Đạo diễn hình ảnh K’Linh: “Để không bị tụt lại so với thế giới, tới bây giờ tôi vẫn học mọi thứ, từ trên mạng, người đi trước cho đến những bạn trẻ gọi tôi là thầy”

DOP (Director of Photography - Đạo diễn hình ảnh) là nghề mà Nguyễn K’Linh đã gắn bó suốt hơn 20 năm nay. Anh cũng chính là “người kể chuyện qua khung hình” cho hàng loạt các bộ phim điện ảnh nổi tiếng như Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Quả tim máu, Huyền thoại bất tử, Thiên mệnh anh hùng, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh


Sống trong dòng chảy điện ảnh hơn hai thập kỷ, chứng kiến từng bước phát triển của “nghề bấm máy”, K’Linh nhận thức sâu sắc về mối quan hệ giữa nghệ thuật – con người – thời gian. Anh quan niệm rằng, từng khung hình gửi tới khán giả “không chỉ là cái đẹp, mà nó còn mang tới cảm xúc cho người xem nữa. Đó mới là giá trị cốt lõi.”


 



Khi xem một bộ phim, người ta thường nhìn thấy những gì diễn ra trước ống kính, những cảnh quay đẹp, những lời thoại ấn tượng hay những diễn viên xuất sắc. Tuy nhiên, để làm nên những thước phim đẹp mắt ấy là biết bao mồ hôi, công sức của cả đoàn phim và đặc biệt là tổ đạo diễn.


Trong đó, đạo diễn hình ảnh (DOP) có trách nhiệm đóng góp vô cùng lớn. Từ việc lựa chọn chất liệu phim, địa điểm ghi hình, bối cảnh, chọn góc quay, ánh sáng đến cách lắp đặt, di chuyển máy đều được đạo diễn hình ảnh tính toán một cách kỹ lưỡng. Nếu không có ống kính của DOP thì tất cả những hợp đồng, kịch bản sẽ mãi chỉ nằm yên trên giấy mà thôi.


 

Là một “nhân vật kể chuyện qua ống kính” hơn 20 năm, đạo diễn hình ảnh K’Linh nhận thấy rõ sự khác biệt về mặt kỹ thuật và công nghệ sản xuất phim giữa các giai đoạn. Trong bối cảnh công nghệ bùng nổ, “nếu chúng ta không học hỏi, đổi mới, đồng nghĩa với việc bị bỏ lại”.


Đại dịch nổ ra cũng chính là lúc công nghệ lên ngôi, nó đúng với cả việc làm phim. Khi ấy, cũng là lúc mà K’Linh bắt đầu bắt tay vào theo đuổi công nghệ sản xuất ảo. Công nghệ này khiến việc ghi hình trở nên tinh giản hơn, người sản xuất cũng theo đó mà “nhàn” hơn trong cả khâu tiền kỳ, bấm máy và hậu kỳ. 


Công nghệ sản xuất ảo đã được nhiều nhà sản xuất phim trên thế giới sử dụng và cho ra đời những sản phẩm ăn khách như Top Gun, The Batman hay phim Marvel. Tuy nhiên, có lẽ đối với thị trường làm phim Việt, đây còn là một khái niệm hết sức mới mẻ và không phải ai cũng dám mạo hiểm. Theo chia sẻ của đạo diễn K’Linh: “Tôi đã có phim trường thử nghiệm và từng liên hệ mấy bạn bên quảng cáo nhưng cũng chưa bên nào dám thử vì nó mới quá”.



Anh cũng hé lộ thêm, trong năm 2024 sẽ sử dụng công nghệ này cùng với một số thiết bị mới cho dự án phim kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam – dự án phim chiến tranh đầu tiên không sử dụng kinh phí của nhà nước.

 

Thực tế, để áp dụng công nghệ sản xuất ảo vào làm phim, có rất nhiều thứ mà một “cây cổ thụ” trong ngành như K’Linh cũng phải học lại từ đầu. Tất nhiên, với anh, điều đó xứng đáng, vì nó khiến việc làm phim không những “mới” hơn mà còn “nhàn” hơn.


