7 năm chinh phục cột mốc Associate Creative Director và 1 năm làm nên Creative Director Đạt Nguyễn: “Thay vì trông đợi được thăng chức dựa trên thâm niên, hãy tập trung phát triển chuyên môn và tạo ra thành quả”

"A crazy Creative Director. An enthusiastic mentor. A wordplayer who loves to twist and turn. A playful monkey in a creative jungle out there” (tạm dịch: Một Giám đốc Sáng tạo điên rồ. Một người cố vấn nhiệt tình. Một người thích chơi đùa với con chữ. Một “chú khỉ” nghịch ngợm trong khu rừng của sự sáng tạo) là những dòng mà anh Đạt Nguyễn - Creative Director tại Vero miêu tả về bản thân.


Xuất phát điểm là một sinh viên ngành Thiết kế đồ hoạ tại Đại học Kiến trúc TP.HCM, trải qua hơn 10 năm làm nghề, mỗi ngày đối với anh là một sự thú vị nhưng không kém phần thử thách. Nhìn lại hành trình với những cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp, anh nhiều lần khẳng định tính cách và phong cách làm việc qua motto “Whatever you do, have fun while doing it!” (Làm gì cũng được, miễn vui là được).


Nhắc đến “bước ngoặt” đáng nhớ nhất trong hành trình nhiều lần thăng tiến, anh cho biết đó chính là lúc anh đón nhận vị trí Associate Creative Director tại Dinosaur, đối diện với muôn vàn “bài toán” từ lần đầu đi gặp khách hàng cho đến quản lý nhân sự một cách độc lập. 



Hành trình của anh Đạt Nguyễn với ngành Quảng cáo bắt nguồn từ niềm đam mê và sự hứng thú khi thiết kế logo thời còn đi học. Kể từ những năm cấp 3, anh xác định sau này bản thân sẽ đi theo nghề thiết kế. Cho đến khi trở thành sinh viên của Đại học Kiến trúc TP.HCM, với niềm đam mê và sự hứng thú với những mẩu quảng cáo ngày xưa, anh quyết định lựa chọn và gắn bó với ngành.


Thế nhưng, quảng cáo đối với anh không chỉ dừng lại ở những hình ảnh hay thiết kế bắt mắt, thu hút. Những gì anh muốn trau dồi và tôi luyện cho bản thân còn nhiều hơn thế. “Còn nhớ trong một môn học thời sinh viên khi được yêu cầu thiết kế name card, trong khi mọi người xung quanh đều ghi chức danh là ‘Art Director’, tôi là người duy nhất trong lớp khẳng định bản thân là một ‘Copywriter’. Lúc ấy, tôi không chỉ thích thiết kế mà còn có niềm đam mê bất tận với những ý tưởng và những con chữ”, anh kể.


Lựa chọn bắt đầu sự nghiệp với vị trí Graphic Designer, sau hơn 3 năm, anh thăng tiến lên vị trí Art Director và kế đó là Creative Group Head tại Dinosaur - một digital creative agency. Với anh, mỗi lần thăng tiến là mỗi lần anh được tiếp xúc và học hỏi những cái mới. Thế nhưng, bước chuyển đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của anh tính đến thời điểm hiện tại là khi anh trở thành một Associate Creative Director (ACD) tại Dinosaur.


Thời điểm ấy, anh Đạt Nguyễn đang giữ chức vụ Creative Group Head tại Dinosaur, quản lý đội ngũ nhân viên bao gồm 3 - 4 nhân sự designer và copywriter. Cũng như nhiều người trẻ khác khi mới bước vào ngành, anh từng có một khoảng thời gian đối diện với “peer pressure”. Anh kể: “Còn nhớ khi ở vị trí Art Director, có một thời điểm tôi cảm thấy khá chạnh lòng khi chứng kiến bạn thân của mình đã trở thành ACD trong khi mình vẫn chưa thể đạt đến vị trí đó. Thời sinh viên, do bản tính hơi ‘ngông cuồng’ nên tôi có một vài vấn đề với giảng viên, dẫn đến việc trễ tốt nghiệp một năm và ảnh hưởng đến lộ trình thăng tiến sau này.”


Thế nhưng, thời điểm mà áp lực đồng trang lứa đó ập đến cũng chính là lúc anh Đạt Nguyễn rút ra cho mình một thái độ làm việc hoàn toàn khác. Anh Trọng Nguyễn - người quản lý trực tiếp (line manager) và cũng chính là Creative Director của team anh lúc bấy giờ đã động viên anh rằng “Title tại một công ty thực chất không quan trọng. Quan trọng là mình làm được gì và học được gì. Cứ làm hết mình đi rồi mọi thứ sẽ đến”. Bước ngoặt đó đã giúp anh suy nghĩ khá nhiều về thái độ của bản thân, trở nên vững tâm hơn để không “chạy đua” với title hay vị trí công việc mà chỉ đơn thuần là dốc hết sức mình để làm việc. 


