“Zám” - Nhóm bạn trẻ Gen Z đứng sau bộ nhận diện thương hiệu của Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh: “Bởi vì tụi mình dám. Dám nghĩ, dám làm, dám ước mơ, dám theo đuổi.”

Từ dự án làm mới bộ nhận diện thương hiệu cho Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh đến các sản phẩm sáng tạo như nhân vật “ông Bảo” hay bộ sưu tập nghệ thuật “Mừng Lộc Rồng Tiên”, Zám - Một Agency sáng tạo được thành lập bởi nhóm bạn Gen Z đang góp phần thổi một làn gió mới vào cách thế hệ trẻ nhìn nhận và đồng hành cùng di sản Việt Nam.


Giữa nhịp sống hiện đại, thế hệ trẻ ngày càng ý thức hơn về tầm quan trọng của việc kết nối với dòng chảy văn hoá – lịch sử. Nhiều bạn trẻ đang nỗ lực đổi mới cách tiếp cận quá khứ, sáng tạo trên nền tảng giá trị truyền thống để mang những di sản trở nên gần gũi, sống động và hấp dẫn hơn với công chúng ngày nay.


Zám là một trong những tập thể như thế. Được thành lập bởi hai bạn trẻ Gen Z – Phạm Quang Vinh và Nguyễn Ngọc Thùy Vy, Zám là tập hợp của những người trẻ yêu văn hóa và đam mê sáng tạo, cùng bắt tay đưa các giá trị di sản đến gần hơn với công chúng qua tư duy thiết kế hiện đại và những chiến dịch truyền thông gần gũi. 



1. Điều gì đã thôi thúc những bạn trẻ Gen Z thành lập Zám?


Sự ra đời của Zám khởi nguồn từ một ý tưởng bất chợt, khi Quang Vinh, hiện là Giám đốc Dự án, đọc được một bài đăng vô cùng dí dỏm và hài hước từ Di tích Nhà tù Hoả lò. Lúc ấy, mình tự hỏi tại sao không thử nhân rộng sáng kiến thú vị này cho những bảo tàng khác ở thành phố Hồ Chí Minh nhỉ? Và thế là Zám thành hình. 


Zám là “đứa con tinh thần” của mình là Quang Vinh còn Thùy Vy là Giám đốc Sáng tạo. Tụi mình đều là cựu sinh viên RMIT. Giờ đây, các thành viên của Zám đều là một nhóm những bạn trẻ đang học hoặc vừa ra trường, cùng làm việc trong nhiều vai trò khác nhau như thiết kế sáng tạo, thiết kế 3D, âm thanh, chiến lược,... Thành viên nhỏ nhất sinh năm 2003, còn hai Co-Founder là những người ”lớn” nhất nhóm - "hai chú Rồng 2000" vẫn đang không ngừng nỗ lực qua từng dự án.

2. Cái tên “Zám” mang ý nghĩa gì đặc biệt? 


Những ngày đầu thành lập, tụi mình nhận được không ít sự lo lắng từ bạn bè và anh chị xung quanh, vì đã quyết định rời bỏ một môi trường ổn định, an toàn để theo đuổi những thử thách đầy khó khăn. Nhưng tụi mình đã dám – dám nghĩ, dám làm, dám mơ ước và dám theo đuổi đến cùng. Tụi mình tin rằng, đó không chỉ là tinh thần của riêng nhóm mà còn là tinh thần chung của cả Gen Z. Đó cũng chính là nguồn cảm hứng lớn nhất cho cái tên Zám – nơi tinh thần “dám nghĩ, dám làm” ấy luôn thôi thúc và tạo động lực cho tụi mình mỗi ngày.

3. Trong suốt quá trình phát triển, đâu là bước ngoặt lớn nhất của Zám? 


Trong suốt quá trình phát triển, bước ngoặt lớn nhất của Zám có lẽ là khoảnh khắc ra mắt chiến dịch làm mới bộ nhận diện thương hiệu cho Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.


Hồi đó, 2 Co-Founder Quang Vinh và Thùy Vy chủ động gửi email đến hầu hết các bảo tàng ở TP.HCM để ngỏ ý xin được hỗ trợ truyền thông, nhưng chỉ duy nhất Bảo tàng Lịch sử phản hồi. May mắn là tụi mình đã thuyết phục được ban lãnh đạo cho phép đồng hành cùng bảo tàng trong việc làm truyền thông và xây dựng hình ảnh thương hiệu từ tháng 10 năm 2022 đến nay. 


