Ra mắt lần đầu tiên vào ngày 23/10/2000, Google Ads nhanh chóng trở thành công cụ quảng cáo trực tuyến phổ biến nhất hiện nay. Dịch vụ này giúp các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tiềm năng thông qua việc hiển thị quảng cáo ở vị trí cao trên trang kết quả tìm kiếm của Google. Với Google Ads, doanh nghiệp có thể tự do lựa chọn vị trí hiển thị quảng cáo phù hợp với ngân sách và mục tiêu. 


Để sử dụng Google Ads hiệu quả, doanh nghiệp cùng các Marketer cần trang bị những kiến thức cơ bản về các khái niệm và thuật ngữ quan trọng liên quan đến công cụ này. Sau đây là tổng hợp những thông tin thiết yếu dành cho cả newbie nhằm quản lý chiến dịch quảng cáo một cách dễ dàng hơn!


5 thuật ngữ cơ bản quản lý Google Ads hiệu quả


1. Quality Score


Quality Score - Điểm chất lượng là một ước tính về mức độ hiệu quả của quảng cáo, từ khóa và trang web đích của doanh nghiệp trong chiến dịch Google Ads. Điểm chất lượng càng cao, cho thấy quảng cáo càng có khả năng thu hút người dùng và mang lại hiệu quả tốt hơn, bao gồm giá thầu thấp hơn và vị trí hiển thị cao hơn trên trang kết quả tìm kiếm.


Điểm chất lượng được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm tỷ lệ nhấp chuột (CTR), thiết bị hiển thị quảng cáo, tỷ lệ thoát trang, thời gian truy cập trang web của người dùng và một số yếu tố khác. Doanh nghiệp có thể theo dõi điểm chất lượng của từng quảng cáo, từ khóa và trang web đích trong tài khoản quảng cáo của mình.



2. Clicks


Clicks - Số lượt nhấp chuột là số lần người dùng nhấp vào quảng cáo Google Ads và truy cập vào trang web của doanh nghiệp. Số lượt nhấp chuột được ghi nhận ngay cả khi người dùng không thể truy cập trang web của doanh nghiệp do một số lý do như lỗi kỹ thuật hoặc đường truyền chậm. 


Việc tăng số lượt nhấp chuột đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Chỉ số số lượt nhấp chuột (Clicks) có ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ nhấp chuột (CTR) - một chỉ số quan trọng khác trong việc đánh giá hiệu quả của chiến dịch quảng cáo. Tỷ lệ nhấp chuột càng cao, cho thấy càng nhiều người dùng nhấp vào quảng cáo, từ đó giúp doanh nghiệp thu hút thêm khách hàng tiềm năng và tăng khả năng thành công của chiến dịch quảng cáo.



3. Impressions


Impressions - Lượt hiển thị là số lần quảng cáo Google Ads của doanh nghiệp được hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm của Google. Số lượt hiển thị được tính mỗi khi quảng cáo của doanh nghiệp xuất hiện trên trang kết quả tìm kiếm hoặc các trang web khác thuộc mạng Google. Doanh nghiệp có thể theo dõi số lượt hiển thị trong tài khoản quảng cáo của mình để đánh giá mức độ phủ sóng của chiến dịch.



4. CTR


CTR (Click-Through Rate) là tỷ lệ nhấp chuột, thể hiện số lần người dùng nhấp vào quảng cáo so với số lần quảng cáo được hiển thị. Chì số này cho thấy mức độ thu hút của quảng cáo đối với người dùng. Mỗi quảng cáo và từ khóa đều có tỷ lệ nhấp chuột riêng, được hiển thị trong tài khoản quảng cáo của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể dễ dàng theo dõi và so sánh CTR của các quảng cáo và từ khóa khác nhau để đánh giá hiệu quả của chúng.


CTR cao cho thấy quảng cáo của doanh nghiệp có liên quan và hữu ích đối với người dùng, thu hút họ nhấp chuột để tìm hiểu thêm. Để nâng cao CTR, doanh nghiệp cần đảm bảo rằng từ khóa và quảng cáo có liên quan chặt chẽ với nhau và phù hợp với nhu cầu tìm kiếm của người dùng. Từ khóa và quảng cáo càng liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp, càng có khả năng thu hút người dùng nhấp chuột cao hơn.


