Hiểu hơn hành vi người dùng kỹ thuật số Việt Nam trong thời đại mới

Sau một năm có nhiều biến động bởi dịch COVID-19, cùng sự trỗi dậy của làn sóng metaverse, thói quen và hành vi người dùng kỹ thuật số đã có những thay đổi đáng kể. 


Với sự tham gia của anh Hưng Huỳnh - Giám đốc Khách hàng Chiến lược Meta (Facebook), anh Hoàng Đào - Founder/CEO Monkey và anh Trung Nguyễn - CEO Advertising Vietnam, talkshow Hiểu hơn hành vi người dùng kỹ thuật số Việt Nam trong thời đại mới” diễn ra nhằm cung cấp những thông tin hữu ích về xu hướng mới của người dùng Việt Nam và cơ hội của doanh nghiệp sau đại dịch - thông qua báo cáo SYNC Southest Asia. Mời các bạn cùng khám phá! 


Talkshow: Hiểu hơn hành vi người dùng kỹ thuật số Việt Nam trong thời đại mới


1. Về SYNC Southest Asia 


SYNC Southest Asia là báo cáo hợp tác giữa Meta và Bain & Company, ra mắt lần đầu tiên vào năm 2018 và đến nay đã có 5 báo cáo được phát hành. Các báo cáo được thực hiện dựa trên khảo sát hơn 16.000 người dùng cùng 20 lãnh đạo cấp cao đến từ các công ty hàng đầu Đông Nam Á, nhằm cung cấp thông tin về thói quen và hành vi người dùng kỹ thuật số tại khu vực và các cơ hội kinh doanh mà doanh nghiệp có thể khai thác. 


2. Hành vi và thói quen của người dùng kỹ thuật số tại Việt Nam thay đổi như thế nào?


Trong bối cảnh dịch bệnh, mua sắm qua thương mại điện tử trở thành xu hướng tiêu dùng mới, mang đến trải nghiệm mua sắm hiện đại và thông minh hơn cho người tiêu dùng. Theo hai báo cáo SYNC của Meta & Bain và SEA E-conomy của Google, tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) của Thương mại điện tử tại Việt Nam tăng nhanh nhất và lớn thứ 2 trong khu vực. Với 53 triệu người dùng trực tuyến, GMV của Thương mại điện tử dự đoán đạt 56 tỷ vào năm 2026, tăng gấp 5 lần so với 2021. 


Năm 2021, khác với các nước trong khu vực - ngành thực phẩm & tiêu dùng nhanh tăng trưởng mạnh nhất, tại Việt Nam, ngành hàng chăm sóc cá nhân và làm đẹp lại tăng trưởng nhanh nhất (3,2 lần), theo sau là hai ngành điện tử tiêu dùng và thời trang/phụ kiện. Ngoài ra, thói quen khám phá sản phẩm/thương hiệu của người dùng Việt Nam cũng thay đổi, có đến 81% người dùng dựa vào mạng xã hội và sàn thương mại điện tử để tìm hiểu và khám phá các sản phẩm/thương hiệu mà họ quan tâm. Đặc biệt, Việt Nam là nhóm người dùng duy nhất ở Đông Nam Á sẵn sàng thay đổi sản phẩm/thương hiệu vì họ tìm thấy sản phẩm thay thế có chất lượng tốt hơn, thay vì là tìm thấy sản phẩm có giá tốt hơn như ở các nước khác. Bên cạnh thói quen mua sắm, phương thức thanh toán cũng có sự thay đổi đáng kể. Thanh toán bằng ví điện tử (e-wallet) tăng 82%, ngược lại, thanh toán bằng tiền mặt giảm 29% và được dự đoán sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. 


Ngoài những số liệu cho thấy sự ảnh hưởng của các kênh số hóa đến hành trình mua sắm, báo cáo SYNC cũng cho thấy, lối sống lấy nhà làm trung tâm (home-centric lifestyle) đã hình thành trên toàn khu vực nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Theo đó, phần lớn người tiêu dùng vẫn tiếp tục duy trì thói quen mua sắm thực phẩm, rau củ quả, hàng tiêu dùng nhanh sau đại dịch. 



3. Doanh nghiệp ứng phó với sự thay đổi hành vi và thói quen người dùng


Theo anh Hoàng Đào - Founder/CEO Monkey, trong xu hướng home-centric lifestyle, nhu cầu học trực tuyến tại Việt Nam cũng gia tăng “đột biến”. Nắm bắt cơ hội này, Monkey quyết định mở rộng quy mô nhân sự, ra mắt sản phẩm mới và đầu tư vào chất lượng giảng dạy để đáp ứng nhu cầu người dùng. Công ty đã ứng dụng AI để cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, đưa ra lộ trình học phù hợp với từng đối tượng học viên.


Lý giải về xu hướng lựa chọn sản phẩm/thương hiệu dựa trên chất lượng tốt, tin cậy hơn thay vì giá cả của người dùng Việt, anh Hoàng Đào cho biết: “Hành vi tiêu dùng trong lĩnh vực giáo dục của người Việt cao hơn các nước Đông Nam Á. Bố mẹ Việt Nam rất quan tâm đến giáo dục và mong muốn con cái được tiếp cận những chương trình học tốt và chất lượng. Ngay cả trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh, những gia đình có thu nhập thấp vẫn sẵn sàng chi trả tiền để mua khoá học cho con”.


Anh Hưng Huỳnh - Giám đốc Khách hàng Chiến lược Meta (Facebook) bổ sung: “Khi thực hiện báo cáo SYNC, chúng tôi nhận thấy có đến 97% người dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn để mua những sản phẩm/dịch vụ có tính bền vững hoặc thân thiện với môi trường. Ngoài ra, trung bình một người dùng Việt mua sắm trên 8 trang web, tăng 2 trang web so với năm 2020, cho thấy họ rất cởi mở khi khám phá những sản phẩm mới. Việc khám phá qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử cũng giúp người dùng có nhiều lựa chọn thay thế khác khi không còn hài lòng với các sản phẩm họ đang sử dụng”. 



4. Xu hướng tiêu dùng trong thời đại mới 


Chia sẻ về xu hướng tiêu dùng trong thời đại mới, anh Hưng Huỳnh cho biết, có 3 xu hướng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi và thói quen của người dùng trong những năm tiếp theo, gồm:


  • Mua sắm trên mạng xã hội (social commerce). 
  • Trải nghiệm VR/AR trong metaverse: 75% người dùng cho biết VR/AR làm gia tăng trải nghiệm trực tuyến của họ.
  • Social videos (Livestream, Stories, Reels, Facebook Watch,...): 90% người dùng tương tác với videos sau khi xem.


Có thể thấy, sự thay đổi trong thói quen và hành vi của người dùng là cơ hội để doanh nghiệp có thể tương tác với họ trong thời gian thực, với tính cá nhân hóa và mức độ chi tiết cao. Bên cạnh việc ra mắt những sản phẩm chất lượng và đáp ứng nhu cầu thực của người dùng, doanh nghiệp cũng cần tìm ra những “điểm chạm” phù hợp để tương tác và phát triển mối quan hệ bền vững với người tiêu dùng. 


Advertising Vietnam cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian tham gia talkshow và chia sẻ những thông tin bổ ích đến doanh nghiệp Việt. Các bạn độc giả có thể tải báo cáo SYNC tại link.


Tâm Thương | Advertising Vietnam


Hiểu hơn hành vi người dùng kỹ thuật số Việt Nam trong thời đại mới

Tâm Thương

Tâm Thương

Content Creator | Advertising Vietnam

17 Thg 12 2021

Lưu

Cùng chuyên mục