"Có nhiều cơ hội và tiềm năng để lan tỏa văn hóa thổ cẩm, nhưng cần nhiều thời gian"

Hẳn người trẻ không ít lần thắc mắc về ý nghĩa đằng sau những hoa văn thổ cẩm. Nhóm Ethnicity Vietnam được lập ra từ khao khát bảo tồn và thúc đẩy hiểu biết về di sản văn hoá của các dân tộc Việt Nam. Đội ngũ đã tạo ra Thư viện số đầu tiên về Hoạ tiết hoa văn thổ cẩm của cộng đồng 53/54 dân tộc Việt Nam bằng phương pháp mỹ thuật số hoá. 


Cùng trò chuyện với đại diện của Ethnicity Vietnam để khám phá hành trình đưa những hoa văn thổ cẩm của các dân tộc tới gần công chúng hơn. 



 


Thổ cẩm là một trong những biểu tượng văn hoá đặc trưng của Việt Nam. Đằng sau mỗi mũi dệt ẩn chứa một câu chuyện, nét văn hoá riêng của từng dân tộc. 


Trong những chuyến đi thực tế tới các ngôi làng, các thành viên Ethnicity Vietnam có dịp tìm hiểu sâu về nghề dệt. Họ nhận ra trước khi có chữ viết hay giấy, dệt thổ cẩm chính là một trong những phương thức đầu tiên để truyền đạt câu chuyện kể. Từ mùa vụ, đời sống thường ngày của bà con thời chiến hay thời bình đều được ghi lại trên những tấm thổ cẩm mà đồng bào trân quý như báu vật.


Hình ảnh nhóm Ethnicity Vietnam bên cạnh nghệ nhân dệt thổ cẩm.


Phương Quyên - thành viên của Ethnicity Vietnam chia sẻ: “Càng tìm hiểu, khai phá về kho tàng thổ cẩm, chúng mình càng yêu mến những hoa văn rực rỡ, độc đáo, khoe mình trên nền vải mềm mại, ấm áp. Các thành viên cũng yêu cách nghệ nhân dệt nên tấm thổ cẩm, hiểu hơn về tâm tư tình cảm của con người và lịch sử đất nước mình qua từng thời đại”


Sự tinh tế trong từng đường kim mũi chỉ.


Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và trước thực tại nghề dệt đang bị mai một, Ethnicity Vietnam đã đẩy nhanh xây dựng thư viện số trực tuyến hoa văn thổ cẩm của 53 dân tộc Việt Nam. Dự án đã thu thập, phân loại, số hóa hơn 500 hoa văn thổ cẩm của 19 dân tộc.



Vải thổ cẩm được dệt thủ công vốn có kích thước không đồng đều, dễ lệch nên nếu vẽ giống hệt thì tác phẩm số hóa trông sẽ rối mắt. Vì vậy, đằng sau những ô vuông pixel tưởng chừng đơn giản là cả quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, vẽ lại từng nét chỉ dệt một cách tỉ mỉ, sao cho sản phẩm đồng bộ nhưng không làm mất đi vẻ đẹp nguyên bản. 


Phương Quyên cho hay: “Dù những tấm thổ cẩm sờn vải, hoa văn phai mờ theo năm tháng, những file hình ảnh được lưu trữ là hình thức bảo tồn và lan toả, ứng dụng trong cuộc sống hiện đại một cách thiết thực”



Ethnicity Vietnam gồm 8 thành viên chính và các cộng tác viên đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng chung niềm yêu thích với văn hóa truyền thống và nghệ thuật. Là tổ chức phi lợi nhuận, toàn bộ tiền được ủng hộ đều dồn vào phát triển dự án nhưng các thành viên vẫn luôn hăng hái và nhiệt huyết với công việc suốt hơn 5 năm qua. 


Từ ngày bắt đầu dự án, nhóm luôn tìm kiếm cơ hội tiếp cận trực tiếp, trao đổi thông tin và học hỏi từ người thật việc thật, bởi “làm nghiên cứu chỉ trên giấy tờ, sách vở luôn có những hạn chế nhất định”.


Hình chụp hoa văn thổ cẩm sau khi được số hóa.


Trên hành trình lưu giữ và lan tỏa văn hóa thổ cẩm, Ethnicity Vietnam đã gặp không ít khó khăn. Nguồn lực và kinh phí hạn chế, bất đồng ngôn ngữ, giấy tờ hành chính,... là những thách thức mà nhóm phải vượt qua. 


Hai thành viên Phương Quyên và Chenin chia sẻ: “Tới lần thứ ba, thứ tư nhóm mình đến thì cô chú (người dân địa phương) đã quen và mở lòng chia sẻ với chúng mình một cách nhiệt thành". Ethnicity Vietnam cũng dần dần nhận được sự giúp đỡ từ Sở Văn hoá, các chuyên gia, các Quỹ văn hoá và mạnh thường quân. 



Bên cạnh việc phát triển thư viện, Ethnicity Vietnam còn thực hiện nhiều hoạt động nhằm tôn vinh và khơi gợi niềm đam mê văn hoá truyền thống. Nhóm ghi hình chuỗi phim ngắn “Chuyện người muôn năm cũ” để lưu giữ tư liệu về kỹ thuật dệt cũng như câu chuyện của các nghệ nhân thổ cẩm.