Chẳng hạn, đèn LED sẽ giúp DOP xử lý hết những khó khăn trước đây trong phần bối cảnh, ánh sáng và hầu như không cần phải làm hậu kỳ nữa. Ngay cả giai đoạn tiền kỳ, thời điểm được coi là khó nhất trong suốt quá trình làm phim cũng sẽ đơn giản đi rất nhiều.


Bên cạnh đó, anh cũng không quên nhấn mạnh: “Dù làm gì chúng ta cũng không được quên “khúc lõi”, cái đẹp thực sự có giá trị khi nó đem lại cảm xúc cho người xem. Chúng ta dùng công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu của mình chứ không phải là để trình diễn công nghệ”.


Với anh, một bộ phim hay phải là sự hòa quyện hoàn hảo giữa âm thanh, hình ảnh và cảm xúc. Nếu khán giả chỉ thấy hình ảnh đẹp, âm thanh bắt tai mà quên đi thông điệp đạo diễn muốn truyền tải thì nó chưa phải là một bộ phim thành công.

 


K’Linh tự nhận mình “thuộc dạng siêu khó tính” trong công việc. Ở cương vị đạo diễn hình ảnh, anh không cho phép mình được sai vì điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến thông điệp mà đạo diễn muốn truyền tải, cũng như các tổ làm việc khác. Cái đáng chú ý nhất ở phong cách làm việc của K’Linh là sự rõ ràng và chi tiết. Khi đã bấm máy thì “tất cả mọi thứ phải đều được làm trong sự tính toán và có kiểm soát. 1+1=2, chứ bằng 1.99 là không thể chấp nhận được” . 


Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - phim điện ảnh sở hữu những góc quay tinh tế, giàu cảm xúc của Nguyễn K'Linh.


Kỹ lưỡng là thế, nhưng quan điểm làm nghệ thuật của anh lại rất đơn giản, ngay từ những ngày đầu K’Linh đã luôn lao động với tôn chỉ biết “đủ” và không mưu cầu nhiều. Thứ duy nhất mà DOP K’Linh chú trọng là làm mọi thứ một cách tốt nhất để gửi tới khán giả những bộ phim đáng xem nhất.


Với nhu cầu quay MV và quảng cáo lớn như hiện nay, nghề DOP chính là một cánh cửa rộng mở cho các bạn trẻ. So với 20 năm trước, rõ ràng các bạn có nhiều cơ hội cùng những vai trò mới hơn để thử sức. Song, cơ hội thì luôn đi đôi với thử thách. Dưới góc độ của một người đi trước, K’Linh luôn đề cao sức trẻ, tốc độ nắm bắt và sự sáng tạo của thế hệ DOP tiếp theo. Anh luôn khuyến khích thế hệ “đàn em” của mình phải biết học “thêm” mỗi ngày.


Thứ nhất là đọc thêm các tác phẩm văn học để tăng khả năng tư duy sáng tạo. Cũng giống như phim, cùng đọc một câu chuyện, cùng chung bối cảnh nhưng mỗi người lại có cảm nhận và ghi nhớ chi tiết khác nhau, đó là cái hay của trí tưởng tượng.


Thứ hai là kỹ năng sử dụng thiết bị và kinh nghiệm làm nghề. Anh tâm sự: “phần hạn chế của công nghệ chính là để các bạn chạy nhanh quá, nhanh tới mức chưa kịp “hấp thụ” kiến thức, biến trải nghiệm thành kinh nghiệm mà đã phải ứng dụng rồi. Vậy nên các bạn đừng ngại khó, hãy bắt đầu với những thứ cơ bản nhất, cần hiểu rõ chức năng của từng bộ phận, từng loại máy trước khi bắt đầu với nghề”.