Việc được thăng tiến lên vị trí ACD đến với anh Đạt Nguyễn khá bất ngờ bởi thời điểm ấy, anh chỉ làm việc với tâm thế cố gắng hết sức chứ không hề có một kế hoạch cụ thể nào cho việc thăng chức. Hơn một năm ở vị trí Creative Group Head, anh được Creative Director lúc bấy giờ tin tưởng và trao cơ hội làm việc một cách độc lập hơn ở vị trí Associate Creative Director, bắt đầu bằng việc thay mặt công ty đi gặp khách hàng. “Tôi đón nhận nó với một tâm thế khá… bình thường bởi tôi tin rằng những kinh nghiệm và kỹ năng mà bản thân có được trong thời điểm đó cũng khá ‘đủ’ cho một vị trí mới”, anh bày tỏ. 



ACD là một vị trí yêu cầu nhân sự phải đáp ứng tốt những kỹ năng chuyên môn về cả Art lẫn Copywriting. Vào thời điểm thăng tiến lên vị trí ACD, bản thân anh Đạt Nguyễn đã có nhiều năm kinh nghiệm tại vị trí Art Director. Vì thế mà chuyên môn và tư duy của anh về mặt Art đã khá vững ở thời điểm đó. Ngoài ra, anh cũng từng có nhiều cơ hội góp sức trong những task liên quan đến idea và Copywriting, giúp team “win” khá nhiều job.


Anh chia sẻ: “Ngoài những kỹ năng chuyên môn trong cả 2 mảng, với tôi, dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy bản thân đã sẵn sàng bước lên một vị trí cao hơn là khả năng làm việc độc lập với vai trò lead team. Đó là khi tôi gần như có thể làm tự mình chuẩn bị và đảm bảo rằng đội ngũ nhân sự có thể hoàn thành tốt hầu hết các khâu của một dự án, từ việc lên idea, tiền đạo diễn cho đến thực thi và tạo ra sản phẩm mà không cần có sự giám sát hay điều chỉnh, can thiệp nào từ phía cấp trên. Hay đôi lúc, tôi cũng là người được các thành viên trong team tin tưởng và trực tiếp đưa ra quyết định liệu idea đó có thể ‘bán’ cho sếp được hay không.”


Thời gian đầu khi vừa được thăng chức, bản thân anh gặp rất nhiều khó khăn khi phải tự mình quản lý nhiều thứ. Với anh, thử thách lớn nhất lúc bấy giờ chính là việc phải “đơn phương độc mã” làm việc với khách hàng mà không có sếp đứng sau hỗ trợ như trước. Vì thế, xung đột chính là điều không thể tránh khỏi. “Có đôi lần, tôi buộc phải đưa ra những quyết định mang tính thời điểm. Bản thân tôi khi ấy cũng là một người ‘chân ướt chân ráo’ chưa có nhiều kinh nghiệm ở cấp quản lý nhưng đồng thời cũng là một người có cái tôi khá lớn và bản tính có phần ‘bốc đồng’. Vì thế mà giai đoạn khi vừa lên chức, có khá nhiều vấn đề đã xảy ra khiến tôi không kiểm soát được cảm xúc và có đôi lần tranh cãi hay có những câu từ không đúng mực với khách hàng.”


Bên cạnh việc xây dựng mối quan hệ với các đối tác và khách hàng, cách anh làm việc và quản lý mối quan hệ với các nhân sự nội bộ cũng ít nhiều có sự thay đổi. Anh chia sẻ rằng nhân sự trong team của anh khi ấy khá gần gũi và hầu như không có phản ứng gì đặc biệt khi biết tin anh trở thành ACD. Tuy nhiên, anh cũng từng cảm nhận được một số khác biệt trong cách tiếp cận và đối xử từ các nhân sự của mình “Có lần, tôi hỏi thăm một nhân sự về tiến độ công việc với tâm thế là một người anh em đồng nghiệp bình thường như trước đây. Bất ngờ là bạn ấy dường như có cái nhìn khác và ứng xử như thể tôi là một người “sếp” chuyên đi đòi bài và push nhân sự”, anh nói. Sau một thời gian làm quen với vị trí mới cũng như trải qua một vài biến cố cá nhân, anh đang dần học được cách cân bằng cảm xúc và trở nên trầm tĩnh hơn trong cách ứng xử với khách hàng cũng như đồng nghiệp.



