"Dòng tiền chính là vấn đề cơ bản nhưng cũng khó khăn nhất khi làm các công việc sáng tạo liên quan tới văn hóa và lịch sử Việt Nam"

Nhờ cách kể chuyện đặc trưng, anh Phạm Vĩnh Lộc (sinh năm 1990 tại Nha Trang) đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người, đặc biệt là các chuyên gia nghiên cứu sử, bởi anh đã góp phần trong việc truyền cảm hứng cho giới trẻ tìm hiểu thêm về lịch sử nước nhà. Tuy nhiên, anh không bao giờ tự nhận mình là một sử gia mà anh muốn được mọi người xem mình là “người kể chuyện lịch sử không chuyên”.


Phạm Vĩnh Lộc còn là biên kịch của các tập phim lịch sử diễn họa triệu view trên YouTube như: Lý Thường Kiệt đại chiến Ung Châu thành, Lý Thường Kiệt đại chiến Như Nguyệt Giang.


Hoạt hình "Lý Thường Kiệt đại chiến Ung Châu thành


Vừa qua, anh đã phối hợp Đạt Phi MediaSaigon Watergo đưa câu chuyện về lịch sử sông Sài Gòn lên tuyến đường thủy theo hành trình tương ứng, giúp các du khách biết đến lịch sử đầy hấp dẫn của thành phố.


Chàng trai 9X còn là nhà đồng sáng lập hai dự án về lịch sử khác: Vietales - Chuyện người Việt kể và AISUVIET - Trí tuệ nhân tạo trả lời câu hỏi nước Việt.




Vĩnh Lộc nhận định đây là thời điểm “vàng” để văn hóa Việt Nam trở nên “viral”. Các nghệ sĩ trẻ thuộc thế hệ Gen Z và Gen Alpha của Việt Nam rất tài năng. Và tài năng của họ đã được chứng thực qua các thành tích âm nhạc trên những nền tảng truyền thông quốc tế. 


Việc họ đưa chất liệu Việt nhiều hơn vào các sản phẩm của mình cũng giúp độ nhận diện về Việt Nam cao hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Bây giờ có vẻ hơi sớm để mơ về một làn sóng “Việt lưu” như “Hàn lưu” đã từng. Tuy nhiên, “dám mơ lớn mới dám làm lớn”, Vĩnh Lộc nhấn mạnh.


Với Vĩnh Lộc, để chạm đến giấc mơ về “làn sóng Việt lưu” sẽ có muôn vàn thách thức. Nhưng có lẽ, điều khiến anh lo lắng nhất là bản thân đánh mất đi “ngọn lửa đam mê với lịch sử” bởi đôi khi “cơm áo gạo tiền có thể đánh gục ước mơ của bạn”.


Trong quá trình sáng tạo các tác phẩm cũng gặp không ít khó khăn. Bản thân Vĩnh Lộc phải tự đặt ra những “quy luật” cho chính mình để không sa đà vào việc sáng tạo quá mức dẫn đến sai kiến thức lịch sử. 


















Những người làm nghề sáng tạo dựa trên chất liệu lịch sử cũng phải tự tạo ra “cái chuẩn” về văn hóa Việt trước, sau đó mới đưa thêm các chi tiết sáng tạo vào. Phải lưu ý rằng mức độ phá cách vẫn phụ thuộc vào mức độ cởi mở của thị trường. Mỹ có thể làm phim về Tổng thống Abraham Lincoln làm thợ săn ma cà rồng, còn ở Việt Nam, Vĩnh Lộc “chưa nghĩ tới khả năng nào làm được việc này”.


Theo kinh nghiệm của mình, anh cho rằng trước khi “bắt tay” vào sáng tác bất kỳ một kịch bản nào, đều phải bắt đầu từ khâu “chọn nguyên liệu”. Ví dụ như trước khi bắt đầu viết viết kịch bản Anh hùng bán than, Vĩnh Lộc sẽ chuẩn bị một file và tìm kiếm những dữ liệu liên quan đến Trần Khánh Dư, Nhân Huệ Vương. Sau khi đã có đủ các dữ liệu, Vĩnh Lộc sẽ sắp xếp các sự kiện theo trục thời gian để nắm được nguyên mẫu của nhân vật chính trong thực tế sẽ ra sao. Sau khi có được dàn ý, anh mới bắt đầu sáng tác.


Ở nước ngoài, việc sáng tạo dựa trên chất liệu lịch sử khá phổ biến. Các nhân vật lịch sử có thể có tạo hình, tính cách khác với mô tả đời thực. Tuy nhiên, điều tương tự sẽ rất dễ gây tranh cãi ở thị trường Việt Nam. Để dung hòa được sự sáng tạo và thuần phong mỹ tục ở Việt Nam vẫn là một nan đề, chưa có ai thực sự giải được. 











