Khi triển khai nội dung truyền thông, nhiều marketer thường chỉ quan tâm chủ yếu đến nội dung bài viết và giao diện hình ảnh mà bỏ quên mất sức mạnh của CTA - lời kêu gọi hành động. Nhiều người lầm tưởng CTA chỉ đơn giản là một lời kêu gọi ngắn gọn, mặc định luôn được đặt vào cuối bài, chính vì thế làm giảm đi giá trị vai trò của CTA trong bài viết.


Tuy nhiên, CTA còn làm nhiều hơn thế. Bản chất và 4 dạng CTA thông dụng trong bài viết dưới đây sẽ làm rõ vai trò của CTA trong việc giúp doanh nghiệp “thôi miên” khách hàng.


CTA là gì? 


CTA (Call to Action), hay còn gọi là nút kêu gọi hành động, là bước tiếp theo mà marketer mong muốn khách hàng sẽ thực hiện sau khi đọc một bài viết hay nội dung truyền thông. Đó có thể là lời kêu gọi tương tác với thương hiệu, khuyến khích đăng ký thông tin liên hệ hay thậm chí là cổ vũ khách hàng "chốt đơn" và đưa ra quyết định chi tiêu. Trong các bài viết PR sản phẩm hoặc kêu gọi tham dự hội thảo/webinar, việc thiếu CTA trong bài viết dẫn đến nội dung có thể gây bối rối hoặc thậm chí làm tăng tỷ lệ khách hàng rời đi vì không biết nên hành động gì ở bước tiếp theo. 


Bản chất của CTA cũng là một phần của nội dung và nội dung thì cần sự linh hoạt. CTA không phải lúc nào cũng chỉ là lời kêu gọi mua hàng hoặc đưa người đọc đến trang web sản phẩm. Với những sản phẩm vô hình như dịch vụ, khóa học hoặc các nội dung cần sự nắm bắt tinh tế, CTA có thể được thay đổi để phù hợp với mục tiêu truyền thông và đối tượng khách hàng. Thay vì kêu gọi người đọc đến việc đăng ký ngay lập tức như “Mua ngay”, CTA cần biến đổi theo cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn với mục đích để tiếp cận khách hàng và branding thương hiệu như:

  • "Tìm hiểu thêm về [tên sản phẩm] tại đây”
  • “Nhận slot để trải nghiệm dùng thử sản phẩm”


Bản chất CTA rất linh hoạt và thường xuyên biến đổi


Những lầm tưởng thường gặp về CTA


Có rất nhiều ý nghĩ chưa đúng về CTA, khiến cho vai trò của lời kêu gọi trong bài viết hoặc các trang landing page giảm giá trị hoặc thậm chí trở nên thiên cưỡng. Dưới đây là một số sai lầm mà các marketer thường gặp khi viết CTA:


  • "CTA là chỉ để bán hàng": Một lầm tưởng phổ biến là nghĩ rằng CTA chỉ được sử dụng để thúc đẩy việc mua sắm. Thực tế, CTA có thể được sử dụng để thúc đẩy nhiều hành động khác nhau, chẳng hạn như chia sẻ nội dung, đăng ký bản tin, tham gia sự kiện, hoặc thậm chí là tạo sự tương tác trên mạng xã hội.


  • “CTA chỉ cần xuất hiện ở một nơi duy nhất trên trang web, chẳng hạn như ở phía trên hoặc phía dưới”: Việc sử dụng CTA ở nhiều vị trí khác nhau như ở phần mở đầu của bài viết cũng có thể giúp tăng khả năng thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng.


Mỗi bộ sưu tập xuất hiện trên trang chủ website của Louis Vuitton đều được bố trí các nút CTA riêng biệt


  • "CTA không cần tối ưu hóa": Chính vì suy nghĩ “CTA rất ngắn gọn và đơn giản” nên rất ít marketer quan tâm đến việc tối ưu hóa CTA. Việc kiểm tra và tối ưu hóa CTA là quan trọng để cải thiện tỷ lệ chuyển đổi và hiệu suất trên website, bài viết. Bí quyết để tạo ra CTA hiệu quả là marketer có thể sử dụng hình thức A/B testing để chọn ra CTA hiệu quả.



