Góc nhìn của sinh viên trong ngành Truyền thông - Quảng cáo: Hành trình 'cày' lý thuyết ‘khó nuốt’ hơn nhiều người vẫn nghĩ

Để có được những thành phẩm thực hành sáng tạo trong ngành Truyền thông - Quảng cáo, các bạn sinh viên cũng đã phải trải qua quá trình tiếp thu những kiến thức lý thuyết để xây dựng nền tảng và mất hàng giờ để cùng nhau hình thành ý tưởng cho đến hoàn thiện sản phẩm. 


Chính vì thế, những bài post trên mạng xã hội, những đoạn video ghi lại những sản phẩm đã hoàn thiện hay khoảnh khắc thăng hoa của các bạn sinh viên cũng chỉ là một phần nhỏ trong quá trình học tập của các bạn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người đặc biệt là các bạn tân sinh viên có góc nhìn chưa ‘đủ’ về quá trình học tập của các bạn sinh viên đang theo học ngành Truyền thông - Quảng cáo.


Hãy cùng tìm hiểu quá trình theo học nhóm ngành Truyền thông - Quảng cáo của các bạn sinh viên, cựu sinh viên đến từ trường Đại học Văn Lang, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Tp.HCM và Đại học Công Nghệ Tp.HCM thông qua bài viết sau! 



Vẫn còn một số tân sinh viên cho rằng nhóm ngành Truyền thông - Quảng cáo không cần học nhiều lý thuyết 


Bên cạnh việc lựa chọn lĩnh vực Truyền thông - Quảng cáo vì đam mê, vẫn còn có nhiều sinh viên chọn nhóm ngành này cũng chỉ vì né lý thuyết hoặc có ảnh hưởng từ những chia sẻ của những anh chị đi trước, đồng thời là những video tuyển sinh của các trường Đại học đã khiến nhiều tân sinh viên chỉ nhìn thấy kết quả thực hành mà hiểu lầm rằng ngành này không học nhiều lý thuyết và yêu cầu về mặt lý thuyết không quá cao, chỉ cần thực hành nhuần nhuyễn là đủ. 


Đối với bạn Đinh Văn Tiến, trước khi quyết định chọn ngành Quan hệ công chúng, bạn cũng đã từng được nghe các anh chị tiền bối chia về ngành rằng: “Học Truyền thông thì chỉ cần quan tâm và đầu tư vào trải nghiệm và thực hành nhiều chứ những kiến thức ở đại học không giúp ích mấy cho việc đi làm sau này”. Tuy nhiên, bạn Đinh Văn Tiến chỉ tiếp thu ý kiến của các anh chị dưới góc độ tham khảo bởi vì bạn cho rằng: “Với mình, thiếu đi 01 trong 02 yếu tố đó thì cán cân năng lực sẽ dễ bị lệch”.


Không những thế, bạn Trần Hoàng Ngân Anh cũng từng có trải nghiệm tương tự khi được nghe nói rằng ngành Báo Chí rất nặng về lý thuyết: “Người nói điều này là chị gái của mình, chị cũng từng là sinh viên của khoa Báo chí và Truyền thông và hiện tại cũng là một Nhà báo. Song thời chị mình đi học đã là hơn chục năm trước và mình đã từng nghĩ rằng đến thế hệ của mình mức độ lý thuyết sẽ giảm xuống, tăng cơ hội cọ xát bằng việc thực hành của sinh viên nhiều hơn. Có như vậy thì bộ kỹ năng làm nghề của mình mới tiến bộ được. Bản thân mình cũng là một người không thích phải học lý thuyết quá nhiều. Vì vậy nên là trước khi bắt đầu 4 năm Đại học thì mình đã rất mong đợi được mình sẽ được học thực hành là chủ yếu. Nhưng thực tế thì không giống như mình kỳ vọng hoàn toàn. Mình vẫn được tạo cơ hội va chạm thực tế nhiều nhưng khối lượng lý thuyết vẫn tương đối lớn”. 


Trải qua quá trình học tập tại Đại học thì các bạn đã được các thầy cô cung cấp nhiều lý thuyết trước khi có sản phẩm chỉn chu và cả ba bạn Đinh Văn Tiến, Trần Hoàng Ngân Anh, Nguyễn Minh Hoàng đều cho rằng lý thuyết là nền tảng quan trọng không thể thiếu của những sinh viên ngành Truyền thông - Quảng cáo nói riêng và những ngành học khác nói chung. 