Suốt hai năm làm việc, Zám không tránh khỏi những khó khăn, thử thách, nhất là khi phải dung hòa giữa yếu tố lịch sử chuẩn xác và ngôn ngữ thiết kế hiện đại. Nhưng đổi lại, tụi mình nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ đội ngũ nhân sự tại bảo tàng. Nhờ đó, ngoài bộ nhận diện mới, tụi mình còn có cơ hội nhân hóa hình ảnh của bảo tàng gần trăm tuổi thành nhân vật “ông Bảo”, đồng hành ra mắt bộ merchandise riêng, và thực hiện bộ sưu tập nghệ thuật Mừng Lộc Rồng Tiên Tết 2024 - một dự án đã được giới thiệu trên Lürzer’s Archive, một trong những tạp chí sáng tạo uy tín hàng đầu thế giới.


Điều tụi mình trân quý nhất là dự án đã nhận được sự đón nhận rất tích cực từ cộng đồng, đặc biệt là từ các bạn trẻ. Sự ủng hộ ấy đến rất đúng lúc, trở thành nguồn động viên to lớn để Zám thêm vững tin vào con đường mình đang đi, và tiếp tục nỗ lực lan toả những giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam một cách đẹp đẽ và gần gũi hơn với thế hệ hôm nay.

4. Zám đã thuyết phục Ban lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử TP.HCM thay đổi nhận diện thương hiệu như thế nào?


May mắn lớn nhất của Zám là đã tìm được những thương hiệu có cùng tầm nhìn và Bảo tàng Lịch sử là một ví dụ như thế. Từ trước khi chúng mình tiếp cận, ban lãnh đạo của bảo tàng đã ấp ủ một mong muốn làm mới nhận diện thương hiệu sau gần 45 năm thành lập. Và bằng sự kiên trì, chúng mình đã cùng bảo tàng đi qua từng bước nhỏ để đến hệ thống nhận diện thương hiệu toàn diện như ngày hôm nay. 


5. Trong suốt quá trình làm việc, giữa Zám và Ban lãnh đạo Bảo tàng có sự phối hợp và hỗ trợ nhau ra sao để hoàn thiện thiết kế và xây dựng thương hiệu?


Có thể nói đây là một hành trình của sự học hỏi, học hỏi không ngừng, học hỏi lẫn nhau. Chúng mình đã được tìm hiểu lại về văn hoá và lịch sử Việt Nam, với những kiến thức chúng mình chưa từng hay biết, rất mới lạ và hấp dẫn, nhưng cũng rất đồ sộ và sâu rộng. Bên cạnh đó, chúng mình đã có cơ hội chia sẻ những ví dụ về truyền thông thương hiệu cho bảo tàng, thử nghiệm những chiến lược truyền thông mới, học hỏi từ các quốc gia hàng đầu thế giới nhằm thu hút giới trẻ hơn. 


6. Zám có thể chia sẻ rõ nét hơn về ý tưởng, mục đích, quá trình thiết kế và ý nghĩa của bộ nhận diện của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM không?


Nhân vật “Ông Bảo” ra đời sau khi Zám nhận ra rằng chính sự gần gũi và thân thương là điều khiến nhiều bạn trẻ quý mến Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, như một người ông kể lại cho đàn cháu nhỏ nghe những câu chuyện kỳ bí của ngày xưa. Vì thế, chúng mình đã hình tượng hoá toà nhà bảo tàng thành ông Bảo, một tiếng nói dí dỏm mà sâu sắc về những điều chưa bao giờ là cũ. 


Một hạng mục nổi bật trong bộ nhận diện thương hiệu mới của Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh chính là hệ thống hơn 12 hoa văn được vẽ lại từ các hoạ tiết đặc trưng của mỗi triều đại phong kiến Việt Nam. Mỗi hoa văn vừa đại diện cho một thời kỳ rực rỡ và huy hoàng, vừa mang hơi thở nghệ thuật của thời đại mới - được ứng dụng trong các sản phẩm quà lưu niệm đặc sắc của lịch sử. 


Mỗi hoa văn, mỗi chiếc túi, mỗi chiếc khăn tay đều mang trong mình một câu chuyện thú vị mà nhiều người chưa từng hay biết. Hãy ghé thăm Bảo tàng Lịch sử nhé và chúng mình sẽ tiết lộ cho mọi người nghe bất ngờ đó!

7. Làm việc với các đơn vị bảo tàng, Zám gặp những khó khăn nào trong việc cân bằng giữa sự chính xác về mặt nội dung và yếu tố thẩm mỹ hiện đại?


