Theo Counterpoint Research, doanh số bán điện thoại thông minh tại 5 thị trường hàng đầu Đông Nam Á (Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam và Malaysia) đã giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 1/ 2023. Thế nhưng trong bối cảnh ấy, iPhone của Apple vẫn tiếp tục giữ vững phong độ. Nhu cầu đối với các sản phẩm iPhone 13 và 14 tại một số thị trường, đặc biệt là Việt Nam, vẫn ở mức cao trong quý 1/2023. Nhìn chung, các lô hàng iPhone xuất xưởng trong quý 1 đã tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.


Từ số liệu trên, có thể thấy nhu cầu và mức độ phổ biến của iPhone rất cao. Nhằm giúp người dùng Việt dễ dàng mua sắm các sản phẩm Apple hơn, thương hiệu đã ra mắt cửa hàng trực tuyến (online) cho thị trường Việt Nam vào ngày 18/05 vừa qua. Để tiếp cận người dùng Việt, Apple đã có chiến lược bản địa hoá ra sao?


Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây!



Trước đây, nếu người dùng Việt muốn mua các sản phẩm nhà Táo khuyết, họ sẽ phải thông qua các đối tác bán lẻ, nhà phân phối. Khi nhấn vào nút mua hàng trên trang web của hãng, website sẽ điều hướng người dùng tìm hiểu thông tin vị trí cửa hàng ủy quyền lân cận, thay vì tiến đến phần thanh toán. Điều này ít nhiều đã tạo nên những khó khăn cho người dùng.


Đến ngày 12/05, Apple Việt Nam đã giải quyết nỗi lo của người dùng bằng cách thông báo cửa hàng online sẽ được ra mắt ngày 18/05. Theo đó, trang web sẽ hỗ trợ người dùng toàn quốc tìm hiểu và mua sắm sản phẩm hoàn toàn bằng tiếng Việt. Apple Store cung cấp dịch vụ khách hàng và cá nhân hóa tương tự các cửa hàng vật lý của thương hiệu trên toàn thế giới. 


Bài đăng thông báo của Apple Việt Nam trên trang web


Việc Apple mở cửa hàng trực tuyến tại thị trường trong nước là động thái đầu tiên trong quá trình nâng cấp dịch vụ và phục vụ khách hàng Việt. Vào sự kiện mở bán iPhone 15 sắp tới, người dùng Việt sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn hàng chính hãng sớm hơn. Trước đây, người dùng có thể phải chi số tiền lớn để “đập hộp” chiếc iPhone 14 mới sản xuất, song vẫn phải đợi vài tuần hay thậm chí là vài tháng để nhận hàng. Thế nhưng nếu có cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam, những “tín đồ” iPhone có thể chỉ mất từ vài ngày đến 1 tuần để cầm trên tay sản phẩm mới. Theo thông tin do Apple công bố, tất cả mặt hàng đều được hãng lưu kho sẵn tại Việt Nam, hỗ trợ giao hàng miễn phí cho người dùng chỉ sau 1 ngày đặt hàng.


Ngoài ra, sự xuất hiện của Apple Store trực tuyến sẽ giúp khách hàng có thêm một kênh để tham khảo về giá cả và loại hình sản phẩm. Những sản phẩm MacBook có dung lượng bộ nhớ cao thường không xuất hiện nhiều tại các cửa hàng uỷ quyền. Vì thế, giờ đây người dùng Việt có thể tối ưu hoá quy trình mua sắm và dễ dàng tiếp cận với đa dạng sản phẩm hơn. 


Chứng minh khả năng am hiểu thị trường


Từ hình ảnh ở trên, có thể thấy Apple đã customize (tùy chỉnh) logo trái táo khuyết theo màu cờ đỏ sao vàng của Việt Nam. Quả táo màu đỏ nổi bật vừa thể hiện màu lá cờ, đồng thời gợi liên tưởng đến màu sắc của quả táo ngoài đời thật. Mỗi khi truy cập vào mục “Cửa hàng” trên trang web, logo quả táo vàng - đỏ sẽ hiển thị để chào đón người dùng.


Banner hiển thị ở đầu mục “Cửa hàng”


Ngoài ra, các thông tin về sản phẩm, so sánh/giới thiệu hiệu năng, thông số kỹ thuật, thông tin về dịch vụ sửa chữa,... trên trang web cũng được chuyển sang tiếng Việt. Do đó, người dùng có thể truy cập website để tìm hiểu chi tiết thông tin sản phẩm trước khi quyết định mua hàng.


Bên cạnh đó, Apple cũng chứng minh khả năng am hiểu thị trường bản địa khi sử dụng những từ ngữ thân thuộc với người Việt như “A lô, “Hế lô” và các danh xưng cô, dì, chú, bác,... Điều này mang đến cảm giác gần gũi cho người dùng.


 


Ngoài việc cung cấp sản phẩm, cửa hàng trực tuyến của Apple sẽ có một đội ngũ chuyên gia luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức chuyên môn bằng tiếng Việt nhằm hỗ trợ khách hàng khi cần thiết. Người dùng có thể hỏi bất kỳ thông tin nào, từ hình thức thanh toán, thông tin phần mềm đến so sánh hai sản phẩm để hiểu rõ sự khác biệt. Với sản phẩm Apple Watch, nhân viên sẽ tư vấn về chất liệu, phù hợp với những hoạt động nào. Từ đó, người dùng có thể tìm được sản phẩm phù hợp với bản thân. 


Phần tư vấn của bộ phận Chăm sóc Khách hàng khi so sánh điểm khác biệt của iPhone 13 và 14


Sau khi đã hoàn tất quá trình tư vấn, nhân viên Apple sẽ khuyến khích người dùng tham gia đánh giá về trải nghiệm trò chơi. Lúc này, người dùng có thể nhận xét về tốc độ phản hồi, thái độ trò chuyện và đưa ra góp ý cho Apple để thương hiệu cải thiện.


