Vai trò của nghiên cứu dữ liệu trong ngành phát hành phim tại Việt Nam: "Các giới hạn kiểm duyệt sẽ giúp đơn vị nhập phim tìm ra đâu là điểm an toàn"

Trong hơn một thập kỷ qua, ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc, phần lớn nhờ vào sự đóng góp không mệt mỏi của những nhà thu mua và phát hành phim. 


Cùng theo dõi cuộc trò chuyện với chị Hằng Trịnh - CEO của Skyline Media (Đêm Tối Rực Rỡ", "Kẻ Ăn Hồn", "Mười: Lời Nguyền Trở Lại") để khám phá câu chuyện thú vị trong ngành phát hành phim và những sự thật chỉ người trong nghề mới biết.



1/ Có ý kiến cho rằng, khi nhập những tác phẩm phim quốc tế về Việt Nam, các nhà phát hành thường cố tình thay đổi tên phim và biến chúng trở nên “giật gân” hơn nhằm mục đích “câu" khách. Theo chị, điều này có đúng không? Khi cần chuyển ngữ một tựa đề phim, đâu là những tiêu chí cần được cân nhắc kỹ càng?


Trong quá trình chuyển ngữ tác phẩm ngoại quốc sang tiếng Việt, việc thay đổi tựa đề là điều thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, mục đích không phải nhằm “câu" người xem như những gì mọi người vẫn lầm tưởng. 


Một ví dụ thực tế là quá trình chuyển ngữ cho bộ phim Civil War. Nếu dịch sát nghĩa, tiêu đề tác phẩm sẽ là “Nội chiến”. Tuy nhiên, khi đặt bản thân vào phía khán giả, tên phim sẽ dễ dàng gây sự bối rối và thắc mắc cho người xem. Khán giả có thể nghĩ đây là phim tài liệu hay có nội dung về chiến tranh. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến đối tượng khán giả của Civil War. 


Chính vì vậy, khi hạ cánh tại Việt Nam, tên phim đã được đổi lại thành “Ngày tàn của đế quốc”. Thoạt nghe có phần căng thẳng và nặng nề nhưng tựa đề này đã thực hiện tốt vai trò của mình. Ngày tàn của đế quốc đã phần nào hé lộ những dấu hiệu về thời gian lụi tàn sắp đến của một quốc gia hùng mạnh. Tựa đề tiếng Việt này cũng mang đến cho khán giả cảm giác thân thuộc, dễ hiểu. Sức hấp dẫn này đã được chứng minh khi poster phim gây hiệu ứng tốt và nhận về nhiều sự chú ý từ phía công chúng. 


Bộ phim Ngày tàn của đế quốc còn được gửi gắm những ý nghĩa sâu sắc về nội chiến.


Trong quá trình chuyển ngữ, đội ngũ biên dịch nhà Skyline Media sẽ xem bộ phim như một bản phim gốc cần được đặt tên và tránh dịch lại tên nước ngoài. 


Dịch giả cần đặt bản thân vào hành trình của nhân vật và tìm ra được cách thể hiện câu chuyện mà phim muốn mang đến cho công chúng. Dù góc nhìn của các nước khác và Việt Nam khi đặt tên cho tác phẩm có thể không giống nhau, nhưng mục tiêu cuối cùng đều là hướng đến đại chúng. Tuy nhiên, cần tránh đặt những cái tên đi quá xa so với bản chất thật sự của bộ phim. 


2/ Những phim ngách với chủ đề “khó nhằn” như thiên về lịch sử, tài liệu, giáo dục,... thường có lượng khán giả hạn chế. Trong trường hợp này, làm thế nào để chị đánh giá tiềm năng và quyết định có nên phát hành bộ phim đó hay không? 


Đối với những bộ phim “kén” người xem như vậy, người mua phim cần nắm rõ toàn bộ nội dung và thông điệp của tác phẩm để quyết định. 


Một số tiêu chí cụ thể mà tôi thường áp dụng khi đánh giá sức hấp dẫn của tác phẩm phim là:


  • Thể loại: Khán giả Việt Nam thường yêu thích các dòng phim hành động, kinh dị, hài hước hoặc điều tra, phá án… Khán giả còn dành sự ưu ái cho những tác phẩm có câu chuyện nổi bật, dễ cảm nhận. 
  • Đạo diễn và dàn diễn viên của tác phẩm: Những gương mặt này có thể phần nào bảo chứng cho giá trị của tác phẩm. Nếu diễn viên xuất hiện trong phim có tên tuổi nhất định và được nhiều người yêu mến, đây là yếu tố đáng cân nhắc khi Skyline Media tiến hành mua phim. 
  • Thông điệp và concept của phim: Một tác phẩm thu hút còn nhờ vào ý tưởng chủ đạo được gửi gắm trong phim. Nếu đó là câu chuyện mới lạ, không “đụng hàng”, công chúng sẽ dễ dàng chú ý và dành nhiều sự quan tâm hơn. 