Quá trình ghi hình để lại nhiều cảm xúc trong lòng mỗi thành viên. Ví dụ như câu chuyện về “người bà" tuổi 80 mà thành viên Chenin tâm sự: “Dù đã lâu không làm nghề, bà vẫn trồng những cây bông vì nó gắn liền với cả tuổi thơ, tuổi trẻ dệt vải của mình và dòng chảy lịch sử của đất nước. Tình yêu với buôn làng được bà gửi trọn trong từng tấm dệt”


Nhóm cũng hợp tác với đối tác ở lĩnh vực sáng tạo và phát triển cộng đồng để mang tới cơ hội cho thanh niên đồng bào các dân tộc phát huy việc gìn giữ nét đẹp truyền thống thông qua các chương trình tập huấn, đào tạo. Ethnicity Vietnam cũng tổ chức những buổi cho học sinh thành phố tham quan và trải nghiệm thực tế nghề dệt truyền thống. 


 


Bản thân tên gọi “Ethnicity Vietnam” gồm hai thành tố - Ethnic (dân tộc) và City (thành thị) đã nói lên mong ước đem nét đẹp văn hoá thổ cẩm cùng giá trị truyền thống tới gần đô thị và người trẻ. Ethnicity Vietnam ví mình như người truyền lửa, nghệ nhân dệt là người thắp lửa và thế hệ trẻ là người giữ lửa. 



Với 4 thư viện: thư viện nghiên cứu, thư viện hoa văn phát triển, thư viện hoa văn ứng dụng và thư viện minh họa, Ethnicity Vietnam tái hiện lại nếp sinh hoạt, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc và giúp người xem dễ truy xuất nguồn gốc, ý nghĩa hoa văn. 


Ngoài ra, nhóm còn sáng tạo nhiều hoạ tiết phù hợp ứng dụng vào cuộc sống hiện đại như các vật dụng hàng ngày, thời trang, ấn phẩm sưu tập hay tích cực quảng bá trên phương tiện truyền thông, triển lãm tương tác. 


Nhóm cũng kỳ vọng có thể xuất bản những tập truyện kể về từng hoa văn và truyện tranh về nghề truyền thống để thanh thiếu niên được tiếp cận gần hơn với lịch sử và bản thể trong một góc con người Việt Nam. 


Một sản phẩm sách của Ethnicity Vietnam.


Dấu hiệu tích cực là hoạ tiết thổ cẩm ngày càng xuất hiện trong các đồ án thiết kế của sinh viên, MV ca nhạc, sàn diễn thời trang. Tên tuổi Ethnicity Vietnam cũng được giới thiệu với bạn bè quốc tế, du học sinh. 


Với các nỗ lực không ngừng nghỉ, đầu tháng 12 năm 2023, Ethnicity Vietnam là 1 trong 3 dự án đạt hạng mục Ý Tưởng vì cộng đồng trong lễ trao giải Human Act Prize - Hành động vì cộng đồng năm 2023.



Sau một số thành tựu và nhìn lại hành trình phấn đấu, Ethnicity Vietnam thấy được cơ hội vươn ra quốc tế. Mong muốn mang thổ cẩm ra thế giới, từ năm 2018, Ethnicity Vietnam được chọn là 1 trong 10 Dự án trong khối ASEAN trực tiếp trình bày với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. 


Qua góc nhìn của Phương Quyên, văn hoá truyền thống là một kho tàng rộng lớn và trù phú để người nghệ sĩ có thể khai thác, sáng tạo. Quê hương mình không thiếu những truyện cổ tích, câu chuyện thần thoại. Nếu mình đầu tư về truyền thông thì không kém gì các cường quốc. 



Ethnicity Vietnam cũng đang ở giai đoạn “thiên thời địa lợi" khi toàn Việt Nam có sự khởi sắc trong việc phát triển các giá trị văn hoá. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức để các thành viên phải chọn lọc kỹ càng, chỉn chu, tránh đưa thông tin sai lệch.


Các thành viên Ethnicity Vietnam chụp cùng nghệ nhân thổ cẩm.


Vì vậy, Ethnicity Vietnam luôn cẩn trọng việc kiểm soát từng thông tin, tập trung vào nội dung chất lượng, chuẩn xác về lịch sử thay vì các chiến dịch truyền thông. 


Nhóm cũng gửi gắm lời khuyên cho những nghệ sĩ, các bạn trẻ đang trên hành trình khám phá văn hoá là nên đi chậm mà chắc, tìm hiểu kỹ thì câu chuyện mình đưa ra mới có chiều sâu và dễ cảm thụ. Hãy bắt đầu từ những dự án cá nhân quy mô nhỏ từ chính trải nghiệm của mình.




"Có nhiều cơ hội và tiềm năng để lan tỏa văn hóa thổ cẩm, nhưng cần nhiều thời gian"

Phuc Nguyen

Phuc Nguyen

24 Thg 01 2024

Lưu

Cùng chuyên mục