Gen Z “minh oan”: Mỗi cá nhân nên được định danh riêng biệt thay vì bị dán nhãn thế hệ

Gần đây, trên mạng xã hội đã thảo luận nhiều về những câu chuyện liên quan đến tác phong làm việc và văn hóa “thích thì nghỉ” ở gen Z. Nghỉ việc vì không phù hợp với văn hóa công ty và định hướng công việc không phải là một vấn đề hiếm gặp, song tình trạng nghỉ làm mà không báo trước, nhắn tin không phản hồi, bùng phỏng vấn,... lại rơi vào gen Z khá nhiều. Theo kết quả khảo sát của Anphabe, 62% gen Z nhảy việc trong năm đầu tiên đi làm, khiến các doanh nghiệp đau đầu khi phải mất quá nhiều thời gian và công sức để đào tạo nhân sự trẻ. 


Theo bà Holly Maguire, Giám đốc Điều hành Superunion tại Anh, các bạn trẻ ngày nay muốn có nhiều quyền hành hơn trong công ty để tự do thể hiện năng lực và sức sáng tạo: “Thế hệ gen Z có cùng mục tiêu sống, cùng khát vọng và mức độ tài năng như các lứa gen đi trước. Tuy nhiên, họ không hứng thú với triết lý đi theo dấu chân các bậc tiền bối, mà chỉ muốn làm việc theo cách của riêng mình.” 


Vậy thực hư câu chuyện nhân sự gen Z đi làm tại các agency Việt Nam như thế nào? Hãy cùng các chuyên gia và nhân sự gen Z tại Biz-Eyes Communication, PMAX, T&A Ogilvy, Red Communications, Creativeshunt Vietnam Yeah1 Network thảo luận về chủ đề này!



Có hay không việc các các công ty “đau đầu” với gen Z?


Gen Z là tập hợp những cá nhân sinh từ năm 1996 đến 2010. Theo dữ liệu từ Population Pyramid, gen Z sẽ chiếm đến 1/3 lực lượng lao động tại Việt Nam vào năm 2025. Do đó, không có gì khó hiểu khi nhiều công ty bắt đầu xuất hiện nhiều nhân sự trẻ tuổi. Chị Thảo Nguyên, Project Supervisor tại Biz-Eyes Communications cho biết: "Trong hai năm gần đây, thế hệ gen Z bắt đầu gia nhập công ty của mình nhiều hơn. Thông thường, các bạn ấy sẽ làm việc với tư cách là một Intern hoặc các vị trí Executive cho các phòng ban."


"Các bạn gen Z làm việc ở hầu hết các phòng ban tại agency của mình: từ Back Office (HR, Finance, Tech,...) cho đến Front Office (Account, Media, Creative,...)", chị Phương Trang - Senior Human Resources Executive tại PMAX chia sẻ. Thế nhưng ngày nay, các vị trí tại công ty không còn được quyết định bằng số tuổi của nhân sự. Chức vụ của gen Z sẽ đa dạng từ Intern, Trainee, Executive, Senior đến Manager, tùy thuộc vào năng lực làm việc của mỗi người.


Công ty Deloitte đã thực hiện một nghiên cứu về thói quen và hành vi của các nhân sự trẻ tuổi trong công việc với sự tham gia của 15.000 gen Z tại Mỹ. Dữ liệu cho thấy, những người lao động trẻ này sẵn sàng nghỉ việc nếu nảy sinh bất đồng với công ty. Họ cũng đặt ra nhiều yêu cầu như muốn được nghỉ vào những ngày có kinh nguyệt. Dù chỉ mới gia nhập lực lượng trong những năm gần đây, song 37% gen Z cho biết họ đã từ chối nhiều công việc khác nhau vì bất đồng quan điểm với công ty và sẵn sàng nghỉ việc mà không cần sự cho phép. Có thể thấy, suy nghĩ của những lao động gen Z có sự khác biệt rõ rệt với nhóm nhân viên thế hệ Millennials. Điều này đặt các nhà quản lý, doanh nghiệp vào thế khó để cân đối giữa việc xây dựng môi trường và văn hóa công ty phù hợp với cả hai thế hệ.


