Sự thâm nhập mạnh mẽ của “trí tuệ nhân tạo” vào lĩnh vực nghệ thuật đã tạo ra nhiều tranh cãi, lo ngại về bản chất và giá trị của những tác phẩm được tạo ra bởi A.I. Mặc dù các ứng dụng như Sora của OpenAI có khả năng tạo ra các đoạn video và hình ảnh ấn tượng chỉ qua vài dòng lệnh, tuy nhiên, không phải trường hợp nào việc sử dụng các sản phẩm từ A.I cũng đạt hiệu quả tốt. 


Vào ngày 2/1/2024, Wacom - công ty nổi tiếng chuyên sản xuất bảng vẽ kỹ thuật số đã đăng tải quảng cáo cho sản phẩm mới của hãng lên mạng xã hội. Người dùng trên các nền tảng ngay lập tức đã phát hiện ra rằng hình ảnh trên do AI sản xuất. Làn sóng chỉ trích Wacom vì sử dụng “trí tuệ nhân tạo” để tạo ra hình ảnh quảng cáo thay vì sử dụng sản phẩm từ các họa sĩ chân chính.


Trường hợp thương hiệu sử dụng họa sĩ làm data cho A.I, liệu tác phẩm cuối cùng có thể được xem là sự sáng tạo của họa sĩ, hay chỉ là kết quả của quá trình thu thập và xử lý dữ liệu của trí tuệ nhân tạo? 


Cùng họa sĩ Thiện Nguyễn - Giảng viên của Artiv Studio, có hơn 8 năm kinh nghiệm giảng dạy về Digital Painting tìm hiểu thêm về vấn đề này.




“Thị trường AI đang chao đảo với những bước đột phá không ngừng, mở ra không gian cho sự đổi mới và thách thức”


1.Anh nhận định ra sao từ câu chuyện Wacom và các thương hiệu lớn sử dụng A.I vừa qua?


Vấn đề của Wacom cùng các thương hiệu sử dụng trí tuệ nhân tạo đã gây ra nhiều tranh cãi về quyền lợi của người làm nghệ thuật và giá trị cốt lõi của sản phẩm từ Wacom. Việc sử dụng A.I tạo ra hình ảnh thay cho hình ảnh được họa sĩ vẽ ra là một sự mâu thuẫn trong bản chất sản phẩm của Wacom. Wacom tạo ra các sản phẩm bảng vẽ điện tử dành cho họa sĩ, họa sĩ là khách hàng chính của Wacom, thì không nên sử dụng một công nghệ vốn được tạo ra để thay thế công việc của người họa sĩ để quảng cáo.


Trên thực tế, câu chuyện của Wacom là minh chứng cho sự căng thẳng giữa tiến bộ công nghệ cùng giá trị truyền thống của nghệ thuật. Việc hành xử và tương tác đúng, công bằng, hợp pháp đối với những người làm nghệ thuật trở thành yếu tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành trong thời đại số hóa. 


Cuối năm 2023, việc một công ty lâu đời như Wacom sử dụng A.I cho mẫu thiết kế mới gây tranh cãi.


2.Anh nghĩ sao khi các thương hiệu lớn có xu hướng sử dụng công nghệ AI vào các sản phẩm nghệ thuật vốn dĩ được mặc định là do con người thực hiện?


Chúng ta có thể đánh giá theo 2 khía cạnh.


Đầu tiên, nên đánh giá tiêu chí kinh doanh của của các thương hiệu. Nhìn vào chiến lược truyền thông của nhãn hàng, qua đó xét xem cách làm của nhãn hàng có hiệu quả hay không. Khi khách hàng nghĩ đến những brand lớn, đi kèm với nó là ấn tượng đầu tiên đó chính là chất lượng “hoàn hảo” và đẳng cấp. Không nên thể hiện cho khách hàng rằng brand đặt quá nặng yếu tố “tiết kiệm” chi phí - vì chi phí là yếu tố mà chắc chắn các brand phải đầu tư để đưa sản phẩm tới tay khách hàng. 


