Vào cuối thập niên 90, khi TV trở nên phổ biến và khán giả không còn đến rạp để thưởng thức điện ảnh như trước, các đạo diễn lúc bấy giờ đã phải tìm cách mang những cảnh quay hoành tráng và choáng ngợp hơn về với màn ảnh nhỏ.


Để làm được điều ấy, ống kính anamorphic ra đời với khả năng thu hình ở tỷ lệ rộng bằng cách nén hình ảnh theo chiều ngang. Qua thời gian, thuật ngữ “màu phim anamorphic” gắn liền với những bộ phim điện ảnh kinh điển đã ứng dụng thành thạo kỹ thuật quay phim này.


Anamorphic là gì?


Tên gọi “anamorphic” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp với hai thành tố morphe (hình dạng)ana (trở lại), ám chỉ sự biến đổi nhất thời sau đó sẽ trở lại hình dáng bình thường. Chính vì thế, giới điện ảnh đã mượn nét nghĩa này để đặt tên cho kỹ thuật ghi hình “anamorphic”. Về cơ bản, anamorphic là định dạng ảnh bị bóp méo tại thời điểm ghi hình, nhưng sau đó được kéo giãn để trở lại bình thường khi trình chiếu. Một ví dụ thường thấy của định dạng anamorphic là trong phim điện ảnh, khi khung hình trải dài hơn thường khi, thi thoảng xuất hiện kèm hai thanh chắn màu đen ở trên và dưới màn ảnh.


MV "LOVE DNA" - Min X Trọng Hiếu X Porsche (2020) ứng dụng thành thục ống kính anamorphic



Như vậy, câu hỏi đặt ra là: Tại sao chúng ta phải bóp méo hình ảnh, rồi sau đó kéo giãn ra? Chẳng phải như vậy đồng nghĩa với việc đi một vòng tròn hay sao?


Để hiểu được vấn đề này, trước tiên hãy tìm hiểu về định nghĩa màn ảnh rộng (widescreen). Vào cuối thế kỷ 20, tỷ lệ màn ảnh rộng được sử dụng thường xuyên trên phim ảnh, đài truyền hình và máy tính. Khung hình lớn cho phép người trải nghiệm góc quay rộng và trọn vẹn hơn ngay trên màn ảnh nhỏ tại gia mà không cần phải đến rạp chiếu. Tỷ lệ khung hình của màn ảnh rộng là 2.39:1 (khác với tỷ lệ 16:9 phổ thông), và để đạt được tỷ lệ này thì nhà làm phim buộc phải cắt xén khung hình 16:9 hoặc sử dụng loại thấu kính đặc biệt khác.


Tuy nhiên, nếu ghi hình với tỷ lệ rộng bằng thấu kính hình cầu (spherical lense) trên thước phim 35mm, hình ảnh sẽ vừa vặn ở bề ngang nhưng sẽ thừa ở chiều dọc. Cụ thể là, 2 viền lỗ ở trên và dưới khung phim sẽ bị bỏ phí. 



Ống kính anamorphic đã ra đời để giải quyết lỗ hổng ấy. Thấu kính đặc biệt này sẽ kéo dãn hình ảnh theo chiều dọc để lấp đầy toàn bộ diện tích khung phim. Như vậy, quá trình nén ảnh cho phép nhà làm phim tận dụng mọi khoảng trống trên âm bản, góp phần tăng thêm độ chi tiết cho hình ảnh tổng thể.

 


Sau đó, khi trình chiếu, hình ảnh lại được bóp méo một lần nữa - nhưng theo chiều ngược lại, để trở về bình thường. 


Ngày trước, máy ảnh và máy chiếu đều được thiết kế sao cho vừa với ống kính anamorphic. Tuy nhiên ở thời đại số ngày nay, chỉ cần ngàm máy ảnh có thể khớp nối với ống kính anamorphic là đủ, vì nhiều phần mềm có thể hỗ trợ quá trình kéo dãn hình ảnh méo trở về bình thường.



Những ống kính anamorphic đắt tiền.


Liệu Anamorphic chỉ đơn giản là khung hình dài với hai thanh chắn màu đen?


Nhiều người lầm tưởng rằng chỉ cần ghi hình với tỷ lệ thông thường, sau đó hậu kỳ màu ảnh theo phong cách hoài cổ và chèn thanh chắn để giả lập màn ảnh rộng là có thể tạo nên cảm giác nghệ thuật của “trường phái” anamorphic. Nếu mọi việc đơn giản như thế thì các nhà làm phim đã không tiêu tốn vào những ống kính anamorphic cực kỳ đắt tiền để tạo nên không khí điện ảnh cho thước phim của mình.


Vấn đề ở đây là, chúng ta dường như quá chú trọng vào hai thanh chắn phụ trợ kia, mà quên mất điều quan trọng hơn cả là khung hình ở chính giữa với những chất lượng ảnh, đường nét, màu sắc, bóng đổ. Điều kỳ diệu làm nên cảm giác điện ảnh của ống kính anamorphic không chỉ nằm ở tỉ lệ khung hình mà còn nhiều yếu tố khác.


