Trong công việc, chúng ta thường xuyên phải đưa ra quyết định dựa trên lòng tin. Chúng ta tin tưởng vào bạn bè, đồng nghiệp và thậm chí là cả những người mới gặp lần đầu.


Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các khía cạnh của niềm tin trong công việc, cách tận dụng "niềm tin thông minh" để phối hợp hiệu quả cùng người khác và tạo ra những kết quả đột phá. Bài viết sẽ gồm những khía cạnh sau:

  • Kinh tế học về niềm tin: Khi niềm tin đóng vai trò như là hệ số nhân, giúp khuếch đại hiệu quả của cả chiến lược và thực thi.
  • Hiểu về niềm tin thông minh: Các cấp độ của niềm tin, và cách để có được trực giác sáng suốt để đặt niềm tin vào đúng người, đúng thời điểm
  • Áp dụng niềm tin thông minh trong công việc: Xây dựng uy tín và sự đáng tin cậy của cá nhân và phát triển trực giác về niềm tin với người khác.


Bài viết thể hiện góc nhìn cá nhân của tác giả, kết hợp với nội dung của các tác phẩm "Speed of Trust - Tốc độ của Niềm Tin", "Smart Trust - Niềm tin thông minh" và "Trust and Inspire - Trao niềm tin, truyền cảm hứng của tác giả Stephen M.R.Covey".


Kinh tế học về niềm tin

Có một thứ quen thuộc với mọi tổ chức, cá nhân, các mối quan hệ, nhóm, nền kinh tế, nền văn minh trên thế giới... Một thứ mà khi lấy nó ra khỏi chủ thể, nó sẽ sụt đổ tất cả Chính phủ mạnh nhất, doanh nghiệp. Đó là chính là Niềm Tin.


Trong cuốn sách kinh điển về quản trị "Speed of Trust - Tốc độ của niềm tin", tác giả Stephen M.R Covey đã đưa ra một lập luận đầy thuyết phục về vai trò quan trọng của niềm tin trong việc tạo ra kết quả. Ông lập luận rằng niềm tin đóng vai trò như một chất xúc tác mạnh mẽ, khuếch đại hiệu quả của cả chiến lược và thực thi, dẫn đến thành công vang dội.


Covey đưa ra một công thức đơn giản nhưng đầy sức mạnh:

Kết quả = (Chiến lược + Thực Thi) x Niềm tin
Niềm tin cao = Tốc độ nhanh + chi phí giảm

Hiểu một cách đơn giản, bạn vẫn thường thấy một doanh nghiệp tạo ra Kết quả, Giá Trị, Lợi Nhuận

  • Chiến lược: Đây là những kế hoạch và định hướng được đề ra nhằm đạt được mục tiêu cụ thể.
  • Thực Thi: Là quá trình biến chiến lược thành hành động thực tế.
  • Niềm tin: Là niềm tin tưởng, tin cậy lẫn nhau giữa các cá nhân hoặc tổ chức tham gia vào quá trình thực hiện chiến lược.


Theo Covey, niềm tin đóng vai trò như là hệ số nhân, giúp khuếch đại hiệu quả của cả chiến lược và thực thi. Khi có niềm tin, mọi người sẽ cởi mở hơn, hợp tác hiệu quả hơn, và sẵn sàng hỗ trợ nhau để đạt được mục tiêu chung. Nhờ vậy, chiến lược được thực thi nhanh chóng, hiệu quả và ít gặp phải rào cản hơn.


Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy một vài ví dụ.

  • Trong một dự án: Niềm tin giữa các thành viên trong nhóm giúp họ phối hợp nhịp nhàng, hỗ trợ lẫn nhau và giải quyết vấn đề hiệu quả, từ đó đẩy nhanh tiến độ dự án và nâng cao chất lượng sản phẩm.
  • Trong một doanh nghiệp: Niềm tin giữa lãnh đạo và nhân viên giúp thúc đẩy giao tiếp cởi mở, chia sẻ thông tin và ý tưởng, từ đó dẫn đến việc đưa ra quyết định sáng suốt và hiệu quả hơn.
  • Trong một cộng đồng: Niềm tin giữa các cá nhân và tổ chức giúp xây dựng mối quan hệ bền chặt, tạo điều kiện cho sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.


