Theo Báo cáo Thương mại của Facebook do Decision Labs thực hiện năm 2022:


  • 45% người tiêu dùng quyết định mua hàng trên các sàn Thương mại điện tử sau khi tìm kiếm thông tin sản phẩm trên Facebook/Instagram.
  • Dù là giai đoạn khám phá, cân nhắc hay mua hàng, Facebook vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình đưa ra quyết định mua sắm.
  • Ảnh hưởng của Facebook đối với thương mại trải dài trên nhiều loại sản phẩm, từ CPG (Ngành hàng tiêu dùng nhanh) đến Điện tử và Dịch vụ Tài chính.


Thương mại xã hội là một trong 5 xu hướng công nghệ được Meta dự đoán sẽ định hình hoạt động kinh doanh trong năm 2022. Trong buổi hội thảo diễn ra vào đầu tháng 4, Meta đã hướng dẫn các marketer cách tận dụng xu hướng này để tạo ra chiến lược tăng doanh thu hiệu quả. 


Các diễn giả có mặt trong sự kiện


Tại buổi hội thảo, các nhà tiếp thị sẽ lý giải việc kết hợp yếu tố thương hiệu và thương mại trong các chiến dịch truyền thông để tạo ra đột phá doanh thu. Không chỉ dừng lại ở đó, buổi hội thảo còn chia sẻ cách sử dụng nền tảng Facebook như một giải pháp tích hợp cho các doanh nghiệp và người làm quảng cáo. Bài viết sẽ đi qua các nội dung chính sau:


  • Sức mạnh của việc kết hợp nhận thức thương hiệu và thương mại trong mục tiêu tăng doanh thu trực tuyến lẫn ngoại tuyến. 
  • Vai trò của Meta trong việc tăng thâm nhập và trung thành nhãn hiệu. 
  • Tỷ lệ cân bằng tối ưu giữa nhận thức thương hiệu và thương mại.


Bức tranh thương mại xã hội năm 2022


Hoạt động kinh doanh ngày càng mang tính xã hội nhiều hơn. Một xu hướng dễ thấy chính là người dùng thường khám phá các sản phẩm yêu thích của họ thông qua kết nối với bạn bè trên mạng xã hội. Những kết nối đó được thể hiện qua hình ảnh sản phẩm xuất hiện trên bảng tin, hoặc là được người quen giới thiệu hàng hóa/dịch vụ qua tin nhắn. 


Từ nghiên cứu của Bain & Company do Meta ủy quyền thực hiện vào tháng 5 năm 2021, khảo sát 16.706 người về chủ đề chuyển đổi kỹ thuật số, bà Nhung Trương đã rút ra những con số nổi bật: Chi tiêu trực tuyến của người tiêu dùng Việt Nam đang có mức tăng trưởng hằng năm đột biến tới 50% và ước tính tăng 4,5 lần trong 5 năm tới. Tốc độ thâm nhập nền tảng trực tuyến cũng tăng gần gấp đôi ở mọi ngành hàng, đặc biệt tăng gấp 3 lần đối với ngành hàng chăm sóc cá nhân. 


Hơn 2,6 tỉ người dùng có thể mua hàng trực tiếp trên nền tảng Facebook.


Trong cơn sốt thương mại điện tử, mua sắm trực tiếp tại cửa hàng vẫn giữ được vị thế trong thị trường. 


Đứng trước sự bùng nổ của thương mại điện tử và phong độ ổn định của mua sắm ngoại tuyến, các doanh nghiệp đặt nhiều sự quan tâm vào tỷ lệ ngân sách cho hoạt động thương mại để tăng doanh thu hết mức có thể. Có hai loại chi tiêu cơ bản được Meta phân loại dựa vào mục tiêu của các doanh nghiệp khi sử dụng nền tảng này. Một là để tăng độ nhận thức về thương hiệu trong mắt khách hàng - khoản chi phí cho hoạt động này được Meta gọi là “Chi tiêu thương hiệu”. Hai là sử dụng nền tảng mạng xã hội để xúc tiến hoạt động kinh doanh, hay còn gọi là “Chi tiêu thương mại”. 