“Khi bắt đầu ‘dấn thân’ học và làm nhiều hơn, mình thực sự thấy việc học lý thuyết tại trường rất quan trọng. Giảng viên sẽ giúp mình hệ thống hóa lại kiến thức để có cái nhìn tổng thể và rõ ràng hơn về ngành và nghề mà mình đang theo đuổi. Nhờ vào sự trang bị kiến thức trước đó, mình cảm thấy tự tin hơn khi bước vào thực hành”- Bạn Nguyễn Minh Hoàng chia sẻ.


Bên cạnh đó, nếu bắt tay vào thực hành ngay mà không có nền tảng lý thuyết hỗ trợ thì các sinh viên có thể phải mất một khoảng thời gian để tự mày mò hoặc thậm chí là mắc phải những rủi ro mà đáng lẽ chỉ cần áp dụng những kiến thức lý thuyết là có thể giải quyết được. Theo bạn Đinh Văn Tiến: “Đặt trong bối cảnh một sinh viên chỉ có thực hành mà không có nền tảng lý thuyết chắc chắn mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Mình sẽ phải đứng trước “ván đầu tư” mà mình chắc chắn phải mất nhiều thứ như thời gian, tiền bạc, công sức, sức khỏe,... để tự mò mẫm tìm lối các giải pháp cho các vấn đề mình đối mặt khi đi làm thực tế. Trong khi đó, mình hoàn toàn có thể giảm thiểu rủi ro cho việc này bằng cách áp dụng những kiến thức lý thuyết được học tại trường”. 


Khi bắt tay vào thực hành, không phải lúc nào cũng cứ ‘áp dụng lý thuyết là ra’


Tuy nhiên, lý thuyết đôi khi không thể hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu của thực tế, và trong quá trình triển khai các dự án, sẽ có những tình huống phát sinh mà các bạn sinh viên không thể dự đoán trước được. Những kiến thức học được từ sách vở, giảng đường, mặc dù mang tính nền tảng và giúp định hình tư duy, nhưng khi áp dụng vào thực tế, có thể sẽ gặp phải những giới hạn nhất định. 


Thực tế luôn đầy rẫy những biến số, những yếu tố bất ngờ mà không thể lường trước bằng lý thuyết thuần túy. Có những lúc, dù đã trang bị đầy đủ kiến thức, các bạn sinh viên vẫn phải đối mặt với những thử thách mới mẻ, đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt và khả năng ứng biến tức thời. Chính trong những khoảnh khắc đó, sự kết hợp giữa lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đây cũng là lúc mà khả năng học hỏi từ những sai lầm, sự linh hoạt trong cách tiếp cận và tinh thần dám thử nghiệm trở thành những yếu tố quyết định sự thành công của một dự án. Việc này không chỉ giúp các bạn sinh viên rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống mà còn giúp họ hiểu sâu hơn về bản chất của những kiến thức đã học, từ đó tạo ra những sản phẩm sáng tạo và phù hợp với thực tiễn hơn.



Vậy để giảm thiểu được những tình huống xấu có thể xảy ra, bạn Nguyễn Minh Hoàng đã chia sẻ phương pháp để trước và sau khi bắt tay vào công việc, các sinh viên có thể giải quyết các tình huống phát sinh một cách trơn tru. 

Trước khi bắt tay vào dự án, công việc: 

  • Quan sát kỹ, tìm hiểu những thông tin cần thiết.
  • Tính tới những tình huống xấu nhất có thể xảy ra trước. 
  • Lập ra các phương án xử lý hoặc lên các backup plan để dự phòng cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. 

Trong khi thực hiện, nếu có tình huống bất ngờ xảy ra thì: 

  • Tập trung xử lý các vấn đề cấp thiết trước, hoặc sử dụng ngay các phương án dự phòng mà mình đã chuẩn bị sẵn để xử lý một cách linh động. 


Từ việc ‘ngán’ lý thuyết cho đến việc sáng tạo phương pháp ‘nạp’ kiến thức hiệu quả 


Nhưng cũng có đôi lúc học lý thuyết quá nhiều sẽ khiến cho các sinh viên dễ bị ‘ngán’ và quá tải. “Cũng có những lúc mình “ngán” học lý thuyết chứ vì cơ bản thì lý thuyết sẽ nhiều, dài, chi tiết và “toàn chữ”. Nhưng mình hiểu tầm quan trọng của những thứ mà nhiều người xem là “ngán ngẩm” này. Mình sẽ không cố gắng để “tiêu thụ” hết 100% các lý thuyết được dạy. Mình sẽ cố gắng nắm được hệ thống lý thuyết nền tảng, từ đó sẽ tự chọn lọc và “tiêu thụ” những kiến thức mà bản thân thấy quan trọng, cần thiết. Mình sẽ cố gắng “sơ đồ hóa” hệ thống lý thuyết được học vì mình thấy dễ hiểu hơn khi áp dụng cách này. Ngoài ra, mình sẽ cố gắng phân tích các case thực tế dựa trên các lý thuyết được học. Với mình, đây là cách để nhớ lý thuyết và đưa lý thuyết vào thực hành hiệu quả nhất cho sinh viên bọn mình” - Bạn Đinh Văn Tiến chia sẻ. 