Ngoài ra, vừa rời xa ghế nhà trường đã dấn thân vào công việc văn phòng khiến không ít các bạn trẻ cảm thấy “choáng ngợp”, đối mặt với tình trạng "burn out" - "sức cùng lực kiệt" trước những áp lực và kỳ vọng từ cấp trên và khách hàng. Anh Giáp Lê Tú, Former Influencer Manager tại Leo Burnett chia sẻ: "Môi trường làm việc ở agency đòi hỏi nhân sự phải có khả năng đổi mới và óc sáng tạo, vì thế việc 'burn out' rất dễ xảy ra. Thế hệ client ngày nay phần lớn là những cá nhân đã trải qua thời gian rèn luyện ở agency nên họ yêu cầu rất cao về tính sáng tạo. Về mặt này thì nhân sự gen Z hoàn toàn đủ điều kiện đáp ứng, thế nhưng các bạn thiếu trải nghiệm thực tế trong công việc, khiến các bạn dễ xảy ra tình trạng 'burn out' và gửi ngay chiếc email nghỉ việc cho bộ phận Human Resources."



“Không thể không thừa nhận rằng gen Z là thế hệ có năng lực cực nhạy bén. Các bạn biết rõ giá trị của bản thân nên các bạn có quyền đòi hỏi quyền lợi cho bản thân mình. Tuy nhiên, số lượng gen Z giỏi rất nhiều nhưng… trên thực tế, số lượng gen Z đánh đồng và ảo tưởng lại còn nhiều hơn, các bạn không nhìn nhận sự thật về năng lực của bản thân đang ở đâu mà dễ dàng nghĩ rằng, ‘bạn A làm được thì tôi cũng làm được’. Điều này khiến việc phỏng vấn và tuyển dụng đúng nhân sự gen Z giỏi gần như là cái duyên tiền định khi nhà tuyển dụng tìm kiếm những gương mặt mới”, anh Lê Tú chia sẻ thêm.


Gen Z "minh oan" cho bản thân: Không nên vì một vài cá nhân mà dán nhãn cả một thế hệ


Một số bạn trẻ gen Z có nhìn nhận sai lầm về môi trường, văn hóa làm việc, vấn đề tiền lương,... và đưa ra những yêu cầu quá cao cho nhà tuyển dụng khiến số đông gen Z bị dán nhãn "đòi hỏi quá nhiều", "sức chịu đựng kém", "cái tôi cao",... Thế nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Chị Lệ Chi - Account Executive tại Yeah1 Network chia sẻ rằng: "Thật ra những nhãn dán tiêu cực đó cần được đặt trong một bối cảnh cụ thể và xem xét từ cả hai phía là nhà tuyển dụng và người lao động. Đúng là nhiều khi các nhà tuyển dụng cũng 'than trời' khi các bạn Gen Z mong muốn rất nhiều thứ từ công ty nhưng giá trị bạn mang lại không tương xứng, hoặc chăng là sức chịu đựng không bằng các thế hệ đi trước. Thế nhưng cũng có những trường hợp phía công ty thực sự đưa ra mức lương thấp, không có đãi ngộ đi kèm lại còn có xu hướng 'bóc lột' sức lao động như bắt làm việc ngoài giờ (OT) thì việc các bạn Gen Z đòi hỏi hơn là không sai. Suy cho cùng thời đại này không phải là 'đi xin việc' mà là 'tìm công việc' phù hợp với năng lượng và công sức mà mình bỏ ra mà thôi."



"Đối với mình, mỗi cá nhân nên được định danh riêng biệt thay vì bị dán nhãn thế hệ. Mình tin rằng ở thế hệ nào cũng sẽ có những cá nhân thế này và những cá nhân thế khác, chỉ là sự thay đổi thời đại khiến những vấn đề được nhìn nhận khác hơn. Đặc biệt, với sự phát triển của mạng xã hội như hiện nay, những định kiến ấy dễ dàng được nêu lên và chia sẻ, vô hình trung khiến mọi người thường có thiên kiến về gen Z như vậy", anh Lý Lượng - Junior Copywriter tại Creativehunts Vietnam bày tỏ.