Hiểu về niềm tin thông minh.

“Chúng ta tiếp cận tình huống với niềm tin cơ bản rằng mọi người ai cũng có tài năng và ý định tốt để có thể cộng tác và hoàn thành công việc cùng họ"

Nhưng để có một niềm tin thông minh, một trực giác sáng suốt để đặt niềm tin vào đúng người, đúng thời điểm; chúng ta cần hiểu một chút về các cấp độ của niềm tin, và cách để có được niềm tin thông minh.


"Smart Trust" là một cách tiếp cận cân bằng giữa xu hướng trao niềm tin cho người khác và sự phân tích tình huống thấu đáo.


Về cơ bản, Smart Trust là sự kết hợp giữa việc tin tưởng vào người khác và việc sử dụng trí tuệ để đánh giá mức độ tin cậy của họ.


Biểu thị sự tin tưởng trong mối quan hệ thông qua bốn vùng chia thành bốn phần: Bắt đầu với "No Trust" (Không tin tưởng) và "Distrust" (Chỉ tin vào bản thân mình), "Blind Trust" (Tin tưởng mù quáng), "Smart Trust" (Niềm tin thông minh)


  • Mức 1: Không tin tưởng (Distrust): Ở mức này, người ta không tin tưởng ai cả, luôn nghi ngờ và dè chừng. Điều này này có thể dẫn đến sự cô lập, thiếu hợp tác và hiệu quả công việc thấp.
  • Mức 2: Chỉ tin bản thân (Distrust ): Ở mức này, người ta chỉ tin tưởng bản thân, không tin tưởng ai khác. Niềm tin này có thể dẫn đến sự độc đoán, thiếu linh hoạt và khó khăn trong việc hợp tác với người khác.
  • Mức 3: Niềm tin mù quáng (Blind Trust): Ở mức này, người ta tin tưởng mọi người một cách vô điều kiện, không hề xem xét hay đánh giá gì. Niềm tin này có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực, ví dụ như bị lừa đảo hay lợi dụng.
  • Mức 4: Niềm tin thông minh (Smart Trust): Ở mức này, người ta tin tưởng dựa trên sự đánh giá và phân tích cẩn thận. Họ xem xét các yếu tố như uy tín, năng lực, quá khứ của người khác trước khi quyết định tin tưởng. Niềm tin thông minh giúp xây dựng những mối quan hệ bền vững và hiệu quả


Niềm tin thông minh là một loại niềm tin dựa trên sự đánh giá và phân tích cẩn thận. Khi chúng ta tin tưởng thông minh, chúng ta xem xét các yếu tố như uy tín, năng lực, quá khứ của người khác trước khi quyết định tin tưởng. Niềm tin thông minh giúp chúng ta xây dựng những mối quan hệ bền vững và hiệu quả, đồng thời tránh được những rủi ro tiềm ẩn.


Áp dụng niềm tin thông minh trong công việc.

Tin tưởng là một trong những đức tính và kỹ năng cơ bản để bạn có thể hợp tác hiệu quả cùng người khác và tạo ra kết quả vượt trội trong công việc. Hai khía cạnh mà bạn cần quan tâm khi áp dụng niềm tin thông minh trong công việc của mình sẽ bao gồm:

  • Phát triển uy tín và niềm tin cá nhân, song song đó là rèn luyện trực giác về niềm tin thông mình của bạn đối với người khác.
  • Hiểu và làm chủ được "Calculated Risk - Rủi ro trong khả năng kiểm soát" khi bạn đặt niềm tin vào người khác.


Phát triển uy tín và niềm tin cá nhân

Cũng trong tác phẩm "Speed of Trust - Tốc độ của niềm tin", tác giả Stephen M.R Covey tiếp cận theo hướng: Niềm tin hình thành từ hai yếu tố (1) Bản Tính và (2) Năng Lực

  • Bản tính bao gồm tính Chính Trực, Động Cơ và Chủ Đích rõ ràng của bạn đối với người khác
  • Năng lực bao gồm khả năng, kỷ năng, kết quả và thành tích


Đa số mọi người đều nghĩ rằng niềm tin đến từ bản tính. Một người đáng tin cậy nếu họ là người tốt, trung thực, chân thành, tử tế. Nhưng việc bỏ qua năng lực như thế vẫn còn thật khiếm khuyết, khi mà xét về tính đáng tin cậy của 1 con người, chí ít là trong góc độ công việc.