  • CTA phải luôn có màu sắc rực rỡ và nổi bật: CTA có thể hiệu quả với nhiều kiểu thiết kế và màu sắc khác nhau, miễn là chúng nổi bật và dễ thấy trên trang web. Đối với một số ngành hàng cao cấp, các màu sắc tinh tế và tối giản lại được chú ý và thích thú hơn.


CTA có thể hiệu quả với nhiều kiểu thiết kế và màu sắc khác nhau


4 kiểu CTA phổ biến nhất dành cho marketer


Với hàng nghìn bài viết xuất hiện mỗi ngày trên bảng tin, khách hàng dường như không đọc nội dung mà đơn thuần chỉ là lướt nội dung (scan) và nắm ý. Bài viết càng ngắn gọn, CTA càng rõ ràng hoặc kích thích có thể gây ấn tượng với khách hàng ngay từ đầu và giữ chân họ đọc bài viết của doanh nghiệp. Dưới đây là 6 dạng CTA giúp mang lại tỷ lệ chuyển đổi cao cho doanh nghiệp:


CTA khẩn cấp


CTA khẩn cấp thường được sử dụng để thúc đẩy người đọc hoặc tạo cho họ cảm giác phải làm một điều gì đó vì vấn đề cần được giải quyết ngay lập tức. Trong CTA khẩn cấp, các con số thường được sử dụng để nhấn mạnh tính cấp thiết, chẳng hạn như:

  • “Hôm nay là ngày ưu đãi cuối cùng, không còn ưu đãi giảm giá 30% cho ngày mai."
  • "Chỉ còn vài suất tham gia, cơ hội duy nhất để thay đổi bản thân ngoạn mục!"
  • "Nhận thêm 3 suất nữa sẽ chính thức đóng đơn đăng ký”


Nội dung email marketing của The New York Times nhấn mạnh mức giá tiết kiệm 1 USD/tuần và đưa ra "deadline" đăng ký tạo sự khẩn cấp cho người đọc


CTA tạo sự tò mò


Marketer có thể tạo sự tò mò bằng cách đưa ra một thách thức hoặc hứa hẹn một thông tin thú vị sau khi người đọc thực hiện hành động. Dạng CTA tò mò sẽ đòi hỏi marketer có sự sáng tạo trong cách diễn đạt và tạo cho người đọc nhiều câu hỏi nhất có thể. 


  • "Nhấn vào đây để khám phá bí mật đằng sau chiến dịch tiếp thị online xuất sắc nhất mọi thời đại."
  • "Tìm hiểu cách có thể tạo ra 10,000 lượt xem trong vòng một tháng."



CTA gây tò mò sẽ khiến khách hàng thích thú hơn


CTA tạo ra giá trị và lợi ích


Loại CTA này tập trung vào việc trình bày những lợi ích và giá trị mà người đọc sẽ nhận được sau khi thực hiện hành động. So với các dạng CTA trên, đây là dạng CTA tiếp cận theo cách “nhẹ nhàng” nhất nhưng mang lại hiệu quả cao vì đánh vào insight của người tiêu dùng hoặc giải quyết vấn đề mà khách hàng đang đối mặt. Thông thường, giá trị của CTA càng tăng lên nếu marketer cho khách hàng cảm giác được trải nghiệm và tạo ra giá trị cho xã hội thay vì chỉ mua hàng đơn thuần.


Nội dung trên website của thương hiệu giày Toms khắc hoạ công dụng của sản phẩm thông qua những tình huống cụ thể để từ đó tạo ra giá trị cho người dùng


CTA ngắn gọn


CTA ngắn gọn thường là những CTA dùng để làm nút liên kết giữa trang sản phẩm và bài viết. Đa số các CTA ngắn gọn có thể áp dụng cho nhiều sản phẩm cùng lúc như: “Mua ngay”, “Đăng ký ngay”, “Liên hệ"...


Apple là một trong những "bậc thầy" copywritting với những câu CTA ngắn gọn, đúng trọng tâm, thu hút sự chú ý của người dùng

CTA không chỉ đơn giản là những dòng văn bản ngắn gọn để kêu gọi khách hàng. Chúng là công cụ tạo sự tương tác, tạo cảm giác kích thích và tò mò đối với các khách hàng tiềm năng. CTA chính là một công cụ thôi miên khách hàng một cách hiệu quả, tăng tỷ lệ chuyển đổi tốt nếu marketer thật sự hiểu bản chất và cách vận dụng đúng cách!


Huyền Trang