Đầu tư cho thương hiệu lẫn thương mại sẽ tạo ra đột phá doanh thu.


Trước câu hỏi Nên phân bổ ngân sách như thế nào giữa hai loại chi tiêu, một số doanh nghiệp có xu hướng tách biệt chúng thành 2 phần độc lập. Ví dụ, sau đại dịch, một số doanh nghiệp truyền thống chuyển sang tăng ngân sách cho chi tiêu thương mại và dừng hẳn chi phí cho việc tăng nhận thức thương hiệu. Bà Nhung Trương cho rằng đó sẽ là một sự “lãng phí tiềm năng”, và cách tốt nhất để giải quyết chính là xem xét lại cả 2 loại chi tiêu, học cách kết hợp chúng để có được kết quả tối ưu cho doanh nghiệp. 


Chính vì vậy, các doanh nghiệp giờ đây đang học cách phân bổ lại nguồn đầu tư sao cho cân bằng giữa hai nền tảng ngoại tuyến và trực tuyến, cho ra các chiến dịch cộng hưởng hai yếu tố thương hiệu và thương mại.  


3 lợi ích doanh nghiệp khi cộng hưởng Thương hiệu x Thương mại


Khi kết hợp yếu tố thương mại và thương hiệu vào trong chiến dịch, doanh nghiệp sẽ nhận lại 3 hiệu quả dưới đây: 


Kéo doanh thu đa kênh


Doanh số bán hàng đa kênh (cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến) phụ thuộc vào mức trung thành và tốc độ “phình nở” của nhóm người dùng mới. Theo phân tích của Kantar, Collab Ads (Quảng cáo cộng tác) là công cụ làm tăng tỉ lệ thâm nhập thị trường và nâng mức độ trung thành của khách hàng mục tiêu, giúp doanh nghiệp thu về 39% tăng trưởng doanh số. So với Brand Ads, quảng cáo cộng hưởng cả 2 yếu tố thương mại và thương hiệu sẽ đem lại doanh số gấp 1,4 lần ở ngành hàng B&PC và 1,29 lần ở ngành hàng F&B.


Facebook làm tăng doanh thu trực tuyến lẫn ngoại tuyến cho các doanh nghiệp.


Tạo ra hiệu ứng lan tỏa (Halo Effect)  


So với việc tách bạch Thương hiệu và Thương mại thành hai chiến dịch riêng lẻ, cộng hưởng cả 2 yếu tố này sẽ đem lại hiệu quả cao hơn nhờ tạo được hiệu ứng lan tỏa (Halo Effect - những ảnh hưởng tích cực đến ý kiến hoặc cảm xúc của người tiêu dùng). Brand Ads có tác động tích cực đến cả 2 kênh offline và online, đặc biệt tăng 53% doanh thu cho thương mại điện tử. Trong khi đó, Collab Ads không chỉ dừng lại ở việc mang hiệu quả cho doanh thu online, mà còn có thể ảnh hưởng tới hành vi người tiêu dùng ở các kênh offline, đem lại 21% doanh thu trên các nền tảng thương mại truyền thống. 


Quảng cáo cộng tác (Collab Ads) tạo ra Hiệu ứng lan tỏa (Halo Effect - ảnh hưởng tích cực đến ý kiến hoặc cảm xúc của người tiêu dùng) trên các kênh offline. 


Tạo lợi nhuận tối đa khi phân bổ hợp lý


Sau khi có sự đầu tư cân bằng giữa Brand Ads và Collab Ads, thương hiệu có thể dễ dàng đột phá doanh thu. Trong các sự kiện đặc biệt như lễ lộc hoặc ngày quan trọng, cộng hưởng Thương mại x Thương hiệu sẽ đem lại doanh số cao gấp 1,8 lần trong thời gian lễ hội, và thậm chí cao gấp đôi trong những ngày bình thường.