Bên cạnh đó, khi nhập phim quốc tế, Skyline Media sẽ cân nhắc thêm các yếu tố như văn hoá, thị hiếu địa phương… 


Dù là một bộ phim với chủ đề lịch sử, Đào, Phở và Piano đã khiến dư luận trầm trồ khi bán gần 40 nghìn vé và thu về hơn 2 tỷ đồng sau 15 ngày công chiếu. Điều này phần nào chứng minh được tiềm năng của những tác phẩm thường được cho là không phù hợp với mục đích thương mại


3/ Một số bộ phim với chủ đề nhạy cảm hoặc có sử dụng hình ảnh không phù hợp sẽ bị cấm chiếu tại các rạp ở Việt Nam. Thông thường, chị và đội ngũ của mình sẽ kiểm duyệt các tác phẩm bằng cách nào để tránh được vấn đề này?


Với những trường hợp như vậy, điển hình là bộ phim đề tài nội chiến Mỹ - Civil War, việc kiểm duyệt cần tuân theo rất nhiều tiêu chí. 


Tác phẩm mang hơi hướng chính trị “nặng đô” này đã khiến đội ngũ phải đắn đo khi quyết định liệu phim có đáng để mạo hiểm không. Bởi lẽ, việc kiểm duyệt không chỉ là cắt một vài phân cảnh mà còn cần xem xét đến chủ đề phim - “linh hồn” của tác phẩm. 


Bản thân tôi và ekip cũng cần nắm rõ luật điện ảnh và liên tục cập nhật những điều khoản mới nhất. Các giới hạn kiểm duyệt sẽ giúp đơn vị nhập phim tìm ra đâu là điểm an toàn, dự đoán và chỉnh sửa những cảnh quá táo bạo.


4/ Những phản hồi nào từ khán giả đã ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến quyết định nhập và quảng bá phim của chị? Sau những trải nghiệm ấy, chị đã rút ra được bài học gì cho bản thân?


Có lẽ tôi rất may mắn khi các bộ phim từng phát hành đều chưa từng gặp phải trường hợp khán giả phản ứng gay gắt nào. Khi một tác phẩm gây quá nhiều tranh cãi, các nhà phát hành phim sẽ có những động thái khác nhau để xoa dịu sự căng thẳng của dư luận. 


Đây chính là thời khắc đội ngũ truyền thông và quảng bá “tỏa sáng”. Tùy theo từng trường hợp khác nhau, người làm truyền thông cần đặt bản thân vào góc nhìn khán giả và tìm mọi cách để giải quyết vấn đề đang diễn ra. 


5/ Chị thường cân nhắc giữa việc nhập các bộ phim quốc tế và việc hỗ trợ và phát hành các dự án phim trong nước như thế nào để đảm bảo sự đa dạng trong thị trường phim ảnh?


Việc đa dạng hóa thị trường phim luôn là niềm mong mỏi của tất cả những đơn vị nhập và phát hành phim. Song song đó, các nhà phát hành phim cần đảm bảo yếu tố lợi nhuận khi kinh doanh. Mặc dù vậy, vẫn có những trường hợp đặc biệt khi Skyline Media quyết định mang tác phẩm phim quốc tế về Việt Nam không vì yếu tố thương mại. 


Bộ phim Anatomy of a Fall với nhiều giải thưởng danh giá như Quả cầu vàng, giải César, giải BAFTA và giải Oscar… chính là ví dụ. Bị đánh giá là “khó nhằn” và nhàm chán với số đông nhưng phim đã khiến tôi chú ý ngay từ những phút ban đầu. Thậm chí, tôi đã quyết định mang Anatomy of a Fall đến với công chúng Việt Nam khi bộ phim này còn chưa được trao giải tại LHP Cannes.  


