Yêu cầu trình độ tiếng Anh trong agency: Có quyết định cơ hội thăng tiến? 

REAL Agency Life là series phỏng vấn độc quyền từ Advertising Vietnam, nơi chia sẻ những kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế từ các bạn nhân sự tại các agency.


Trong thời kỳ hội nhập, tiếng Anh đã trở thành “tấm vé thông hành” mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp. Với ngành truyền thông - quảng cáo, ngôn ngữ này thường được sử dụng với tần suất và độ linh hoạt cao.


Không chỉ các công ty quốc tế, nhiều công ty trong nước hiện nay cũng yêu cầu ứng viên có khả năng tiếng Anh tốt khi tuyển dụng. Trong một số trường hợp, nhà tuyển dụng thường đánh giá cao những ứng viên có bằng cấp như IELTS, TOEFL,... hơn trong quá trình chọn lọc hồ sơ. Thực hư vai trò của bằng cấp và việc sử dụng tiếng Anh trong môi trường agency ra sao? Liệu bằng ngoại ngữ có giúp nhân sự agency có lợi thế hơn khi tìm việc cũng như thăng tiến? Cùng trò chuyện với các nhân sự tại T&A Ogilvy, Happiness Saigon, Mango Digital, ID Communication Group, Publicis Groupe, Admicro để giải đáp những thắc mắc này.



Tầm quan trọng không thể phủ nhận của IELTS


Với đặc thù ngành truyền thông - quảng cáo thay đổi và chuyển động không ngừng, ngoài theo dõi tình hình thị trường trong nước, nhân sự agency còn cập nhật thông tin và kiến thức chuyên môn từ các trang web quốc tế để không bị lỗi thời. Bên cạnh đó, các agency cũng thường xuyên làm việc với khách hàng nước ngoài, đòi hỏi mỗi nhân sự phải có khả năng tiếng Anh để đảm bảo công việc diễn ra hiệu quả.  


Nhằm đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của nhân sự, nhiều agency thường quan tâm đến bằng cấp tiếng Anh khi tuyển dụng. Bên cạnh kỹ năng chuyên môn, một số công ty còn yêu cầu ứng viên có bằng IELTS để đáp ứng hiệu quả công việc. Vậy, thực tế IELTS đóng vai trò quan trọng như thế nào trong môi trường agency? 


Trả lời cho câu hỏi này, Yến Vy - Account Executive tại ID Communication Group cho biết, bằng IELTS tuy không nói lên hết khả năng tiếng Anh sử dụng của một người, nhưng có bằng cấp là một điểm cộng lớn cho người đó. “Khi tuyển dụng, giữa hai ứng viên có kinh nghiệm và kỹ năng tương đương, ứng viên có bằng cấp như IELTS sẽ được ưu tiên. Bởi việc có bằng cấp tiếng Anh có thể chứng tỏ được sự nhanh nhạy của bạn trong việc sử dụng ngôn ngữ này, giúp quá trình giao tiếp và làm việc diễn ra hiệu quả hơn”. 


Mối liên hệ giữa bằng cấp tiếng Anh và sự phát triển của nhân sự ngành quảng cáo


Tuy mở ra nhiều cơ hội việc làm, nhưng tiếng Anh vẫn được xem là một công cụ giao tiếp và không được liệt kê ngang hàng với các kỹ năng chuyên môn. Theo các nhân sự agency, bằng cấp tiếng Anh không phải là ưu tiên hàng đầu khi tuyển dụng và không tác động đến sự thăng tiến của mỗi cá nhân trong ngành. 


“Có bằng cấp tiếng Anh tốt là một lợi thế, nhưng điều các nhà tuyển dụng mong đợi nhiều hơn là kinh nghiệm và các kỹ năng cần thiết khác trong công việc. Nếu bạn có bằng cấp tiếng Anh, nhưng thiếu đi sự nhạy cảm để thấu hiểu tâm lý khách hàng, không có khả năng sáng tạo ý tưởng mới hoặc không linh hoạt để đáp ứng sự thay đổi của thị trường,... bạn khó có thể đáp ứng được công việc ở môi trường có nhiều thử thách, đòi hỏi mỗi người phải liên tục đổi mới như agency”, Thường Nhiên - Account Executive tại Mango Digital đúc kết. 



Đồng ý với quan điểm trên, Phương Trinh - Account Executive tại T&A Ogilvy chia sẻ, dù là global agency nhưng T&A Ogilvy không bắt buộc nhân sự phải có tiếng Anh theo dạng bằng cấp hay chứng chỉ. “Mình từng thi IELTS ở đại học và thấy rằng bằng cấp không giúp mình nhiều trong công việc. Khác với tiếng Anh học thuật, tiếng Anh trong môi trường làm việc không yêu cầu chúng ta phải theo một khuôn mẫu nhất định, mà cần truyền đạt nội dung một cách linh hoạt, dễ hiểu. Tại agency, bằng cấp không quan trọng bằng cách chúng ta ứng dụng tiếng Anh để thúc đẩy hiệu suất công việc cũng như phát triển bản thân”. 


Yến Vy bổ sung, “việc có bằng cấp tiếng Anh chưa đủ để giúp bạn thăng tiến, chính sự phát triển năng lực chuyên môn và thành quả bạn tạo ra trong quá trình làm việc mới là yếu tố quyết định thành công trong sự nghiệp”. 


Tiếng Anh được ứng dụng như thế nào trong môi trường agency? 


