Duy trì năng lực cạnh tranh của nhân sự ngành Truyền thông trước sự bùng nổ của kỷ nguyên A.I

Thời gian gần đây, các công cụ trí tuệ nhân tạo (A.I), đặc biệt là ChatGPT đã trở thành một trong những chủ đề nóng nhất trong giới công nghệ và thế giới nói chung. Và ngành Truyền thông PR cũng không phải là một ngoại lệ. Với những lợi thế vượt trội trong việc sáng tạo nội dung, sản xuất hình ảnh tức thì, các công cụ A.I được đồn đoán rằng có khả năng thay thế nhân sự ngành truyền thông trong tương lai. Song, mặc dù việc ứng dụng A.I có thể mang đến nhiều lợi ích trong công việc cho nhân sự ngành Truyền thông, liệu nó có thể hoàn toàn thay thế con người? Các nhân sự ngành này có thể ứng dụng AI như thế nào cho hiệu quả?


Cùng gặp gỡ hai đại diện đến từ agency Truyền thông PRecious Communications, ông Lars Voedisch - Founder and Managing Director và ông Prayaank Gupta - Vice President, Growth & Innovation trong chương trình “Duy trì năng lực cạnh tranh cho nhân sự ngành truyền thông trong kỷ nguyên A.I” để tìm hiểu rõ hơn về cách áp dụng những công cụ tích hợp trí tuệ nhân tạo vào công việc dành cho những nhân sự làm việc trong ngành Truyền thông.



PRecious Communications là một Integrated Agency nằm trong Top 5 Công ty Truyền thông tại khu vực APAC, với trụ sở chính tại Singapore và văn phòng đại diện tại các thị trường quan trọng trong khu vực như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Úc.


Năm 2019, PRecious Communications trở thành đại diện tại Đông Nam Á của GlobalCom PR Network - hiệp hội quy tụ hơn 80 PR agency độc lập hoạt động tại hơn 100 quốc gia. Gần đây nhất, PRecious Communications vừa giành giải Vàng ở hạng mục “PR Team of the Year” tại lễ trao giải Marketing Interactive PR Awards 2022, cùng với một giải Vàng khác tại 2023 APAC Stevie Awards với hạng mục “Most Innovative PR Agency of the Year”. Cùng với các hoạt động truyền thông, quản trị thương hiệu, social media, và các dịch vụ khác, PRecious đặt mục tiêu lọt vào danh sách 100 agency hàng đầu thế giới.


Ông Lars Voedisch - Nhà sáng lập của PRecious Communications là một chuyên gia truyền thông quốc tế với hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc xây dựng, quản lý và bảo vệ danh tiếng của các thương hiệu hàng đầu như Citi, Coca Cola, Lufthansa, McAfee, LG, Palo Alto Networks, Porsche, Procter & Gamble, Sequoia, Traveloka và the United Nations. 


Ông Prayaank Gupta, Phó Chủ tịch Phụ trách Phát triển Kinh doanh tại PRecious Communications, với hơn 12 năm kinh nghiệm triển khai các chiến dịch truyền thông và quản lý khủng hoảng ở cấp độ quốc tế, cho khách hàng trên nhiều lĩnh vực từ các nhà đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp và tập đoàn lâu đời. Với kinh nghiệm làm việc cùng hơn 350 công ty khởi nghiệp, công ty đầu tư mạo hiểm và một số thương hiệu kỳ lân, ông cũng là người đã tích cực hỗ trợ cho hệ sinh thái kỹ thuật số của châu Á.


Cuối năm 2022, công ty OpenAI đã ra mắt công cụ trí tuệ nhân tạo ChatGPT. Công cụ này đã chứng minh khả năng vượt trội của mình trong việc hỗ trợ người dùng viết nội dung, thay thế công cụ tìm kiếm hay thậm chí là sáng tạo các video quảng cáo. Hai ông có suy nghĩ như thế nào về việc ứng dụng ChatGPT vào lĩnh vực truyền thông? Những trải nghiệm của hai ông đối với ChatGPT như thế nào?


Ông Lars Voedisch: Hiện tại, chúng ta vẫn đang trong giai đoạn khám phá những tiềm năng của công cụ này. Tôi nghĩ rằng nó có thể được sử dụng trong nghiên cứu và khám phá. Thay vì tìm kiếm thông tin trên Google thì ChatGPT hoàn toàn có thể hỗ trợ người dùng một cách tiện lợi và hiệu quả hơn. Chẳng hạn, khi chúng tôi có một khách hàng hoặc chủ đề mới cần tóm tắt nhanh, đây là công cụ tuyệt vời. Thậm chí, tôi đã từng dùng công cụ này để tạo file powerpoint phục vụ cho một buổi đào tạo nội bộ.  


