Nghệ sĩ bánh ngọt Hoàng Anh: "Bạn phải là một người thợ lành nghề rồi mới trở thành một nhà sáng tạo"

“Muốn thưởng thức nghệ thuật sáng tạo, hãy tìm nó ở triển lãm và viện bảo tàng”. Người ta tin rằng sáng tạo ắt hẳn phải cao siêu, hàn lâm và khó hiểu. Tính sáng tạo phải được thể hiện qua tranh vẽ, tượng tạc hoặc các tuyệt tác văn chương. Thế nhưng nghệ sĩ làm bánh Nguyễn Vũ Hoàng Anh lại không tin thế. Anh cho rằng không có khuôn mẫu nào bó buộc được sức sáng tạo, và không một chất liệu nào có thể làm khó một người nghệ sĩ. Trong suốt 10 năm, Hoàng Anh sáng tạo nên những chiếc bánh mà một khi mua về người ta chỉ muốn ngắm chứ không nỡ ăn. Vì với mọi người, bánh của Hoàng Anh đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. 


Nguyễn Vũ Hoàng Anh là nhà sáng lập của Mito Sweets - Tiệm bánh tiên phong trong dòng bánh nghệ thuật tại Việt Nam. Chàng trai 9x cũng từng xuất hiện trong cuộc thi MasterChef Vietnam năm 2013 với vai trò là giám khảo khách mời. Gần đây nhất, anh xuất sắc dẫn đầu hạng mục Buttercream tại cuộc thi Case Master - giải thưởng quốc tế quy tụ những nghệ sĩ làm bánh đến từ nhiều nơi trên thế giới. 


10 năm, 1 hành trình và niềm đam mê bất tận với bánh ngọt. Đó có lẽ là câu chuyện độc giả sẽ tìm thấy trong bài viết về nhà sáng tạo bánh ngọt Nguyễn Vũ Hoàng Anh




Vừa kết thúc kì thi đại học, Hoàng Anh có cả tá thời gian “chết” cần được lấp đầy. Anh thơ thẩn ở nhà hàng xóm, nơi có người chị hay quanh quẩn bên cạnh lò nướng. “Thời ấy, ai đi học làm bánh là chuyện hiếm. Nhà có lò nướng thì càng hiếm hơn. Tôi thấy lạ nên cũng tập tành làm mẻ bánh đầu tiên”, Hoàng Anh hồi tưởng lại về “người thầy” đầu tiên của mình. 


Cảm giác vui sướng khi mẻ bánh đầu tiên ra lò đã đọng lại trong Hoàng Anh mãi đến sau này. Hễ gặp căng thẳng, anh làm bánh. Hễ thấy vui vẻ, anh nhào nặn bột. Khi chấp nhận bỏ ngành tiếng Trung và mông lung không biết làm gì tiếp theo, thứ loé lên trong đầu anh cũng chính là bánh ngọt. “Tôi làm bánh tặng cho bạn bè và gia đình. Họ ăn thấy thích thì lại muốn đặt thêm. Dần dần tôi mở cửa hàng chuyên bán bánh cupcake”. 



Thế nhưng khi nhìn ra thị trường bánh Việt Nam lúc đó, Hoàng Anh bất ngờ nhận ra chiếc cupcake nào cũng tương tự nhau, chiếc bánh ngọt nào cũng mang dáng vẻ và kiểu trang trí tương tự thế. “Nếu làm ra một sản phẩm mà khách hàng có thể tìm thấy ở bất kì đâu ngoài kia, vậy thì tôi không phải là nghệ sĩ, công việc của tôi cũng không có tính sáng tạo”, anh Hoàng Anh cho biết. Anh quyết định tìm hiểu dòng bánh đường - thể loại bánh làm từ đường fondant có kết cấu dẻo, giúp người thợ tự do nặn hình. Ngày đó, không có trường lớp nào dạy về bánh đường, nguồn học duy nhất của Hoàng Anh là từ mạng Internet. “Tôi xem các video hướng dẫn, hoặc nhìn theo một tấm ảnh bánh mẫu và tự khám phá ra cách làm. Cho đến khi không thể tự mình ‘vùng vẫy’ được nữa, tôi tiết kiệm tiền để tham gia các khoá học ngắn về bánh đường ở nước ngoài”, Hoàng Anh chia sẻ. 