Trong khi đó, phương pháp mà bạn Trần Hoàng Ngân Anh chọn để ‘nạp' hết khối lượng kiến thức khó nhằn và lượng lý thuyết dày đặc của môn học ‘Pháp luật và đạo đức nghề báo' là: “Mình quyết định lên YouTube để coi về những bài phân tích, bình luận từ nhiều nguồn, nhiều góc nhìn về chính trị, xã hội. Từ đó mình có một nguồn cảm hứng, mình thấy pháp luật chưa bao giờ gần gũi với mình như vậy. Mình thoát khỏi khung, những gạch đầu dòng để tiến tới việc đọc hiểu những lý thuyết này, ghi nhớ chúng để có một một tâm thế mình sẽ không phải “sợ khó” nữa”.



Các sinh viên không chỉ tự tìm phương pháp học lý thuyết hữu ích cho bản thân mà các thầy cô giảng viên còn hỗ trợ và đơn giản hoá các kiến thức lý thuyết để sinh viên có thể tiếp cận những kiến thức lý thuyết một cách gần gũi hơn. Theo bạn Nguyễn Minh Hoàng chia sẻ về ngành học Truyền thông đa phương tiện tại trường Đại học Công Nghệ Tp.HCM, các thầy cô đã đơn giản hoá các kiến thức lý thuyết bằng cách kể chuyện làm nghề, bạn cho rằng hầu hết các sinh viên đều hứng thú với kinh nghiệm thực tế từ thầy cô. 


Sau khi nhận ra tầm quan trọng của lý thuyết trong quá trình học tập, nhiều sinh viên đã bắt đầu thay đổi cách tiếp cận của mình. Thay vì chỉ giới hạn việc học trong khuôn khổ trường lớp, họ đã chủ động tìm kiếm và áp dụng lý thuyết từ nhiều nguồn khác nhau, mở rộng phạm vi học hỏi của mình ra ngoài giảng đường. Các sinh viên bắt đầu khai thác triệt để các tài liệu từ sách chuyên ngành, các bài báo khoa học, và cả những khóa học trực tuyến từ các nền tảng giáo dục uy tín từ đó áp dụng vào quá trình học tập và thực hành của mình. Đối với bạn Đinh Văn Tiến và Nguyễn Minh Hoàng, ngoài những kiến thức Truyền thông - Quảng cáo được học ở trường lớp, các bạn còn tự đầu tư cho bản thân bằng những khoá học trên các nguồn uy tín. Còn với bạn Trần Hoàng Ngân Anh, bạn chọn tham gia những câu lạc bộ về ngành để được học lý thuyết thông qua những dự án thực tế. 


Chính vì thế, sinh viên không chỉ dừng lại ở việc học lý thuyết mà còn biết cách áp dụng chúng vào các tình huống thực tế, từ đó rút ra những bài học sâu sắc và có giá trị. Điều này không chỉ giúp họ nâng cao hiểu biết lý thuyết mà còn phát triển các kỹ năng thực tế, làm giàu thêm cho hành trang nghề nghiệp của mình.


Có thể thấy rằng quá trình học tập trong ngành Truyền thông - Quảng cáo không chỉ đơn giản là việc hoàn thành các bài thực hành hay dự án sáng tạo, mà còn là sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn. Những kiến thức lý thuyết được học không chỉ giúp sinh viên xây dựng nền tảng vững chắc mà còn hỗ trợ họ phát triển tư duy phân tích, khả năng giải quyết vấn đề và sự sáng tạo trong công việc. 


Kim Yến


Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!


Góc nhìn của sinh viên trong ngành Truyền thông - Quảng cáo: Hành trình 'cày' lý thuyết ‘khó nuốt’ hơn nhiều người vẫn nghĩ

Kim Yến

Kim Yến

Content Writer | Advertising Vietnam

28 Thg 08 2024

Lưu

Cùng chuyên mục