SlidesGPT được cung cấp bởi ChatGPT


ChatGPT có thể được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau, nhưng điều quan trọng là cách con người sử dụng chúng như thế nào để đảm bảo mức độ hiệu quả, đồng thời hiểu được những hạn chế của chúng. Một thống kê cho thấy nhiều công cụ mang đến 70% thông tin sai lệch. Vì vậy, chúng ta phải xem xét thật cẩn thận trước khi sử dụng những thông tin từ các công cụ này.   


Đối với ông Prayaank, ông đánh giá như thế nào về tính hữu ích của ChatGPT trong quá trình làm việc?


Ông Prayaank Gupta: Hiện nay có rất nhiều công cụ A.I khác nhau. Qua cuộc trò chuyện với các đối tác tại Việt Nam, chúng tôi được biết rằng ứng dụng Notion khá được ưa chuộng. Còn tại Singapore, ChatGPT được sử dụng khá nhiều. Chúng tôi tin rằng những công cụ này sẽ tiếp tục trở nên tinh vi và thông minh hơn. Vì vậy, điều quan trọng là làm sao có thể tận dụng chúng trong công việc của mình. Tương tự như việc một người viết tốt không phải là những người giao tiếp tốt, các công cụ viết tốt không có nghĩa rằng chúng có thể kết nối với độc giả. 


Do đó, chúng tôi tin rằng A.I không thể thay thế con người trong việc xây dựng những mối quan hệ. Đây cũng chính là một khía cạnh quan trọng mà chúng tôi - những nhân sự trong lĩnh vực Truyền thông cần phải làm việc với khách hàng của mình. Tuy nhiên, rõ ràng là A.I đóng một vai trò rất quan trọng đối với việc sáng tạo nội dung. Nếu những nội dung do các công cụ này tạo ra có chất lượng tốt, những nhân sự làm việc trong lĩnh vực Truyền thông hoặc những nghề liên quan đến viết lách đều có thể sử dụng.


Dựa trên kinh nghiệm của hai ông, liệu có phải thách thức lớn nhất khi sử dụng ChatGPT nằm ở việc đặt câu hỏi đúng?


Ông Lars Voedisch: Đúng vậy. Đây cũng là chủ đề mà chúng tôi thường xuyên trao đổi nội bộ với nhau. Chúng ta cần phải đặt câu hỏi một cách thông minh để có thể khám phá tiềm năng của những công cụ này. Tuy nhiên, điều này đang dần trở nên phức tạp bởi chúng ta không phải lúc nào cũng có cùng một câu trả lời cho một câu hỏi. Điều đó khiến tôi luôn nghi ngờ về kết quả của những công cụ A.I.


Chúng tôi đã kiểm tra điều này bằng cách yêu cầu ChatGPT đưa ra danh sách các công ty PR hàng đầu ở Châu Á. Tuỳ vào cách đặt câu hỏi của người dùng mà PRecious Communications có thể nằm trong top 3 agency hàng đầu trong khu vực, hoặc thậm chí không hề xuất hiện trong danh sách. Trên thực tế, chúng ta có thể can thiệp vào câu trả lời của các công cụ A.I bằng cách yêu cầu ChatGPT thêm vào danh sách câu trả lời một thương hiệu cụ thể nào đó. Như vậy, công cụ sẽ đưa ra một câu trả lời như mong muốn của người dùng. Có thể thấy, A.I chỉ là một công cụ và có thể bị can thiệp bất cứ lúc nào. Đó là lý do mà chúng ta phải cân nhắc đến việc áp dụng đạo đức nghề nghiệp vào bất kỳ thông tin nào. Trách nhiệm của chúng ta là truyền tải thông tin một cách trung thực.


ChatGPT chỉ là một trong rất nhiều công cụ trí tuệ nhân tạo đang có mặt trên thị trường hiện nay. Ông đánh giá thế nào về xu hướng ứng dụng các công cụ A.I trong công việc hàng ngày của nhân sự?


