Fintech Việt Nam 2021 đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc khi lượng người dùng dịch vụ tài chính số tăng cao. Đây cũng là năm mà Covid-19 được xem là cú huých tạo đà cho quá trình số hoá toàn xã hội, tạo tiền đề cho sự vươn lên mạnh mẽ của lĩnh vực Fintech toàn cầu nói chung và thị trường Fintech Việt nói riêng.


1. Tổng quan thị trường Fintech Việt Nam 2021

Có thể nói, số lượng các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam luôn tăng trưởng theo từng năm. Năm 2015, Việt Nam bắt đầu với 39 công ty. Con số này tăng lên 44 công ty vào năm 2017, 124 công ty vào năm 2019, và lên 131 công ty vào năm 2020. (theo báo cáo thị trường Fintech Việt Nam 2020 của MasOffer Fintech)

Fintech Việt Nam 2021_HyperLead_1

Theo khảo sát của HyperLead – nền tảng Affiliate Marketing (Tiếp thị liên kết) hàng đầu Việt Nam, số lượng startup trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đã tăng gần 255% trong giai đoạn 2017-2021 (từ 44 công ty năm 2017 lên 156 công ty vào năm 2021). Trong đó, dịch vụ thanh toán vẫn là phân khúc lớn nhất, chiếm 24% số lượng các công ty Fintech. Cụ thể, tính đến tháng 12 năm 2021, Việt Nam có 43 nhà cung cấp dịch vụ phi ngân hàng được cấp phép, tuy nhiên chỉ có 37 đơn vị đang thực sự hoạt động.

Fintech VIệt Nam_HyperLead_2

Thêm vào đó, landscape Fintech Việt Nam 2021 cũng ghi nhận thêm sự xuất hiện của 03 mảng mới bao gồm Buy Now Pay Later, Real Estate Fintech và Accounting & Finance nhờ sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của các startups như Finhome, Fundiin, Bizzi, …


2. Các mảng nổi bật của Fintech Việt Nam 2021

2.1. E-payment (Thanh toán điện tử)

Trong khi hàng loạt ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, E-payment (thanh toán điện tử) lại có cơ hội bứt phá vượt trội. Theo khảo sát của Visa, 57% người tiêu dùng có tới ba ứng dụng ví điện tử trên điện thoại, 55% người tiêu dùng ưa thích ứng dụng có thể thực hiện tất cả các giao dịch.

Nhiều chuyên gia nhận định, trong năm 2022, thị trường ví điện tử sẽ cạnh tranh khốc liệt, có thể thúc đẩy các nhà cung cấp ví điện tử sáp nhập thành một vài siêu ứng dụng (super app) hàng đầu trong khu vực và địa phương nhằm thống lĩnh thị trường. Không chỉ thế, nhiều siêu ứng dụng và nhà cung cấp dịch vụ thuộc các nhóm ngành kinh tế khác (như thương mại điện tử, bán lẻ và dịch vụ tài chính) cũng sẽ bắt tay cùng hợp tác.


2.2. Buy Now Pay Later (Mua trước trả sau)

Theo báo cáo của Research & Markets, Buy Now Pay Later (mua trước trả sau) tại Việt Nam dự kiến tăng 71,5% mỗi năm và đạt giá trị hơn 697 triệu USD vào năm 2021.

Sự phát triển của ngành này chủ yếu được thúc đẩy bởi thế hệ trẻ và đặc biệt là Gen Z – những người làm chủ thị trường tiêu dùng ngày nay, không thụ động chờ lương về để hạch toán các khoản chi tiêu trong kỳ. Nhu cầu mua sắm, thanh toán các hóa đơn đến hạn… luôn thúc giục họ có những giải pháp tài chính sáng tạo hơn. Và đó là cơ hội của mảng dùng trước, trả sau.

Ở chiều ngược lại, sản phẩm không chỉ giải quyết nhu cầu tài chính cho người dùng mà còn góp phần thúc đẩy doanh số bán lẻ, dịch vụ, đây cũng là một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế hồi phục.


2.3. Wealth Management (Đầu tư tài chính)

Nếu giai đoạn 2008 – 2017 là thời kỳ bùng nổ sự xuất hiện của các nền tảng, giải pháp, ứng dụng thanh toán, góp phần kiến tạo nền móng cho sự phát triển của thị trường Fintech Việt Nam. Trong khi giai đoạn 2017 – 2020 là thời kỳ của làn sóng các doanh nghiệp/ dự án cho vay ngang hàng và blockchain/cryptocurrency thì từ năm 2020 tâm điểm của sự chú ý đã, đang và sẽ chuyển dịch dần sang các giải pháp công nghệ cho thị trường đầu tư tài chính và bảo hiểm.

Fintech Việt Nam 2021_HyperLead_4

Việc một số startup Fintech trong những lĩnh vực này nổi lên mạnh mẽ thời gian gần đây như Tikop, Anfin, Infina, Finhay, Finbase…. chính là những dấu hiệu rõ nét nhất cho thấy điều này. Mặc dù đã manh nha xuất hiện từ giai đoạn 2017 – 2019, song phải đến năm 2020, đặc biệt là năm 2021, thị trường mới chứng kiến sự phát triển cả về lượng và chất của các startup Fintech trong lĩnh vực này.


