Huỳnh Lê Khánh: "Giải thưởng cũng là một 'job to be done', nếu không có nó nhân sự vẫn còn nhiều gạch đầu dòng khác"

Trong mọi lĩnh vực nói chung và ngành sáng tạo nói riêng, nhiều người đã quan niệm rằng giải thưởng không chỉ đơn giản là một dấu hiệu công nhận mà còn là mục tiêu quan trọng để đo lường thành công và khẳng định tài năng chuyên môn của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu việc theo đuổi giải thưởng có thực sự đem lại giá trị và sự phát triển trong công việc?


Tại buổi trò chuyện với chủ đề “Có nên chạy theo Award để làm nghề?”, thuộc chuỗi talkshow Debrief Chính Mình diễn ra trên ứng dụng OnMic, khán giả đã được lắng nghe cuộc trò chuyện thú vị giữa host Uy Lê với nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở cả agency và client và khách mời đặc biệt: Anh Huỳnh Lê Khánh - CGO của Golden Communication Group. Buổi talkshow đã khám phá những góc nhìn đa chiều về vấn đề giải thưởng trong ngành sáng tạo. Với trải nghiệm và sự hiểu biết sâu sắc về ngành, các bên đã chia sẻ những quan điểm thú vị về việc có nên chạy theo giải thưởng trong công việc.




Q: Theo quan điểm của anh thì giải thưởng có thật sự cần thiết hay không? Tại sao nó lại quan trọng đến nỗi có những agency xem đây là một KPI cần đạt được và thường xuyên tham gia hằng năm?  


A: Đầu tiên, chúng ta hãy suy nghĩ về lý do ra đời của các giải thưởng. Nhìn bao quát, có thể thấy rằng bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào cũng đều sẽ có một giải thưởng nào đó. Nếu làm một research nho nhỏ của riêng ngành Truyền thông - Quảng cáo tại Việt Nam cũng như trên thế giới, mọi người sẽ thấy rằng có vô vàn giải thưởng mà chúng ta chưa biết hết. Ngay cả riêng một hạng mục như “sáng tạo” cũng đã có rất nhiều giải thưởng khác nhau.


Mình cho rằng lý do ra đời của các giải thưởng là nhằm tôn vinh, để những người tham gia có thể tự hào với nhau rằng có ai đó đang ghi nhận những cống hiến và đóng góp của mình trong ngành. Ai cũng muốn thành quả của mình được ghi nhận. Tuy nhiên, việc các giải thưởng này đang tôn vinh điều gì, và liệu sự tôn vinh đó có “thực chất” hay không chính là điều mà chúng ta đang nói đến ngày hôm nay.


Nếu phải đánh giá "Liệu các giải thưởng có “thực chất” hay không?", thì mình nghĩ câu trả lời là “có”. Các giải thưởng liên quan đến công sức, chi phí, có những sự nhiệt huyết trong khoảng thời gian dài của những người tham gia lẫn các giám khảo với những ngày tranh luận sôi nổi và thậm chí là có phần quyết liệt. Nên với trải nghiệm của mình, mình tin là những giải thưởng có “thật” vì nó ghi nhận nhiều yếu tố “thật” trong một cuộc thi. 


Q: Với góc nhìn của một giám khảo, theo ý kiến của anh, tiêu chí của một giải thưởng nên được lựa chọn như thế nào để đảm bảo tính công bằng và hợp lý? Lúc anh tranh luận với các giám khảo khác, anh đã tập trung vào điều gì trong một chiến dịch?


A: Ở giai đoạn ban đầu, có rất nhiều giải thưởng chưa xác định được tiêu chí rõ ràng. Mình cho rằng các giải thưởng khi đó tập trung vào việc tôn vinh ý tưởng của người sáng tạo. 