Ông Lars Voedisch: Quả thật là có rất nhiều công cụ A.I mà chúng ta có thể tận dụng trong công việc. Đơn cử như các lập trình viên có thể yêu cầu các công cụ này viết Python (ngôn ngữ lập trình) hay code để tạo ra kết quả như mong muốn. Điều này cũng tương tự với các kỹ sư phần mềm. Ở khía cạnh sáng tạo hình ảnh, công cụ A.I có thể tạo ra các moodboard để hỗ trợ chúng ta trong việc thiết kế và lên concept cho các chiến dịch. 


Chẳng hạn như với bộ phim Barbie sắp ra mắt, Warner Bros. đã ra mắt một trang web có tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo để người dùng tự do thiết kế poster Barbie hay Ken dành riêng cho bản thân. Một ví dụ khác là thương hiệu sốt cà chua nổi tiếng Heinz đã ứng dụng Dall-E trong chiến dịch “Draw Ketchup" (tạm dịch: “Vẽ xốt cà chua"). Đội ngũ sáng tạo của “Draw Ketchup" đã nhập duy nhất từ khoá “ketchup" (nước sốt cà chua) vào hệ thống Dall-E. Kết quả thú vị là Dall-E đã trả về một bức tranh vẽ chai sốt cà chua không rõ tên nhãn hiệu nhưng lại mang hình dáng… giống “y như đúc" sản phẩm của Heinz. 


Chiến dịch “Heinz A.I Ketchup” trả về hình ảnh chai sốt cà chua mang hình dáng giống hệt của Heinz


Tuy nhiên, đôi khi các ứng dụng A.I cũng tạo ra những thông tin giả như hình ảnh cựu Tổng thống Donald Trump bị bắt giống hệt như thật, hoặc hình ảnh một Giáo hoàng mặc áo khoác của rapper được tạo ra bằng công nghệ Deep Fake. Với khả năng biến những ý tưởng “điên rồ” thành hiện thực chỉ trong khoảnh khắc, chúng ta cần phải rất cẩn thận và giữ một “cái đầu lạnh” khi tiếp nhận nội dung do A.I tạo ra.


Với vai trò là một chuyên gia về PR và Truyền thông, ông Prayaank Gupta nghĩ sao về vấn đề này?


Ông Prayaank Gupta: Tôi tin rằng công nghệ thực sự phải bổ sung cho những gì chúng ta đang làm và mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Điều tôi quan tâm chính là góc độ trách nhiệm, bởi mọi sản phẩm đều là sản phẩm do con người tạo ra. Trường hợp hình ảnh Giáo hoàng trong một chiếc áo của rapper hay công nghệ Deep Fake, có thể thấy, những hình ảnh đó đều do con người tạo ra và họ cũng chính là nhân tố lan truyền thông tin giả mạo. Để tránh được những điều này, chúng ta có trách nhiệm đưa ra nội dung chính xác. Bên cạnh đó, sử dụng A.I để tiếp thị “bẩn” hoặc phục vụ cho mục đích thiếu tính đạo đức là những vấn đề đáng lo ngại.


Mặc dù sử dụng công cụ A.I có rất nhiều lợi ích trong lĩnh vực PR và Truyền thông, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp mà chúng không thể thay thế được “con người” hoặc có những quan điểm “giống con người”. Vậy làm thế nào chúng ta có thể tận dụng A.I trong công việc, kết hợp A.I và con người để công việc của chúng ta được hiệu quả hơn? 


Ông Lars Voedisch: A.I sẽ khiến cho công việc của các nhân sự trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Đặc biệt là đối với các chiến dịch truyền thông mạng xã hội, những công cụ này có khả năng tạo ra các hình ảnh, văn bản, tiêu đề phù hợp với từng đối tượng khách hàng của thương hiệu một cách nhanh chóng, điều mà con người gần như không thể làm được. Trong khi đó, thế mạnh của chúng ta là khả năng tạo ra những ý tưởng sáng tạo ban đầu và những công cụ A.I sẽ cấu hình lại từ những gì mà con người đưa ra. Thế nên, nếu chúng ta thực sự muốn một bài viết mang tính ý kiến chuyên gia thì A.I không phải là một công cụ lý tưởng.


Khi trí tuệ nhân tạo càng chứng tỏ sức mạnh trong việc tổng hợp và xử lý dữ liệu, quan điểm sắc bén và ý tưởng nguyên bản của người làm truyền thông càng trở nên có giá trị. Đây chính là điều các công cụ không thể mang lại. Trên thực tế, tôi cho rằng không phải lúc nào các thương hiệu cũng nên chạy theo mọi xu hướng đang diễn ra. Không phải ai cũng cần tham gia vào thị trường blockchain hay “chạy đua” với trí tuệ nhân tạo. Điều quan trọng ở đây là những giải pháp đưa ra phải thật sự có giá trị cho thương hiệu và cân nhắc thật kỹ những rủi ro tiềm tàng.


