Lego Builder Huỳnh Khang: “Nhà sáng tạo đúng nghĩa đừng bao giờ để điều kiện sáng tạo chi phối”

Ngày 3/11 vừa qua, tại tỉnh Bình Dương (Việt Nam), lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất thứ 6 thế giới và thứ 2 tại Châu Á của thương hiệu đồ chơi lắp ghép LEGO đã chính thức diễn ra. Sự kiện đã thu hút nhiều sự chú ý và khiến người tiêu dùng Việt Nam không khỏi thích thú. Cũng tại Lễ Động thổ Nhà máy, mô hình Chợ Bến Thành tự thiết kế từ hơn 45.000 part (mảnh lắp ghép) đã được trưng bày. Đây là mô hình đặc biệt được thực hiện bởi hai nghệ sĩ người Việt là Huỳnh Khang (Khang Lego) Kỷ Duy Phong


Cùng trò chuyện với anh Huỳnh Khang - đồng sáng tạo dự án MOC Ben Thanh Market, Lego Builder chuyên nghiệp đã có nhiều tác phẩm gây được tiếng vang trong cộng đồng, để khám phá câu chuyện sáng tạo với những mảnh lắp ghép “bất biến”, tưởng như vô tri vô giác. 



Anh Huỳnh Khang sinh năm 1990, là một Lego Builder nổi bật trong cộng đồng MOC (My Own Creation: cụm từ dùng để chỉ tất cả tác phẩm do người chơi LEGO tự thiết kế và xây dựng, sử dụng những miếng lắp ghép LEGO). Đam mê mảnh ghép LEGO từ khi mới 5 tuổi và tự sở hữu mô hình MOC đầu tiên vào năm 7 tuổi, nhưng phải mãi đến năm 2018, anh mới tự nhận mình là một Lego Builder thực thụ. Thời điểm đó, anh đã xác định được định hướng sáng tạo cụ thể như chủ đề chính, kế hoạch triển lãm sản phẩm,... 


Dự án MOC "Ăn Tết" của Lego Builder Huỳnh Khang trên fanpage LEGO (năm 2021)


Hiện tại, anh ghi dấu ấn trên thị trường MOC Việt Nam với những tác phẩm mang đậm màu sắc văn hoá dân tộc như series #Familiar tái hiện không gian đời sống Việt từ đường phố đến nhà ở; bộ sưu tập Tết Trung Thu với bánh nướng và ấm trà nóng;... Đáng chú ý, series #Familiar đã xuất hiện trên The Brothers Brick - diễn đàn trực tuyến dành riêng cho cộng đồng người lớn chơi LEGO trên toàn cầu. Ngoài ra, thương hiệu đồ chơi LEGO cũng từng hai lần ca ngợi Lego Builder Huỳnh Khang trên fanpage chính thức với hai mô hình: Ăn Tết (mô tả văn hoá ẩm thực ngày Tết Việt) và Knock Knock (mô hình xe hủ tiếu gõ). 



Giai đoạn đầu theo đuổi con đường sáng tạo LEGO chuyên nghiệp, Huỳnh Khang đơn thuần chỉ lắp ghép những mô hình mà anh cảm nhận khán giả sẽ thấy đẹp và ấn tượng. Quan điểm sáng tạo của anh thay đổi sau thành công từ tác phẩm “Honda Cub” (năm 2020) - chiếc xe Cub thân thuộc đối với thế hệ 8x 9x. Ban đầu, ý tưởng hiện diện trong đầu anh là một chiếc xe cũ không còn nguyên vẹn, vì nó đã phải trải qua những mưu sinh nhọc nhằn cùng những người chở hàng ngoài chợ. “Ý tưởng đổ bể vì tôi không có các part đủ màu. Lúc đó, hình dáng một chiếc xe Cub màu xanh dương gắn liền với tuổi thơ ở bên ba của tôi quay trở về. Tôi quyết định dựng mô hình này như một cách thể hiện niềm trân quý và cảm mến mảng ký ức tuổi thơ đáng nhớ của riêng mình." - anh bộc bạch.



Sự hưởng ứng bất ngờ của khán giả đã khiến Huỳnh Khang nhận ra rằng: tác phẩm nếu tự thân nó chứa đựng một câu chuyện để kể, ắt sẽ được khán giả thực lòng đón nhận. Anh bắt đầu thiết kế những mô hình tái hiện từng khoảnh khắc tuổi thơ như bữa cơm Tết miền Nam với nồi thịt kho trứng, chậu cây mai vàng mỗi dịp lễ đến xuân về,... “Một tác phẩm nghệ thuật trước mắt phải thoả mãn được sở thích của người nghệ sĩ đã. Tức là người nghệ sĩ phải hiểu, phải tâm đắc và say mê nó trước, sau đó mới hướng tới phát triển những giá trị dành riêng cho xã hội hay cộng đồng một cách hiệu quả được.” - Huỳnh Khang nói.