Nếu phải đặt lên bàn cân thì lịch sử của Việt Nam cũng hấp dẫn, ly kỳ không kém lịch sử nước bạn. Tuy nhiên khi các nhà sáng tạo chuyển thể những câu chuyện lịch sử này thành phim ảnh, trò chơi, truyện tranh,... lại không được đón nhận, thậm chí có nhiều tác phẩm còn nhận không ít “gạch đá”. Sau nhiều năm lăn lộn trong nghề, Vĩnh Lộc rút ra kinh nghiệm xương máu: “Đừng bắt chước hoàn toàn những nước khác vì văn hóa và tư duy của họ khác ta. Họ có thể sáng tạo được ở mức độ phá cách, nhưng chúng ta chưa thể”.











Trong thời đại bùng nổ của công nghệ số, thách thức về công nghệ là điều không tránh khỏi. “Dù làm công việc sáng tạo nhưng cũng không thể đứng ngoài dòng chảy của công nghệ. Chúng tôi vẫn ưu tiên khai thác khả năng của con người. Bản thân tôi rất coi trọng tài nghệ của con người trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt ở mảng sáng tạo, nhưng chắc chắn chúng tôi vẫn sẽ áp dụng công nghệ”, Vĩnh Lộc nói.


Là một người đam mê sử, khi đọc được những vụ hủy diệt Đại thư viện Alexandria hay Baghdad trong quá khứ, Vĩnh Lộc cảm thấy rất đau lòng. Anh nhận thấy “nhân loại đã thất thoát quá nhiều kiến thức lúc đó chỉ vì chúng ta không còn một biện pháp lưu trữ nào hiệu quả hơn”. 


Bên cạnh đó, việc có những đầu sách hay nhưng số lượng in còn hạn chế, có khi chỉ vài trăm quyển, tương đương với việc kiến thức chỉ tiếp cận được vài trăm người cũng là một thách thức. Hiểu sâu sắc được những thách thức khiến những người yêu sử không thể tiếp cận được kiến thức, Vĩnh Lộc đã cho ra đời AISUVIET. 


“Chúng tôi dạy AISUVIET khoảng 20 cuốn sách đầu tiên, nhưng sẽ thế nào nếu là 200 cuốn, 2000 cuốn, hay 20000 cuốn? Việc AISUVIET ngày càng thông minh theo thời gian không những sẽ giúp bảo tồn kiến thức, mà còn giúp nhiều đơn vị sáng tạo có thể tiếp cận được nguồn tri thức cần thiết nhằm phục vụ cho công việc thực hiện sản phẩm” , Vĩnh Lộc bày tỏ niềm tin vào “đứa con tinh thần”của mình.


Ở thời đại nghe nhìn, giới trẻ quan tâm những giá trị nhanh, có sẵn. “Chúng ta không thể chống lại bước phát triển của thời đại mà phải nương theo”, Vĩnh Lộc nhận định. Nếu muốn truyền tải thông điệp đến đối tượng nào, ta cần tìm hiểu thiết bị sẽ giúp truyền tải thông điệp tốt nhất mà đối tượng ta nhắm đến thường sử dụng. “Ví dụ ta nhắm đến các bạn trẻ Gen Z - đây là nhóm khán giả thường sử dụng điện thoại để xem TikTok, vậy bạn biết sẽ nên thực hiện sản phẩm thế nào rồi đó”, Vĩnh Lộc nói.


























Các trang "Sử tếu" - cách tiếp cận lịch sử hóm hỉnh, hiện đại - được đăng tải trên fanpage Vietales của anh Phạm Vĩnh Lộc và anh Thắng Nguyễn.



Tìm ra được phương tiện truyền tải lịch sử rồi, nhưng làm sao để đưa các câu chuyện này tiếp cận thế hệ trẻ và được họ đón nhận vẫn còn là điều nan giải. Riêng trong khu vực Đông Á, các cường quốc như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã quá thành công trong mảng cổ trang. Tiềm lực đất nước cho phép họ có thể chi tiền tấn để dựng lại những phim trường hoành tráng, tạo ra những siêu phẩm mãn nhãn. Khi thưởng thức các tác phẩm này, tiêu chuẩn của người Việt cũng vì thế mà trở nên khó hơn. “Chính điều này vô tình lại gây áp lực cho chính những nhà sáng tạo nước ta, khi các bộ phim Việt Nam ra rạp sẽ bị so sánh và đánh giá thấp hơn” , Vĩnh Lộc nhận định.