Hiện tại, các giải thưởng tại Việt Nam và trên thế giới đều hướng đến tôn vinh các sản phẩm từ một chương trình hoặc một dự án đã được triển khai. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra cho những người làm nghề, từ người đăng ký tham dự đến người chấm giải và người theo dõi giải thưởng: “Điều gì là xứng đáng và yếu tố ‘thật’ nằm ở đâu trong các giải thưởng được trao?”   


Ví dụ, mọi người sẽ thấy rất rõ ràng là những giải thưởng sau này sẽ được trao dựa trên những tiêu chí cụ thể. Với giám khảo, họ sẽ chấm dựa trên sản phẩm nhận được, còn yếu tố “thật” thì phải xem xét thêm. Thông thường, những người tổ chức giải thưởng thường sẽ đặt niềm tin vào những người nộp bài. Ai cũng phải đảm bảo yếu tố “thật” khi gửi cho ban tổ chức và chịu trách nhiệm cho việc này. Còn việc ban tổ chức có kiểm tra hay không thì lại là một câu chuyện khác.   



Các nhận xét của ban giám khảo sẽ dựa trên tiêu chí của giải thưởng và trải nghiệm làm nghề để đánh giá tính “thật” của sản phẩm trên những gì được viết ra. Khi viết mô tả cho những giải thưởng để tranh giải, chắc chắn rằng ai cũng sẽ làm một cách hoàn hảo nhất. Việc một giám khảo phải làm ở đây là xem chiến dịch đó thực chất là đại diện cho điều gì, có phải chính xác là những thứ đã được viết ra hay không. Vậy nên, thường các giám khảo thường tranh luận với nhau về việc “Bạn muốn tôn vinh điều gì ở đây khi bạn chấm giải thưởng đó?” 


Đã từng có nhiều trường hợp tranh luận với nhau về việc như “Mình sẽ bám vào sự thành công của chiến dịch trên báo cáo?” hay “Chiến dịch đó có gì để người trong ngành có thể học hỏi?”. Trên thực tế, có thể vẫn có những sản phẩm thành công nhờ vào tài chính hoặc sức ảnh hưởng mạnh. Nếu gạt đi những lợi thế này thì điều còn lại có thể học hỏi là gì? Đó chính là sự thật mà những người làm giám khảo phải đối diện. Tuy nhiên, không phải lúc nào giám khảo cũng có thuận lợi để nhận ra những điều đó. Và đó cũng là bối cảnh của các giải thưởng hiện nay.



Q: Như anh chia sẻ, giải thưởng được tạo ra để tôn vinh. Đó có thể là sự sáng tạo hay một chiến dịch, một ý tưởng đem đến một bài học hữu ích, hoặc chiến dịch đó mang lại hiệu quả lớn, làm cho những người trong ngành phải ngạc nhiên vì họ chưa bao giờ nghĩ tới. Để làm được điều này, các cá nhân khi đi thi thường hay có những áp lực của riêng mình. Anh nghĩ gì về áp lực của những người đi thi? 


A: Theo quan sát cá nhân, mình nhận thấy rằng với những bạn đi thi nhiều nhưng chưa có may mắn đạt giải, họ sẽ có cảm giác là “mình cũng đâu có thua họ, sản phẩm ấy có gì đặc biệt so với mình đâu?”. Khi đó, có rất nhiều chiều hướng tâm lý sẽ diễn ra: cảm giác unfair, quá bất công. Hoặc có thể ảnh hưởng đến tâm lý nếu cá nhân trở lại với một giải nào đó trong năm tiếp theo.     


Có 3 nhóm đối tượng chính cần đề cập khi mình tham gia giải thưởng. Thứ nhất là những người trực tiếp tham gia vào dự án và đi thi. Thứ hai là nhóm ở vị trí điều hành. Thứ ba là nhóm ở vị trí giám khảo. 


Từ góc độ từ những bạn tham gia, ở đây lại có 2 nhóm khác. Một nhóm bị áp lực phải chứng minh sự sáng tạo của mình bằng việc phải có giải thưởng nào đó trong tay. Áp lực này thường đến khi xung quanh rất nhiều đồng nghiệp ở các công ty khác thường có những giải thưởng nào đó. Hoặc là những người đồng nghiệp của mình ở các project khác hoặc bộ phận khác khi họ có giải. 