Cho đến thời điểm hiện tại, Hoàng Anh đã là nhà sáng lập của tiệm bánh kiêm trung tâm đào tạo nghề bánh đường Mito Sweet. Từ đôi bàn tay, anh nhào nặn những bông hoa nhìn mỏng tang và tinh xảo như thật. Chiếc nơ hoá ra là bánh ăn được. Ngỡ tòa nhà là mô hình mô phỏng nhưng bên trong lại là kem bơ. “Nguyên tắc khi làm ngành thực phẩm là bất kỳ cái gì đặt lên dĩa thì đều phải ăn được. Khi người ta đưa ra chất liệu đường fondant, những người thợ như tôi dường như đều có thể là nghệ sĩ. Những loại bánh khác nghiêng về vị giác nhiều hơn. Trong khi đó, bánh đường sẽ ưu tiên thẩm mỹ/phần nhìn trước đó”, Hoàng Anh nói. 



Tuỳ vào độ tinh xảo, anh Hoàng Anh tiết lộ mỗi chiếc bánh sẽ có thời gian hoàn thành khác nhau. Có loại bánh chỉ cần vài tiếng, nhưng cũng có loại mất gần cả tháng mới thành hình. “Tôi thử nghiệm nhiều chất liệu như socola, kem bơ, đường fondant. Mỗi chiếc lá hay cánh hoa nhiều khi cũng mất gần nửa tiếng nhào nặn, chỉnh sửa”. Theo đó, người nghệ sĩ thường đi theo 3 bước sau để tạo ra một chiếc bánh ngọt nghệ thuật: 


Bước 1: Lên concept: Chất liệu, phụ kiện gì?, trang trí thế nào?

Bước 2: Lên bảng vẽ phác thảo để hình dung bánh tốt hơn 

Bước 3: Bắt tay vào làm bánh



Chính vì mất nhiều công sức và thời gian, mỗi chiếc bánh đường có thể dao động từ vài triệu đến gần cả trăm triệu tại thị trường Việt. Không chỉ bán cho những thực khách bình thường, Hoàng Anh cho biết nhu cầu của thương hiệu đối với dòng bánh này cũng khá cao. Họ thường tìm đến Hoàng Anh để đặt bánh mô phỏng sản phẩm hoặc cho các sự kiện tri ân khách hàng. Theo chia sẻ của Hoàng Anh, anh từng mất gần 1 tháng để làm bánh đường mô phỏng Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh trong một sự kiện riêng tư của Gucci. Ngoài ra, bánh ngọt của Hoàng Anh cũng từng xuất hiện trong lễ ra mắt phim Gái già lắm chiêu và mô phỏng sản phẩm cho thương hiệu thời trang Louis Vuitton. 


Giữa thị trường có rất nhiều dòng bánh khác nhau, bánh ngọt của Hoàng Anh được đánh giá là chạm ngưỡng nghệ thuật. Hoàng Anh cũng được gọi là nghệ sĩ thay vì thợ làm bánh. Nói về việc này, anh Hoàng Anh cho rằng “một người thợ làm bánh nếu muốn được coi là nghệ sĩ thì họ phải là người thợ lành nghề trước đã”. Hoàng Anh nghĩ rằng điều này có thể đúng với nhiều ngành nghề sáng tạo khác nhau. Muốn trở thành một người viết hay, bạn trước tiên phải là người viết đúng. Muốn trở thành một hoạ sĩ sáng tạo, tranh vẽ của bạn đầu tiên phải thoả mãn những nguyên tắc hội hoạ trước đã. “Một sản phẩm thủ công thì phải đẹp trước đã rồi mới tính tới sáng tạo. Vì vậy, với người mới vào nghề, tôi nghĩ mục tiêu không phải là làm ra cái mang dấu ấn của riêng mình, mà là đủ kỹ năng để làm ra một sản phẩm thuận mắt trên thị trường chung”.