Công thức tính: CTR = Tổng lượt click / Tổng impression (%) (lượt hiển thị)



5. CPC


CPC (Cost Per Click) là thuật ngữ chỉ chi phí cho mỗi lần nhấp chuột vào quảng cáo. Đây là số tiền mà nhà quảng cáo phải trả khi có người dùng nhấp vào quảng cáo của họ. CPC thể hiện mức độ hấp dẫn và hiệu quả sử dụng ngân sách của doanh nghiệp.


Chỉ số CPC ra đời để bổ sung thêm thông tin cho CTR (Click-Through Rate - Tỷ lệ nhấp chuột) trong việc đánh giá hiệu quả của chiến dịch quảng cáo. Việc kết hợp cả hai chỉ số này giúp nhà quảng cáo có cái nhìn toàn diện hơn về hiệu quả sử dụng ngân sách quảng cáo. 


Mục tiêu của một chiến dịch quảng cáo hiệu quả là đạt được CPC thấp và ít biến động. Điều này đồng nghĩa với việc quảng cáo thu hút được nhiều người dùng nhấp chuột, đồng thời sử dụng ngân sách một cách hiệu quả. Khi CTR (Tỷ lệ nhấp chuột) tăng, CPC (Chi phí cho mỗi lần nhấp chuột) sẽ giảm. Do đó, nhà quảng cáo sẽ nhận được nhiều tương tác hơn từ đối tượng mục tiêu với cùng một khoản ngân sách.


Công thức tính: CPC = Tổng chi phí quảng cáo / Tổng số lượt nhấp chuột


6 hình thức chạy Google Ads phổ biến 


1. Google Search


Là loại hình quảng cáo phổ biến nhất trên Google, xuất hiện tại trang kết quả tìm kiếm khi người dùng nhập một từ khóa liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp. Loại quảng cáo này được đánh dấu bằng ký hiệu "Quảng cáo" hoặc "Ads" màu đen bên cạnh đường liên kết, giúp người dùng dễ dàng phân biệt với kết quả tìm kiếm tự nhiên.


Vị trí hiển thị: Xuất hiện ngay trên trang kết quả tìm kiếm của Google


Loại quảng cáo: Sử dụng định dạng văn bản, bao gồm tiêu đề, mô tả và đường dẫn đến trang web của doanh nghiệp


Ưu điểm: Giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tiềm năng ngay khi họ đang có nhu cầu tìm kiếm sản phẩm hoặc dịch vụ



2. Google Shopping


Là loại hình quảng cáo trực quan, giúp doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm đến khách hàng tiềm năng một cách sinh động và hiệu quả. Quảng cáo mua sắm hiển thị hình ảnh sản phẩm thực tế, giá bán, nhà phân phối và các thông tin chi tiết khác, giúp người dùng dễ dàng nắm bắt thông tin và đưa ra quyết định mua hàng nhanh chóng.


Vị trí hiển thị: Xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên Google, bao gồm trang kết quả tìm kiếm, thẻ Mua sắm trên trang kết quả tìm kiếm, website và hộp thư đến trong Gmail,... 


Loại quảng cáo: Sử dụng định dạng trang thông tin sản phẩm, bao gồm hình ảnh, tiêu đề, mô tả, giá bán, nhà phân phối, đánh giá và các thông tin chi tiết khác


Ưu điểm: Giúp doanh nghiệp thu hút sự chú ý của người dùng, tăng tỷ lệ nhấp chuột (CTR), thúc đẩy chuyển đổi và nâng cao hiệu quả chiến dịch quảng cáo



3. Google Display Network


Là loại hình quảng cáo đa dạng, giúp doanh nghiệp tiếp thị sản phẩm/dịch vụ của mình đến khách hàng tiềm năng trên hệ thống hơn 3 triệu website trên toàn thế giới, thông qua việc sử dụng các định dạng phong phú như hình ảnh, video, văn bản và các yếu tố tương tác.