Nếu công bằng mà nói, giải thưởng là sự chứng thực cho nhiều yếu tố. Từ góc nhìn quản trị, xem xét ứng viên có giải thưởng hay không là cách nhanh nhất để một người làm quản lý nhìn ra được trong tổ chức của mình đâu là những chiến binh. Đây là tâm lý tồn tại với rất nhiều người quản lý. Ngay cả với bản thân mình, khi đi từ quản lý cấp trung đến cấp cao như hiện nay, mình thường có sự ưu tiên nhất định trong cách nhìn nhận về một ứng viên có giải thưởng.        


Trong trường hợp của một người HR, nếu trong CV của ứng viên có đề cập đến việc đã từng đạt giải trong ngành, và nếu như đó là một giải lớn, uy tín, lâu đời, chắc chắn ấn tượng của họ đối với ứng viên sẽ rất tốt. Nên mình nghĩ rằng, giải thưởng chính là con đường nhanh nhất để chứng minh năng lực của nhân sự đã được rèn luyện và “thử lửa” qua những cuộc thi cam go. 


Thử thách trong các cuộc thi không chỉ là về sự sáng tạo mà còn là độ lì lợm. Đôi khi khó khăn trong cuộc thi có thể đến từ việc có quá nhiều ứng viên vượt trội và cũng có thể là do có những “tiêu chí ngầm” mà mình không đáp ứng được. Nếu nhìn vào góc độ “đi thi, đạt giải” thì có thể nhìn nhận những cá nhân tham gia giải thưởng đều có một sự kiên trì vì chắc chắn rằng làm một bộ hồ sơ để nộp vào các giải thưởng không phải là chuyện đơn giản.  


Q: Khi bước vào các giải thưởng, mình phải biết rõ mình đang muốn tìm cái gì, chẳng hạn như “Mình đang muốn xây dựng thương hiệu cá nhân của mình như thế nào?”“Award có phải là thứ đồng điệu với những gì mình muốn hay không?”. Điều này giống như việc “Mình giỏi IELTS” chưa chắc mình giỏi tiếng Anh, mình chỉ đang giỏi kỹ năng đi thi. Anh nghĩ gì về điều này?        


A: Mình có một trải nghiệm tương tự. Ngày xưa khi đang là một giảng viên dạy tiếng Anh, mình dạy kỹ năng nói (Speaking). Có một lần mình tham dự phần thi nói trong kỳ thi TOEFL iBT. Do tự tin là sẽ làm tốt nên mình đã không dành nhiều thời gian tập luyện. Cuối cùng, kết quả phần speaking không được tốt so với năng lực thực sự của mình. Vì thế, mình rất đồng ý chuyện đi thi là một kỹ năng. Và đi tranh giải cũng là một kỹ năng. 


Có những bạn tham gia giải thưởng qua nhiều mùa và thậm chí trở thành “chuyên gia” của giải thưởng đó. Với cách hiểu về giải thưởng, các bạn đó hầu như được lọt vào danh sách vòng tiếp theo. Mình được nghe một số bạn chia sẻ rất cụ thể về vấn đề “với giải thưởng đó, phải viết như thế nào thì chắc chắn sẽ được chọn tiếp?”. Khi mình kiểm tra lại các tiêu chí với vai trò của một giám khảo thì quả thật các tiêu chí được chọn giống như các bạn đã nói.


Về tâm lý, mình muốn chia sẻ một câu chuyện. Mình có một người bạn rất “máu” đi thi. Cứ có thi là bạn đó sẽ rất năng nổ tham gia. Có thể bạn ấy muốn nhìn thấy bản thân đang ở đâu qua mỗi cuộc thi với những tiêu chuẩn nhất định của từng giải thưởng. Đó là lí do bạn ấy muốn có những trải nghiệm thi cử và thấy vui vì điều đó. Nếu lỡ như thua thì việc đó cũng không phải chuyện gì to tát với bạn. Vấn đề ở đây là việc mọi người muốn tham gia thi để làm gì.     