Những yêu cầu của một người thợ làm bánh bao gồm tính thẩm mỹ, chú trọng vào tiểu tiết và sự sáng tạo. Dù nổi tiếng với những chiếc bánh nghệ thuật, Hoàng Anh cho biết mình không phải là một nhà sáng tạo với năng khiếu bẩm sinh. “Tôi không nằm trong nhóm thiên tài cứ hễ nhìn thấy vật gì là nghĩ ra ý tưởng sáng tạo. Ngược lại, tôi chẳng biết sáng tạo là gì và phải học hỏi nó theo thời gian”, Hoàng Anh chia sẻ. 


Hoàng Anh học sáng tạo bằng cách quan sát, lắng nghe và thực hành. Nhờ sự lành nghề của mình, Hoàng Anh được mời về giảng dạy ở các trung tâm làm bánh nước ngoài như Singapore, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan,… với số lượng học viên đông đảo lên tới hàng ngàn. Thế nhưng, thỉnh thoảng, người ta lại thấy Hoàng Anh xuất hiện với tư cách là một học viên, đứng bên cạnh chính những người anh từng đào tạo. “Làm bánh hay bất kì một lĩnh vực sáng tạo nào cũng đều rất rộng. Học chẳng bao giờ là đủ. Thế giới sáng tạo luôn xuất hiện nhiều thứ mà nếu không học bạn sẽ bị tụt lại phía sau”, Hoàng Anh cho biết. 



Là một người không có đào tạo bài bản về mỹ thuật, thế nhưng bánh của Hoàng Anh lại luôn có hình khối cân đối và màu sắc hài hoà. Anh tiết lộ rằng mình chỉ cố gắng… sao chép vào thời gian đầu. “Tôi vẫn luôn nói với các bạn học viên bây giờ rằng không cần các bạn sáng tạo, chỉ cần các bạn sao chép giỏi. Sao chép trước rồi hẵng sáng tạo sau, bởi vì giai đoạn sao chép giúp các bạn nâng cao tay nghề. Một bông hoa, một lẵng hoa, một khung cảnh hoàng hôn buổi chiều, bình minh buổi sáng đã rất đẹp rồi. Công việc của mình là sao chép những thứ đẹp đẽ ấy vào. Dần dần bạn sẽ sáng tạo được”, anh Hoàng Anh nói. 


Bên cạnh vai trò một nhà sáng tạo, anh Hoàng Anh cũng đảm đương công việc/vai trò của một người cung cấp dịch vụ. Vì vậy, anh càng hiểu rằng kể cả khi không sáng tạo được, bạn ít nhất vẫn phải đảm bảo sản phẩm đáp ứng đủ tiêu chuẩn Đẹp - Ăn được - Bán được cho khách hàng. Khi đứng trước một nhà sáng tạo bảo rằng “tôi mất cảm hứng nhưng cũng không làm ra được sản phẩm đúng tiêu chuẩn”, anh Hoàng Anh thẳng thắn chia sẻ rằng “Có thể vấn đề của bạn nằm ở kỹ năng chứ không phải cạn kiệt cảm hứng sáng tạo”. 

 


Nghệ sĩ bánh ngọt Hoàng Anh: "Bạn phải là một người thợ lành nghề rồi mới trở thành một nhà sáng tạo"

Hằng Trần

Hằng Trần

Content Creator | Advertising Vietnam

15 Thg 01 2023

Lưu

Cùng chuyên mục