Điều trên dẫn đến một khía cạnh quan trọng khác cần phải quan tâm đó là việc sử dụng A.I trong quá trình sản xuất và tiếp thị. Mặc dù có thể đây là một trong những phương án nhằm tiết kiệm chi phí nhưng cần phải đảm bảo rằng không ảnh hưởng đến hình ảnh và chất lượng của thương hiệu.


Nếu chất lượng và nội dung hình ảnh minh họa được tạo ra từ AI và quảng cáo không có mối liên kết chặt chẽ, ấn tượng của khách hàng đối với thương hiệu có thể bị ảnh hưởng. Một brand lớn để xảy ra tình trạng lỗi sản phẩm, cụ thể là sử dụng hình ảnh A.I bị lỗi có thể nhận thấy được, có thể dẫn đến giá trị thương hiệu bị tụt giảm, khách hàng có cảm nhận sản phẩm không được họ đầu tư xứng đáng với giá trị.


Thành ra các brand càng phải cẩn thận thận trọng khi sử dụng công nghệ mới, cần kiểm nghiệm kỹ lưỡng chất lượng kết quả hình ảnh trước khi triển khai, tránh phản ứng ngược từ phía khách hàng. 


3. Anh quan sát thấy thị trường A.I đang sôi động như thế nào? Có bước đột phá nào khiến anh ngạc nhiên hay e ngại?


Nhìn chung, cách mà A.I được tạo ra và phát triển có phần ấn tượng hơn là ngạc nhiên. Đây không phải là hiện tượng nổi bật trong khoảng thời gian ngắn mà còn là kết quả của sự tích lũy chuẩn bị lâu dài qua nhiều năm.


Trong thời gian dài một lượng lớn thông tin được thu thập qua nhiều phương thức, và được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Sự tích lũy thông tin trên thông qua các phương tiện truyền thông miễn phí chẳng hạn như quảng cáo khảo sát, một số khai thác thông tin của người sử dụng một cách không rõ ràng, đôi khi là trái phép.


Thị trường A.I có nhiều chuyển biến đáng nhớ: Sora A.I của OpenAI có thể tạo ra một đoạn video có chất lượng điện ảnh, Pika tung chức năng "nhép lời" cực chân thực.


Nhìn vào quá khứ, việc sử dụng phương tiện miễn phí là một điều khá phổ biến và quen thuộc. Tuy nhiên, vào thời điểm đó phần lớn người sử dụng không thể đoán được hậu quả của những hành động trên vì khái niệm thông tin của họ có thể bị khai thác và sử dụng như thế nào còn mơ hồ.


Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, mỗi năm đều có một trend mới khiến cho những xu hướng trong quá khứ đã từng nổi bật trở nên bình thường. Điều này khiến cho một số người cảm thấy không còn ngạc nhiên bởi xu hướng trở nên quen thuộc và không đặc biệt. Sự ngạc nhiên giảm đi và công nghệ trở nên một phần tự nhiên của cuộc sống hàng ngày.


Cuối cùng, đối với cách mà A.I phục vụ cuộc sống. Mặc dù chúng ta đều biết công nghệ đang phát triển nhưng hướng tác động và phục vụ cuộc sống của A.I không phải lúc nào cũng như chúng ta nghĩ. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo không chỉ “tiện lợi” mà còn liên quan đến sự gượng ép khai thác thông tin và dữ liệu cá nhân. Chúng ta không chỉ là người tiêu dùng, mà còn là người bị khai thác, chi phối và ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những yếu tố trên.


4.Theo anh, tại sao nhiều người yêu thích các tác phẩm nghệ thuật làm từ A.I, để chúng trở thành xu thế trên nhiều mạng xã hội?