Trương Quốc, Strategic Planner tại Mango Digital cho biết, mức độ sử dụng tiếng Anh tại môi trường agency sẽ tùy thuộc vào vị trí công việc của nhân sự. Chẳng hạn, đội ngũ sáng tạo (creative) sẽ thường xuyên sử dụng tiếng Anh để nghiên cứu sản phẩm/ dịch vụ hoặc tìm kiếm và phát triển ý tưởng. Ngược lại, tính chất công việc của các vị trí hành chính nhân sự, admin (quản trị) chỉ thường dùng tiếng Anh khi tuyển dụng hoặc làm các công việc giấy tờ liên quan đến khách hàng nước ngoài. “Riêng ở vị trí Strategic Planner, mình thường sử dụng tiếng Anh trong quá trình brainstorm (tìm kiếm và phát triển ý tưởng), lên kế hoạch thực hiện dự án hoặc khi present (trình bày kế hoạch chi tiết với khách hàng). Những công việc này không yêu cầu bằng cấp ngoại ngữ, mà đòi hỏi nhân sự phải có kỹ năng, kiến thức chuyên môn về ngành truyền thông - quảng cáo và khả năng tiếng Anh từ khá (intermediate) đến thành thạo (fluent)”. 



“Là Copywriter, mình cũng sử dụng tiếng Anh ở tần suất cao và linh hoạt. Vì văn phong tiếng Anh hoàn toàn khác với tiếng Việt, công việc của Copywriter không chỉ là viết hay, mà còn phải vận dụng tư duy logic và tư duy ngôn ngữ để sắp xếp ý tưởng và câu từ, giúp nội dung tiếng Anh đạt độ chính xác cao, thuyết phục thành công người tiêu thụ nội dung”, Văn Vĩ, Junior Copywriter tại Happiness Saigon bày tỏ. 


Bên cạnh Creative, một trong những vị trí sử dụng nhiều tiếng Anh trong agency là Account. Thường Nhiên chia sẻ bạn thường sử dụng tiếng Anh trong các cuộc họp trao đổi với khách hàng, trao đổi công việc qua email hoặc viết proposal (bản trình bày ý tưởng) và report (báo cáo). Những công việc này yêu cầu nhân sự hiểu biết các thuật ngữ chuyên ngành và có khả năng sử dụng tiếng Anh thông dụng. 


Thực hư việc nhân sự agency thích “chêm” tiếng Anh 


Chêm tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh vào các cuộc hội thoại, giao tiếp không còn là chuyện hiếm trong ngành truyền thông - quảng cáo. Chia sẻ về lý do thường xuyên “chêm” tiếng Anh trong quá trình làm việc, Nguyễn Nhẫn, Sales Executive tại Admicro cho biết: “Từ ngữ chuyên ngành quảng cáo rất nhiều, mà khi dịch ra tiếng Việt sẽ khá dài và không sát nghĩa. Chẳng hạn những từ quen thuộc trong ngành như brief (bản tóm tắt yêu cầu của khách hàng), brainstorm (quá trình sáng tạo ý tưởng mới), key visual (hình ảnh chủ đạo),... vẫn thường được người trong ngành sử dụng để công việc diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn. Dần dần, chêm tiếng Anh trở thành thói quen và mọi người cũng bình thường hóa việc này”.


Theo Tấn Phát, Senior Account tại Publicis Groupe, chêm tiếng Anh khi giao tiếp, trao đổi công việc đã dần trở thành “bản năng” của nhân sự agency. Với những cá nhân thường xuyên sử dụng cả hai ngôn ngữ Anh và Việt, hiện tượng “code-switching” (chuyển mã - chuyển đổi qua lại nhiều loại ngôn ngữ trong lời nói) sẽ xảy ra thường xuyên. “Vì làm trong môi trường quốc tế và sử dụng tiếng Anh nhiều, mình rất hay vô tình chêm tiếng Anh khi nhắn tin và trò chuyện với mọi người dù ban đầu không có ý định làm vậy”.



Tùy vào mục đích, đối tượng sử dụng và người nghe, việc chêm tiếng Anh cũng gây ra hai chiều tranh cãi. Nhiều người ủng hộ việc này vì sự thuận tiện trong giao tiếp, trong khi số khác lại phản đối vì gây hiểu nhầm ý muốn biểu đạt, tạo cảm giác khó chịu cho người nghe. Theo đó, các nhân sự agency đều cho biết họ thường chêm ngoại ngữ ở mức vừa đủ, luôn đảm bảo đúng nơi, đúng lúc, đúng đối tượng và đúng hoàn cảnh. Chẳng hạn trong môi trường làm việc, nếu người nghe là newbie mới vào ngành, Trương Quốc chỉ chêm những từ tiếng Anh cơ bản và thông dụng nhất để không gây khó hiểu. Ngược lại, khi trò chuyện cùng bố mẹ, việc chêm tiếng Anh hầu như không xảy ra. Ngoài ra, bạn cũng quan sát thái độ, cảm xúc của người nghe để giảm lượng từ chêm và cố gắng giải thích lại bằng tiếng Việt nếu vô tình chêm quá nhiều tiếng Anh. Điều này vừa giúp cuộc trò chuyện dễ hiểu vừa thể hiện được sự chuyên nghiệp, khéo léo. 


Xin cảm ơn các nhân sự tại các agency đã đồng ý tham gia buổi trò chuyện này và chia sẻ những góc nhìn thú vị về tiếng Anh trong môi trường agency với độc giả Advertising Vietnam! 


Các bạn có thể xem các bài viết cùng series tại đây.


Thực hiện: Advertising Vietnam

Nội dung: Tâm Thương

Thiết kế: Đạt Đặng


Yêu cầu trình độ tiếng Anh trong agency: Có quyết định cơ hội thăng tiến? 

Tâm Thương

Tâm Thương

Content Creator | Advertising Vietnam

12 Thg 12 2021

Lưu

Cùng chuyên mục