Interactive OOH (biển quảng cáo ngoài trời có khả năng tương tác) là một hình thức quảng cáo phổ biến trên thị trường, khuyến khích sự hưởng ứng tham gia hoạt động của khán giả. So với kiểu quảng cáo thông thường, Interactive OOH có khả năng tương tác, giao tiếp và mang lại trải nghiệm khó quên cho người đi đường. Nhờ đó, các chiến dịch Interactive OOH dễ dàng thúc đẩy mối quan hệ giữa thương hiệu và người tiêu dùng, nâng cao lòng trung thành và tăng tính viral cho chiến dịch, đặc biệt là trong môi trường chia sẻ thông tin qua mạng xã hội ngày càng mạnh mẽ như hiện nay. 


Thể hiện cảnh chú chó vô chủ “theo chân người dùng trên billboard để kêu gọi mọi người nhận nuôi, dựng trạm phát wifi kiêm “lá chắn ánh nắng khổng lồ trên bãi biển nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của tia UV,... Các chiến dịch vì xã hội dưới đây đã thành công gây chú ý và tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của người qua đường bằng phương thức Interactive OOH. 


Battersea Dogs & Cats Home: Looking for you


Battersea Dogs & Cats Home là tổ chức cứu hộ chó mèo được thành lập từ năm 1860. Tại đây, tổ chức sẽ tiếp nhận mọi động vật bị bỏ rơi, chăm sóc, huấn luyện và tìm cho chúng một người chủ phù hợp.


Vào tháng 5/2015, Battersea Dogs & Cats Home đã cùng agency Ogilvy London thực hiện chiến dịch “Looking For You”. Đầu tiên, các tình nguyện viên của Battersea đã đến trung tâm mua sắm Westfield Stratford để phát các tờ rơi có hình ảnh một chú chó kèm thông điệp “Are you the one I’m looking for?” (tạm dịch: Bạn có phải là người chủ mà tôi đang tìm kiếm không?). Trên thực tế, những tờ rơi này đã được gắn một thẻ từ đặc biệt có thể theo dõi vị trí của người dùng. Vì thế, khi người dùng nhận những tờ rơi này, Battersea có thể xác định được vị trí của họ.


Chú chó Barley - diễn viên chính trong chiến dịch


Từ thông tin đó, studio sáng tạo Framestore sẽ hiển thị hình ảnh chú chó tên Barley trên những biển quảng cáo kỹ thuật số có khả năng “đi theo” người dùng. Thậm chí khi người dùng đi ngược lại phương hướng ban đầu, công nghệ của Framestore cũng có thể hiển thị hình ảnh chú chó đi theo phía sau họ và đồng hành cùng họ xuyên suốt chuyến tham quan tại trung tâm mua sắm Westfield Stratford. Thậm chí, chú chó trên bảng quảng cáo còn có thể sủa để thu hút sự chú ý của người đi đường. Chú chó sẽ luôn nhìn người dùng bằng đôi mắt đáng thương và ủ rũ như chờ mong họ sẽ rủ lòng thương và đón nó về nhà. Từ khoá #lookingforyou cũng được hiển thị cố định ở góc phải bảng quảng cáo nhằm nhắn nhủ người dùng rằng, có nhiều chó mèo đáng thương đang đợi họ đến tại Battersea.


Toàn cảnh chiến dịch


Ý tưởng chiến dịch đến từ việc các chú chó bị bỏ rơi thường có xu hướng “lẽo đẽo” theo người đi đường. Dựa vào đó, Battersea đã ứng dụng công nghệ hiện đại để thực hiện chiến dịch quảng cáo ngoài trời tại nơi tập trung nhiều người dân như trung tâm mua sắm. Qua đó, tổ chức cứu trợ chó mèo này mong muốn ngày càng nhiều thú cưng sẽ tìm mái ấm phù hợp với mình và chúng có thể được yêu thương, chăm sóc tử tế.