Ngoài ra, các nhân sự gen Z cũng cho rằng việc công chúng dán nhãn, nhận định sai lầm về các bạn trẻ là do chịu ảnh hưởng từ mạng xã hội. Công nghệ phát triển đã mang đến nhiều lợi ích trong việc truy cập, truyền tải thông tin đến công chúng, do đó dễ "lèo lái" dư luận nghĩ sai về một vấn đề nào đó. Chị Ngô Anh Vy - Account Coordinator tại Red Communications bày tỏ: "Mình nghĩ lý do lớn nhất khiến nhân sự gen Z bị hiểu lầm là do sự khác biệt về thế hệ và ám thị từ những xu hướng trên mạng xã hội ngày nay. Những vấn đề, video bắt trend của một số gen Z trên mạng xã hội với mục đích giải trí đã vô tình trở thành 'thước ngọc khuôn vàng' để mọi người nhìn nhận về cả một thế hệ gen Z. Bên cạnh đó, việc lớn lên trong thời đại cởi mở với sự chuyển mình mạnh mẽ của thời đại công nghệ số đã giúp các nhân sự trẻ tuổi có nhiều cơ hội để thể hiện chính mình, tự do nói lên những gì mình nghĩ. Tuy nhiên, việc thẳng thắn hay quá tự tin của đa số các bạn gen Z đôi khi lại bị xem là thiếu tôn trọng."



Phải chăng công nghệ chính là nguyên nhân khiến công chúng hiểu lầm về gen Z?


Được sinh ra vào lúc công nghệ phát triển vượt bậc, thế hệ gen Z được biết đến như là những công dân thời đại số hóa. Họ được tiếp xúc, sử dụng Internet từ sớm và dễ dàng bắt kịp những xu hướng mới trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube,... Nếu có thể khám phá những kiến thức mới và hữu ích trên Internet, các nhân sự gen Z có thể phát huy hết khả năng, đồng thời tự tạo ra những cơ hội việc làm cho bản thân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mạng xã hội là một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ bị chi phối về tư tưởng, suy nghĩ và hành động.


Gen Z sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ số. Do đó, mạng xã hội gắn bó mật thiết với đời sống của đại đa số các bạn. Thông qua mạng xã hội, giới trẻ dễ bị chi phối bởi nhiều luồng quan điểm khác nhau, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, suy nghĩ và hành động của họ. Chị Thảo Nguyên bày tỏ: “Mạng xã hội là nơi chi phối về tư tưởng, suy nghĩ và hành động của tất cả mọi người. Ví dụ như phụ huynh mình ngày xưa rất ngại tạo dáng nơi công cộng, nhưng bây giờ đi đâu cũng tranh thủ check-in Facebook, hay có vấn đề gì đang hot trên mạng xã hội cũng thấy tham gia thảo luận sôi nổi. Tuy nhiên gen Z lại có khả năng khám phá nhiều nền tảng xã hội hơn, và content trên từng kênh lại rất đa dạng khiến họ sẽ dễ bị chi phối theo nhiều cách khác nhau. Có rất nhiều content truyền tải nhiều thông tin sai lệch, dễ cho gen Z lầm tưởng về khả năng và quyền lợi của chính mình. Thôi thì vấn đề là do người tạo content muốn bài viết thu hút nhiều tranh cãi. Quan trọng là mỗi người trẻ cần xác định nội dung nào phù hợp cho bản thân tiếp thu.”



Tuy nhiên, các bạn gen Z lại cho rằng công nghệ chính là "lợi thế" của các bạn khi làm việc. "Điểm khác biệt mình nhận thấy giữa gen Z và các thế hệ đi trước chính là họ có sự nhạy bén trong việc nắm bắt các công nghệ mới, cũng như những xu hướng nổi bật trên mạng xã hội. Điều này giúp gen Z có thể tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và dễ dàng, tiếp cận đa dạng nguồn kiến thức để từ đó đưa ra những ý tưởng sáng tạo và đột phá", anh Lý Lượng cho biết. "Nếu các nhân sự gen X, Millennial có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, insight sâu về ngành nghề, trải qua nhiều case khách hàng khác nhau thì gen Z lại luôn sẵn sàng sáng tạo, lăn xả hết mình với những ý tưởng", chị Lệ Chi nhận định.