Với nhóm khác, mọi người muốn tham gia thi để phát triển thương hiệu cá nhân, có được sự chứng nhận để đưa vào trong CV . Đây là một mục tiêu với nhiều người để tạo ấn tượng trong hồ sơ cá nhân. Tuy nhiên, trong CV, nếu không có “gạch đầu dòng” về giải thưởng thì đừng quên chúng ta cũng còn nhiều gạch đầu dòng khác. Dĩ nhiên, thành tích từ giải thưởng là một minh chứng rõ ràng cho năng lực của cá nhân. Tuy nhiên nếu không có thì chúng ta cũng có thể liệt kê những thành quả khác từ những project đã từng làm.    


Nên mình nghĩ rằng, đừng quá “áp lực” về sự hiện diện của bản thân trong một giải thưởng nào đó. Còn nếu bạn cho rằng giải thưởng là nơi tôn vinh nghề nghiệp, một nơi tạo ra sân chơi trong ngành, thì bạn cứ tham gia. Như vậy sẽ giảm được tâm lý thắng - thua. Mình thấy rằng các bạn trẻ hay rơi vào tình huống “nghi ngờ năng lực bản thân khi thất bại”. Đó là điều thực sự không tốt cho bất cứ ai và đồng thời cũng là điều khó vượt qua nhất.


Q: Với một số bạn trẻ, việc có một giải thưởng có thể khiến các bạn rơi vào trạng thái hơi “cực đoan” như “tôi giỏi thì tôi phải có giải”, “tôi không có giải tức là tôi không giỏi”. Nhận định này chưa hoàn toàn đúng vì còn có những kỹ năng quan trọng khác nữa. Bạn có thể có những kỹ năng phù hợp với một giải thưởng, nhưng khi đi làm có trao đổi, làm việc được với đồng nghiệp không thì là một chuyện khác. Và càng tiếp xúc với nhiều người thì mới hiểu được bản thân. Mình giỏi cái này, người ta giỏi cái khác. Nếu nghĩ như vậy thì các bạn sẽ đỡ bị tâm lý “Sao họ được mà mình không được?”. Ngoài yếu tố khách quan, thế mạnh riêng của mỗi người cũng là yếu tố quan trọng. Anh có chia sẻ gì về việc này không?


Mọi người hãy xem việc tham gia một giải thưởng và đạt giải thưởng là một “Job to be done”trong một tổ chức. Để giải thích điều này, mình sẽ giải thích đôi điều về áp lực của bản thân ở vị trí điều hành. Khi quan sát xung quanh, mình thấy là có rất nhiều công ty cùng phân khúc mình đang làm, hầu như đều có ít nhất một giải thưởng liên quan trong ngành. Còn công ty của mình các bạn lại tập trung vào sản phẩm dịch vụ, ít khi quan tâm tới giải thưởng. Một điều nữa là khi mình hỏi các nhân viên trong công ty về các giải thưởng có thể nộp dựa trên những dự án đang làm, các bạn không nói được tên của một giải thưởng nào. Việc này làm mình hơi ngạc nhiên. Mình khi đó cũng gặp vấn đề “peer pressure” với cương vị quản lý điều hành cấp cao. 


Sau này, mình mới thấy việc đạt giải thưởng cũng có thể được xem như là một công việc được giao, là một công cụ quảng bá hình ảnh công ty. Nếu các bạn nhìn nhận như vậy, đó chỉ là một task trong hàng ngàn task của công ty, thì sẽ có những người có thế mạnh làm việc này và người khác sẽ có thế mạnh trong việc khác. Có người đảm nhiệm chức năng này và người khác đảm nhiệm chức năng khác. Ở đây chỉ đơn giản là một nhiệm vụ đi nộp hồ sơ để tranh giải. Khi có giải thưởng thì được xem là hoàn thành công việc. Nó giống như việc một người gửi một proposal và được khách hàng đồng ý, thì cũng là hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả đều là những nhiệm vụ cần phải làm. Khi nhìn nhận ở góc độ này thì mình cảm thấy đỡ áp lực bản thân hơn. Công ty nào cũng có nhiều việc khác nhau và cũng có những việc không được hoàn thành.    