Dường như các sản phẩm từ A.I đang dần trở thành một trào lưu phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội lớn như TikTokFacebook. Có một số lý do khiến những sản phẩm này thu hút và dễ nhận được cảm tình từ người dùng:


Trước tiên, tính linh hoạt và đơn giản trong quá trình tạo sản phẩm là yếu tố quan trọng đầy hấp dẫn. Việc tạo ra content một cách nhanh gọn, hiệu quả đã thu hút sự chú ý của đông đảo khách hàng. Sự nhanh chóng cũng khiến cho A.I trở thành lựa chọn phổ biến trên nhiều nền tảng - nơi mà tốc độ và lượt tương tác là quan trọng nhất.


Một trong những lỗi thường xuất hiện trong tranh A.I là cấu trúc bàn tay "dị dạng".



Thứ hai, đáp ứng được tâm lý của khách hàng. Các sản phẩm được A.I thiết kế dựa vào thông tin đã thu thập được (phải nhấn mạnh là từ rất nhiều thông tin, tác phẩm của các họa sĩ 2d, 3d, nhiếp ảnh gia, graphic designer, mà họ không biết hoặc không đồng thuận cho phép khai thác và sử dụng) có thể đáp ứng nhanh chóng mong muốn và sở thích cá nhân. Chính điều này tạo ra trải nghiệm tích cực và gần gũi cho đại chúng.


Thứ ba, khả năng phán đoán của A.I trong sản phẩm chính là điểm “hấp dẫn”. Được thể hiện thông qua việc tạo ra một ý tưởng đi kèm với những hình ảnh dễ nhìn, không đòi hỏi yêu cầu quá cao từ người điều khiển. Sự linh hoạt của ứng dụng A.I nhờ vào kho data khổng lồ là chìa khóa thu hút sự chú ý và hào hứng của đông đảo người dùng.


5. Là họa sĩ, sáng tạo một tác phẩm chắc chắn tốn không ít thời gian. Ngược lại, A.I có thể thực hiện chỉ trong chớp mắt. Anh nghĩ thế nào về vấn đề này?


Nhìn vào khía cạnh của việc sáng tác nghệ thuật, có sự khác biệt về cảm xúc giữa quá trình sáng tác của con người và sản phẩm được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo. Khi một họa sĩ sáng tác, quá trình đó là một hành trình đòi hỏi tư duy sáng tạo và được đánh đổi bằng một khoảng thời gian “tương xứng”.


Một trải nghiệm được cá nhân hóa, nơi họa sĩ có thể tự do biểu đạt cảm xúc, tâm trạng trong từng nét vẽ hoặc từng chi tiết của tác phẩm. Sự sáng tạo là một phần của bản thân, thể hiện sự độc đáo và đặc biệt của riêng từng người. Con người tạo ra nghệ thuật không chỉ để đáp ứng nhu cầu nhanh chóng mà còn thể hiện tư duy sáng tạo và sự phức tạp trong trải nghiệm của họ. 


Ngược lại, khi sản phẩm được tạo ra bằng A.I có thể nhanh nhưng thiếu đi sự kết hợp giữa cảm xúc và tư duy sáng tạo của con người. Các thuật toán và thông tin của AI tạo ra những sản phẩm đẹp mắt nhưng thường không thể diễn tả được những yếu tố cá nhân như cảm xúc, trải nghiệm, quan điểm, ẩn ý. 


Bản chất của công việc sáng tạo không chỉ nằm ở việc làm nhanh, mà còn ở việc truyền đạt cái "tư duy" của người sáng tác. Điều này tạo nên một giá trị không thể đo lường được chỉ bằng tốc độ. Tốc độ có thể quan trọng trong một số trường hợp nhưng không phải lúc nào cũng là tiêu chí duy nhất để đánh giá giá trị của một tác phẩm nghệ thuật. 


6. Không chỉ quảng cáo hay hội họa, phim ảnh cũng là lĩnh vực dần A.I hóa. Trải nghiệm của anh khi xem những nội dung có sự can thiệp của A.I?