Làm thế nào để doanh nghiệp và nhân sự gen Z đều "win" trong môi trường làm việc?


Doanh nghiệp mong muốn nhân sự chăm chỉ, dốc hết sức cho công ty. Trong khi đó, người lao động cũng muốn nhận được mức đãi ngộ hợp lý để có động lực làm việc. Vậy ai đúng, ai sai? Theo chị Ngô Anh Vy, cách đơn giản nhất để cả hai bên gắn kết và thấu hiểu lẫn nhau chính là giao tiếp. "Giao tiếp với một tinh thần cởi mở là cách duy trì mối quan hệ win - win giữa doanh nghiệp và nhân sự. Các thế hệ cần tháo bỏ những 'nhãn mác' về nhau để có thể đón nhận tâm tư, ý kiến của đối phương một cách đầy đủ và khách quan nhất. Cá nhân mình luôn tin rằng: bắt đầu bằng việc lắng nghe và thấu hiểu trước khi phản hồi và đưa ra yêu cầu sẽ luôn mang đến kết quả tốt đẹp cho đôi bên. Vì thế, đối với các bạn gen Z, việc thể hiện quan điểm và cái tôi của chính mình là tốt nhưng cũng cần có giới hạn và tùy thuộc vào bối cảnh. Cứ chủ động cởi mở, biết lắng nghe và đón nhận thì tự khắc mọi người cũng sẽ dễ chịu và sẵn sàng chào đón chúng ta hơn, từ đó cơ hội để thể hiện chính mình cũng sẽ nhiều hơn nhưng lại không tạo cảm giác khó chịu cho phía doanh nghiệp", chị Ngô Anh Vy bày tỏ.



Theo chia sẻ từ các nhân sự, gen Z cần có sự chuẩn bị chu đáo trước khi bắt đầu công việc tại các agency.  



Với vai trò là một Senior Human Resources, chị Phương Trang cho biết: "Để tìm được định hướng cho công việc, các bạn gen Z phải chủ động tìm hiểu về các công việc tại agency, hiểu được bản thân thích gì và giỏi làm gì, từ đó thúc đẩy bản thân đạt được những mục tiêu đó. Ngoài ra, khi gặp khó khăn trong công việc, các bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ cấp trên, đồng nghiệp và bất kỳ ai mà bạn tin tưởng." 


Về phía nhà tuyển dụng, gen Z sẽ chiếm đến 1/3 lực lượng lao động tại Việt Nam vào năm 2025. Do đó, doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu, tìm hiểu về tính cách, đặc điểm của gen Z để hiểu thêm về thế hệ này. "Hiện nay đã có nhiều bài nghiên cứu, phân tích về thế giới quan và hành vi của gen Z. Vì thế, các doanh nghiệp có thể chủ động tham khảo để xem xét điều chỉnh không gian làm việc của mình để phù hợp với thế hệ lao động mới", anh Lý Lượng chia sẻ.



Mỗi cá nhân là một màu sắc khác nhau, sở hữu những cá tính riêng biệt nên ý kiến này không thể bao quát hết toàn bộ người trẻ gen Z được. "Đối với mình, các bạn gen Z có một ưu điểm là cá tính riêng khá nổi trội, do đó không phải bạn trẻ nào cũng làm việc theo cảm tính. Chúng ta không thể đánh đồng tất cả các bạn như nhau được. Mình nghĩ sẽ đúng hơn khi nói gen Z thể hiện rõ tính cách cá nhân trong công việc. Điều này khiến mỗi cá nhân trong công ty là một màu sắc riêng biệt, mang đến hình ảnh một công ty quảng cáo đa dạng sắc màu như hiện tại", chị Thảo Nguyên cho biết.


Các bạn có thể xem các bài viết cùng series tại đây



Gen Z “minh oan”: Mỗi cá nhân nên được định danh riêng biệt thay vì bị dán nhãn thế hệ

Kim Ngọc

Kim Ngọc

Content Writer | Advertising Vietnam

10 Thg 09 2022

Lưu

Cùng chuyên mục