Liga Contra El Cancer: Shadow Wifi


Chán đe dọa người dùng bằng cách kể lể các tác hại của tia UV, tổ chức Liga Contra El Cancer quyết định… tặng luôn cho người dân một món quà miễn là họ né xa ánh nắng mặt trời gắt gỏng. Cụ thể, vào tháng 05/2015, Liga Contra El Cancer hợp tác với agency Happiness triển khai hoạt động Shadow Wifi (tạm dịch: Wifi bóng râm) tại Peru, với luật đặt ra là chỉ những người dùng ở trong bóng râm thì mới truy cập được mạng wifi này. Bằng cách này, tổ chức vừa khuyến khích người dân không phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời trong những tháng mùa hè, vừa có được một lượng lớn email do người dùng tự nguyện cung cấp để phổ cập những kiến thức về ung thư da, tia UV và các giải pháp ngăn chặn. Sáng kiến ​​này sau đó đã được mở rộng ra thành chiến dịch quốc tế được thực hiện tại New Zealand và San Francisco.


Luật chơi của Shadow Wifi là chỉ những người dùng ở trong bóng râm thì mới truy cập được mạng wifi này


Geoffrey Hantson, Giám đốc sáng tạo của Happiness, cho biết: “Thời đại này người dùng đã chán nghe rồi, họ muốn đi thẳng vào hành động và đó chính xác là những gì Shadow WiFi đang làm. Chúng tôi không chỉ nói với mọi người về sự nguy hiểm của tia UV, mà còn cung cấp cho họ hẳn một lý do để tránh nó càng xa càng tốt: WiFi miễn phí”.


Women’s Aid: Look at me


Bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề tế nhị trong xã hội. Những người chịu bạo hành, đặc biệt là phụ nữ ít nhận được sự lắng nghe, cảm thông và hỗ trợ từ mọi người xung quanh vì họ sợ vướng phải rắc rối. Mỗi tuần tại Anh, trung bình có hai người phụ nữ bị chồng hoặc người yêu cũ sát hại - một thực trạng quá đau lòng và đáng báo động.


Những người chịu bạo hành ít nhận được sự lắng nghe, cảm thông và hỗ trợ từ mọi người xung quanh vì họ sợ vướng phải rắc rối


Nhằm nâng cao ý thức và kêu gọi cộng đồng chung tay chống lại bạo lực gia đình, tổ chức Women's Aid đã triển khai chiến dịch “Look at me” (tạm dịch: Nhìn vào tôi đi), sử dụng hàng loạt billboard tương tác độc đáo. Chiến dịch được thực hiện nhân Ngày Quốc tế phụ nữ năm 2014, trong phạm vi khu nhà ở phức hợp Canary Wharf (London, Anh). Cụ thể, tổ chức đã lắp đặt nhiều màn hình billboard lớn chiếu hình ảnh người phụ nữ mang những vết bầm tím trên khuôn mặt với lời nhắn “Look at me” nhằm kêu gọi sự chú ý của mọi người vào billboard. 


Xung quanh tấm biển, tổ chức đã đặt một máy quay và hệ thống cảm biến để nhận biết những người qua đường nào đang chú ý đến billboard. Khi một người qua đường nhìn lên billboard, một màn hình nhỏ ngay phía dưới sẽ hiển thị hình ảnh người đó được đánh dấu đỏ.


Billboard được trang bị một máy quay và hệ thống cảm biến để nhận biết những người qua đường nào đang chú ý đến nó


Công nghệ cảm biến nhận diện được càng nhiều người nhìn lên billboard, vết bầm tím trên mặt người phụ nữ càng mờ dần, vết thương cũng lành đi nhanh chóng và nụ cười lại nở trên đôi môi cô. Từ đó, chiến dịch truyền đi thông điệp “If you can see domestic violence, we can stop it. Don’t turn a blind eye (tạm dịch: Nếu bạn để tâm đến một vụ bạo hành, bạn có thể ngăn chặn nó. Xin đừng nhắm mắt làm ngơ). Ngoài việc tạo ra nhận thức về tác hại của nạn bạo lực gia đình, tổ chức Women's Aid cũng kêu gọi xã hội hỗ trợ và giúp đỡ những nạn nhân, cũng như kịp thời ngăn cản các hành vi bạo lực có thể xảy ra.