Vị trí hiển thị: Xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau, bao gồm website, trang kết quả tìm kiếm, hộp thư đến trong Gmail,...


Loại quảng cáo: Sử dụng định dạng hình ảnh


Ưu điểm: Thu hút sự chú ý của người dùng, từ đó thúc đẩy hành động (CTA) để khuyến khích người dùng truy cập website, mua hàng hoặc thực hiện hành động mong muốn khác



4. Quảng cáo video YouTube


Là loại hình quảng cáo giúp doanh nghiệp tiếp thị sản phẩm/dịch vụ đến khách hàng tiềm năng thông qua các video hấp dẫn và thu hút. Quảng cáo video có thể được hiển thị ở nhiều vị trí khác nhau trên YouTube, bao gồm trước, trong và sau video, trên trang kết quả tìm kiếm và các đề xuất video, giúp tiếp cận khách hàng tiềm năng một cách đa dạng và hiệu quả.


Vị trí hiển thị: Hiển thị ở nhiều vị trí khác nhau trên YouTube


Loại quảng cáo: Sử dụng định dạng video, bao gồm các nút kêu gọi hành động (CTA) để khuyến khích người xem truy cập website, mua hàng hoặc thực hiện hành động mong muốn khác 


Ưu điểm: Video là một định dạng nội dung hấp dẫn, dễ dàng thu hút sự chú ý của người xem, giúp truyền tải thông điệp quảng cáo hiệu quả hơn. Nhờ sự xuất hiện rộng rãi trên YouTube, loại hình quảng cáo này giúp doanh nghiệp tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng hơn và tăng độ nhận diện thương hiệu



5. Discovery


Là loại hình quảng cáo đa kênh, hướng đến đúng đối tượng tiềm năng một cách chính xác và thu hút trên nhiều nền tảng phổ biến của Google.


Vị trí hiển thị: Xuất hiện ở những vị trí tối ưu trên các nền tảng của Google, bao gồm trang chủ Google, YouTube, website có liên quan đến nội dung, sản phẩm dịch vụ người dùng quan tâm, xuất hiện trong mục “Khám phá” hoặc “Tin tức cho bạn” trên trang chủ Google. Bên cạnh đó, hiện nay cũng xuất hiện trên phần “Khám phá” của YouTube 


Loại quảng cáo: Sử dụng định dạng băng chuyền nhiều hình ảnh


Ưu điểm: Định dạng băng chuyền nhiều hình ảnh bắt mắt giúp thu hút sự chú ý của người dùng, đưa sản phẩm/dịch vụ trực tiếp đến khách hàng hiệu quả và đáp ứng nhu cầu tốt nhất



6. Performance Max Campaign


Là loại hình quảng cáo sáng tạo, kết hợp sức mạnh của 6 nền tảng quảng cáo chính của Google: Tìm kiếm, Mua sắm, Hiển thị, YouTube, Khám phá và Địa phương. Doanh nghiệp chỉ cần cung cấp nội dung (văn bản, hình ảnh, video) và mục tiêu chiến dịch, Performance Max Campaign sẽ tự động tạo mẫu quảng cáo và phân phối hiệu quả trên các nền tảng phù hợp, giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh một cách tối ưu.


Vị trí hiển thị: Xuất hiện trên trang kết quả tìm kiếm, website, YouTube, Nguồn cấp dữ liệu trên trang chủ YouTube và "Video nên xem tiếp theo", thẻ Mua sắm trên trang kết quả tìm kiếm, hộp thư đến trong Gmail và Khám phá,...


Loại quảng cáo: Sử dụng đa dạng định dạng bao gồm văn bản, hình ảnh, video, băng chuyền nhiều hình ảnh


Ưu điểm: Cho phép doanh nghiệp muốn thúc đẩy hiệu suất truy cập vào toàn bộ khoảng không quảng cáo của Google Ads từ một chiến dịch duy nhất



Nhìn chung, Google Ads là công cụ hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận khách hàng tiềm năng và thúc đẩy doanh số bán hàng. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, doanh nghiệp cần kết hợp Google Ads với việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, giá cả cạnh tranh cùng chính sách ưu đãi hấp dẫn.


Như Quỳnh


Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.