Art Director Bim Nguyễn: “Sự độc bản không phải cái cớ để sáng tạo nội dung gây sốc”

Không ngừng khiến giới mộ điệu phải trầm trồ vì những lần phá bỏ nguyên tắc, liên tục “biến hoá” để trở nên phù hợp với từng bản sắc cá nhân, lĩnh vực thời trang được coi là “cái nôi” của những ý tưởng táo bạo. Ở một lĩnh vực đề cao sự đa dạng và cái tôi cá nhân như vậy, các tài năng sáng tạo cần biết dung hoà gu thẩm mỹ cá nhân với quan điểm của cộng đồng khán giả nhưng vẫn phải ghi được dấu ấn bền vững và riêng biệt trong lòng người xem.


Hơn 10 năm làm việc trong ngành thiết kế và thời trang ở nhiều vai trò, gần đây nhất là nhà sáng tạo nội dung đa nền tảng về lĩnh vực thời trang, Bim Nguyễn (tên thật là Nguyễn Hoàng Anh) thấu hiểu sâu sắc những xung đột giữa quan điểm thẩm mỹ cá nhân của người làm sáng tạo với “khẩu vị” người xem. Từ đó, chị đã đúc kết cho mình bí quyết chinh phục từng phân khúc khách hàng mục tiêu khác nhau trên các nền tảng, cũng như quan điểm về các vấn đề nổi trội ngày nay trong ngành sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo về lĩnh vực thời trang.



Hiện tại, Bim Nguyễn đang là một Art Director (Giám đốc nghệ thuật) và Stylist cá nhân chuyên nghiệp. Chị từng theo học Học viện Thiết kế và Thời trang London tại Hà Nội (LCDF). Ngoài ra, Bim Nguyễn có 5 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành thiết kế nội thất. Tư duy về nghệ thuật sắp đặt, kỹ năng hình ảnh hoá ý tưởng và năng lực sáng tạo mà chị thu nạp được từ lĩnh vực nội thất đã trở thành “cánh tay phải” đắc lực cho chị khi bắt đầu lấn sân sang nghề stylist. Thời điểm đó, cô gái trẻ Bim Nguyễn chưa từng nghĩ đến ngày mình sẽ trở thành một Art Director rồi một Content Creator (nhà sáng tạo nội dung) đa nền tảng được nhiều người biết đến. Kiêm nhiệm cả ba vai trò: Art Director, Stylist cá nhân và Content Creator, Bim Nguyễn làm thế nào để hoàn thành hiệu quả tất cả công việc trong cùng một ngày? Cùng “bóc tách” qua những chia sẻ dưới đây của Bim Nguyễn - Art Director, Stylist và Content Creator Millenials!



Bim Nguyễn bắt đầu mở kênh TikTok YouTube từ khoảng cuối năm 2021. Thời điểm đó, chị đang tập trung phát triển định hướng trở thành một Stylist cá nhân, bên cạnh Stylist cho các buổi photoshoot (chụp hình) hay cho nghệ sĩ/influencer. Nhưng dù ở vị trí là một Art Director, Stylist hay Content Creator, Bim Nguyễn đều phải làm việc trực tiếp và thường xuyên với khách hàng cũng như các thương hiệu. Đối với Content Creator, chị còn phục vụ thêm một đối tượng “khách hàng” nữa: cộng đồng khán giả theo dõi kênh. Làm nghề, làm sáng tạo trong một lĩnh vực chịu sự chi phối của gu thẩm mỹ cá nhân như thời trang, bài toán lớn nhất dành cho Bim Nguyễn chính là sự hoà hợp giữa nhiều quan điểm về cái đẹp. 


Hoà hợp nhưng không hoà tan. Phép tính giải bài toán của chị là xây dựng bản sắc cá nhân và cá tính riêng trong thời trang để “bắt nhịp” với khách hàng hay khán giả có cùng tần sóng gu thẩm mỹ. Chị nhấn mạnh rằng khi khách hàng đã tìm đến một Stylist, Art Director hay TikToker tức là họ phải nhận thấy phong cách cá nhân của nhà sáng tạo đó phù hợp với cộng đồng khán giả hay tệp khách hàng của thương hiệu. Đương nhiên, thương hiệu sẽ thấu hiểu tệp khách hàng của họ hơn bất kỳ ai hết. Giống như thương hiệu, nhà sáng tạo nội dung cũng là người biết khán giả mục tiêu của mình là ai, yêu thích điều gì. Do đó, phong cách cá nhân không chỉ giúp người làm nghề sáng tạo nội dung độc đáo mà còn đem lại nhiều lợi ích hơn cho khách hàng hay cộng đồng khán giả của mình.


Tóm lại, một khi đã quyết định biến đam mê thành công việc, biến bản sắc cá nhân thành unique selling point (lợi điểm bán hàng độc nhất) của bản thân thì người sáng tạo phải luôn làm việc trong tâm thế chuyên nghiệp: tôn trọng khách hàng, lắng nghe nguyên do đằng sau mong muốn của khách hàng, phân biệt giữa sáng tạo cho bản thân và sáng tạo cho khách hàng.