Nói về tầm quan trọng của năng lực, một ví dụ thật đơn giản, nếu bạn đang bị bệnh thì trong trường hợp này, vị bác sĩ sẽ đáng tin (về mặt năng lực), hơn người bạn thân của bạn.

Đó là một ví dụ rất vui nhưng cũng rất rõ ràng về việc khi chúng ta xem xét sự đáng tin cậy của một con người chúng ta nên xem xét ở cả hai góc độ bản tính và năng lực.


Vì vậy, gợi ý để bạn không ngừng xây dựng uy tín của mình và khiến người khác ngày càng tin cậy bạn đó thật đơn giản:

Sống đúng giá trị (bản tính), và hãy tạo ra kết quả (năng lực) - Jack Welch, cựu CEO của GE.


Vậy làm thế nào để phát triển trực giác về niềm tin đối với người khác?

Dưới đây là một số gợi ý:

  • Lắng nghe trực giác của bạn: Hãy chú ý đến cảm giác của bạn khi tương tác với người khác. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái hoặc nghi ngờ, hãy dành thời gian để tìm hiểu thêm về họ trước khi đặt niềm tin.
  • Hỏi những câu hỏi phù hợp: Đặt những câu hỏi giúp bạn đánh giá cả bản tính và năng lực của người đó. Ví dụ, bạn có thể hỏi về kinh nghiệm, thành tích và cách họ xử lý các tình huống khó khăn trong quá khứ.
  • Quan sát hành động của họ: Hành động của một người thường nói lên nhiều điều hơn lời nói. Hãy chú ý đến cách họ đối xử với người khác, cách họ thực hiện công việc và cách họ giữ lời hứa.
  • Học hỏi từ kinh nghiệm: Hãy ghi nhớ những trải nghiệm trước đây của bạn với những người đáng tin cậy và những người không đáng tin cậy. Những kinh nghiệm này sẽ giúp bạn đưa ra những đánh giá chính xác hơn trong tương lai.

Phát triển trực giác về niềm tin là một kỹ năng quan trọng giúp bạn xây dựng những mối quan hệ bền chặt và đưa ra những quyết định sáng suốt trong cuộc sống. Hãy dành thời gian để rèn luyện kỹ năng này và bạn sẽ gặt hái được nhiều lợi ích trong tương lai.


Phát triển "tín dụng" niềm tin của bạn.

Niềm tin hoạt động giống như một thẻ tín dụng. Khi bạn nạp tiền vào thì gọi là “Deposit”, rút ra gọi là “Withdrawal“, khi rút ra vượt qua nạp vào thì gọi là “thấu chi”.



Thử tượng tượng, bạn gặp một ai đó và đặt vấn đề làm việc cùng họ cũng giống như việc bạn đến ngân hàng; nhờ họ cấp cho mình một khoản tín dụng. Tín dụng đối với ngân hàng có thể là lịch sử tài chính, bảng lương; còn tín dụng về niềm tin có thể là tính cách, danh tiếng của bạn; hay các thành tích kinh nghiệm của bạn.

Nhưng hãy nhớ, khoản "tín dụng" lúc này không phải là của bạn; mà là của họ cho bạn mượn. Bạn chỉ thực sự tạo ra niềm tin khi bạn có hành động "Gửi niềm tin" vào, cao hơn "Rút niềm tin" ra.


Trong mối quan hệ công việc giữa hai người, cũng có một dạng tài khoản hoạt động như vậy, đó gọi là tài khoản tình cảm hay tài khoản tín nhiệm

Tài khoản tín nhiệm là một ẩn dụ miêu tả độ tin cậy và tín nhiệm được tạo dựng trong một mối quan hệ. Đó là cảm giác an toàn và tin tưởng mà bạn có được với một người nào đó.