Vậy ông Prayaank nghĩ như thế nào về việc sử dụng A.I tại PRecious? Các nhân sự tại công ty đã tận dụng lợi thế của A.I như thế nào? Làm thế nào để ông đảm bảo rằng họ có thể cân bằng giữa trí tuệ nhân tạo và con người?


Ông Prayaank Gupta: Sáng tạo nội dung là một phần quan trọng trong công việc của chúng tôi tại PRecious. Chúng tôi dành rất nhiều thời gian để sáng tạo nội dung và việc sử dụng các công cụ đã giúp chúng tôi đơn giản hoá quy trình sáng tạo, đồng thời sử dụng thời gian một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, sáng tạo nội dung không phải là dịch vụ duy nhất mà chúng tôi cung cấp cho khách hàng. Thay vào đó, chúng tôi tập trung hỗ trợ họ xây dựng mối quan hệ với các đối tác, bất kể là với báo chí hay trực tiếp với các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách. Từ đó, chúng tôi giúp họ tạo ra những nội dung truyền thông phù hợp cho từng nhóm đối tượng mục tiêu. Tôi nghĩ rằng đó không phải là những điều mà các công cụ A.I có thể làm được.


Một vấn đề khác cần cân nhắc là vấn đề đạo đức, bởi vì không phải mọi thông tin ngoài kia đều là sự thật. Trước đây có một thống kê nổi tiếng về thời gian tập trung của con người so với cá vàng. Đây là một thống kê rất phổ biến, nhưng sau đó người ta nhận ra rằng họ không thể xác định nguồn gốc của thống kê này. Tương tự, với nhiều công cụ trí tuệ nhân tạo hiện nay, rất nhiều các nghiên cứu không có nguồn gốc rõ ràng đã và đang lan truyền trên môi trường kỹ thuật số. Đây là một vấn đề đáng quan ngại. Do đó, khi đại diện cho một khách hàng hoặc thương hiệu, chúng tôi cần đảm bảo truyền tải được đúng thông điệp, đồng thời nội dung được truyền tải là đúng sự thật để tránh ảnh hưởng đến danh tiếng của thương hiệu đó.


Liệu ông có thông báo cho khách hàng khi sử dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ cho công việc của họ không? Làm thế nào để các khách hàng hiểu rằng họ cần PRecious ngay cả khi họ cũng có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo?


Ông Lars Voedisch: Hiện tại, A.I chỉ là một phần của quá trình nghiên cứu và tối ưu hóa công việc nội bộ của chúng tôi. Tuy nhiên, đó cũng là một điểm cần lưu ý và chúng tôi đang tìm cách thiết lập các hướng dẫn và minh bạch với khách hàng về phạm vi và cách thức mà PRecious sử dụng trí tuệ nhân tạo. Tôi nghĩ rằng minh bạch cũng chính là một phần quan trọng mà các nhân sự trong lĩnh vực sáng tạo nội dung cần phải cân nhắc. Nếu không, tất cả mọi người đều tạo ra những nội dung giống nhau từ cùng một nguồn thông tin và không thể tuyên bố quyền sở hữu. 


Chúng tôi xem bản thân mình không chỉ là những nhà sản xuất nội dung mà suy cho cùng, sứ mệnh của PRecious là giúp khách hàng tạo ra tác động có giá trị trong kinh doanh, từ đó kết nối giữa mục tiêu và kinh doanh và khách hàng mục tiêu. Đó là một hành trình dài và phải trải qua nhiều bước. Việc sử dụng các công cụ A.I có thể hữu ích, song nó không thể thay thế nhân sự trong các cuộc trò chuyện với đối tác để hiểu rõ hơn những mục tiêu và chân dung đối tượng khách hàng mà họ muốn nhắm đến. Vì vậy, PRecious đóng vai trò như những nhà tư vấn, thấu hiểu nhu cầu của khách hàng và tìm ra các phương pháp, công cụ phù hợp hỗ trợ họ đạt được mục tiêu. Cho đến nay, vấn đề quan trọng cần bàn đến không phải là việc các nhân sự PR có thể bị thay thế bởi công cụ A.I hay không, mà đó là làm thế nào để chúng ta có thể sáng suốt trong việc hỗ trợ khách hàng đạt được kết quả kinh doanh.