Ngay khi cửa hàng Apple Store trực tuyến có mặt tại Việt Nam, MoMo đã nhanh chóng chớp thời cơ để trở thành phương thức thanh toán của hãng. Ngoài hình thức thanh toán ngay lập tức, người dùng có thể lựa chọn hình thức trả góp với các kỳ hạn thanh toán như 6, 12, 18 và 24 tháng với mức trả trước chỉ 20% và lãi suất thấp. Ngoài ra, ví điện tử cũng hỗ trợ tính năng “Thu cũ đổi mới”. Người dùng có thể chuyển sản phẩm cũ của mình cho Apple và nhận tiền qua MoMo. 



Bà Deirdre O’Brien, Phó Chủ Tịch Cấp Cao mảng Bán Lẻ của Apple chia sẻ: “Khách hàng luôn là trọng tâm trong mọi hoạt động của chúng tôi, và chúng tôi rất phấn khởi khi ra mắt Apple Store trực tuyến tại thị trường Việt Nam.” Với việc mở rộng cửa hàng online tại Việt Nam, thương hiệu mong muốn có thể hỗ trợ khách hàng trong quá trình khám phá, mua sắm các sản phẩm và dịch vụ, kết nối họ với đội ngũ nhân viên am hiểu về sản phẩm, đồng thời mang đến trải nghiệm tốt nhất khi mua sắm tại Apple.


Hai tuần đổ bộ, người tiêu dùng Việt phản ứng ra sao? 


Trên mạng xã hội, đông đảo trang tin và người dùng đã bàn luận trước thông tin Apple Store có mặt tại Việt Nam. Phần lớn người dùng hào hứng trước việc có thể mua sắm và được bảo hành chính hãng, song một bộ phận người dùng lại lo lắng về giá thành, thời gian giao hàng,...


Các bài đăng chia sẻ và đánh giá của người dùng về Apple Store Việt Nam nhận về nhiều lượt tương tác trên mạng xã hội


Chỉ sau 1 tuần ra mắt ra mắt tại Việt Nam, thống kê của YouNet Media cho biết Apple đã thu hút gần 400,000 lượt tương tác, hơn 3,800 bài đăng và hơn 19,000 lượt thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội. Trong khi có nhiều phản hồi trái chiều về giá thành, đặt và giao nhận hàng trực tuyến,... Apple Store Việt Nam vẫn hấp dẫn người dùng ở nhiều điểm như sự đa dạng, tự thiết kế sản phẩm; phụ kiện chính hãng; không cần phải xếp hàng chờ đợi dòng sản phẩm mới ở các quốc gia khác,... Có thể thấy, việc Apple Store xuất hiện ở thị trường Việt Nam đã giúp người dùng có thêm sự lựa chọn khi mua sắm các sản phẩm của hãng.


Không những thế, Apple Store còn “chiếm sóng” Top các từ khóa thịnh hành trên Google Trends. Đông đảo người dùng Việt đã tìm kiếm “Apple Store trực tuyến”, “Apple Store online”, “Apple mở store tại Việt Nam”,...

 

Lên kế hoạch “bành trướng” tại thị trường Châu Á, dự tính về cửa hàng vật lý Apple tại Việt Nam ra sao? 


Hiện nay, Apple vận hành 4 loại cửa hàng bán lẻ, bao gồm: cửa hàng tiêu chuẩn trong trung tâm thương mại, “Apple Store+” có thể ở trung tâm thương mại ngoài trời hoặc trên đường phố, cửa hàng “flagship” đặt tại các khu vực trọng điểm có thiết kế độc đáo và “flagship+” là những cửa hàng lớn và tốn nhiều chi phí vận hành nhất.


Trên thực tế, phần lớn doanh thu của thương hiệu đến từ các trang thương mại điện tử và nhiều kênh khác. Song, các địa điểm mua hàng trực tiếp vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ khách hàng sửa chữa thiết bị, kỹ thuật và “săn hàng” vào ngày đầu phát hành. Hơn nữa, tập đoàn “Táo khuyết” đã tạo ra một trải nghiệm mua hàng độc đáo bao gồm tất tần tật mọi khía cạnh như so sánh các phiên bản khác nhau - dùng thử sản phẩm - mua hàng - nhận hàng - mở hộp và sử dụng sản phẩm. Do đó, người dùng thường dành rất nhiều thời gian ở cửa hàng bán lẻ của Apple. Hầu hết khách hàng khi bước vào sẽ phải dùng thử, so sánh sự khác biệt giữa các dòng sản phẩm, đặt câu hỏi cho các nhân viên ở đó. Kết quả là phần lớn người dùng khi ra về đều sẽ chi tiền để mua một món đồ mới. 


Trong đó, Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực tạo ra khoảng 130 tỷ USD doanh thu cho Apple vào năm ngoái. Điều này đã cho thấy tiềm năng phát triển lớn của khu vực này với thương hiệu nhà Táo. Theo Bloomberg, Apple đang thực hiện các kế hoạch mở rộng và hồi sinh chuỗi bán lẻ nhằm tiến sâu hơn vào Trung Quốc và khu vực Châu Á. Nhà sản xuất iPhone đang thảo luận về việc mở 15 cửa hàng mới trên khắp châu Á – Thái Bình Dương, cũng như tân trang hoặc di dời 6 cửa hàng ở châu Á, 9 cửa hàng ở châu Âu và 13 cửa hàng ở Bắc Mỹ trong 4 năm tới. Phải chăng trong tương lai gần, Việt Nam sẽ xuất hiện trên bản đồ “bành trướng” của Việt Nam? 


Kim Ngọc