Độ phân giải

Cần phải thừa nhận rằng, nếu quay phim ở tỷ lệ thông thường rồi cắt xén về định dạng màn ảnh rộng (widescreen) thì sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí hơn. Tuy nhiên, cắt xén khung hình đồng nghĩa với việc lãng phí pixel, cho ra hình ảnh với độ phân giải thấp. Trong khi đó, ống kính anamorphic cho phép hình ảnh lấp đầy khung phim để tận dụng mọi pixel khi có thể.


Quay phim ở độ phân giải càng cao, khi cố cắt xén hình ảnh, hao hụt pixel sẽ càng dễ thấy. Tiêu biểu như những thước phim quay ở độ phân giải 4K bằng ống kính thường với tỷ lệ 1.78:1 (16:9) và cắt về tỷ lệ anamorphic 2.39:1, hình ảnh sẽ giảm từ 8 triệu pixel về còn 6.2 triệu pixel - “tổn thất” gần 2 triệu pixel chất lượng ảnh. Trong khi đó, ống kính anamorphic tận dụng toàn bộ bề mặt cảm biến để cho ra nước ảnh với độ phân giải cao nhất.


Ảnh chụp bằng ống kính thường ở tỷ lệ 2.40:1, hình ảnh bị mờ nhoè vì độ phân giải thấp.


Ảnh chụp bằng ống kính Anamorphic cũng ở tỷ lệ 2.40:1, cho ra hình ảnh sắc nét hơn.


Ngày nay, một số máy ảnh kỹ thuật số như Panasonic Lumix GH5 và GH5s cũng trang bị “Chế độ anamorphic” để từng khung ảnh được ghi lại với độ phân giải cao và không bị hao hụt kéo giãn ảnh ở phần hậu kỳ. Đây là một bước tiến đáng kể từ phía Panasonic trong lĩnh vực quay chụp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, để ghi hình ở chế độ này, người dùng vẫn phải mua ống kính anamorphic để lắp vào thân máy Panasonic.


Nói như vậy để hiểu rằng, để đạt được tính điện ảnh trong thước phim, ta vẫn cần đầu tư một mức nhất định vào thiết bị - nhất là ống kính, chứ không đơn thuần là crop khung hình hẹp lại để giả lập “không khí nghệ thuật” nửa vời.


Hiệu ứng lóe sáng (Flare)

Một đặc điểm khác khiến các nhà làm phim say mê “bộ môn” anamorphic chính là chuỗi quang sai được tạo ra khi ánh sáng đi qua thấu kính. Ngày nay, cùng với sự hỗ trợ của công nghệ và các phần mềm chỉnh sửa ảnh, việc gắn thêm tia lóe sáng (flare) vào ảnh sau khi chụp là điều dễ như trở bàn tay. Tuy nhiên, nét tinh tế của hiệu ứng lóe sáng do quang sai từ ống kính anamorphic tạo nên sự khác biệt rất lớn, khiến cho khung hình tràn ngập hơi thở nghệ thuật mà những tia sáng giả lập hiếm khi đạt được.


Tia sáng xanh: Hiệu ứng thường gặp nhất khi ghi hình bằng ống kính anamorphic. Khi đưa máy hướng về một điểm sáng, giả dụ như đèn pha ô tô, kết cấu đặc biệt của ống kính sẽ tạo nên một đường sáng xanh vắt ngang qua khung hình, trải dài về hai bên trái phải. Nếu am hiểu về thiết kế của ống trụ phản chiếu bên trong, nhà làm phim dễ dàng làm chủ sắc độ và thời điểm xuất hiện của tia sáng.


MV "LOVE DNA" - Min X Trọng Hiếu X Porsche (2020).


Bokeh hình bầu dục: Khác với bokeh tròn trong ống kính thường, thấu kính đặc biệt của Anamorphic cho ra bokeh dài hình bầu dục, khiến thước phim trở nên nghệ thuật hơn.


Bokeh từ ống kính thường (trái) và ống kính anamorphic (phải)

Chiến dịch quảng cáo "Pepsi Ngõ" (2020).


Tia sáng cầu vồng: Do sự tương tác của bán trụ trong ống kính, ánh sáng khi đi vào sẽ tạo nên những tia sáng nhiều màu sắc, hay còn được gọi tên là tia sáng cầu vồng (rainbow flare). Tuy nhiên, tia sáng cầu vồng do thấu kính này tạo nên không mang màu sắc rõ rệt, mà vô cùng nhẹ nhàng, tự nhiên. Sự xuất hiện của tia sáng này giúp cảnh quay tái hiện gần như trọn vẹn môi trường thực tế ở bên ngoài, mang lại cảm giác chân thật cho người xem.