Mỗi lần được người khác tin tưởng và tín nhiệm giống như bạn vừa gửi thêm tiền vào tài khoản tín nhiệm của mình. Ngược lại khi bạn phá vỡ cam kết, không giữ lời.. giống như bạn vừa rút tiền ra khỏi tài khoản tín nhiệm của mình.



Hành động nạp thêm vào tài khoản tín nhiệm

Nếu bạn ký gửi vào tài khoản tín nhiệm của người khác bằng sự nhã nhận, tử tế, trung thực và giữ đúng các cam kết với bạn, thì tôi có được một khoản dự trữ. Sự tin cậy của người đó dành cho bạn sẽ tăng lên, và bạn có thể nhờ đến sự tin cậy đó nhiều lần khi cần.

Một tài khoản tin cậy cao, thì quá trình giao tiếp trở nên dễ dàng, nhanh chóng, và hiệu quả.

Khi “tín dụng tín nhiệm” của bạn với ai đó càng lớn, niềm tin càng được củng cố; mối quan hệ của bạn với người ấy dù là công việc, hay cá nhân đều sẽ rất thuận lợi.


Hành động rút đi tài khoản tín nhiệm

Nhưng ngược lại, nếu bạn có thói quen cơ sự bất nhã, thiếu tôn trọng, giận dữ, xem thường bạn, thất thường trong tính khí, hay thậm chí phản bội, đe dọa, thì cuối cùng tài khoản tín nhiệm của bạn sẽ bị thấu chi (rút quá số dư trên tài khoản). Sự tin tưởng của người khác dành cho bạn sẽ giảm. Khi đó, liệu còn cơ hội nào cho mối quan hệ, sự gắn kết nữa không?


Calculated Risk - Rủi ro trong khả năng kiểm soát

Trong môi trường làm việc, hợp tác là yếu tố then chốt dẫn đến thành công. Để hợp tác hiệu quả, điều kiện tiên quyết là tin tưởng đồng nghiệp. Khi bạn tin tưởng ai đó, đồng nghĩa với việc bạn đặt một phần hy vọng vào họ, và cũng có trong đó một phần chấp nhận rủi ro.

Tuy nhiên, rủi ro không đồng nghĩa với mạo hiểm hay thiếu trách nhiệm. Rủi ro trong khả năng kiểm soát (Calculated Risk) là chìa khóa để biến hợp tác thành sức mạnh.

Calculated Risk là những quyết định được đưa ra dựa trên đánh giá cẩn thận về các yếu tố liên quan, bao gồm khả năng thành công, khả năng thất bại, mức độ ảnh hưởng và khả năng chịu đựng hậu quả.

Lợi ích của việc tính toán Calculated Risk trong hợp tác:

  • Thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới: Khi mọi người sẵn sàng chấp nhận rủi ro hợp lý, họ sẽ cởi mở hơn với những ý tưởng mới và dám thử nghiệm những cách tiếp cận sáng tạo.
  • Tăng cường hiệu quả công việc: Calculated Risk giúp đẩy nhanh tiến độ công việc và giải quyết vấn đề nhanh chóng hơn, do mọi người không cần phải xin phép hoặc chờ đợi sự đồng ý liên tục.
  • Củng cố mối quan hệ: Khi bạn tin tưởng đồng nghiệp và cùng nhau chấp nhận rủi ro, bạn sẽ xây dựng được mối quan hệ hợp tác bền chặt và tin cậy lẫn nhau.

Calculated Risk không phải là một trò chơi may rủi. Nó đòi hỏi sự tỉnh táo, cẩn trọng và khả năng đánh giá rủi ro chính xác. Doanh nghiệp và cá nhân cần khuyến khích văn hóa Calculated Risk để thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả và đạt được thành công chung.


Tạm kết:

Niềm tin thông minh là một kỹ năng cần thiết để xây dựng những mối quan hệ bền vững và hiệu quả. Bằng cách áp dụng những nguyên tắc trên, bạn có thể xây dựng niềm tin với những người xung quanh và đạt được thành công trong cuộc sống. Trên góc độ niềm tin, có thể nói như thế này: Hạnh phúc và may mắn nhất là được nhiều người tin tưởng; và ngược lại thất bại lớn nhất là không được ai tin và không tin được ai.