NHS Blood and Transplant: Blood Donation


Theo báo cáo của NHS Blood and Transplant - đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp máu và cơ quan hoặc tế bào được hiến tặng cho các bệnh viện tại Anh, họ cần tối thiểu 200.000 đơn vị máu mỗi năm để đáp ứng các nhu cầu y tế trong nước. Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng rằng phần lớn người tham gia hiến máu ở độ tuổi trên 45 và đa số mọi người còn e ngại hành động này vì sợ hãi chiếc kim tiêm. Đứng trước bài toán làm thế nào để kêu gọi thế hệ trẻ hơn thực hiện nghĩa cử tốt đẹp này, đồng thời xua tan đi nỗi sợ thường trực trong họ, NHS Blood and Transplant đã quyết định kết hợp công nghệ tiên tiến vào chiến dịch OOH ngày 18/5/2016 của tổ chức, triển khai tại Birmingham và London ở Vương quốc Anh.


Chỉ cần điện thoại và một màn hình billboard, người qua đường đã có thể hiến máu ảo cho các bệnh nhân thuộc chiến dịch của NHS


Xuất phát từ ý tưởng cho người qua đường trải nghiệm quá trình hiến máu đơn giản và giúp họ trực tiếp thấy được sự tiến triển của một người khi dần nhận được đủ đơn vị máu, NHS đã đưa hình ảnh tiều tuỵ và thiếu sức sống của các bệnh nhân ngoài đời thực lên billboard. Tất cả đều là những người bệnh đã được cứu sống nhờ túi máu nhân đạo của người khác. Đó là Natasha (34 tuổi), người đã phải truyền đến 44 đơn vị máu khi cô bị mất máu quá nhiều trong khi sinh con trai út; là Amit (30 tuổi) và Shalona (28 tuổi), những người cần phải truyền máu thường xuyên vì họ mắc một căn bệnh di truyền cực kì đau đớn, nguy hiểm đến tính mạng. 


Toàn cảnh chiến dịch


Theo đó, mỗi người qua đường sẽ nhận được một chiếc điện thoại cảm ứng từ các tình nguyện viên của NHS khi họ đi qua khu vực đặt billboard. Bằng cách đưa điện thoại lên vị trí sẽ được cắm kim tiêm khi hiến máu ở gần cổ tay, người qua đường sẽ được nhận diện bởi AR và camera từ thiết bị. Nhận được tín hiệu từ chiếc điện thoại, màn hình billboard bắt đầu hiển thị chiếc túi máu rỗng đặt bên cạnh các bệnh nhân dần được đong đầy. Chiếc túi đựng máu càng đầy lên, thần thái của các bệnh nhân càng được cải thiện, gương mặt bừng sức sống trở lại và niềm hạnh phúc cũng dần xuất hiện. Một lời cảm ơn cá nhân hoá theo tên của người qua đường vừa tham gia trải nghiệm cũng được gửi đến họ thông qua billboard. Sau đó, các tình nguyện viên đến từ NHS sẽ khuyến khích những người tham gia trải nghiệm đăng ký hiến máu nhân đạo ngoài đời thực.


Để quá trình hiến máu ảo không bị gián đoạn giữa chừng dẫn đến những sai sót khi truyền tải thông điệp, điện thoại và billboard thuộc chiến dịch cũng được trang bị mạng wifi tốc độ cao. 



Cận cảnh một số hình ảnh khác từ chiến dịch


Nadine Eaton, Giám đốc phụ trách các chiến dịch phạm vi quốc gia của NHS nói: “Chúng tôi hy vọng thông qua một hoạt động mang tính trải nghiệm thực tế, mọi người sẽ thấy việc hiến máu đơn giản như thế nào cũng như hiểu rằng hành động đó có thể giúp đỡ người bệnh ra sao và học cách không làm ngơ rằng việc hiến máu luôn được thực hiện bởi nhiều người khác mà không cần tới sự chung tay góp sức của bạn.” Ian Trenholm, Giám đốc điều hành của NHS phát biểu thêm: “Hy vọng rằng, giải pháp hiến máu ảo có thể khiến người dùng suy nghĩ và thấu hiểu được những gì cần thiết phải thực hiện ngoài đời thực. Trải nghiệm ảo nhưng đã thay đổi sâu sắc góc nhìn của mỗi cá nhân, đồng thời gia tăng mức độ hài lòng của những người hiến máu thường xuyên khi chính họ đã thấy được việc làm của họ thực sự cứu sống ít nhất một người nào đó. Thực tế, mỗi đơn vị máu được hiến có thể cứu mạng sống hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống của tối đa 3 người.”


Trang Ngọc