Duy Văn - Art Director "Tết ở làng địa ngục": "Sử dụng chất liệu dân gian hợp thời là cách người nghệ sĩ gìn giữ và phát triển truyền thống dân tộc"

Duy Văn là họa sĩ trẻ Gen Y đang theo đuổi dòng tranh dân gian và thế giới tâm linh Việt Nam. Không giống những họa sĩ cùng thời, Duy Văn chọn cho mình một hướng đi táo bạo hơn, đồng thời cũng trông gai hơn - “vẽ ma quỷ”.


Bằng sự kết hợp khéo léo giữa nét vẽ doodle, line art cùng cách phối màu theo dòng tranh dân gian Đông Hồ, Duy Văn đã mở ra một thế giới ma quỷ vừa rùng rợn, đáng sợ nhưng cũng rất gần gũi, đáng yêu. Bởi không đâu xa, đó là “Ông Ba Bị bắt trẻ con lười ăn” hay “tắm sông giữa trưa bị Ma Da lôi chân” ... câu cửa miệng của biết bao thế hệ người dân đất Việt.


Có thể nói, ma quỷ chưa bao giờ là một đề tài dễ tiếp cận, đơn giản vì chưa có ai xác thực về sự tồn tại của nó. Rất tự nhiên, mỗi vùng đất lại có một “thế giới ma quỷ” riêng gắn liền với bản sắc dân tộc mình, và Duy Văn chọn vẽ để vừa lưu lại vừa phát triển những giá trị văn hóa đó. Anh là tác giả của “Ma Quỷ Dân Gian Ký”- bách khoa thư về ma quỷ Việt Nam bằng tranh vẽ và phụ trách vị trí giám đốc hình ảnh (Art Director) trong hai dự án phim kinh dị Kẻ ăn hồn hay Tết ở làng Địa Ngục.




Tuổi thơ của Duy Văn gắn liền với những hình vẽ và các mô hình giấy của người cha làm nghề quản thư. Từ đó, anh cũng nhen nhóm trong mình một niềm đam mê giấy bút, sắc màu. Nhỏ thì anh tham gia các hoạt động sơn tường, các cuộc thi vẽ trong trường. Lớn hơn một chút, anh lựa chọn trường đại học Kiến Trúc để tiếp tục theo đuổi ước mơ. Tốt nghiệp đại học, Duy Văn chọn đi theo con đường vẽ minh họa tự do. 



Sau khi tốt nghiệp và mang theo cái tôi nghệ thuật, Duy Văn thử sức với việc freelancer minh họa như làm thiệp, làm áo thun, vẽ comic…nhưng chưa thực sự nổi bật và mang lại thu nhập tốt. 


Điều này buộc anh phải sang một lựa chọn khác là làm văn phòng, với mong muốn ban đầu là "ổn định". 5 năm tiếp theo là khoảng thời gian lăn lộn với ngành quảng cáo của anh. Trở thành Graphic designer và Art Director mang đến nhiều áp lực, nhưng cũng là động lực để Duy Văn cũng từ đó mà phấn đấu lên. Thời gian này cũng là lúc anh nhìn nhận lại bản thân, xây dựng cho mình một lối tư duy làm việc có quy trình bài bản, áp dụng các chiến lược quảng cáo vào phát triển hình ảnh cá nhân, lẫn "quy cách" của các sản phẩm sáng tạo trên thị trường. 


Chỉ đến khi tham gia Production Q - agency về Phim ảnh - anh mới tìm thấy một môi trường mới, hướng đi mới. dung hoà được những gì Duy Văn đang theo đuổi. Kết quả, Duy Văn của năm 2023 đã ghi được dấu ấn của bản thân khi cho ra đời hai quyển sách tuyển tập về ma quỷ dân gian Việt Nam cùng tên với dự án đang thực hiện là Ma Qủy Dân Gian Ký. Bên cạnh đó, những artwork mà Duy thực hiện trong hai bộ phim điện ảnh lớn là Tết Ở Làng Địa NgụcKẻ Ăn Hồn cũng được khán giả đón nhận tích cực.



Trong một xã hội mà ai cũng “vội” làm giàu thì theo đuổi đam mê hẳn là một hành trình không hề dễ dàng cho một người trẻ như Duy. Nhưng cũng bởi nhiệt huyết tuổi trẻ ấy với suy nghĩ “Đặt câu hỏi không bằng hành động. Thay vì chần chừ suy nghĩ, chi bằng làm luôn” mà chàng trai trẻ này đã có một hành trình đầy ý nghĩa từ những mô hình của cha đến nghề họa sĩ và hiện tại là Art Director. Duy Văn hào hứng chia sẻ “ Thích nhất là khoảnh khắc những nhân vật do chính mình xây dựng hình ảnh được bước ra từ những trang tiểu thuyết với hình hài thật”.

 


Cùng làm về hình ảnh, nhưng ở mỗi vị trí khác nhau, người nghệ sĩ lại phát huy những vai trò khác nhau. Nếu như khi vẽ tranh, họa sĩ Diwan làm việc một mình và thỏa sức sáng tạo thì đến khi phát hành sách, tranh và chữ cần có sự kết hợp uyển chuyển, bổ trợ cho nhau truyền tải thông điệp chung. Và đó sẽ không còn là câu chuyện sáng tạo một mình cho đến khi anh tham gia đoàn phim với vai trò giám đốc hình ảnh tại ProductionQ.