Khi nhân viên không có mong muốn làm hồ sơ để nộp cho một giải thưởng nào đó, mình cảm thấy mình đã thất bại từ việc giao task rồi. Qua nhiều năm mình thấy không có nhiều bạn “mặn mà” với giải thưởng. Sau này, khi biết được đồng nghiệp nào đạt được giải thưởng thì mình cảm thấy vui cho họ và gửi lời chúc mừng. Mình cho rằng mọi người nên có góc nhìn như vậy để mọi thứ thoải mái hơn. “Mất đi một gạch đầu dòng về giải thưởng thì mình còn gạch đầu dòng khác và không làm nhiệm vụ này thì mình làm nhiệm vụ khác.



Nếu như bạn lại rất “cuồng” với nhiệm vụ đạt giải thưởng, thì cứ hiểu rằng sẽ đến lúc nào đó bạn cũng sẽ hoàn thành được việc này, chỉ cần nỗ lực hết sức với nó thôi. Nó giống như việc công ty rất muốn được khách hàng nào đó. Mình cứ kiên trì đeo bám, rồi mình sẽ có cơ hội làm việc với họ và thuyết phục được họ. 



Q: Đôi khi có những yếu tố tiêu cực đối với việc chạy theo giải thưởng vì có góc nhìn bên ngoài vì sự hào nhoáng. Sẽ có người ngụy tạo điều gì đó để có giải. Hoặc đôi khi chuyên môn của họ có giới hạn nhưng họ đã viết một câu chuyện để đạt được mục đích. Anh nghĩ gì khi tiêu cực có thể xuất hiện khi ai đó nhận thấy những lợi ích mà giải thưởng mang lại?  


A: Mình muốn khuyên những bạn trẻ, nếu có cơ hội trong đời, hãy tham gia một giải thưởng nào đó. Lý do rất đơn giản là, nếu có thể đi qua tất cả những trải nghiệm khác nhau trong ngành thì bạn sẽ hiểu rất sâu về công việc mà mình đang làm. Điều đó sẽ có ích cho bạn về sau này, thậm chí giúp các bạn lên những vị trí cao hơn. Các cuộc thi đều sẽ cho bạn trải nghiệm, sự thấu cảm để có thể hướng dẫn, định hướng cho các lứa sau. Nên mình nghĩ rằng nếu có cơ hội thì hãy thử sức bởi giải thưởng, cuộc thi đều có giá trị riêng của nó và rất cần thiết cho sự nghiệp của các bạn.


Còn đối với câu chuyện về “mặt còn lại” của các giải thưởng, thì thực tế là, thật ra mình chưa từng tổ chức một giải thưởng nào, nhưng mình từng tổ chức nhiều sự kiện khác. Mình thấy rằng bản thân ban tổ chức đôi khi có những trải nghiệm khác nhau mỗi năm. Có năm có những chiến dịch rất hay, rất thật, rất chuẩn, và vinh danh những chiến dịch này là may mắn cho ngành và xứng đáng cho những người được giải.   


Tuy nhiên cũng có những năm mà ban giám khảo phải “cắn răng” để trao giải thưởng cho một sản phẩm nào đó. Đơn giản là khi mình không có cái tốt nhất như mình mong đợi thì mình phải chọn sản phẩm tốt nhất trong những sản phẩm hiện có. Vì thế, chúng ta phải có sự thỏa hiệp nhất định trong nhiều tình huống. Đó là sự “hên xui” của một giải thưởng. Nếu cứ liên tục 1 - 2 năm như vậy thì đúng là không tốt. Mình nghĩ đây là phần “không may mắn” nếu giải thưởng gặp trường hợp này.