Đối với Bim Nguyễn, từ khóa quan trọng nhất để làm chủ nguyên tắc làm việc trên chính là “gia giảm”: hạ cái tôi xuống mức vừa phải để thấu hiểu khách hàng và mục đích thực sự của công việc sáng tạo. Sản phẩm không thuộc về cá nhân nhà sáng tạo thì phải dựa trên góc nhìn nghệ thuật của khách hàng và phục vụ tệp khán giả của khách hàng.


Khi được hỏi về sự giao thoa giữa chuyên môn của Art Director và TikToker, Bim Nguyễn thẳng thắn: công việc của một Stylist và Art Director hỗ trợ cho chị nhiều hơn khi làm TikToker (cách đặt máy quay, bố cục cảnh quay, tư duy thẩm mỹ,...). Từ đó, Bim Nguyễn đúc kết bốn kỹ năng mà một bạn trẻ mới chỉ sáng tạo nội dung trên TikTok cần trau dồi thêm, nếu muốn trở thành Art Director thực thụ: 

  • Kiến thức về nghệ thuật sắp đặt
  • Tư duy về bố cục bối cảnh
  • Kỹ năng lãnh đạo
  • Kỹ năng thuyết trình



Khoảng thời gian còn làm Stylist và Art Director cho những bộ hình, video, Bim Nguyễn thường tự hỏi: Liệu những hình ảnh chỉn chu trên những tấm hình đó đã thực sự là cái tôi chân thật nhất của người đi chụp hay chưa? Hay chỉ là sự hào nhoáng nhất thời của những bức hình đã qua chỉnh sửa? Từ đó, chị nhận ra stylist nên là người có thể cải thiện và “nâng cấp hình ảnh của mọi người ngay cả khi rời xa những ống kính máy ảnh. Đây chính là giá trị bền vững mà chị tâm huyết theo đuổi khi quyết định trở thành một Stylist cá nhân. Công việc này đòi hỏi chị phải mở rộng networking (mạng lưới mối quan hệ) và xây dựng personal branding (thương hiệu cá nhân) để tìm kiếm khách hàng. Đó là một trong những động lực thúc đẩy chị mở kênh TikTok và YouTube để chia sẻ kiến thức về thời trang và truyền tải những thông điệp tích cực.



Giờ đây, sáng tạo nội dung đã trở thành một trong những công việc chính của tôi. Phát triển nội dung chất lượng giúp tôi định vị thương hiệu cá nhân, được nhiều người biết đến và yêu mến. Từ đó, networking của tôi mở rộng, khách hàng cũng tự tìm đến nhiều hơn. Công việc sáng tạo nội dung đã vô tình trở thành bệ phóng cho sự nghiệp cá nhân của tôi. Vậy nên, các bạn trẻ hãy cứ sáng tạo nội dung đi. Nếu chưa biết làm về chủ đề gì, hãy bắt đầu từ việc quảng bá chính bản thân mình.” - Bim Nguyễn bộc bạch.



Bim Nguyễn bật mí thêm về bí quyết giúp chị sáng tạo nội dung hiệu quả và đảm bảo được lợi ích của cả ba bên: nhà sáng tạo, khán giả và nhãn hàng. Thứ nhất, người làm sáng tạo cần xác định bản sắc cùng mục tiêu cho kênh của mình và phải luôn lấy đó làm “kim chỉ nam”. Thứ hai, người làm sáng tạo phải luôn quan tâm tới sở thích của tệp khán giả mục tiêu. Chị nhấn mạnh: “Ví dụ, khi nhận quảng cáo từ nhãn hàng, nếu sản phẩm của họ không đem lại giá trị cho cộng đồng người xem của mình hay không phù hợp với định hướng kênh thì nhà sáng tạo phải biết từ chối”. Bởi, việc cố chấp nhận quảng cáo sẽ chẳng được người mà cũng lại mất ta. Sản phẩm không phù hợp vừa tạo ra mâu thuẫn trong định hướng nội dung của kênh, vừa không đem lại hiệu quả cho chiến dịch quảng bá của nhãn hàng.



Nhiều nhà sáng tạo nội dung thường cho rằng áp lực tâm lý khi sắp đến deadline sẽ giúp họ cho ra đời những ý tưởng thú vị và táo bạo hơn. Điều này có thể dẫn đến nhiều bất cập: không đáp ứng được deadline, rủi ro trễ nải quy trình công việc, nội dung sáng tạo thiếu chỉn chu,... Hình ảnh của nhà sáng tạo cũng vì vậy mà trở nên thiếu chuyên nghiệp trong mắt nhãn hàng và chính khán giả của mình.


Ngoài ra, thuật toán của TikTok thường ưu tiên những tài khoản có tần suất đăng video thường xuyên và đều đặn. Do đó, nếu thường xuyên thiếu hụt ý tưởng mà không thể sản xuất nội dung theo kế hoạch, nhà sáng tạo sẽ bị xếp hạng thấp trên TikTok, và chật vật trong việc thấu hiểu thị hiếu của cộng đồng khán giả.   



