới thông qua Internet. 


2. Linh cảm


Không ai biết rõ đường đi khi vừa bắt đầu cuộc thám hiểm. Tương tự, rất khó để một ý tưởng thành hình ngay từ vạch xuất phát. Tất cả ý tưởng đều bắt nguồn từ những tia sáng trong trí não chúng ta, hay còn gọi là “linh cảm”. Những linh cảm này xuất hiện rời rạc và bất chợt trong lúc ta làm việc.


Trong một bài giảng về ý tưởng, nhà văn Steven Johnson đã đề cập đến thuyết “Linh cảm đến chậm” (Slow Hunch Theory). Ông cho rằng hầu hết những phát minh trong lịch sử đều hình thành nhờ việc nung nấu, ấp ủ các linh cảm vụn vặt qua nhiều năm. Những suy nghĩ bất chợt hiếm khi làm nên một ý tưởng tốt.



Từ đó, Johnson “tiết lộ” bí quyết sử dụng linh cảm. Ông khuyến khích những người làm nghề sáng tạo hãy một trang văn bản Google để ghi chép lại những ý nghĩ, tư duy, linh cảm bất chợt trong ngày. Thoạt nghe, gợi ý này không có gì mới lạ, thậm chí nhiều người dù có thói quen này vẫn không thể sáng tạo được.


Điểm khác biệt chính là: Đây không phải đôi dòng ghi chép ngắn gọn, mà có thể lên đến khoảng 50 trang giấy lấp kín bởi những linh cảm, dài bằng vài chương sách. Sự cần mẫn ghi chép sẽ tạo nên một “ngân hàng ý tưởng” (idea bank) để ta dễ dàng nhìn lại và chọn lọc. 


3. Những mối quan hệ


Bạn có thể kết nối linh cảm của bản thân với bạn bè, đồng nghiệp hoặc những người cùng sở thích để tạo nên ý tưởng chung mang tính đột phá hơn. Không phải ngẫu nhiên mà vào thế kỷ XVIII, salon triển lãm nghệ thuật xuất hiện rộng khắp Paris và thu hút vô số các hoạ sĩ, nhà điêu khắc tham dự. Đơn giản vì những salon này đã tạo nên không gian chung để linh cảm được giao thoa và hoà hợp, từ đó kích thích cho ý tưởng phát triển mạnh mẽ.


Tranh vẽ của hoạ sĩ François Joseph Heim, "Vua Charles V trao thưởng cho các hoạ sĩ tại buổi salon (tụ họp) thân mật." Những salon như thế này rất phổ biến tại Paris vào thế kỷ XVIII, cũng là nơi ra các nghệ sĩ gặp gỡ và trò chuyện để lấy cảm hứng sáng tác.


Tận dụng Internet cũng là một gợi ý đáng giá. Cộng đồng mạng giờ đây đã hình thành những "salon thời hiện đại" như hội nhóm, diễn đàn, fanpage… Đây chính là cách Internet tập hợp những người cùng sở thích. Ở đấy, các ý tưởng sẽ được giao hoà và nảy nở, thúc đẩy thảo luận và kích thích sáng tạo. Nếu bạn đang “bí idea” thì hãy kết nối để mở rộng ý tưởng nhé!


4. Quan sát và tò mò


Trí tò mò mà lĩnh vực sáng tạo đòi hỏi ở chúng ta không giống với sự hiếu kỳ của trẻ em. Người sáng tạo phải mang trong mình óc tò mò cùng với lòng ham muốn giải quyết vấn đề. 


Nhìn về sự ra đời của lò vi sóng 70 năm về trước. Kỹ sư Percy Spencer lúc này đang miệt mài làm thí nghiệm trên ống bức xạ. Bỗng dưng ông phát hiện thanh kẹo sôcôla trong túi quần của mình… bị chảy nước. Spencer dừng tay và tò mò: Tại sao đồ ăn lại tan chảy khi mình làm việc? Liệu có phải do tia bức xạ gây ra? Nếu vậy, mình có thể dùng tia bức xạ này nung chảy những món khác không? Và thế là lò vi sóng ra đời và trở thành một trong những phát minh vĩ đại của thế kỷ.


Hình ảnh "cha đẻ" lò vi sóng Percy Spence luôn đi liền với thanh sôcôla chảy.


Hãy quan sát những hiện tượng hàng ngày xung quanh chúng ta để tìm cảm hứng. Nhưng như thế, ý tưởng vẫn chưa đến. Bạn phải nhìn vấn đề và cố tìm ra phương cách giải quyết. Ý tưởng sẽ nằm ở cuối con đường chờ bạn đấy!


5. May mắn


Trong tựa sách “Từ Tốt Đến Vĩ Đại” (Good to Great), Jim Collins đã phỏng vấn 10 CEO đến từ các tập đoàn lớn như Abbott, Gillette, Phillip Morris… để tìm hiểu về bí quyết chung dẫn đến thành công của họ. Điều đáng ngạc nhiên là cả 10 CEO này đều nhắc đến yếu tố “may mắn” trên con đường sự nghiệp.


Tựa sách "Từ Tốt Đến Vĩ Đại: Tại sao vài công ty đạt bước nhảy vọt... còn những công ty khác thì không?" do Jim Collins chấp bút.


Nói như vậy không đồng nghĩa rằng người may mắn hơn sẽ có ý tưởng hay ngay từ đầu. Quả thật có những việc ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, ví như vận may. Nhưng nói một cách khoa học, thì càng làm việc nhiều, chúng ta càng tăng thêm xác suất nhận về may mắn cho bản thân mình. Từ đó, cơ hội để nảy sinh ý tưởng hay cũng sẽ đến nhiều hơn.


Hồng Ân

Advertising Vietnam