Có thể nhận thấy một số ấn tượng chung về sự can thiệp của A.I trong ngành công nghiệp phim ảnh, đặc biệt trong các sản phẩm của Marvel hay Disney.


Đôi khi công nghệ làm cho sản phẩm trở nên cẩu thả và mất đi tính độc đáo. Sự can thiệp của trí tuệ nhân tạo khiến người xem cảm thấy không còn được ưu tiên. Nếu các hãng phim có thể thuê họa sĩ để tạo ra những bộ phim chất lượng vậy thì tại sao vẫn chấp nhận rủi ro để sản xuất những sản phẩm có lỗi. 


A.I đang tạo ra một “bức tường” giữa thương hiệu và khách hàng. Nếu các tập đoàn lớn chỉ chăm chú vào cạnh tranh chạy đua về công nghệ với nhau mà không quan tâm tới các khía cạnh khác, khán giả có thể cảm thấy thất vọng và chán chường đối với thương hiệu. Doanh số không còn đồng nghĩa với chất lượng nếu những tác phẩm không còn thỏa mãn được người xem.  


Itro của Secret Invasion - một series của Disney Plus - từng gây tranh cãi khi được thực hiện bằng A.I.


Sự can thiệp của A.I vào ngành công nghiệp phim ảnh tạo ra một thách thức cho các thương hiệu về cách mà khách hàng nhìn nhận và tương tác với các sản phẩm nghệ thuật. Điều này không chỉ là sự thay đổi về công nghệ mà còn là sự thay đổi về quan hệ giữa nhãn hàng và người tiêu dùng. 


“Đối mặt với thách thức A.I, tiếng nói của người sáng tạo nội dung trong cuộc cạnh tranh khốc liệt”


7. Theo anh thì cần có những chính sách ràng buộc hay luật gì để bảo vệ họa sĩ trước làn sóng A.I hóa?


Trong bối cảnh hiện nay, không chỉ đơn giản ở việc bảo vệ người sáng tạo nội dung mà còn là việc đảm bảo quyền lợi và tự do cá nhân trước sự gia tăng của A.I. 


Các công ty công nghệ đã và đang triển khai những bộ dữ liệu mà cách xây dựng có thể mang lại cho doanh nghiệp những vấn đề nghiêm trọng về đạo đức và pháp lý. Nếu quá trình trên không được quản lý đúng cách, khả năng cao sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề, thậm chí là cả doanh nghiệp có thể phá sản và chịu trách nhiệm hình sự. 


Cần phải có chính sách và quy định để đảm bảo rằng các dữ liệu trên thuộc về cộng động, chứ không phải chỉ là của một số cá nhân. Ngoài ra, các thỏa thuận và điều khoản sử dụng dữ liệu phải được xem xét và điều chỉnh nhằm đảm bảo tính công bằng minh bạch. 


Một vấn đề khác mà khách hàng phải đối mặt đó chính là các công ty công nghệ yêu cầu người dùng tự nguyện cung cấp dữ liệu cá nhân của mình. Nếu không tạo điều kiện để người dùng có quyền lựa chọn và kiểm soát thông tin riêng, rủi ro về việc lạm dụng dữ liệu sẽ gia tăng.


Cần thiết lập một cơ chế giám sát và kiểm soát đủ mạnh, đồng thời đảm bảo sự phát triển của A.I không làm giảm quyền lợi của người sáng tạo. Có thể thấy sự cân bằng giữa tiến bộ công nghệ cùng quyền lợi cá nhân đang đặt ra thách thức lớn, mọi giải pháp đều đòi hỏi sự hợp tác mạnh mẽ giữa cộng đồng và chính phủ.


8. Theo anh làm sao để hoạ sĩ có thể phát triển trong thời đại A.I?


Về kĩ năng, họa sĩ càng phải trau dồi các kĩ năng tạo ra tác phẩm, và kĩ năng kể chuyện.


Về phần hình ảnh: hình ảnh A.I khá hào nhoáng và ấn tượng, nhưng không hoàn chỉnh và có rất nhiều lỗi mà người họa sĩ có chuyên môn đều nhận ra được.