Chúng mình bắt đầu khởi động dự án này từ tháng 10 năm 2022, với hoạt động đầu tiên là thực hiện khảo sát khách tham quan, qua đó tìm hiểu cách mọi người hiện đang nhìn nhận về bảo tàng và lịch sử. Từ kết quả khảo sát đó, tụi mình tiếp tục bước vào chuỗi những buổi làm việc và trao đổi liên tục với ban lãnh đạo của bảo tàng. Hơn 10 phương án thiết kế đã được cân nhắc, chỉnh sửa để dần định hình nên bộ nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh như hiện tại. Trung bình mỗi tháng tụi mình đều tổ chức họp một lần, và số lượng file thiết kế qua các vòng đã gần chạm mốc 20 phiên bản.


Là những sinh viên mới ra trường và đây cũng là một trong những dự án chuyên môn đầu tiên, tụi mình hiểu rất rõ đây là một thử thách không hề dễ dàng, nhất là khi phải tìm được điểm cân bằng giữa sự đổi mới, trẻ trung và tinh thần di sản, truyền thống vốn có. Suốt hai năm miệt mài, bền bỉ học hỏi từ các mô hình bảo tàng nổi tiếng trên thế giới, thử nghiệm đủ hướng đi khác nhau cho Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Zám đã đúc kết được nhiều bài học quý giá để có thể truyền thông văn hóa một cách hiệu quả, vừa gần gũi vừa thuyết phục.


Cụ thể, Zám tiếp cận văn hoá và lịch sử theo 2 cấp độ nhằm cân bằng giữa việc giữ gìn và đổi mới: 


(1) Giữ gìn và bảo tồn: Chúng mình chọn cách vẽ lại, kể lại những câu chuyện, những hoa văn, hoạ tiết theo cách toàn vẹn và nguyên bản nhất. 


(2) Phát huy và kiến tạo: Trên nền tảng nguyên bản đó, tụi mình thử "thổi hồn" mới bằng lăng kính sáng tạo của người trẻ bằng cách kết hợp các hoa văn, các hoạ tiết quen thuộc theo một cách mới mẻ, kể lại những câu chuyện cũ bằng một góc nhìn khác, để lịch sử không chỉ là điều đã qua mà còn sống động trong hiện tại.


Ví dụ, từ hình ảnh đầu rồng đất nung thời Trần – một biểu tượng vốn quen thuộc trong lịch sử, tụi mình đã kết hợp cùng các tia sáng từ biểu trưng thương hiệu để phát triển thành một hình ảnh hoa văn mới: chú rồng thời Trần bung tỏa ánh sáng lấp lánh từ bốn phương như một lời mời gọi tất cả mọi người cùng đến khám phá. Đây là một trong bộ 12 hoa văn được Zám phát triển, đại diện cho từng giai đoạn lịch sử, từng triều đại phong kiến đang được trưng bày tại bảo tàng.


Và có lẽ, kỷ niệm khiến tụi mình xúc động và nhớ mãi chính là những lần được chạm tay vào các quyển sách tư liệu đã hơn trăm tuổi, để nghiên cứu và học hỏi về các triều đại trong quá khứ. Một trải nghiệm mà chúng mình chưa bao giờ nghĩ đến. Khi từng trang sách đã nhuốm màu thời gian, mỗi lần lật giở là một lần trân quý vô cùng, nhưng cũng rất áp lực, bởi lịch sử dường như đang hiện lên ngay trước mắt, và chính tụi mình đang trở thành cầu nối để kể lại nó theo cách riêng của thế hệ mình.

8. Có lúc nào Zám rơi vào trạng thái “mất lửa sáng tạo” không? Cả team đã làm gì để vượt qua giai đoạn đó?


Hành trình đồng hành cùng văn hoá và lịch sử nước nhà chưa bao giờ là điều dễ dàng. Bởi những dự án như thế này không chỉ cần thiết kế đẹp, mà còn là trách nhiệm truyền tải đúng tinh thần, bối cảnh và chiều sâu của một giai đoạn, một biểu tượng. Vì vậy, mỗi chi tiết đều cần sự cẩn trọng: phải hiểu cho thật rõ trước khi kể lại theo cách của riêng mình. Đôi khi, chúng mình phải tự hỏi: “Làm thế nào để nói về lịch sử bằng ngôn ngữ thiết kế mà không làm mất đi sự trang nghiêm vốn có? Làm sao để gần gũi, dễ đồng cảm mà không hời hợt?”