Lâu dần, anh kiếm tìm ý tưởng từ cuộc sống của mọi người xung quanh, tập trung khai thác chất liệu sáng tạo gần gũi nhất với văn hoá đại chúng. Đó là con hẻm nhỏ, là xe hủ tiếu đêm, là những cây cột điện chằng chịt dây chăng,... Cứ như vậy, bằng những mảnh ghép đồ chơi ngỡ vô tri giác, Huỳnh Khang kể chuyện đời sống, tôn vinh những giá trị bình dị nhưng đầy thân thương. 



Theo anh, lĩnh vực LEGO MOC đang còn quá mới với khán giả đại chúng. Bởi lẽ đó, nhà sáng tạo nên đem những chất liệu quen thuộc như văn hoá dân tộc, đời sống thường nhật, các ngày lễ truyền thống,... vào sản phẩm sáng tạo để đưa nó đến gần hơn với cộng đồng. 


Cảm hứng này thể hiện rõ ràng nhất trong ý tưởng sáng tạo mô hình MOC Ben Thanh Market của anh. Được tạo nên từ hơn 45.000 part với chiều ngang lên đến 1,4 mét, MOC Ben Thanh Market mô tả chi tiết khung cảnh thành thị nhộn nhịp xung quanh chợ Bến Thành - một kiến trúc kinh điển của TP. Hồ Chí Minh. Trong không gian ấy, người xem bắt gặp tà áo dài trắng, gánh hàng rong, xe xích lô, vành nón lá,... Chính yếu tố dân tộc được tái hiện hoàn hảo từ mảnh đồ chơi của một thương hiệu nước ngoài đã đưa MOC Ben Thanh Market vinh dự trở thành mô hình triển lãm tại Lễ Động thổ Nhà máy LEGO Việt Nam. 



Khác với các lĩnh vực nghệ thuật khác như vẽ tranh, điêu khắc hay nhiếp ảnh, sáng tạo LEGO MOC đòi hỏi người làm nghề phải tuân theo quy tắc riêng của loại đồ chơi này: bảng màu có sẵn, sự tương hợp về số nút giữa các mảnh ghép và tỷ lệ cố định của từng mảnh. “Lĩnh vực nghệ thuật nào cũng có chất liệu sáng tạo riêng cả. Vẽ tranh thì có thể kết hợp nguyên liệu này với chất liệu kia; điêu khắc thì dùng đá, đồng hay kim loại để tạo nên mọi thứ mình muốn; LEGO lại yêu cầu nhà sáng tạo tận dụng các mảnh ghép bằng nhựa có sẵn. Có điều, thay vì được tuỳ chỉnh chất liệu này, người làm nghề buộc phải tôn trọng tính nguyên bản của chúng, tuyệt đối không được thay đổi luật chơi như sơn màu khác lên miếng lắp ráp.” - Huỳnh Khang giải thích.


Tính chất này đã tạo nên sự độc đáo và khó bắt chước cho mỗi tác phẩm LEGO MOC. Tuy nhiên, Lego Builder lại thường xuyên phải đối diện với một bài toán: làm thế nào để hiện thực hoá tốt nhất ý tưởng dựa trên nguồn lực được định sẵn? Ý tưởng vô hạn nhưng nguồn lực lại có giới hạn, đây cũng là vấn đề không chỉ Lego Builder mà nhiều creator phải đối mặt. Với kinh nghiệm vượt thách thức để tạo ra hàng loạt tác phẩm gây tiếng vang, anh Huỳnh Khang đúc kết: 


1. Điều kiện sáng tạo chưa cho phép không phải là cái cớ trì hoãn quá trình sáng tạo: Trong thế giới lego, thiếu hụt mảnh ghép phù hợp là việc thường xuyên xảy ra. Quay trở lại năm 2020 khi Huỳnh Khang ra mắt mô hình “Honda Cub”, anh đã thay đổi ý tưởng từ chiếc xe cũ nát thành mẫu xe màu xanh dương nguyên vẹn, nhằm đáp ứng số lượng mảnh ghép màu xanh anh sở hữu tại thời điểm đó. Như vậy, nếu không thể thay đổi chất liệu sáng tạo, nhà sáng tạo cần biết linh hoạt và tìm cách thích ứng tốt nhất với điều kiện hiện có của bản thân.