3. Các thương vụ đầu tư Fintech Việt Nam 2021

Theo báo cáo thường niên của ESP Capital và Cento Ventures, bất chấp những biến động thị trường do đại dịch Covid-19 gây ra, vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup Việt Nam năm 2021 vẫn đạt mức cao kỷ lục với tổng số tiền đầu tư hơn 1,3 tỷ USD:

  • Đầu năm, MoMo gọi vốn thành công vòng Series D với giá trị 100 triệu USD, nâng tổng số vốn gọi vào MoMo lên khoảng 232,7 triệu USD. Thêm vào đó, MoMo cũng mua lại một công ty khởi nghiệp AI – Pique, để tận dụng hơn nữa nguồn dữ liệu gồm 25 triệu người đăng ký. Cuối năm, MoMo tiếp tục hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E) với số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu, gồm Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management.
  • Jeff App huy động được 1 triệu đô la khi ra mắt thị trường đầu tiên tại Việt Nam.
  • Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures công bố dẫn dắt vòng gọi vốn Pre-Series A trị giá 1,5 triệu USD vào nền tảng Fintech MFast.
  • Infina hoàn tất vòng gọi vốn trị giá 2 triệu USD từ 5 quỹ đầu tư.
  • Funtap Corp đã hoàn tất ký kết đầu tư chiến lược vào ứng dụng Tích luỹ và Đầu tư Tikop.
  • VNLife (đơn vị sở hữu VNPay, VNTravel, Mytour, Teko, Phong Vũ, Sapo, POS365, iCheck, VnInvoice…) đã huy động thành công hơn 250 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B.
  • Tiki đã huy động được 94 triệu USD. Cụ thể, 20 triệu USD từ Taiwan Mobile; 60 triệu USD từ hãng bảo hiểm AIA; 7,5 triệu USD, 5 triệu USD và 1,5 triệu USD lần lượt từ các quỹ đầu tư AppWorks, CE Fintech Capital, Nextrans.
  • Anfin đã huy động thành công 510.000 USD từ ba Quỹ đầu tư: Global Founders Capital (GFC), First Check Ventures và R2 Venture Partners và 500.000 USD ở vòng hạt giống từ Y Combinator (YC).

Không những nhận được những khoản đầu tư lớn, nhiều thương vụ M&A/hợp tác cũng làm thị trường Fintech Việt Nam 2021 “nóng” hơn bao giờ hết, phải kể đến các thương vụ đình đám như sau:

  • Ngân hàng MB Bank hợp tác cùng Tổ chức thanh toán quốc tế UnionPay phát hành thẻ Ghi nợ phi vật lý Quốc tế UnionPay.
  • AIA Việt Nam cung cấp Bảo hiểm Nhân thọ và Sức khỏe thông qua Nền tảng Thương mại Điện tử của Tiki.
  • Ngân hàng số Cake by VP Bank lựa chọn nền tảng ngân hàng đám mây dẫn đầu thị trường do Mambu cung cấp.
  • Finhay hợp tác cùng ngân hàng CIMB chính thức ra mắt thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng CIMB – Finhay.
  • Lotte Finance triển khai Dịch vụ BNPL tại Việt Nam, dựa trên phần mềm thanh toán kỹ thuật số Way4 của Open Way.
  • CIMB hợp tác chiến lược với F88 cùng nhau triển khai dịch vụ tài chính.

Fintech Việt Nam 2021_HyperLead_3


4. Dự đoán xu hướng Fintech Việt Nam 2022

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến các công ty trong lĩnh vực Fintech ngày càng phụ thuộc vào công nghệ. Vì vậy, Regtech (việc quản lý các quy trình pháp lý trong ngành tài chính thông qua công nghệ) sẽ giúp đơn giản hóa quy trình tuân thủ các quy định và luật hiện hành.

Cùng với sự gia tăng người dùng điện thoại thông minh, Fintech đang phát triển và sử dụng các hệ thống bảo mật sinh trắc học để nhận diện các đối tượng cho hoạt động thanh toán và chuyển tiền.

Hợp tác với các công ty Fintech là bước đi cần thiết của ngân hàng trong thời đại kỹ thuật số. Phần lớn sự phát triển không ngừng của ngành Ngân hàng là nhờ vào sự gia tăng của các dịch vụ tài chính do các công ty phi ngân hàng cung cấp. Lợi ích của BaaS (Banking-as-a-Service) cũng đã được các tổ chức tài chính công nhận rõ ràng. Ngoài ra, các ngân hàng ở Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng hỗ trợ cách kênh thanh toán tự động cho B2B Fintech. Việc này mở ra nhiều cơ hội lớn cho các B2B FinTech startups có thể khai phá thị trường.

Không thể phủ nhận GameFi và Play-to-Earn cũng là một trong những xu hướng chính được nhiều người tìm hiểu và đầu tư trong năm 2021. Bằng chứng là việc xuất hiện của rất nhiều dự án Blockchain Game: Axie Infinity, Radio Caca, Illuvium, DeFi Kingdom,… đã có được thành công vang dội khi dự án nào cũng được định giá từ vài trăm triệu đến tỷ đô, vượt xa hơn hẳn các tựa game truyền thống.

Xem đầy đủ bài báo cáo thị trường Fintech Việt Nam 2021 tại đây.