Vén màn những điều thú vị về kỹ thuật Reverse Graffiti

Quảng cáo ngoài trời (Out Of Home - OOH) là một trong những hình thức truyền thông quan trọng giúp các chiến dịch của thương hiệu gây được sự chú ý. Tuy nhiên, loại hình này lại có nhiều rào cản lớn đối với doanh nghiệp như chi phí thực hiện đắt đỏ, giới hạn về không gian và địa điểm,... Vì thế, Reverse Graffiti ra đời như là một giải pháp mới cho nhãn hàng với chi phí tiết kiệm, mang lại hiệu quả tối ưu và thân thiện với môi trường. Đến nay, Reverse Graffiti đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam, kỹ thuật này gần như chưa từng được sử dụng.


Đừng bỏ lỡ những điều thú vị về phương pháp Reverse Graffiti trong bài viết dưới đây nhé!




Reverse Graffiti (kỹ thuật vẽ Graffiti ngược) hay còn được gọi Clean Graffiti hoặc Clean Advertising, là phương pháp loại bỏ lớp sơn hoặc bụi bẩn khỏi bề mặt để tạo ra những hình ảnh bám tạm thời hay vĩnh viễn. Hiểu một cách đơn giản, dòng chữ “wash me” (tạm dịch: hãy rửa xe) được vẽ tay nguệch ngoạc trên một chiếc xe bẩn cũng là sử dụng hình thức Reverse Graffiti. 


Dòng chữ “wash me” được vẽ bằng tay trên cửa kính xe ô tô.


Việc tạo ra hình ảnh bằng phương pháp Reverse Graffiti được thực hiện theo quy trình như sau: Đầu tiên, bụi bẩn trên bề mặt sẽ được loại bỏ bằng vải, bàn chải hay máy phun rửa áp lực cao. Song song đó, các nghệ sĩ phải tạo ra một khuôn mẫu mà họ muốn in lên bề mặt. Cuối cùng, khuôn thiết kế sẽ được đặt tại vị trí đã định sẵn và dùng máy phun rửa áp lực để tạo ra tác phẩm hoàn thiện.


Quá trình thực hiện một tác phẩm bằng phương pháp Reverse Graffiti.


Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, các nghệ sĩ chỉ sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường thay vì dùng sơn, mực hoặc giấy như phương pháp Graffiti truyền thống. Vì thế, Reverse Graffiti là một hình thức quảng cáo mới lạ mang thông điệp mạnh mẽ về môi trường mà nhiều doanh nghiệp đang hướng tới.



Reverse Graffiti được phát hiện lần đầu bởi nghệ sĩ đường phố Paul Curtis (nghệ danh là Moose) khi ông thực hiện công việc rửa chén tại nhà hàng. Moose cũng là một trong những nghệ sĩ đầu tiên tạo ra tác phẩm nghệ thuật bằng kỹ thuật Reverse Graffiti và kiếm được lợi nhuận từ nó. Sau đó, ông thành lập công ty riêng của mình là Symbollix, bắt đầu cộng tác cùng các tập đoàn lớn trên thế giới như Microsoft, Sony,...


Moose được xem là “cha đẻ” của phương pháp Reverse Graffiti.


Ngoài ra, Alexandre Orion cũng là một nghệ sĩ có ảnh hưởng trong giới Reverse Graffiti. Vào năm 2006, ông đã thực hiện tác phẩm bằng Reverse Graffiti quy mô lớn đầu tiên trong đường hầm dài hơn 1000 feet ở Brazil. Bức tranh gồm những hình vẽ mặt sọ nhằm kêu gọi tài xế giảm lượng khí thải từ các phương tiện giao thông ra môi trường.


Tác phẩm Ossario (ossuary) với thông điệp bảo vệ môi trường.



Khởi điểm là một loại hình nghệ thuật đường phố với thông điệp thân thiện cho môi trường, đến nay, Reverse Graffiti được thương hiệu sử dụng như một giải pháp thay thế cho phương tiện quảng cáo ngoài trời truyền thống với những lợi thế nổi bật:


  • Tác phẩm được đặt ở các vị trí có số lượng người qua lại lớn và ít phương tiện cạnh tranh trong khu vực xung quanh. Bên cạnh đó, qua quá trình nghiên cứu, doanh nghiệp có thể chủ động tìm các địa điểm tập trung nhiều khách hàng tiềm năng để chiến dịch đạt được hiệu quả cao hơn.