Doanh thu tăng từ 1,8 - 2 lần khi doanh nghiệp đầu tư hợp lí cho cả Brand Ads và Collab Ads. 

Như vậy, cộng hưởng thương hiệu và thương mại sẽ đem lại kết quả doanh thu tốt nhất cho doanh nghiệp. Theo khảo sát của Oxford University trong phạm vi 1.500 chiến dịch, các chiến dịch không thể chỉ dựa vào một kênh quảng bá duy nhất. Thay vào đó, nếu điều chỉnh kế hoạch truyền thông theo hướng đa kênh sẽ đem lại cho doanh nghiệp hiệu quả gấp 2,6 lần. Meta là một trong số ít kênh tích hợp được nhiều lợi ích, vì vậy có thể khai thác toàn bộ phễu trong marketing funnel: Tăng mức độ nhận thức, Độ liên tưởng và Cân nhắc đối với thương hiệu. 


Dưới đây là gợi ý của Meta về cách kết hợp thương mại và thương hiệu để đột phá doanh thu. 


3 bước cộng hưởng Thương hiệu x Thương mại theo gợi ý của Meta


Sắp xếp lại chiến lược thời gian


Thông thường, các nhãn hàng sẽ chạy các chiến dịch theo thứ tự luân phiên: Thương hiệu trước, thương mại sau hoặc là ngược lại. Tuy nhiên, theo ông Việt Hoàng, cách sắp xếp thời gian này sẽ giảm tác động của chiến dịch lên khách hàng. “Chúng tôi cho rằng các nhà quảng cáo và doanh nghiệp nên chạy song song chiến dịch thương hiệu và thương mại, vừa đem lại nhận biết rộng rãi vừa khai thác được hiệu quả của mô hình bán hàng đa kênh”. 


Phân lớp chiến dịch


Phân lớp chiến dịch dựa vào mục tiêu giúp người làm quảng cáo sử dụng được trọn vẹn phễu. “Chạy đồng thời cả hoạt động thương hiệu và thương mại sẽ làm bật lên mọi tín hiệu trên hành trình mua hàng của người tiêu dùng. Từ đó, có thể quyết định được chiến dịch nào là phù hợp với khách hàng và xác định được tỉ lệ đưa ra hành động dựa trên mức độ mong muốn, nhận biết thương hiệu của họ”, ông Việt Hoàng chia sẻ.  


Meta tích hợp các tính năng Click-to-Message, Livestream, Facebook Shop tạo điều kiện kinh doanh trực tuyến cho doanh nghiệp. 


Giải pháp tích hợp Thương hiệu x Thương mại của Meta


Nắm bắt nhu cầu cộng hưởng 2 yếu tố thương hiệu và thương mại, Meta đưa ra giải pháp tích hợp cả 2 cho chủ doanh nghiệp/người làm tiếp thị quảng cáo. Đó là các nền tảng mạng xã hội sử dụng cả Brand Ads (Quảng cáo Thương hiệu), Collab Ads (Quảng cáo kết hợp), bao gồm tính năng Click-To-Message (Nhấn để chuyển qua hộp tin nhắn) để khách hàng nhắn tin với doanh nghiệp như một người bạn. Bên cạnh đó, gói giải pháp này của Meta còn giúp doanh nghiệp xác định được phân khúc khách hàng với dữ liệu chính xác, xây dựng hệ sinh thái nội dung sáng tạo và tối ưu ngân sách. 

Đa dạng các hình thức quảng cáo trên Facebook.


Có thể thấy, xu hướng mua sắm thông qua bảng tin mạng xã hội đang định hình các hoạt động kinh doanh. Nắm bắt hướng phát triển đó, Meta đã xây dựng một nền tảng đa dạng hình thức chạy quảng cáo để thuận lợi cho việc mua bán trực tuyến, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cộng hưởng cả hai yếu tố thương hiệu và thương mại để đi đến mục tiêu cuối cùng là đột phá doanh thu.


Hằng Trần/Advertising Vietnam