Thị trường PR của Việt Nam đang phát triển với sự xuất hiện của các agency quốc tế. Làm thế nào để PRecious sử dụng lợi thế của thị trường quốc tế trong đội ngũ nhân lực, cấp quản lý và chuyên môn để áp dụng cho Việt Nam?


Ông Lars Voedisch: PRecious đã có nhiều hoạt động cũng như chuyên môn và kinh nghiệm tại thị trường này trong suốt 8 năm qua. Chúng tôi đang tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, cũng như tập trung mở rộng tệp khách hàng tại khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, ngày càng có nhiều các thương hiệu toàn cầu hoặc trong khu vực muốn chúng tôi có mặt tại Việt Nam để hỗ trợ họ trong các hoạt động truyền thông tại thị trường bản địa. 


Cách tiếp cận của chúng tôi là làm thế nào để khiến PR đáp ứng những tiêu chuẩn toàn cầu, giúp khách hàng đạt được những mục tiêu xa hơn so với việc chỉ tập trung vào số lượng tin tức được truyền tải. “Làm thế nào chúng ta có thể xây dựng niềm tin cho thương hiệu tại địa phương?”, “Làm thế nào để xây dựng mối quan hệ bền vững với báo chí thay vì chỉ đơn giản là trao đổi lợi ích?” Chúng tôi luôn cân nhắc kỹ lưỡng về những gì có lợi cho doanh nghiệp trong dài hạn, đồng thời tập trung vào xây dựng các mối quan hệ bền vững.


Chúng tôi cũng đang tìm kiếm các thương hiệu muốn tham gia vào nhiều thị trường nơi Việt Nam là một điểm đến quan trọng, đồng thời chúng tôi cũng đang hướng đến những doanh nghiệp “kỳ lân” tại Việt Nam và muốn thành công tại khu vực hoặc trên toàn cầu. Đó là những gì chúng tôi đã làm với các công ty tại Đông Nam Á, bao gồm giúp họ niêm yết trên sàn NASDAQ, nơi mà họ cần xây dựng mối quan hệ với các nhà đầu tư hay giúp họ có được giấy phép ngân hàng tại Indonesia. Vì vậy, cuối cùng vẫn luôn là câu chuyện làm thế nào để truyền thông có thể giúp các doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh của họ.


Là một công ty truyền thông quốc tế, làm thế nào PRecious có thể phát triển chuyên môn tại Việt Nam?


Ông Lars Voedisch: Chúng tôi đang tìm cách kết hợp những kinh nghiệm tốt nhất từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Việt Nam có rất nhiều nhà truyền thông giỏi, những người có khả năng giao tiếp tốt, cũng như những nhà quảng cáo và chủ sở hữu thương hiệu tài năng tại Việt Nam. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần mở rộng mạng lưới đối tác, cũng như tích cực tham gia vào những cuộc trò chuyện như thế này để học hỏi và tập trung vào những gì mình có thể làm để hỗ trợ các doanh nghiệp nơi đây. 


Có thể chúng tôi không phải là các chuyên gia tốt nhất nhưng với những khách hàng mà PRecious đã cùng hợp tác, chúng tôi xây dựng niềm tin thông qua quá trình làm việc cùng nhau. Chúng tôi không bao giờ làm việc với khách hàng bằng cách chỉ thực hiện yêu cầu của họ. Thay vào đó, chúng tôi tư vấn và cùng nhau thảo luận về các phương án khác nhau. Đôi khi có những chiến lược hiệu quả tại Việt Nam nhưng lại không mang đến hiệu quả ở Philippines. Tương tự, những ý tưởng phù hợp với thị trường Indonesia cũng chưa chắc đã tiếp cận được người dùng Việt. Thậm chí, những gì phù hợp với TP.HCM cũng có thể không phù hợp ở Hà Nội. Những chiến lược hiệu quả luôn cần sự thảo luận về chuyên môn và tư vấn về những gì phù hợp hoặc không phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt là trong những lĩnh vực vốn rủi ro hay các công ty khởi nghiệp, chúng tôi thấy có rất nhiều sự thay đổi. Đó là nơi chúng tôi không chỉ đóng vai trò chuyên gia ở lĩnh vực Truyền thông mà còn giúp kết nối các cá nhân, tổ chức trong hệ sinh thái. 


Trước sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam về quy mô thị trường và con người, ông có lời khuyên gì cho các thương hiệu quốc tế khi tham gia hoặc có kế hoạch tham gia vào thị trường này?