Chia sẻ về quá trình làm phim cổ trang, kết hợp tâm linh kinh dị Tết ở làng Địa Ngục, Duy cho biết Art Director và tổ hình ảnh ngay từ giai đoạn tiền kỳ phải có trách nhiệm duy trì “Art keyword” chạy xuyên suốt câu chuyện từ poster, typography (title Phim), đến tạo hình nhân vật, bối cảnh phim. Yếu tố cấu thành “mood and tone” phải bắt nguồn từ vốn kiến thức lịch sử, sự hiểu biết về trang phục, chất liệu tạo hình trong từng cảnh quay. 


Đối với một bộ phim, hình ảnh là yếu tố vô cùng quan trọng vì “Visual - thứ mà người xem có thể nhìn thấy trước khi đón nhận nội dung”, nó liên quan trực tiếp đến doanh thu của sản phẩm, chiến lược kinh doanh của nhà sản xuất. Nói về tầm quan trọng của vị trí giám đốc hình ảnh, Duy Văn nhấn mạnh “Trong tư duy thiết kế bản thân người Art Director phải hiểu cách mà sản phẩm vận hành, xu hướng, phương tiệp đón nhận… mà từ đó đề ra các Art Direction hiệu quả. Kiểu nhìn là yêu ngay”.



Ngoài ra, để mang “vũ trụ tâm linh” đến gần hơn với các bạn trẻ, Duy Văn đã tạo ra một dòng minh họa có phong cách riêng phối hợp line-art dí dỏm hiện đại và phong cách dân gian với màu sắc bắt mắt trong dự án Ma Quỷ Dân Gian Ký. Anh quan niệm “Là một người làm nghệ thuật thì ai cũng muốn sản phẩm mình làm ra đẹp trước đã, có thể nhiều lúc sẽ hơi “lỗ" nhưng bản thân Duy thấy vui. Vì dù “đắt" hay “rẻ" thì tôi cũng đã cố gắng cho chất lượng sản phẩm tốt nhất trong khả năng”.


 

     

Một số hình tượng yêu quái xuất hiện trong Ma quỷ dân gian ký.


Trong quá trình sản xuất nghệ thuật, sáng tạo bằng chất liệu dân gian trên tinh thần gìn giữ và phát huy đã khó, nhưng làm sao để phát triển giá trị đó trở thành một phần của thế hệ trẻ lại càng khó hơn. Dù là người nghệ sĩ độc hành trong hội họa hay làm việc đội nhóm trong đoàn phim, Duy Văn vẫn luôn khao khát mang đến khán giả tinh thần dân tộc vượt thời gian.



Thế giới phẳng là khi các bạn trẻ dù có ngồi cả ngày ở nhà với một chiếc điện thoại hay ipad vẫn có thể tiếp cận với văn hóa thế giới đa dân tộc. Là một người dùng công nghệ thuộc thế hệ Millennial, Duy Văn cũng được tiếp xúc với văn hóa nước ngoài từ rất sớm trên đủ các khía cạnh từ âm nhạc, tranh ảnh đến các trào lưu Anime, Manga nhưng anh vẫn dành thiện cảm cao hơn hẳn cho các tác phẩm Việt Nam. 


Tuy nhiên, đứng trên cương vị của người làm nghệ thuật, Duy luôn giữ tinh thần cởi mở, tìm tòi và chắt lọc để học hỏi thêm. Anh chia sẻ “Tôi không thích kiểu mắt to tròn, kiểu vẽ body phóng đại của Manga Nhật nhưng tôi công nhận học pose dáng của họ rất tốt”


Con đường nhận ra đam mê, theo đuổi và biến nó thành nghề kiếm sống là một hành trình chưa bao giờ dễ dàng dù ở bất kì ngành nào. Nhưng nó sẽ đặc biệt khó khăn với giới họa sĩ khi mà AI đang dần thay thế họ làm mọi việc. Tuy nhiên, Duy Văn tin rằng, công nghệ suy cho cùng thì cũng là con người tạo ra. Vì thế, nếu không ngừng nỗ lực cống hiến trong công việc thì thành công sẽ luôn ở phía sau.



Duy Văn cho rằng một người họa sĩ chuyên nghiệp là khi họ tôn trọng khán giả của mình. Điều đó được thể hiện ở thái độ “tập trung với nghề. Kiểm tra chính xác các yếu tố mỹ học, cân chỉnh tỷ lệ, lỗi chính tả, độ nét trước khi đưa “đứa con tinh thần” ra công chúng.” Với anh, “một tác phẩm đẹp, chỉn chu cũng phải hợp thời và có những cách tiếp cận mới mẻ”.


Trên tinh thần đó, Duy Văn cũng tiết lộ năm 2024 sẽ là một năm đầy hứa hẹn trong sự nghiệp của anh. Ma Qủy Dân Gian Ký là một dự án lớn và khá tham vọng của họa sĩ Duy Văn suốt 3 năm qua, nhưng “vũ trụ” ấy sẽ còn phong phú hơn nữa với dự án sắp tới Dân Gian Quái Ký với sự xuất hiện của các loài yêu quái nổi tiếng trong văn hóa Việt Nam.



Duy Văn - Art Director "Tết ở làng địa ngục": "Sử dụng chất liệu dân gian hợp thời là cách người nghệ sĩ gìn giữ và phát triển truyền thống dân tộc"

Phuc Nguyen

Phuc Nguyen

11 Thg 02 2024

Lưu

Cùng chuyên mục