2. Sáng tạo cần định hướng và sự chuẩn bị: Yêu thích LEGO từ nhỏ, Huỳnh Khang nhận ra mình chỉ thực sự nghiêm túc theo đuổi nghề khi xác định được định hướng rõ ràng cho từng tác phẩm và không còn lắp ghép chúng một cách tuỳ hứng. Đồng nghĩa, anh xây dựng đề tài và đặt mục tiêu cho tác phẩm thay vì “thả trôi” cảm hứng như trước đây. Từ đó, anh sẽ tìm cách chuẩn bị đầy đủ các chất liệu sáng tạo cần thiết nhằm hạn chế nhất có thể việc thiếu hụt mảnh ghép giữa chừng, gây ảnh hưởng đến quá trình thiết kế cũng như dưỡng nuôi động lực sáng tạo.     



Quy trình dựng lên một mô hình LEGO hoàn chỉnh của anh thường bao gồm ba bước:


BƯỚC 1: Phác thảo

Tái hiện các chi tiết cụ thể trong đầu hoặc trên giấy với các chỉ số kích thước cụ thể nếu cần.

BƯỚC 2: Tìm kiếm vật liệu

Tìm kiếm, thu thập và tổng hợp các vật liệu cần thiết để làm nên mô hình. 

BƯỚC 3: Dựng mô hình

Thông thường, quá trình này sẽ có một số thay đổi so với bản phác thảo ban đầu do đặc thù vật liệu trong thực tế. 



Hiện nay, việc nhà sáng tạo tham khảo ý tưởng hay chính là tìm kiếm reference từ các nền tảng trực tuyến như Behance, Pinterest hay Instagram không còn là vấn đề quá mới. Đối với Huỳnh Khang, tìm và học hỏi từ reference không xấu. Sử dụng nó sai cách mới là hành động đáng lên án, điển hình như “xào lại” y chang mẫu tham khảo thay vì “lục lọi” cái hay, cái tinh tuý từ nó. Huỳnh Khang cho biết anh thường dùng reference theo hai mục đích. Một là, định hướng cho những mẫu sản phẩm chưa từng làm bao giờ, tham khảo về những lĩnh vực chưa từng tiếp cận để có hình dung cụ thể và tổng quan cho sản phẩm cuối. Dựa trên “khung xương” có sẵn đó, anh sẽ sáng tạo theo cách riêng của bản thân. Hai là, tìm lại reference của đối thủ cạnh tranh để tránh làm lại một sản phẩm giống y nguyên hay kể cả chỉ gần như tương tự. 


Nhìn chung, đối với nhà sáng tạo, quan trọng vẫn là cách phân tích và đánh giá một reference, mà điều này phải dựa vào tư duy thẩm mỹ của chính nhà sáng tạo đó. Anh cho rằng: "Bên cạnh kiến thức học thuật về Mỹ thuật từ trên ghế nhà trường, nhà sáng tạo cần đặc biệt lưu tâm đến việc trau dồi tư duy thẩm mỹ. Muốn vậy thì tâm trí phải phóng khoáng, cởi mở. Phải liên tục cập nhập tin tức mới, mở rộng suy nghĩ đón nhận mọi sự thay đổi, cải tiến. Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang tạo điều kiện rất tốt cho các nhà sáng tạo trẻ được tiếp cận nhanh chóng với nhiều xu hướng sáng tạo trên thế giới.


Về việc nhiều thương hiệu vẫn còn đưa reference cho nhà sáng tạo và yêu cầu làm lại y nguyên, anh nhận định nguyên do vấn đề là khách hàng chưa thực sự hiểu đặc thù nghề nghiệp của những người làm sáng tạo. “Việc của mình là giải thích cho họ hiểu thôi. Một nhà sáng tạo chân chính phải biết thuyết phục khách hàng rằng làm y nguyên theo reference chính là đạo nhái, là trái đạo đức nghề nghiệp. Khách hàng cần hiểu rằng nhiệm vụ của nhà sáng tạo là tạo ra cái mới, đem đến một sản phẩm hoàn toàn khác và có phong cách riêng. Nếu quan điểm này tương đồng giữa bản thân nhà sáng tạo và khách hàng thì tiếp tục hợp đồng.” - anh chia sẻ về cách đối mặt với những yêu cầu “dở khóc dở cười” từ thương hiệu trong quá trình theo đuổi nghề.  



Lego Builder Huỳnh Khang: “Nhà sáng tạo đúng nghĩa đừng bao giờ để điều kiện sáng tạo chi phối”

Trang Ngọc

Trang Ngọc

Content Writer | Advertising Vietnam

22 Thg 11 2022

Lưu

Cùng chuyên mục