Ngày nay, người tiêu dùng dần đề cao các giá trị “thật” thay vì đặt hoàn toàn niềm tin vào quảng cáo. Do đó, các doanh nghiệp phải không ngừng thay đổi cách thức tiếp cận để làm sao có thể truyền tải thông điệp tới khách hàng một cách tự nhiên và đáng tin cậy. Trong đó, Employee Advocacy được đánh giá là một chiến lược có hiệu quả, giúp giải quyết bài toán truyền thông thương hiệu với mức chi phí tối ưu nhất. 


Employee Advocacy là hình thức marketing thông qua các hoạt động khuyến khích đội ngũ nhân viên truyền tải những thông tin tích cực về doanh nghiệp trên các trang mạng xã hội. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc sử dụng sức mạnh truyền thông từ cộng đồng nhân viên sẽ mang lại 3 lợi ích cho doanh nghiệp, bao gồm:

  1. Nâng cao nhận thức về thương hiệu và tác động đến doanh số bán hàng: Theo Cisco, so với những nội dung được chia sẻ trực tiếp từ kênh thương hiệu, những thông tin được đưa ra từ nhân viên có độ phủ và tần suất lan toả cao hơn gấp 8 lần.
  2. Thu hút nhân tài và gắn kết nhân viên: Thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội với những lời đánh giá tích cực hay những câu chuyện #LifeAtCompany từ nhân viên sẽ tạo ra nhiều “điểm chạm” đáng tin cậy cho doanh nghiệp, nhờ đó doanh nghiệp tiếp cận được với nhiều ứng viên sáng giá trên thị trường lao động. Bên cạnh đó, báo cáo Altimeter & LinkedIn Relationship Economics cũng cho thấy những nhân viên có hoạt động kết nối với doanh nghiệp mạnh mẽ trên mạng xã hội có xu hướng hài lòng và gắn bó với doanh nghiệp tốt hơn.
  3. Kiểm soát khủng hoảng truyền thông: Theo Hootsuite, thái độ làm việc của nhân viên là một trong những lý do khiến doanh nghiệp có nguy cơ đối mặt với các cuộc khủng hoảng truyền thông. Vì thế, khiến cho nhân sự cảm thấy hạnh phúc trong công việc cũng là chìa khoá giúp cho doanh nghiệp vừa đảm bảo được hiệu suất hoạt động, vừa tránh được những rắc rối có thể xảy ra và xây dựng một đội ngũ trung thành “kề vai sát cánh” trước những cuộc khủng hoảng.


Chia sẻ từ nhân viên trong tổ chức mang tính chân thực và độ tin cậy cao


Để thực hiện một chiến dịch marketing dựa vào nhân viên trong giai đoạn ngắn hạn, dưới đây là 7 bước mà các marketer có thể tham khảo: 

  1. Xây dựng văn hoá tích cực và gắn kết tại nơi làm việc: Trước hết, để tận dụng sức mạnh truyền thông từ cộng đồng nhân viên, hãy đảm bảo rằng nhân sự của bạn đang cảm thấy hài lòng và hạnh phúc trong công việc. Xây dựng bầu không khí hoà đồng tại nơi làm việc, minh bạch về vai trò của nhân viên, tạo cơ hội phát triển sự nghiệp và hỗ trợ họ trong việc giải quyết những rào cản về tinh thần là những lời khuyên hữu ích giúp doanh nghiệp và các nhà quản lý chiếm trọn tình cảm của nhân viên, khiến họ gắn bó hơn với môi trường làm việc. 
  2. Đặt mục tiêu và KPI cho chiến dịch: Đặt mục tiêu và KPI cụ thể cho chiến dịch giúp các marketer có cái nhìn tổng quát hơn về hiệu quả tiếp cận của hoạt động truyền thông này. Hashtag (chẳng hạn như #LifeAtCompany) hay tài khoản riêng dành cho các hoạt động truyền thông nội bộ là một công cụ tuyệt vời giúp đo lường số lần công ty được nhắc đến, xây dựng tình cảm thương hiệu và giúp nhân viên dễ dàng kết nối, gắn kết với nhau hơn. 
  3. Lựa chọn người tiên phong: Hiểu rõ nhân viên, tìm hiểu về những loại công cụ và tài nguyên mà nhân viên thường xuyên chia sẻ trên mạng xã hội sẽ giúp các marketer dễ dàng xác định và lựa chọn những người tiên phong trong chiến dịch Employee Advocacy. Hãy xác định những nhân viên tiềm năng có chia sẻ tích cực về công ty, trao đổi về mục tiêu chiến dịch và lắng nghe phản hồi từ họ để có thể hỗ trợ họ trong việc truyền cảm hứng và tạo động lực cho các nhân viên khác.
  4. Xây dựng bản hướng dẫn truyền thông: Để chiến dịch đạt hiệu quả, điều quan trọng là những người tham gia chiến dịch (tức những nhân viên trong tổ chức) phải nắm rõ được thông điệp và cách truyền đạt thông điệp phù hợp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng, những câu chuyện được chia sẻ từ chính trải nghiệm của nhân viên sẽ mang tính chân thực và mức độ tin cậy cao hơn. Đừng cố tạo ra những giá trị không có thật và bắt nhân viên của mình nói về nó một cách khiên cưỡng!
  5. Thu hút, kêu gọi nhân viên tham gia chiến dịch: Sau khi đã xác định mục tiêu và đề ra bản hướng dẫn truyền thông, đây là lúc doanh nghiệp tiếp cận với nhân viên của mình và vận động họ tham gia chiến dịch. Thay vì ép buộc, hãy truyền cảm hứng để họ tự do sáng tạo nên những nội dung thể hiện những khía cạnh tuyệt vời của công ty và thoải mái chia sẻ chúng trên các nền tảng mạng xã hội.
  6. Cung cấp và chia sẻ các tài nguyên có giá trị: Một trong những cách khuyến khích nhân viên chia sẻ nhiều hơn trên mạng xã hội là cung cấp cho họ những tài nguyên có sẵn. Xây dựng và thường xuyên cập nhật nguồn tài nguyên về công ty bao gồm hình ảnh, video hay những đãi ngộ đặc biệt sẽ làm cho quá trình truyền thông của họ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
  7. Khen thưởng: Một gợi ý mà các marketer có thể thực hiện đó là tổ chức minigame hoặc một cuộc thi nơi mà những nhân viên tích cực chia sẻ hoặc có những ý tưởng sáng tạo thể hiện văn hoá công ty sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng. Hoặc đơn giản hơn, hãy xây dựng chế độ khen thưởng rõ ràng và chia đều phần thưởng đó cho tất cả các nhân viên tham gia chiến dịch.


6 Excellent Examples of Effective Collaboration in the Workplace - Humanyze

Xây dựng một đội ngũ nhân viên đáng tin cậy là một hành trình dài nhưng có khả năng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp



Theo Hootsuite

Thảo Vy