Thăng tiến cũng đồng nghĩa với việc nhân sự phải liên tục trau dồi và phát triển những kỹ năng cũng như năng lực chuyên môn để đáp ứng được những yêu cầu của vị trí mới. Với anh Đạt Nguyễn, hành trình thăng tiến lên ACD hay cao hơn nữa là CD đòi hỏi anh phải rèn luyện cho mình khả năng xem xét vấn đề một cách bao quát. Nếu như ngày xưa ở vị trí Graphic Designer, anh thường chỉ làm việc dựa vào những material có sẵn thì khi đứng ở góc nhìn của một ACD, anh cần có cái nhìn tổng thể hơn về một kế hoạch, ý tưởng. “Kế hoạch có thể được thực hiện xuyên suốt không?”, “Idea này có khả năng thực thi không?”, “Dự án này được triển khai trên các kênh nào, được thực hiện trong bao lâu?” hay “Liệu dự án này có thể triển khai thành một platform lâu dài để các brand có thể dựa vào nó và phát triển về sau hay không?” là những vấn đề mà anh thường đặt ra và luyện tập hàng ngày để tôi luyện cho mình một tư duy nhìn bao quát cho ở mỗi chiến dịch. 


Ngoài ra, lead team (quản lý nhân sự) cũng là một kỹ năng mà anh đánh giá là vô cùng cần thiết. Thậm chí bây giờ khi đã ở vị trí của một Creative Director, đó vẫn là một thử thách lớn buộc anh phải cố gắng mỗi ngày để tìm ra giải pháp. Anh chia sẻ: “Team tôi hiện tại đang có 14 nhân sự với 14 tính cách và hàng loạt các vấn đề khác nhau. Điều này đòi hỏi bản thân một người quản lý cần phải biết cách làm thế nào để phân chia công việc công bằng và hợp lý dựa trên workload của mỗi người, đồng thời truyền cảm hứng và khơi gợi điểm mạnh của từng nhân sự để họ phát huy được hết khả năng của mình.” Kỹ năng feedback, chỉ ra những điểm tốt và chưa tốt của một idea để từ đó định hướng cách phát triển hoặc chỉnh sửa cho phù hợp thay vì bác bỏ hoàn toàn ý kiến của nhân sự cũng quan trọng không kém với một người quản lý.




Làm quảng cáo là một hành trình dài, và hành trình đó không phải lúc nào cũng suôn sẻ khi nhân sự thường phải đối mặt với hàng tá vấn đề từ công việc đến cuộc sống. Anh Đạt Nguyễn cho biết, bản thân mình là một người gặp khá nhiều “biến cố”. Sau mỗi “biến cố”, anh lại trở nên mạnh mẽ và có nhiều bước đột phá hơn. Hơn 1 năm tại vị trí Associate Creative Director, ‌anh dần như rơi vào trầm cảm và quyết định nghỉ làm quảng cáo trong vòng một năm bởi những vấn đề trong cuộc sống. Thế nhưng, cũng chính vào khoảng thời gian chữa lành sau đó mà anh quyết định quay trở lại với ngành Quảng cáo. “Vì tôi nhớ nghề, vì đó là niềm đam mê không thể tắt và cũng bởi đó là cái nghiệp”, anh chia sẻ về lý do cho màn “tái xuất” ở bước nhảy tiếp theo trong sự nghiệp: Trở thành Creative Director tại Vero. Anh kể: “Sau khoảng thời gian bình tâm và quay trở lại với ngành, tôi nhận được offer cho vị trí Creative Director từ 2 agency lớn nhưng lại cảm thấy bản thân chưa thật sự phù hợp. Cuối cùng, tôi nhận offer tại một agency khác và chính thức trở thành Creative Director tại Vero với một mức lương thấp hơn, nhưng bù lại, tôi tìm thấy được sự tương đồng trong cách làm sáng tạo của bản thân. Tại đây, tôi có thể làm tất cả mọi thứ theo cách vui vẻ nhất và thoả tính cách ‘crazy’ của mình, từ ca hát cho đến diễn kịch ngay cả trong những buổi present (trình bày ý tưởng) với khách hàng.”


Giờ đây khi đang ở vị trí của một Creative Director, trải qua nhiều biến cố cá nhân và vài lần thăng tiến, anh nhận thấy bản thân mình đã có những thay đổi khá lớn. Anh dần trở nên trầm tĩnh hơn trong cách xử lý công việc và giao tiếp với mọi người. “Bất cứ một hành trình nào tôi đi qua đều có những khó khăn ở giai đoạn đầu. Chỉ bằng cách chấp nhận, dấn thân và học hỏi từ những thử thách đó thì tôi mới có thể trở nên vững vàng hơn trong sự nghiệp và tương lai phía trước”, anh cho biết.