Vùng sáng kéo dài: Ống kính anamorphic luôn phân tách rõ rệt giữa tiền cảnh và hậu cảnh. Ở vùng hậu cảnh, những vùng sáng (highlight) sẽ được kéo dài thành hình bầu dục, thay vì chỉ loá sáng nếu chụp bằng ống kính thông thường. Thậm chí là không riêng những vùng sáng, mà toàn bộ cảnh vật nằm ngoài tiêu điểm đều được tái định hình để dài ra khi đi qua thấu kính anamorphic, làm cho đối tượng lấy nét càng nổi bật hơn trên khung hình.



Tương phản

Khi ánh sáng chiếu vào lớp thấu kính đầu tiên (front element), trên khung hình sẽ xuất hiện lớp ánh sáng phụ trợ, làm giảm độ tương phản của cảnh quay. Những mẫu ống kính anamorphic đời mới thường cho ra độ tương phản cao hơn, đồng thời trang bị các kính lọc để người dùng tùy chỉnh khi cần giảm tương phản.


Ống kính Anamorphic cho ra nước phim với độ tương phản thấp, dù màu sắc trong môi trường thực tương phản khá cao.


Bầu sáng (Veiling glare)

Bầu sáng, nếu được tận dụng tốt, sẽ tạo nên những thước phim mờ ảo và đong đầy cảm xúc. Đây cũng là một khả năng tuyệt vời của ống kính anamorphic mà nhiều nhà làm phim theo đuổi để đạt được. Cùng nhìn ngắm và cảm nhận điều kỳ diệu của những bầu sáng này nhé.



Bóp méo cảnh vật (Distortion)

Như đã giải thích về định dạng anamorphic, hình ảnh sẽ được nén theo chiều dọc, sau đó được kéo giãn để trở về hình dáng ban đầu. Định dạng thon dài của hình ảnh ở dạng anamorphic khiến tầm nhìn rộng hơn, đồng thời bóp méo một số sự vật bên trong khung ảnh. Sự biến dạng có chủ đích này đem lại cảm giác vô cùng nội tâm và bầu không khí đặc trưng “anamorphic” cho cảnh quay, đồng thời cũng mang nhiều tầng nghĩa khác nhau tùy theo dụng ý nghệ thuật của đạo diễn.



Ứng dụng định dạng Anamorphic trong TVC quảng cáo


Khi chiến lược truyền thông kể chuyện trở thành xu hướng, thương hiệu và agency cũng đặt yêu cầu cao hơn đối với kịch bản quảng cáo. Quảng cáo không còn đơn thuần là những video rời rạc, mà còn lồng ghép những câu chuyện để góp phần truyền tải thông điệp sâu sắc hơn. 


Chính sự thay đổi này cũng buộc các nhà làm phim phải thích nghi để nâng cao kỹ thuật quay phim - những thước phim phải “biết nói” để chuyển tải được câu chuyện thương hiệu. Trong bối cảnh ấy, anamorphic là từ khóa thường xuyên được đề cập đến trong giới sản xuất quảng cáo.


Ở Việt Nam, một số Production House cũng đầu tư thiết bị quay chụp bằng những ống kính anamorphic đắt tiền để cho ra những cảnh quay quảng cáo chất lượng như một thước phim ngắn.


MV "Đi về nhà" - Đen Vâu x Justa Tee (2020).



Sản xuất bởi Flex Films, MV “Đi về nhà” với sự góp giọng của Đen Vâu và Justatee là một thước phim chạm đến trái tim của giới trẻ. Có thể nói ống kính anamorphic đóng vai trò không nhỏ trong việc tô đậm bầu không khí truyện kể với khung hình trải rộng, nhiều chi tiết. Ở những cảnh quay ban ngày, vùng sáng ở hậu cảnh được kéo dài ra kết hợp với độ tương phản hài hoà dù ở trong môi trường nắng chói, đã làm rõ nhân vật trung tâm của khung hình.


Credits:
Brand: Honda
Production House: Flex Films


TVC "Ngõ nhỏ, có Pepsi!" (2020).


TVC quảng bá chiến dịch “Pepsi Ngõ” lại là một đơn cử tiêu biểu khác cho khung hình anamorphic. Mở đầu với hình ảnh lọ Pepsi trên nền bokeh hình bầu dục, thước phim đưa lối người xem vào một không gian đậm chất đường phố. Những câu chuyện bên lề ngõ nhỏ cũng được khai thác đầy tính nghệ thuật với các vệt sáng vắt ngang khung hình, bầu sáng tỏa ra từ đèn neon, không gian hẹp trên màn ảnh rộng,... 


Credits:
Brand: Pepsi Vietnam
Production House: Flex Films


Tạm kết

"Xem để cảm nhận" - có thể xem đây là kim chỉ nam để thưởng thức khung hình anamorphic. Tìm hiểu về anamorphic, là để cảm nhận sự tinh tế và những tâm tư mà đạo diễn trao gửi qua từng khung hình nhỏ, từ đó đi sâu vào thế giới bên trong những thước phim để trải nghiệm điện ảnh một cách chân thực nhất.


Hồng Ân / Advertising Vietnam