“Vũ khíbí mật giúp Bim Nguyễn tránh khỏi những lần bí ý tưởng và giảm thiểu rủi ro phải “chạy deadline sát nút chính là lập kế hoạch nội dung dài hạn và ngắn hạn cho kênh. Bí quyết này không chỉ “phòng hờ“ được nhiều ý tưởng cho Bim Nguyễn, mà còn giúp chị tránh được sự trùng lặp nội dung; phát triển nội dung thống nhất, liền mạch; xác định được các content pillar để tái sử dụng ở nền tảng khác. Thông thường, để có ý tưởng lên kế hoạch nội dung cho tất cả nền tảng, chị sẽ lấy chất liệu từ chính công việc và cuộc sống xung quanh (mẹo phối đồ đi làm, kiến thức thời trang, ý tưởng trang phục cho buổi chụp hình,...).  


Đối với nhà sáng tạo nội dung đa nền tảng, quy trình lên kế hoạch nội dung cùng quy trình thực thi sản phẩm cho mỗi nền tảng sẽ phải độc lập hoàn toàn. Các nền tảng khác nhau thường yêu cầu định dạng video khác nhau cũng như phục vụ tệp khán giả khác nhau, điển hình là TikTok và YouTube. Bim Nguyễn chia sẻ đặc thù nội dung về thời trang là khán giả phải nhìn được tổng thể và cận cảnh outfit (trang phục). Do đó, việc đưa video của nền tảng này sang nền tảng kia sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng nội dung và trải nghiệm của người xem. Nếu muốn tiết kiệm thời gian và khai thác tối đa chất liệu sáng tạo, nhà sáng tạo về thời trang đa nền tảng có thể áp dụng thủ thuật: tái sử dụng ý tưởng; cố gắng chia nhỏ các content pillar thành nhiều dạng ý tưởng, và triển khai dần trên nhiều nền tảng. Đây cũng chính là lúc kế hoạch nội dung của nhà sáng tạo có đất dụng võ!  



Hiện nay, nền tảng TikTok trao quyền sáng tạo rất nhiều cho người dùng. Họ được khuyến khích thoải mái thể hiện bản thân và khẳng định cái tôi cá nhân. Cũng nhờ vậy, một số hiện tượng mạng đã nổi lên với phong cách ăn mặc được đánh giá là “lố lăng”, “lập dị”. 


Chị Bim Nguyễn không phủ nhận sự khác biệt và độc bản là những yếu tố giúp nhà sáng tạo nổi tiếng nhanh chóng. “Người xem thì lúc nào cũng có ý kiến trái chiều. Sáng tạo nội dung cũng giống như bán hàng, mà sản phẩm ở đây là bản thân mình. Nhà sáng tạo chỉ cần tập trung vào khán giả mục tiêu của mình. Nếu sự lập dị đó vẫn đem lại giá trị cho chính bản thân nhà sáng tạo, vẫn có nhãn hàng cảm thấy họ phù hợp với sản phẩm hay vẫn có một tệp khán giả quan tâm và theo dõi họ, thì những đánh giá tiêu cực đó chỉ là sự đối lập trong quan điểm thẩm mỹ. Quan điểm thẩm mỹ đối lập không phải vấn đề quá lớn trong lĩnh vực thời trang.” - chị Bim Nguyễn nói. 


Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc nhà sáng tạo có thể mượn lí do đó để chĩa mũi rìu vào dư luận. Nếu những ý kiến trái chiều không xuất phát từ xung đột trong gu thẩm mỹ cá nhân mà do đi ngược lại thuần phong mỹ tục hay không có bất kỳ giá trị về thông tin nào, thì đó là lúc nhà sáng tạo cần nhìn nhận lại định hướng nội dung của mình. Vì suy cho cùng, sự độc lạ, gây sốc rồi sẽ nhanh chóng bão hoà. Giá trị thông tin mà nhà sáng tạo truyền tải qua những nội dung độc lạ mới là yếu tố “giữ chân” khán giả ở lại.  


Chị Bim Nguyễn nhận định nền tảng TikTok vẫn còn là “mảnh đất màu mỡ dành cho các nhà sáng tạo nội dung. Thực tế rằng gần đây TikTok xuất hiện nhiều nội dung tiêu cực hơn trước không đồng nghĩa với việc nền tảng này là hoàn toàn vô bổ. “Thuật toán của TikTok sẽ đề xuất video có nội dung tương tự những gì người xem đã từng theo dõi, tương tác. Do đó, tiêu cực hay không là tuỳ người dùng. Mặt khác, các nhà sáng tạo nội dung cũng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin bổ ích cho người dùng qua kênh của mình.” - chị Bim Nguyễn kết luận. 



Art Director Bim Nguyễn: “Sự độc bản không phải cái cớ để sáng tạo nội dung gây sốc”

Trang Ngọc

Trang Ngọc

Content Writer | Advertising Vietnam

19 Thg 09 2022

Lưu

Cùng chuyên mục