Thứ ba là người làm nghề phải biết học từ những người xung quanh. Mặc dù đã có chỗ đứng nhất định trong giới với cái tên “tay máy vàng” nhưng K’Linh vẫn luôn làm việc với một tâm thế cầu thị cao. Theo nhà làm phim, anh học hỏi không ngừng từ công nghệ, kỹ thuật quay cho đến phong cách làm việc; học từ những người thầy của mình cho đến những người gọi mình là thầy. Do đó, anh không ngại thử nghiệm công nghệ mới, cách làm mới, tư duy mới để tạo ra những thước phim không những “đẹp” mà còn rất “đắt”.


Ở Việt Nam, hầu như rất ít nơi đào tạo DOP. Vì thế, các bạn trẻ cũng ít cơ hội được học DOP chuyên nghiệp hơn. Vậy nên, K’Linh khao khát muốn tạo ra một diễn đàn để kết nối cộng đồng quay phim, tạo ra một mạng lưới “tự học làm nghề”.


Theo đó, K’Linh cùng hai người bạn của mình là Lý Thái Dũng và Bob Nguyễn đã thành lập Sài Gòn Cinematographers (Hội quay phim Sài Gòn) vào năm 2017 và duy trì nhóm tới nay. Đó là nơi mà quay phim hay đạo diễn sau khi đóng máy có thể cùng nhau ngồi lại, chia sẻ những kinh nghiệm nghề nghiệp hay đôi khi là giới thiệu việc làm cho nhau.


Ngoài ra, đối với các bạn trẻ yêu việc “kể chuyện qua ống kính” hay các bạn quay phim, DOP mới “chập chững” vào nghề, thì đây cũng là một cơ hội tuyệt vời để gặp gỡ và học hỏi từ các “anh lớn”.



Đã có lúc, K’Linh ôm mộng xây dựng hội nhóm này thành một nghiệp đoàn có pháp lý, quy mô lớn hơn, hoạt động chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, nhận thấy khoảng cách giữa mong muốn cá nhân và tính hiện thực còn xa, anh đành để giấc mơ ấy bỏ ngỏ. Song, đến nay, đó vẫn là một diễn đàn đầy bổ ích cho “thợ quay phim Sài Gòn.”

 


Trải lòng về hướng đi trong nghề, DOP K’Linh cho biết anh luôn thích làm phim điện ảnh hơn quảng cáo. So với trách nhiệm nặng nề từ nhiều bên và sự thay đổi nhanh đến chóng mặt của ý tưởng quảng cáo, làm phim điện ảnh khiến anh cảm thấy tự do hơn nhiều. Một dự án phim có thể cố định về mặt ý tưởng dài hàng năm, và người duy nhất anh cần chịu trách nhiệm chỉ có đạo diễn.


Hơn nữa, so với mặt bằng chung, K’Linh cũng có “giá” cao hơn bởi lẽ anh luôn khiến khách hàng “yên tâm” bằng tính sáng tạo, kinh nghiệm và phong cách làm việc chuyên nghiệp của mình. Vậy nên, đôi khi anh cũng không phải sự lựa chọn hoàn hảo cho những dự án quảng cáo ngắn hạn có budget thấp.


 

Trong tương lai, DOP K’Linh vẫn tiếp tục cống hiến cho mảng điện ảnh. Tuy nhiên, anh định hướng áp dụng nhiều hơn những kỹ thuật mới, công nghệ mới để tạo tiền đề cho công nghệ sản xuất ảo tại thị trường làm phim Việt Nam. Anh hy vọng những nỗ lực ấy sẽ khiến các nhà sản xuất, đạo diễn trong nước đón nhận công nghệ mới này với tâm thế cởi mở hơn , đưa điện ảnh Việt Nam tiệm cận với thế giới.



Đạo diễn hình ảnh K’Linh: “Để không bị tụt lại so với thế giới, tới bây giờ tôi vẫn học mọi thứ, từ trên mạng, người đi trước cho đến những bạn trẻ gọi tôi là thầy”

Phuc Nguyen

Phuc Nguyen

15 Thg 02 2024

Lưu

Cùng chuyên mục