Từ một vụ án mạng, Anatomy of a Fall đã hé mở góc tối của hôn nhân trong cuộc sống hiện đại với trách nhiệm và cả sự khủng hoảng của nhiều đôi vợ chồng. Tại Pháp, phim đã thu hút hơn 1 triệu lượt xem và trở thành một trong những tựa phim Pháp chiến thắng tại Liên hoan phim Cannes ăn khách nhất mọi thời đại (Nguồn: Spazju Kreattiv)


Tôi và đội ngũ luôn nỗ lực mang đến làn gió mới cho thị trường điện ảnh giải trí và mở ra góc nhìn mới cho các “mọt phim”. Có thể tác phẩm không phù hợp với thị hiếu của đa số khán giả nhưng đây là món quà mà Skyline Media muốn dành tặng đến những người yêu bộ môn nghệ thuật thứ bảy. 



6/ Trong kỷ nguyên số như hiện nay, vi phạm bản quyền là chủ đề được rất nhiều người quan tâm. Vậy chị đã làm thế nào để xử lý vấn đề này?


Xuyên suốt quá trình từ khi nhập phim đến lúc phim được công chiếu rộng rãi, vấn đề bản quyền luôn khiến cho các đơn vị nhập và phát hành phim phải đau đầu.


Bộ phim Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh từng bị khán giả quay lén và phát trực tiếp gần như toàn bộ phim lên mạng xã hội. Cặp đôi Lý Hải - Minh Hà đã phải lên tiếng nhờ cộng đồng mạng chung tay giám sát tình trạng này


Đơn vị thu mua và nhập phim là những người có khả năng nhận rủi ro lớn nhất. Họ cần phải mang tác phẩm về từ rất sớm, trước khi phim được hình thành đầy đủ để đảm bảo rằng không một phân cảnh nào bị tiết lộ ra ngoài. Việc những bộ phim xuất hiện trên mạng ngay từ khi vừa được phát hành là nỗi quan ngại to lớn của Skyline Media nói riêng và đơn vị nhập và phát hành phim nói chung.


Một tín hiệu tích cực là văn hoá xem phim của công chúng đã cải thiện rất nhiều. Số lượng bản phim quay lén trong rạp và được đăng tải lên Internet đã giảm hẳn so với thời gian trước đây. 


Với góc độ của một người giữ bản quyền phim, giải pháp của tôi là xây dựng đội ngũ kiểm soát viên để rà soát mỗi ngày và hạn chế việc phim bị rò rỉ ra bên ngoài. 


Ngoài ra, tôi còn hợp tác cùng các studio danh tiếng có quy trình làm việc nghiêm ngặt với ý thức bản quyền cao. Điều này sẽ phần nào giúp bảo vệ bản quyền tác phẩm. 





7/ Các xu hướng mới trong ngành công nghiệp phim như sự phát triển của phim ảnh VR hoặc phim có yếu tố AI, ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn và phát hành phim của chị như thế nào?


Những người làm nghề có tiêu chuẩn đạo đức cao sẽ đưa ra thông tin cụ thể về việc ứng dụng công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo vào tác phẩm. 


Tùy theo từng tình huống và nội dung cụ thể mà đơn vị thu mua phim sẽ quyết định có tiếp tục hay không. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng khán giả Việt vẫn chưa hoàn toàn đón nhận những bộ phim có sự đóng góp của trí tuệ nhân tạo trong quá trình sản xuất. 


Bộ phim hoạt hình The Dog and the Boy do Netflix phát hành đã làm dấy lên nhiều tranh cãi. Đây là tác phẩm ra đời nhờ vào sự hỗ trợ phần lớn của trí tuệ nhân tạo (Nguồn: GIGAZINE)




8/ Chị có bao giờ nghĩ ngành công nghiệp phát hành và quảng bá phim sẽ phát triển và thay đổi như thế nào trong những năm tới, đặc biệt là trong bối cảnh của sự tiến bộ công nghệ và sự thay đổi liên tục trong hành vi khán giả? 


Đã từng có một khoảng thời gian, những khán giả Việt đến với rạp phim đều vô cùng trẻ tuổi và năng động. Tuy vậy, với những trải nghiệm của một người làm nghề lâu năm, tôi nhận ra rằng lượng người xem sẽ bắt đầu giảm dần. 


Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, hành vi xem phim của công chúng đã và đang thay đổi liên tục. Người xem thường có xu hướng bị thu hút bởi những nội dung có thời lượng ngắn hơn. Họ không còn đủ sự kiên nhẫn để chậm rãi tận hưởng từng khung hình trong suốt 90 phút xem phim tại rạp. 


Không ít khán giả còn dần đánh mất sự hứng thú với cảm giác trở thành những người đầu tiên được thưởng thức một tác phẩm. Công chúng sẽ có tâm lý trì hoãn, chờ đợi phim ra rạp được một thời gian rồi mới mua vé xem. 