Nhìn lại một hành trình với nhiều bước nhảy ấn tượng trong sự nghiệp, anh Đạt Nguyễn bày tỏ rằng bản thân khá may mắn vì anh có khả năng tự học, tự “bơi” khi gặp phải vấn đề và quá trình thăng tiến của anh cũng diễn ra khá xuôi chèo mát mái. “Ngày còn ở trường Đại học, khi tôi ghi chức danh của mình là một ‘Copywriter’, tôi đã nghĩ mình sẽ làm quảng cáo. Cho đến hiện tại, thật may mắn là tôi vẫn đang làm quảng cáo và vẫn được thỏa sức ‘vẫy vùng’, làm mọi thứ từ sáng tạo hình ảnh cho đến con chữ theo cách mà mình cảm thấy vui vẻ, sáng tạo và ‘crazy’ nhất”. 


Dành cho những nhân sự đang ở giai đoạn phát triển sự nghiệp, anh Đạt Nguyễn đưa ra một số lời khuyên sau:

  1. Career path của mỗi người là khác nhau và không hề có một công thức chung hay một mốc thời gian cụ thể cho việc thăng chức: Quá trình làm graphic designer của anh có thể kéo dài nhiều năm, nhưng giai đoạn thăng chức từ Art Director cho đến Creative Director diễn ra rất nhanh, chỉ trong vòng 1-2 năm cho mỗi vị trí. Vì thế, điều quan trọng là chúng ta cố gắng hết sức mình trong công việc thay vì quá trông đợi vào việc thăng chức dựa trên số năm làm việc.
  2. Hãy kiên nhẫn: Có thể lúc mới ra trường, nhiều bạn nghĩ rằng mình đã đủ chuyên môn và thường mong đợi việc thăng tiến sau một khoảng thời gian làm việc, nhưng điều đó thật sự chưa phải. Hãy chịu khó lắng nghe, học hỏi, đừng để bản thân rơi vào “cái bẫy peer pressure”, làm tất cả mọi thứ đúng với khả năng của mình rồi mọi thứ sẽ đến. 
  3. Hãy liên tục trau dồi kiến thức chuyên môn: Với các bạn trẻ có định hướng trở thành Creative Director, hãy bổ sung những kiến thức liên quan đến lĩnh vực còn lại trong quá trình làm việc. Nếu chuyên môn của bạn là copywriting, hãy học hỏi thêm về art direction, design, visual, production,... Tương tự, nếu bạn là một nhân sự chuyên về thiết kế, hãy tìm hiểu về copywriting, script và content plan. Tất nhiên là các bạn không cần tìm hiểu quá kỹ hay quá chuyên sâu, nhưng điều quan trọng là cần có những kiến thức cơ bản để bổ trợ cho quá trình sáng tạo. 



Chia sẻ về những dự định sắp tới, anh Đạt Nguyễn cho biết bản thân sẽ đi theo định hướng giáo dục bằng cách mở các lớp học creative để truyền tải kiến thức theo một cách dễ hiểu, thực tế và hạn chế nặng nề về mặt lý thuyết. Bên cạnh đó, anh cũng muốn truyền cho các bạn trẻ những bài học về cách ứng xử cũng như thái độ làm nghề: “Nhiều bạn trẻ thường làm quảng cáo để thoả “cái tôi” và sự sáng tạo, để đi thi, lấy giải hay tìm thành tích cho portfolio cá nhân của mình. Tất nhiên, mỗi người khi làm nghề sẽ đều có một mindset khác nhau và tôi hoàn toàn tôn trọng điều đó. Đối với tôi, một quảng cáo tốt là quảng cáo tạo ra tác động tích cực đến cho xã hội. Vì thế, tôi muốn truyền cho các bạn một thái độ, cách nhìn nhận tích cực và một ‘triết lý’ làm việc có ý nghĩa.”


Thăng tiến là series bài viết độc quyền từ Advertising Vietnam, nơi các nhân sự agency chia sẻ về những trải nghiệm và bài học rút ra từ cột mốc thăng tiến tạo ra nhiều “bước ngoặt” nhất trên hành trình sự nghiệp của mình. Thông qua chia sẻ của các nhân vật, người đọc sẽ có một cái nhìn toàn cảnh và đa chiều về lộ trình phát triển của các nhân sự trong ngành Truyền thông - Quảng cáo. Đồng thời các nhân sự trẻ sẽ có một nguồn thông tin bổ ích, đáng tin cậy để có sự chuẩn bị tốt hơn cho những cột mốc thăng tiến của bản thân trong tương lai.
Đọc thêm cái bài viết thuộc series tại đây.




7 năm chinh phục cột mốc Associate Creative Director và 1 năm làm nên Creative Director Đạt Nguyễn: “Thay vì trông đợi được thăng chức dựa trên thâm niên, hãy tập trung phát triển chuyên môn và tạo ra thành quả”

Thảo Vy

Thảo Vy

Content Specialist | Advertising Vietnam

31 Thg 07 2023

Lưu

Cùng chuyên mục