Một điểm khác mình nhận thấy đang tồn tại ở các giải thưởng là “tính chân thật” của sản phẩm khi tranh giải. Tính chân thật này ở mức độ nào thì thật sự có rất nhiều điều đáng bàn. Thực tế là khi tranh giải, ai cũng phải làm sao cho hồ sơ của mình hay nhất, ấn tượng nhất, nổi bật nhất. Cái hay nhất, nổi bật nhất còn đến từ việc làm sao để ngay lập tức gây ấn tượng với giám khảo. Mình tin rằng đây là điều đầu tiên mọi người nghĩ đến khi tham gia vào một giải thưởng nào đó. Mọi người sẽ biết ai là giám khảo, giải thưởng đó tiến triển thế nào và viết như thế nào để đúng quan điểm của người chấm giải.     


Có những campaign được viết ra rất hoành tráng. Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra ở đây là “Liệu những gì được viết ra có đi theo định hướng từ ban đầu không?” hay “Những gì được viết ra là kết quả được các nhân sự xâu chuỗi lại một cách logic sau thời gian triển khai chiến dịch?”. Những mô tả giải thưởng mà các giám khảo đọc được là những gì đã diễn ra, và không có gì đảm bảo rằng trong thực tế đó là những điều được hoạch định từ đầu. 


Vậy chúng ta học nhau điều gì từ các giải thưởng? Chúng ta học cách xâu chuỗi một câu chuyện đã xảy ra cho nó “lung linh, lấp lánh, logic” nhất có thể. Hay chúng ta học những điều thật sự ở cách thực thi chiến dịch ngay từ giai đoạn ban đầu để cho nhau bài học kinh nghiệm. Thực tế, chính mình cũng không trả lời được bởi mình chỉ đang chấm dựa trên thông tin mình nhận được. Và mình cố gắng dùng kinh nghiệm và những trải nghiệm của mình ở nhiều vị trí khác nhau, qua nhiều năm làm nghề để đánh giá xem yếu tố “chân thật” trong một chiến dịch đang ở mức độ nào. 


Như vậy, khi bắt đầu tham gia giải thưởng, điều làm các bạn cảm thấy tự hào về sản phẩm của các bạn là gì? Khi bạn chiến thắng một giải thưởng, bạn tự hào về công sức để chiến thắng, hay bạn tự hào về dự án bạn đã thực hiện được? Đây là câu chuyện mà mình muốn đặt ra để mọi người suy ngẫm. Vì có trường hợp một người viết những điều “không có thật” nhưng khi tham gia giải thưởng thì phải viết những điều đó thì mới được giải.


Tuy nhiên, với những ai đã từng rơi vào tình huống đó, các bạn cũng đừng cảm thấy “chua chát”. Đó là một kỹ năng các bạn có được. Kỹ năng này có thể tốt trong việc tạo lợi thế cạnh tranh trong một giải thưởng, nhưng lại không thể hữu ích trong tình huống khác. Nếu giải thưởng tồn tại một “mặt trái” thì đó là chia sẻ theo quan điểm của cá nhân mình. 


Q: Khi mình nói “công nghệ mới nào đó sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta tệ đi”, nhưng thật ra, điều làm cho mọi thứ tệ hơn chính là con người. Thì giải thưởng cũng vậy. Tiêu chí của các giải thưởng từ những điều chúng ta vừa nói, có thể càng ngày sẽ càng khó khăn hơn. Để tìm được yếu tố “chân thật”, để có thể đánh giá được ảnh hưởng của campaign đó, thì tiêu chí của những giải thưởng cũng sẽ khó lên. Nhất là trong thời đại số hóa hiện nay, chúng ta có những con số để đo lường hiệu quả của chiến dịch. Anh có nghĩ điều này sẽ giúp câu chuyện chúng ta đang nói tốt hơn cho các giải thưởng không? Hay nó vẫn là một “bệnh thành tích” gì đó quá lớn?    