  • Các quảng cáo có thể được thực hiện ở hầu hết mọi nơi, thậm chí là trên vỉa hè bẩn hay con đường đầy bụi mà không bị giới hạn về mặt địa điểm như các dạng quảng cáo ngoài trời. 


  • Những chiến dịch triển khai bằng Reverse Graffiti ít tốn kém và mang lại hiệu quả hơn so với các phương tiện truyền thông ngoài trời truyền thống. Trong một cuộc khảo sát nhỏ tại Amsterdam, các nhà nghiên cứu đã đặt 14 chiến dịch tại những nơi khác nhau trong thành phố. Theo quan sát, họ đếm có hơn 16,000 người lướt qua quảng cáo và 15% trong số đó đã nhìn trực diện vào tác phẩm. Điều này phần nào chứng tỏ rằng những quảng cáo thực hiện bằng Reverse Graffiti rất hiệu quả và gây ấn tượng với người xem.


  • Reverse Graffiti được thực hiện bằng những vật liệu thân thiện với môi trường, vì thế đây là hình thức quảng cáo lý tưởng cho thương hiệu. Đặc biệt trong bối cảnh hầu hết các công ty đều đang hướng tới việc bền vững và có trách nhiệm với xã hội như hiện nay.


Ngoài ra, Reverse Graffiti được sử dụng với nhiều mục đích như: ra mắt sản phẩm mới, tăng độ nhận diện thương hiệu, tăng doanh số bán hàng, giới thiệu về sự kiện sắp diễn ra, biển chỉ dẫn đến một địa điểm hoặc sự kiện.


Reverse Graffiti được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.



1. Green Works


Vào tháng 4 năm 2008, Moose đã thực hiện bức tranh trên tường dài 140 foot đầy ấn tượng để quảng bá cho chất tẩy rửa làm sạch tự nhiên của Green Works - Công ty với các sản phẩm làm sạch 99% từ thực vật. Họ đã chọn đoạn bê tông bên ngoài Đường hầm Broadway của San Francisco - khu vực ô nhiễm nhất thành phố để tiến hành dự nhằm làm nổi bật tính năng của sản phẩm. Theo Ads of the World, có hơn 20,000 người đi qua vị trí này mỗi ngày và tác phẩm vẫn tồn tại đến hơn một năm sau đó.


Tác phẩm do nghệ sĩ Moose thực hiện cho Green Works.


2. BMW


Hợp tác cùng tạp chí Đức Süddeutsche Zeitun trong dự án tái hiện lại những loại xe điện nổi tiếng, vào năm 2011, Moose cùng tiểu thuyết gia người Mỹ Marc Cameron đã vẽ chiếc BMW i3 lên một bức tường ở Munich bằng phương pháp Reverse Graffiti.


Xe điện BMW i3 được vẽ bằng Reverse Graffiti.


3. Domino’s Pizza


Năm 2009, Domino’s Pizza hợp tác cùng công ty tiếp thị GreenGraffiti của Hà Lan tạo ra 210 mảnh ghép dựa trên logo của hãng trên đường phố tại ba thành phố của Hoa Kỳ: Philadelphia, New York và Los Angeles. Để quảng bá chiến dịch rộng rãi hơn, Domino đã tổ chức một trò chơi dựa trên những hình vẽ này. Cụ thể, thương hiệu kêu gọi mọi người chụp ảnh cùng các hình ảnh graffiti trên đường và gửi ảnh để có cơ hội nhận được thẻ quà tặng từ Domino. Chi phí thực hiện chiến dịch chưa đến 20.000 đô la nhưng đã mang lại lợi nhuận cho nhãn hàng đến khoảng 1 triệu đô la.


Minigame được tạo nên từ những hình vẽ trên đường của Domino’s Pizza.


4. Sony Xperia


Là một phần của chiến dịch do agency quảng cáo Iris Worldwide thực hiện cho Sony vào năm 2012, Công ty tiếp thị Dịch vụ quảng cáo đường phố (Street Advertising Services) đã tạo ra hình ảnh Xperiabot với phương pháp Reverse Graffiti trên khắp Vương quốc Anh. Xperiabot xuất hiện ở mọi nơi: từ hình ảnh trên biển quảng cáo, hình 3D thực tế, các mặt hàng thực phẩm đến nhiều trang web khác nhau nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng.