Ông Lars Voedisch: Điều quan trọng là các thương hiệu cần có sự hiểu biết sâu sắc về con người tại thị trường bản địa. Không chỉ Việt Nam mà thương hiệu còn phải nắm bắt được nhiều khía cạnh về con người trong các khu vực khác nhau trên đất nước. Chúng tôi đã thấy rất nhiều mô hình kinh doanh hoạt động trên thế giới, nhưng khi áp dụng tại Việt Nam hoặc sử dụng cho một thương hiệu khác, mô hình đó lại không mang lại hiệu quả. Tôi tin rằng điều quan trọng để thành công tại đất nước này nằm ở việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với người tiêu dùng.


Tôi biết rằng nhiều thương hiệu sẽ không đủ kiên nhẫn và muốn “đánh nhanh thắng nhanh”, nhưng điều này có thể mang lại những tổn thất trong tương lai. Vì vậy, chúng tôi hỗ trợ khách hàng bằng việc tư vấn những chiến lược chính xác. Quá trình này phải đi từng bước một: tìm kiếm đối tác phù hợp, học hỏi từ người khác, đặc biệt là học từ những sai lầm của người khác để tránh bản thân mắc phải lỗi sai tương tự trong tương lai. Điều quan trọng là các thương hiệu phải rất kiên nhẫn. 


Các thương hiệu đôi khi sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển nhanh chóng ở một nền kinh tế có dân số trẻ, trình độ dân trí cao, tỷ lệ thâm nhập Internet cao. Thương hiệu cần tìm được hệ sinh thái phù hợp để phát triển. Đó cũng chính là những gì chúng tôi đang nỗ lực thực hiện: kết nối khách hàng với các đối tác và đối tượng phù hợp, giúp họ tìm hiểu và học hỏi, sau đó thích nghi tại thị trường để nhắm trúng nhóm đối tượng mục tiêu.


Ông Prayaank Gupta: Lời khuyên lớn nhất của chúng tôi đối với bất kỳ khách hàng nào là hãy chú ý đến việc địa phương hóa và tùy chỉnh chiến lược kinh doanh cho từng thị trường. Một mô hình có thể hoạt động tốt tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hoặc Châu Âu nhưng chưa chắc có thể áp dụng tại Việt Nam. Điều quan trọng là hiểu được cách thức hoạt động của thị trường và khả năng kết nối với các đối tác. Ngay cả khi đội ngũ của chúng tôi có hơn 10 năm kinh nghiệm trong quan hệ báo chí tại Việt Nam nhưng khi áp dụng phương pháp của PRecious, họ lại cho biết họ đang trải nghiệm những điều mà trước đây họ không tin rằng nó phù hợp. Khách hàng đánh giá cao sự tư vấn của chúng tôi vì chúng tôi đang áp dụng những phương pháp tốt nhất trên thế giới.



Xin cảm ơn các ông. Các ông còn điều gì muốn chia sẻ đến khán giả hay không?


Ông Prayaank Gupta: Chúng tôi đã ở đây và trải nghiệm được năng lượng cũng như sự hào hứng từ mọi người. Các thương hiệu thực sự muốn hợp tác và phát triển tại Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi hy vọng sẽ có cơ hội được hỗ trợ ngày càng nhiều thương hiệu, đặc biệt là các thương hiệu quốc tế trên hành trình phát triển tại Việt Nam. 


Ông Lars Voedisch: Bên cạnh đó, có rất nhiều thương hiệu, doanh nghiệp và nhà quản lý kinh doanh tuyệt vời tại Việt Nam. Chúng tôi cũng rất muốn mang câu chuyện của họ đến với khu vực và vươn xa hơn nữa trên thế giới.


Tôi thực sự vui vì sự hiện diện của hai khách mời hôm nay và những thông tin hữu ích mà hai ông đã chia sẻ. Cảm ơn hai khách mời rất nhiều!


Xem đầy đủ talkshow tại: 

► YouTube Advertising Vietnam: https://youtu.be/DWdFhxw6a5A 

► Spotify Advertising Vietnam: https://shorturl.at/fiyM2 

► Apple Podcast Advertising Vietnam: https://shorturl.at/afmHZ 


Duy trì năng lực cạnh tranh của nhân sự ngành Truyền thông trước sự bùng nổ của kỷ nguyên A.I

Kim Ngọc

Kim Ngọc

Content Writer | Advertising Vietnam

23 Thg 05 2023

Lưu

Cùng chuyên mục