Đối với những người có tham vọng đưa các câu chuyện lịch sử lên màn ảnh rộng, Vĩnh Lộc khuyên nên “bắt đầu từ từ, chậm rãi” vì chúng ta chưa đủ tiềm lực để dựng được bối cảnh hoành tráng như các phim cổ trang của Trung Quốc hay Hàn Quốc. Vì vậy “đừng nên tham quá, cứ viết kịch bản bối cảnh cổ trang nhưng lấy khung cảnh là đời sống thường ngày. Một câu chuyện hay sẽ chiến thắng”, Vĩnh Lộc đưa ra lời khuyên.  


Còn đối với các bạn trẻ có niềm đam mê với lịch sử, các bạn có thể ứng dụng các kỹ năng mà bạn giỏi nhất để thử làm một sản phẩm mang chất liệu Việt. Đồng thời, các bạn có thể quan sát những anh chị đi trước, xem cách họ làm sản phẩm, rồi rút ra hạn chế và ưu điểm của họ để tìm ra một con đường cho chính mình. “Dám làm mới là điều quan trọng. Chỉ có bắt tay vào làm, ta mới đi gần tới tương lai mình mong muốn nhất”, lời khuyên anh dành cho các bạn trẻ.












Trong suốt 10 năm gắn bó với lịch sử Việt, có không ít các câu chuyện thú vị làm Vĩnh Lộc nhớ mãi. Nhưng có lẽ, những lần được giao thiệp với hậu duệ của các hoàng tộc trong quá khứ, được nghe các câu chuyện trong gia tộc của họ là một điều đặc biệt mà không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm.


“Từ các nhân vật trong hoàng tộc nhà Lê, Nguyễn, cho đến cả nhà Mạc, chúa Trịnh, tôi đều đã gặp gỡ. Nhờ đó tôi biết được nhiều chuyện hay, được dẫn tới những nơi kỳ lạ mà chắc chắn nếu không làm việc này, tôi sẽ chẳng có cơ hội đó”, Vĩnh Lộc chia sẻ.


Quyền năng tác động tới cảm xúc người đọc một cách mãnh liệt”. “Những câu chuyện lịch sử không chỉ nuôi dưỡng tình yêu với đất nước mà còn chứa đựng nhiều bài học kinh nghiệm có thể ứng dụng trong cuộc sống hiện đại” , Vĩnh Lộc chiêm nghiệm.


Cũng nhờ niềm say mê với sử Việt mà Vĩnh Lộc có cơ hội kết nối với nhiều người bạn có chung niềm đam mê với mình hơn. Và tháng 8/2023, “Việt Sử Liên Minh” - cộng đồng làm sản phẩm chất liệu Việt - đã ra đời. 


“Tôi đã mơ về một cộng đồng - nơi mọi người đồng hành và hỗ trợ lẫn nhau trên con đường xuất khẩu văn hóa Việt Nam. Tôi đã ấp ủ điều này suốt 5 năm cho đến lúc nó trở thành hiện thự”, Vĩnh Lộc chia sẻ. 


Cuộc gặp với những người có cùng niềm đam mê sáng tạo dựa trên chất liệu văn hóa - lịch sử Việt Nam ấy còn giúp Vĩnh Lộc có cơ hội gặp anh Thắng - người sau này cùng anh sáng lập hai dự án Vietales - Chuyện người Việt kể và AISUVIET - Trí tuệ nhân tạo trả lời câu hỏi nước Việt.





Khác với những dự án về lịch sử khác, Vietales là một dự án lấy yếu tố giải trí làm chủ đạo thay vì giảng dạy lịch sử hay đảm nhiệm vai trò của một đơn vị giáo dục. Anh cho biết muốn khai thác tiềm năng của các câu chuyện - loại tài nguyên đặc biệt giá trị - mà lịch sử là một mảnh ghép trong đó. “Chúng tôi tạo ra một nền tảng, nơi các nội dung giải trí Việt được đưa lên giới thiệu với khán thính giả theo nhiều cách hấp dẫn” , Vĩnh Lộc chia sẻ.


Trong năm 2024, Vĩnh Lộc dự định sẽ kết nối được với nhiều nhà sáng tạo nội dung hơn nữa để có thể đưa các sản phẩm giải trí dựa trên chất liệu văn hoá, lịch sử và địa lý Việt Nam lên nền tảng Vietales. Bên cạnh đó, Vĩnh Lộc sẽ cùng các anh em trong cộng đồng Việt Sử Liên Minh hỗ trợ các đơn vị khác để cho ra các sản phẩm chất lượng.


Đừng quên đăng ký

newsletter của Advertising Vietnam

để cập nhật thông tin mới nhất về marketing quảng cáo hàng tuần!

"Dòng tiền chính là vấn đề cơ bản nhưng cũng khó khăn nhất khi làm các công việc sáng tạo liên quan tới văn hóa và lịch sử Việt Nam"

Phuc Nguyen

Phuc Nguyen

06 Thg 03 2024

Lưu

Cùng chuyên mục