Sony kêu gọi mọi người quét mã QR và đăng lên mạnh xã hội khi tìm thấy Xperiabot đang “trốn thoát” để có cơ hội giành giải thưởng từ hãng. Theo báo Iris, chiến dịch thành công và tạo được tiếng vang lớn trên mạng xã hội giúp độ nhận biết thương hiệu của Sony tăng đến 33%.


Hình ảnh Xperiabot được thực hiện bằng Reverse Graffiti.


5. Microsoft (Xbox)


Vào năm 2002, Microsoft đã “bắt tay” cùng nghệ sĩ Moose thực hiện chiến dịch quảng bá cho sự ra mắt của Xbox ở Châu Âu. Moose đã sáng tạo chữ “X” - logo của Xbox với những hiệu ứng đặc biệt đã thu hút sự chú ý của mọi người và được đánh giá cao. 


Logo Xbox được Moose thực hiện bằng Reverse Graffiti với hiệu ứng đặc biệt.



Reverse Graffiti được biết đến là phương pháp quảng cáo có những lợi ích nổi bật, tuy nhiên hình thức này lại vướng phải nhiều tranh cãi không hồi kết xung quanh câu hỏi: Liệu Reverse Graffiti là nghệ thuật hay phá hoại?


Trong khoảng thời gian đầu xuất hiện, Reverse Graffiti luôn bị phản đối và gán với ý “phá hoại môi trường”. Hầu hết mọi người thường gọi các khu vực có hình vẽ Reverse Graffiti là “Grey Area Illegal” (tạm dịch: khu vực bất hợp pháp), có nghĩa là các nghệ sĩ làm sạch bụi bẩn là hợp pháp nhưng việc tạo ra hình ảnh trên tài sản của người khác có thể bị coi là xâm phạm quyền tài sản. Vì vậy, chính quyền một số nước đã liệt Reverse Graffiti vào danh sách quảng cáo bất hợp pháp (Illegal Advertising).


Tiêu biểu như khi nghệ sĩ Moose sử dụng kỹ thuật này để thực hiện tác phẩm quảng cáo ở Leeds, hội đồng thành phố cho rằng hành động này là “quảng cáo bất hợp pháp”. Họ cho rằng cư dân muốn khu vực sinh sống của mình thật sạch sẽ, không có những hình ảnh vẽ bậy hay quảng cáo bất hợp pháp. Vì thế đây được xem như là hành vi hủy hoại môi trường và hội đồng sẽ có biện pháp mạnh mẽ với các thương hiệu thực hiện chiến dịch với phương pháp Reverse Graffiti mà không có sự cho phép từ chính quyền.


Tương tự, vào năm 2011, một công ty quảng cáo ở Swindon, Anh đã bị hội đồng thành phố phạt vì một chiến dịch thực hiện với kỹ thuật này. Hay ở Hà Lan, các nhà quảng cáo cần phải có giấy phép trong khu vực để triển khai dự án ngay cả khi tác phẩm không bị phá hủy bởi chính quyền.


Reverse Graffiti nhận nhiều phản ứng trái chiều từ người dân và chính quyền các nước.





Đến nay, những tác phẩm thuộc Reverse Graffiti vẫn gây nhiều tranh cãi về tính nghệ thuật của nó. Nhiều người cho rằng chúng không phù hợp ở nơi công cộng vì làm mất mỹ quan khu vực sinh sống, tuy nhiên có người lại cho rằng hình thức này có vẻ đẹp riêng và thân thiện với môi trường. Do đó, các nhãn hàng cần cân nhắc kỹ khi áp dụng Reverse Graffiti trong truyền thông vì sau cùng phản hồi của khách hàng vẫn là quan trọng nhất.


Anh Thư / Advertising Vietnam


Vén màn những điều thú vị về kỹ thuật Reverse Graffiti

Anh Thư

Anh Thư

Content Writer | Advertising Vietnam

11 Thg 03 2021

Lưu

Cùng chuyên mục