Cũng chính vì vậy mà không ít lần tụi mình cảm thấy băn khoăn, trăn trở về con đường đã chọn. Nhưng mỗi khi như vậy, tụi mình lại rủ nhau đi bảo tàng, cùng khám phá những điều thú vị nơi đây. Và rồi, cứ sau mỗi lần như thế, tụi mình lại được tiếp thêm động lực, bởi văn hoá và lịch sử nước mình thật sự quá đẹp, quá cuốn hút. Làm sao mà từ bỏ được!


9. Đâu là những giá trị cốt lõi mà Zám luôn giữ vững?


Đối với chúng mình, sáng tạo luôn bắt đầu từ sự thấu hiểu, thấu hiểu thị trường, thấu hiểu khách hàng, thấu hiểu những điều chưa được nói ra. Những điều mới mẻ chúng mình sáng tạo hôm nay luôn bắt đầu từ sự thấu hiểu những giá trị tốt đẹp từ quá khứ, từ truyền thống, từ lịch sử 4000 năm của đất nước.


Kim chỉ nam mà Zám luôn giữ vững là sáng tạo không nên bị bó buộc ở bất cứ nền tảng nào. Chúng mình đã từng cùng Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu trải nghiệm AR săn rồng trong chiến dịch Mừng Lộc Rồng Tiên Tết 2024 cũng như phát triển các đoạn phim ngắn để quảng bá trưng bày chuyên đề mới để mở rộng cách tiếp cận đến khán giả.

10. Sau dự án với Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Zám có tiếp tục theo đuổi các đề tài văn hóa – lịch sử Việt Nam không? 


Với sứ mệnh đồng hành cùng các thương hiệu Việt, đặc biệt là các thương hiệu di sản và văn hoá, Zám đang nỗ lực để có thể mang giải pháp xây dựng nhận diện thương hiệu di sản đến với nhiều bảo tàng, di tích, danh lam hơn trên khắp Việt Nam. 


11. Theo Zám, giới trẻ ngày nay đang nhìn nhận lịch sử Việt Nam như thế nào? Và làm sao để khơi dậy sự quan tâm ấy thông qua thiết kế?


Không chỉ riêng tụi mình, mà chắc hẳn ai cũng nhận thấy một sự tự hào và tình yêu đất nước vô cùng to lớn trong các bạn trẻ ngày hôm nay. Với tư cách là một agency sáng tạo, chúng mình cũng thật vui khi có thể thắp lửa hơn nữa cho tình yêu quý giá đó bằng những câu chuyện bạn chưa từng biết, những hình ảnh, hiện vật bạn chưa từng được xem về một Việt Nam hơn 4000 năm lịch sử. Nỗ lực thấu hiểu và trân trọng truyền thống để những điều hay nhất, đẹp nhất, thú vị nhất được toả sáng - Chúng mình tin rằng đó có thể là một con đường để truyền thông và thiết kế có thể đóng góp vào tình yêu lớn này. 


Nhìn về 5 – 10 năm tới, Zám hy vọng rằng có thể lan tỏa thêm nhiều tri thức về văn hoá, truyền thống và di sản đến với cộng đồng sáng tạo Việt Nam, để chúng ta có những góc nhìn mới, những nguồn cảm hứng mới, chưa từng hay biết, trên hành trình làm nghề của mình. 

12. Nhiều người lo ngại rằng AI sẽ “thay thế” nghề thiết kế. Là người làm trong nghề, Zám nhìn nhận ra sao?


Chúng mình tin rằng AI cũng giống như một công cụ trong số vô vàn công cụ hỗ trợ sáng tạo. Điều quan trọng nhất vẫn là ý tưởng, sự bất ngờ, thú vị trong ý tưởng của bạn - những ý tưởng chưa bao giờ xuất hiện trên Trái Đất để AI có thể tổng hợp được. Tuy nhiên, thêm một công cụ cũng có nghĩa thêm một sự cạnh tranh và thật nhiều áp lực. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần nỗ lực hơn, và quyết liệt hơn với đam mê sáng tạo của mình.


13. Cuối cùng, nếu có thể nhắn gửi một điều cho những bạn trẻ đang muốn dấn thân vào lĩnh vực sáng tạo, Zám sẽ gửi gắm điều gì?


Dù hành trình này có thể rất khó khăn, Zám mong rằng bạn sẽ luôn tin vào bạn thân mình và cũng luôn dám nghĩ, dám làm nhé!

“Zám” - Nhóm bạn trẻ Gen Z đứng sau bộ nhận diện thương hiệu của Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh: “Bởi vì tụi mình dám. Dám nghĩ, dám làm, dám ước mơ, dám theo đuổi.”

Diệu Anh

Diệu Anh

Content Writer | Advertising Vietnam

19 Thg 05 2025

Lưu

Cùng chuyên mục