A: Ban đầu, mình nghĩ rằng việc dựa vào những con số để đánh giá, đo lường hiệu quả của một chiến dịch, một giải thưởng chính là cách làm minh bạch nhất. Sau này, khi tất cả mọi người đều chạy theo “performance” bằng cách thể hiện năng suất công việc, thì lúc đó chúng ta phải tạo ra rất nhiều thứ để chứng minh năng lực của mình. Và đôi khi có những sự chứng minh mang tính tình huống, mang tính tình thế bắt buộc. Đến khi vấn đề được giải quyết thì những cách làm đó vô tình trở thành một “tiêu chuẩn mới” và chúng ta bỗng dưng quên mất cách làm đó có nên hay không.


Khi giải thưởng trở thành tình huống khẩn cấp đến nỗi kết quả của giải thưởng sẽ ảnh hưởng nhiều đến vị trí công việc của ai đó, thì tất cả những con số chúng ta có được liệu rằng có phải là thật không? Mặc dù con số ta nhìn thấy là đã được đo lường, nhưng thật sự đây có phải là con số “thật” hay không? Vậy tính “thật” ở đây là như thế nào. Những người làm ban giám khảo, bản chất thực tế là đã có rất nhiều trải nghiệm trong nghề. Khi xem nội dung và số liệu, câu hỏi được đặt ra là “mình có thể kiểm tra được là với chất lượng nội dung đó thì liệu có thực sự tạo ra sự tương tác như vậy hay không?” Qua trải nghiệm và những cập nhật liên tục về ngành, mình có thể hoàn toàn đánh giá được. Tuy nhiên, trong một số tình huống thì chúng ta không thể đánh giá gì được tính thật hay không, và đôi khi mình phải chấp nhận với những thông tin hiện có.


Sau này, điều dễ nhận thấy là mọi thứ đã “phẳng” hơn. Với những digital platform, ai cũng có thể làm được như nhau từ những tactic đơn giản nhất. Thậm chí chiến dịch influencer cũng không khác nhau nhiều. Và mọi người sẽ thấy các giải thưởng sẽ chạy theo một tiêu chí nhất định và bám trụ vào các tiêu chí đó. Họ xác định được đâu là giá trị họ muốn tôn vinh. Cho nên chung quy lại, câu chuyện cũng chỉ xuất phát từ vấn đề con người. Chúng ta biết chúng ta cần gì, chúng ta tham gia vì cái gì, chúng ta muốn tôn vinh cái gì và chúng ta muốn thử thách gì. Hãy chạy theo giá trị mà giải thưởng mang lại cho mình.


Tạm kết


Trong buổi trò chuyện "Có nên chạy theo Award để làm nghề?" trên ứng dụng OnMic, anh Huỳnh Lê Khánh đã nhấn mạnh rằng giải thưởng không phải là mục tiêu cuối cùng, mà bản thân mỗi nhân sự cần tập trung vào việc phát triển kỹ năng và khẳng định bản thân trong công việc. Những ý kiến và góc nhìn đa chiều trong cuộc trò chuyện này giúp các nhân sự trong lĩnh vực Truyền thông - Quảng cáo suy ngẫm và đặt câu hỏi về giá trị thực sự của giải thưởng trong sự nghiệp sáng tạo. Chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng và quyết định đúng cho bản thân, tập trung vào sự trưởng thành và phát triển chuyên môn để thực sự thành công trong ngành nghề.


Nghe lại buổi trò chuyện chủ đề “Có nên chạy theo Award để làm nghề?” trên ứng dụng OnMic


Huỳnh Lê Khánh: "Giải thưởng cũng là một 'job to be done', nếu không có nó nhân sự vẫn còn nhiều gạch đầu dòng khác"

Quan Dinh H.

Quan Dinh H.

Advertising Vietnam

19 Thg 06 2023

Lưu

Cùng chuyên mục