Một số lỗi khiến cho hình ảnh từ A.I gần như là không thể sử dụng được trong quá trình sản xuất chuyên nghiệp: Bố cục, Ánh sáng, Phối cảnh, Giải phẫu.


Đây là những yếu tố mà họa sĩ thực thụ có thể tạo ra giá trị cạnh tranh rõ ràng với các ứng dụng A.I. Vì vậy việc hoàn chỉnh, đào sâu những kĩ năng vẽ thật sự lại rất quan trọng trong giai đoạn này.


Một số bản thảo của học viên do họa sĩ Thiện Nguyễn hướng dẫn. Với A.I, việc chi tiết hóa các cử động, cũng như tính chính xác trong tiểu tiết là điều chưa thực hiện được.


Về nội dung:


Hình ảnh do A.I tạo ra có nội dung khá đại trà và thiếu cá tính.


Đây lại là một điểm yếu mà đối thủ cạnh tranh là họa sĩ “con người” hoàn toàn có lợi thế. Tạo ra một câu chuyện, một nội dung mà chỉ có bản thân bạn có thể diễn đạt và phát triển sẽ là một lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ.Đây cũng là cách để bạn có sự kết nối chặt chẽ hơn với khán giả của mình. Họ gắn bó với bạn không chỉ vì nét vẽ, hình ảnh, mà còn vì nội dung trong các tác phẩm của bạn


Họa sĩ có thể xây dựng một thương hiệu cá nhân trên các nền tảng truyền thông trực tuyến. Việc này giúp họa sĩ tạo ra một cộng đồng ủng hộ mạnh mẽ và tạo ra nhiều cơ hội hợp tác, tiếp thị với khán giả rộng hơn. 


Cuối cùng là phổ biến các kiến thức, giá trị nghệ thuật đến khán giả. Việc này sẽ giúp khán giả hiểu rõ đầy đủ giá trị tác phẩm của bạn, và của những họa sĩ khác, giúp họ có cơ sở rõ ràng và vững chắc để lựa chọn và ủng hộ những “thương hiệu họa sĩ con người”


Thứ hai, cần cấp thiết có một khung pháp lí rõ ràng, công bằng trong việc khai thác thông tin hình ảnh từ họa sĩ (vốn là cốt lõi của chất lượng hình ảnh đầu ra của các ứng dụng A.I).


Khung pháp lí này phải đảm bảo rằng họa sĩ có quyền làm chủ, kiểm soát, và quyết định cách thức chia sẻ thông tin từ các tác phẩm của họ và phải có sự chi trả tương xứng khi yêu cầu sử dụng những thông tin đó


Trong thời điểm hiện tại, việc họa sĩ phát triển trong bối cảnh A.I đang có những bước tiến lớn đòi hỏi sự đổi mới và tinh thần sáng tạo cao.


Để thích nghi thành công trong thời đại mới, họa sĩ có thể áp dụng một số chiến lược sau:


Thứ nhất, tận dụng tiềm năng công nghệ trong quá trình sáng tạo. Bằng cách này, họa sĩ có thể sử dụng các công cụ và phần mềm A.I phát triển để tăng cường các kỹ năng mà không cần dựa quá nhiều vào sự sáng tạo. 


Thứ hai, chủ động theo dõi nắm bắt các xu hướng mới trong công nghệ, nghệ thuật. Làm quen và thích nghi với sự phát triển của A.I để tạo ra ra những tác phẩm hợp với sở thích và nhu cầu của khán giả. 


Thứ ba, họa sĩ có thể xây dựng một thương hiệu cá nhân trên các nền tảng truyền thông trực tuyến. Việc này giúp họa sĩ tạo ra một cộng đồng ủng hộ mạnh mẽ và tạo ra nhiều cơ hội hợp tác, tiếp thị với khán giả rộng hơn. 


Trình bày: Huy Mai