Lượng khán giả trẻ và đang trong độ tuổi trưởng thành chiếm một phần không hề nhỏ trong số lượng các khách xem tại rạp. Theo thời gian và độ tuổi, gu thẩm mỹ, tiêu chuẩn đánh giá phim của nhóm khán giả này cũng dần được nâng cao


Trong tương lai, công chúng vẫn có nhu cầu xem phim chiếu tại rạp. Tuy nhiên, người xem sẽ mong muốn được thưởng thức những tác phẩm xuất sắc hơn và thực sự phù hợp với sở thích. 


Đơn vị nhập và phát hành phim cần lựa chọn các bộ phim đa dạng chủ đề với thông điệp sâu sắc và có giá trị cao. Trải nghiệm xem phim ngày một phong phú sẽ mang những yêu cầu, lựa chọn phim của công chúng lên một tầm cao mới. 


Khán giả cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến đa dạng nhiều thể loại phim. Đây là một thách thức được đặt ra cho các đơn vị thu mua và phát hành khi phải liên tục tìm kiếm những tựa phim mới. 


Đến thời điểm này, việc phát hành phim đang ngày càng yêu cầu nhiều được đầu tư nhiều kỹ năng, công sức và chất lượng hơn. Điều này sẽ khiến “cuộc chơi” trở nên cam go nhưng cũng cực hấp dẫn và thú vị. 



9/ Các ngành nghề khác thường yêu cầu việc nghiên cứu thị trường kỹ càng. Vậy đối với ngành nhập phim, vai trò của nghiên cứu thị trường sẽ có tầm quan trọng như thế nào? 


Nếu nhân sự ngành Quảng cáo đã sáng tạo nhiều chiến lược đỉnh cao dựa trên dữ liệu người dùng thì ngành nhập phim cũng tương tự. Thông qua các thông tin và con số cụ thể, người làm nghề có thể nắm được xu hướng thị trường hiện tại, sự thay đổi của khách hàng mục tiêu… 


Những số liệu trong ngành thường không mang tính chính thống. Đó là lý do mà mỗi đơn vị phát hành thường có nhiều cách nghiên cứu với tiêu chí riêng và được bảo mật kỹ càng. 


Tôi tin rằng những doanh nghiệp thu mua, nhập phim đang theo đuổi sự phát triển lâu dài sẽ đầu tư vào việc nghiên cứu thị trường. Những khâu như thu thập thông tin, xử lý kết quả sẽ cần đến nhiều nguồn lực và yêu cầu sự phân tích bài bản, nghiêm túc. Từ đó, các báo cáo, dữ liệu mới có thể gợi ý về những quyết định đúng đắn cho doanh nghiệp. 


10/ Theo chị, trong tương lai, yếu tố nào sẽ là chìa khóa để ngành phim ảnh sẽ tiếp tục thu hút và giữ chân khán giả trong một thế giới ngày càng ngập tràn những nội dung khác nhau?


Với thị trường điện ảnh Việt Nam, phim Việt đang chiếm gần 50% thị phần tại các rạp. Điều này đã phần nào thể hiện vai trò cực kỳ lớn của phim địa phương trong việc định hình thị hiếu khán giả. 


Nội dung hay và chỉn chu sẽ là bí quyết để khiến công chúng tiếp tục dành thời gian tại rạp phim. Các nhà làm phim và phát hành phim nên tạo ra tác phẩm đúng nghĩa có giá trị thật sự. Bởi lẽ chính nhân sự ngành phim là những “viên gạch” đang góp phần xây dựng thị hiếu và gu của khán giả. Việc làm tốt nhiệm vụ tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng cao là sứ mệnh chung của tất cả nhân sự trong ngành phim ảnh. 


Đối với góc độ truyền thông và quảng bá phim, người làm nghề cũng cần truyền đạt đúng thông tin, tìm ra cách tiếp thị phù hợp cho từng dòng sản phẩm. 


Từ những việc làm rất nhỏ, tôi tin rằng tất cả mọi người đều sẽ giúp xây dựng tương lai huy hoàng cho ngành nghệ thuật này. 


Ngọc Ngân - Minh Phúc



Vai trò của nghiên cứu dữ liệu trong ngành phát hành phim tại Việt Nam: "Các giới hạn kiểm duyệt sẽ giúp đơn vị nhập phim tìm ra đâu là điểm an toàn"

Ngân

Ngân

Content Writer | Advertising Vietnam

28 Thg 04 2024

Lưu

Cùng chuyên mục